Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ VÀ NHỮNG LỜI BÀN ĐỂ ĐỜI CỦA LÊ VĂN HƯU

Phạm Khang
Chủ nhật ngày 24 tháng 1 năm 2016 9:46 PM





Lê Văn Hưu ( 1230 – 1323), người làng Phủ Lý, xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là nhà sử học đầu tiên nổi tiếng ở nước ta. Lê Văn Hưu thuộc đời thứ 7 của ông Trấn quốc Bộc xạ Lê Lương thời Đinh – Lê đã nổi tiếng hào trưởng vùng Châu Ái. Không những giỏi về lịch sử, ông còn được biết đến là nhà văn có tài. Thuở nhỏ chăm học, thông minh. Chuyện kể rằng, lúc còn nhỏ đi học qua lò rèn ở chợ, ông thấy dùi sắt muốn xin, thợ rèn ra vế đối, Lê Văn Hưu đối lại lưu loát, ông thợ rèn thích chí bèn thưởng cho cái dùi đóng sách vở và tiền: “Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò làm nên dùi vở;

“Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi thi đậu trạng nguyên”.

Năm 1247, nhà Trần mở khoa thi lấy ba người đỗ đầu, ông đỗ thứ hai (Bảng nhãn) cùng với Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Sau ông làm quan ở Viện Hàn lâm, kiêm Giám tu Viện Quốc sử. Theo lệnh của Vua năm 1272 ông soạn xong bộ Đại Việt sử ký, chép và luận bàn từ triều Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng. Đây là bộ sử chính thức đầu tiên ở nước ta được đông đảo các nhà sử học, giới nghiên cứu trong và ngoài nước dựa vào để soạn lại lịch sử, nghiên cứu về thể chế, chính trị, con người, phong tục, núi sông…Đại Việt xưa và Việt Nam ngày nay.

Khi làm sử nước nhà, Lê Văn Hưu đã thể hiện một quan điểm thẩm mỹ bằng một ngòi bút giàu cảm xúc và gây xúc động cho người đọc. Ông luôn tôn trọng và tự hào với những công lao gian khổ, oanh liệt của cha ông trong quá khứ. Lê Văn Hưu nhiệt liệt ca ngợi hành động anh hùng của Hai Bà Trưng “hô một tiếng mà Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và sáu mươi lăm thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng” đáng để cho “những bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay chịu làm tôi tớ cho người phương Bắc” phải nhìn vào mà hổ thẹn. Ông ca ngợi Ngô Vương Quyền lần đầu tiên khai sáng nền tự chủ cho dân tộc, người mà chỉ “một cơn giận làm yên được dân nước mình, mưu đã hay mà đánh cũng hay”. Là người mang hoài bảo to lớn với yêu cầu thống nhất quốc gia, ông tán thưởng công lao dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Tiên Hoàng gom non sông về một mối. Ông so sánh kỳ tích đánh giặc Tống và tiễu trừ nội loạn của Lê Đại Hành với sự nghiệp xây dựng đất nước, cố kết lòng dân, sáng suốt trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ “làm cho lòng người vui vẻ suy tôn, làm cho vận nước dài lâu” với tinh thần khách quan, tự hào dân tộc mãi lưu danh. Lê Văn Hưu có nhiều bình luận trong sử rất độc đáo và rất hay. Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn một vài bình luận tiêu biểu được nhà nghiên cứu Hán – Nôm Bùi Vĩ tổng hợp:

1.“Xem sử đến thời nước Việt ta không có vua, bị bọn thứ sử người Bắc tham tàn làm khổ…bất giác cảm thấy hổ thẹn…Xin trời vì nước Việt ta sớm sinh thánh nhân, tự làm hoàng đế nước nhà, để khỏi bị người phương Bắc cướp vét.” (Lời bàn về thời ngàn năm Bắc thuộc).

2.“Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoàng Thao, mở nước xưng Vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói một lần nổi quân mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng Vương, chưa lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã được nối lại.” (Lời bàn về sự nghiệp tự chủ của Ngô Vương Quyền).

3.“Đinh Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước, dựng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ dần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt mà lại sinh ra bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?” (Lời bàn về sự nghiệp thống nhất đất nước của vua Đinh Tiên Hoàng).

4.“Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm quân Biện Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên. Công đánh dẹp, chiến thắng, dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được.” (Lời bàn về sự nghiệp của vua Lê Đại Hành).

5.“Lê Ngọa triều giết anh, tự lập làm vua, bạo ngược với dân chúng để thỏa lòng hung ác đến nỗi mất nước, mất ngôi, không phải là sự bất hạnh của nhà Lê mà lỗi ở Lê Đại Hành không sớm đặt Thái tử và do Trung Tông không biết giữ từ khí mới chớm nên đến nỗi thế.” (Lời bàn phê phán Lê Hoàn không biết dạy con).

6.“Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm, Tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn ngàn người ở kinh sư, thế thì tiêu phí của cải và sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của cải không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là việc làm phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp tự mình cần kiệm, còn lo con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Lý Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ phật lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn người thân, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước lúc nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đây.” (Lời bàn phê phán Lý Công Uẩn lãng phí của nước, vơ vét của dân khiến cho đất nước bị chìm đắm vào thờ Phật).

7.“Phàm người xưa gọi là điềm lành là nói việc được người hiền tài, đức độ và được mùa, ngoài ra không có gì đáng gọi là điềm lành cả. Huống chi, chim quý, thú lạ, không nuôi ở Quốc đô, cũng là lời khuyên răn của các vua đời trước để lại. Thần Tông nhân Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc dâng hươu trắng cho là vật điềm lành, cho Lộc tước Đại Liêu Ban, cho Tử Khắc tước Minh Tự thì cả người thưởng và người nhận đều sai cả.

Tại sao vậy? Thần Tông vì dâng thú mà cho quan tước, thế là lạm thưởng, Lộc và Khắc không có công mà nhận thưởng, thế là dối vua. (Lời bàn phê phán việc ban thưởng, lối xu nịnh không công bằng).

Những lời bàn trên của Lê Văn Hưu đến nay mỗi chúng ta khi đọc đều có thể lấy đó để tự răn mình, học tập và đặc biệt là vẫn nguyên tính thời sự của nó. Chao ôi! Cái đen trắng, nguy cơ vẫn luôn song hành trong một xã hội hiện đại mà nhiều lúc nhớ lại, ngẫm ra ta không khỏi giật mình, đau đớn và sợ hãi.

Lại nói về chuyện văn chương, Lê Văn Hưu để lại bằng văn bản học các tác phẩm của ông không nhiều. Nổi bật lên vẫn là bài thơ “Tây hồ huyệt” (theo sách “Nho thần di cảo”), ở đó ông cảm thán, gửi niềm tâm sự trong cái thế thái nổi trôi nhân tình, cuộc thế bể dâu tan tan… hợp hợp:

Tây Hồ huyệt

(Phiên âm)

Tây Hồ nguyệt bang

Ngũ du thủy chí

Thế sự phân long

Khí chung thành tượng

Hưu hà vô yên?

Hoa phi lưỡng dạng,

Mục nhàn đắc châu

Văn sư vũ hạng…

Sơn phong phù cung,

Thủy hội đương tiến,

Xứ giai hữu huyệt

Văn võ lưỡng toàn.


Bản dịch của Bùi Vĩ:

Huyệt táng ở Tây Hồ


Tây Hồ trăng soi

Năm dòng nước tới

Thế tựa chia rồng

Khí hun đúc tượng

Cớ sao không yên?

Hoa bay đôi dạng

Mắt nhàn được châu,

Văn tài, võ tướng…

Ngọn núi phò cung

Nước về đương tiến,

Xứ đều có huyệt,

Văn võ song toàn.

Cuối đông 2015. PK.