Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VŨ CAO QUẢN LÍ VĂN NGHỆ

Vương Trí Nhàn
Thứ ba ngày 5 tháng 1 năm 2016 4:23 AM



Theo nhiều người kể lại, ngôi nhà 4 Lý Nam Đế, nơi làm việc của tạp chí Văn Nghệ Quân đội từ 1957 đến nay, vốn được xây từ trước 1945 để dành cho phi công Nhật. Các phòng gác hai được lát bằng thứ gỗ phẳng lỳ, anh em sống ở tòa soạn chúng tôi thường lau sạch đi, lấy chỗ để hàng chục người có thể ngồi họp hành nghiêm chỉnh hoặc quây quần tán chuyện.
Sau khi lễ mễ mang cả xô nước từ bể lên gác lại nhoài người lau nhà, mọi người không khỏi tiếc sức, nên trước cửa thường không quên đề rõ rằng vào phòng để dép ở ngoài. Nhưng có lần anh Hà Trì, người trình bày các số báo, kể với tôi:
-- Ông mới về không biết, hồi trước đã có lần hình như ông Oánh thì phải đã phải đề rất rõ “Giày dép để ngoài, trừ Vũ Cao”.
-- Sao lại có cái lệ lạ lùng vậy, chắc là để chiếu cố thủ trưởng?
-- Hồi ấy đâu ông Cao đã lên Phó chủ nhiệm mà chiếu với chẳng cố. Căn bản là ông Cao ở cái phòng dưới nhà mình chuyên đi đất, ra ngoài mới xỏ dép, nên vào phòng đi dép hay bỏ dép cũng thế. Tóm lại chân Vũ Cao lúc nào cũng bẩn, có thế mà cũng không hiểu, bố trẻ ạ!
Người phụ trách tờ báo của chúng tôi có tính xuề xòa thật. Trong khi các thành viên tòa soạn hai người một phòng trong ngôi nhà hai tầng sang trọng trên gác thì thủ trưởng Vũ Cao và thủ phó Từ Bích Hoàng chỉ mỗi người một phòng, loại phòng nhỏ dưới ngôi nhà một tầng tường mỏng cửa giả sơ sài, mùa hè thì nóng mùa đông thì lạnh. Bàn ghế không có gì khác anh em. Nhân viên có đến làm việc ngồi cạnh cái bàn gỗ mộc. Người công vụ của cơ quan là anh Mạn chỉ ưu tiên cho hai vị hơn hẳn anh em là mỗi sáng đun sẵn cho mỗi người một phích nước sôi, để các vị tiếp khách.
Trong đời cán bộ của mình trước sau tôi chỉ ở có hai nơi là Văn nghệ quân đội và nhà xuất bản Tác phẩm mới sau là nhà xuất bản Hội nhà văn, nên không được biết nhiều về lề lối làm việc hồi ấy, nhưng rõ ràng Vũ Cao là loại người xuề xòa hiếm có. Xin kể hai chuyện có liên quan tới bản thân.
Năm 1964, tôi đi bộ đội theo chế độ nghĩa vụ quân sự và bắt đầu đeo cái lon binh nhì. Sau mấy tháng luyện quân ở Nà Sản, lúc được gọi về làm giáo viên văn hóa, nghĩa là làm đúng chuyên môn của mình, tôi cũng chỉ bò dần theo chế độ hạ sĩ quan; tới khi từ Đoàn kịch Tổng cục chính trị chuyển sang tạp chí, mới chỉ đeo quân hàm thượng sĩ.
Ở Văn Nghệ quân đội đâu độ gần một năm rồi tôi mới được chuyển dần lên chuẩn úy quân nhân chuyên nghiệp 1970, rồi thiếu úy theo hệ sĩ quan chính thức năm 1971, và từ 1976 tới khi xuất ngũ 1978 là trung úy.
Tôi còn nhớ rất rõ cả mấy lần nhận giấy thăng chức. Buổi sáng thức dạy tập thể dục và ăn sáng xong, đang leo lên cầu thang, chuẩn bị làm việc, tới nửa chừng, bỗng nghe có tiếng Vũ Cao khẽ gọi, nhưng lại giật giật từng tiếng một Nhàn Nhàn, tôi không hiểu ra làm sao cả. Sao trước đó thủ trưởng lại cứ đi đi lại lại như đã chờ mình thì phải? Mọi khi có việc gì anh vẫn nhắn qua anh em khác để hẹn tới tận phòng, sao lần này sao khác hẳn? Tôi đã tới sàn tầng một. Vũ Cao đang tay chắp sau lưng vụt giơ về phía tôi tờ giấy với một câu nói khẽ “Của cậu đây này”, rồi bỏ đi luôn không chờ tôi hỏi lại một lời. Lúc lên phòng mở ra, hóa cái quyết định trao quân hàm. Tôi biết rằng ở nơi khác mỗi lần như thế, các thủ trưởng cơ quan làm rất bài bản. Gọi nhân viên tới. Trước khi đưa quyết định thì huấn thị dài dài, yêu cầu thời gian tới thế nọ thế kia. Và nhất là cố làm cho người được thăng chức biết công ơn mình, nay mai tiếp tục hầu hạ mình. Đằng này Vũ Cao làm như một việc chẳng dây dưa gì đến anh cả, cấp trên đưa tờ giấy phong ai thì anh trao cho người đó thế thôi, và là trao ngay giữa lối đi.
Đến như cái chuyện sau đây thì bây giờ tôi vẫn giật mình không ngờ lúc ấy mình liều thế mà Vũ Cao cũng dễ dãi với mình đến mức vô nguyên tắc đến thế. Hè năm 1972 đó tôi có quyết định theo một đoàn văn nghệ (gồm có các anh Thu Bồn Sơn Nam bên tạp chí tôi, anh Trần Anh Vinh và anh Sơn Nam bên PhòngVăn nghệ) đi chiến dịch Quảng Trị. Theo nguyên tắc mỗi sĩ quan sơ cấp như bọn tôi đều phải mang theo một khẩu súng lục. Từ lúc lĩnh về, tôi cũng chẳng mở ra xem nữa. Chỉ muốn để ở nhà cho đỡ nặng nợ. Cứ ấp úng mãi, lúc sắp lên ô tô, tôi không nhịn được nữa, đành nói thật với Vũ Cao:
- -- Anh cho em để nó ở nhà được không?
Sau một phút suy nghĩ, Vũ Cao phẩy tay:
-- Ừ! cất ngay vào tủ trên gác đi…
Sau này biết tôi không mang súng, thiếu tá Anh Vinh trưởng đoàn còn cằn nhằn mãi. Tới một trung đoàn, anh xin hộ tôi một khẩu carbin và bắt tôi mang theo. Lúc này đã vào chiến trường rồi, tự nhiên tôi cũng thấy cần có một khẩu súng nhỏ bên mình, dù cũng chẳng bao giờ tôi nạp đạn để bắn một viên nào cả.
Cái nét phóng khoáng trong sinh hoạt thật ra chỉ là một hậu quả tự nhiên của cái phóng khoáng chung trong quan niệm sống của Vũ Cao.
Nhìn bọn anh em viết trẻ chúng tôi, bao giờ Vũ Cao cũng mủm mỉm cười. Anh gọi chúng tôi là một lũ “nhốn nháo cách mạng” và ngầm có ý bảo rằng hôm qua bọn mình cũng như các cậu có khác gì đâu.
Sinh hoạt tư tưởng trong những năm chiến tranh có những sự gò bó chấp nhặt rất lạ. Một bậc đàn anh dạy nghề trực tiếp, người nối tôi với tòa soạn bấy giờ là Nguyễn Minh Châu. Trong những buổi tối trò chuyện đủ thứ với nhau, tác giả Cửa sôngthường không quen dặn tôi, giữa quan điểm văn nghệ của cơ quan mình với các cơ quan chung quanh vênh nhau lắm, có nhiều chuyện nói trong cơ quan thì được vào trong thành hay trước mặt các phái viên Tổng cục mà cứ nói linh tinh thì khốn đấy. Tôi thấm thía lời dặn đó của Nguyễn Minh Châu, rõ nhất là trong một lần đi họp với mấy vị phụ trách Thư viện và nhân viên các phòng Tư liệu của các cơ quan báo chí bên cạnh. Với niềm tự tin và cảnh giác cao độ, các đồng chí đó đặt vấn đề phảiquản văn nghệ báo chí thật chặt, ngay các biên tập viên các phóng viên cũng không được đọc các tài liệu ngoài quy định của Tổng cục. Ở một trình độ cao hơn, tôi nghe ra một nguyên tắc nghiêm ngặt có tính chỉ đạo chung, là phải xây dựng một nền văn nghệ riêng, không để cho những linh tinh bên ngoài đột nhập.
Họp xong về, tôi lắc đầu le lưỡi bảo với Nguyễn Minh Châu và mấy người khác, hôm nay tôi mới hiểu thế nào là kỷ luật tuyên truyền trong quân đội.
Câu chuyện rồi cũng đến tai cả Vũ Cao và Từ Bích Hoàng. Vũ Cao bảo nghe ai nói thế nào lúc nào phải phân tích cho kỹ, có khi người ta nói với mình một khác, mình lại nghe lầm thì sao. Còn cụ thể trong trường hợp này, biết tôi có nhiều bạn bè bên ngoài, Vũ Cao dặn là biết thế thôi chứ đừng có đi mà nói rộng ra với cánh Xuân Quỳnh Bằng Việt nhỡ anh em hiểu lầm.
Trong một dịp hiếm hoi, Vũ Cao nói thêm với tôi rằng cả trong những buổi họp với cấp trên, anh vẫn báo cáo cho các vị rõ là không có chuyện đó, không có chuyện một nền văn nghệ quân đội hoàn toàn cô lập, và các vị không có ý kiến gì khác.
Nên biết rằng hồi đó, giấy in báo không có, và hình như bên Tuyên giáo cũng không muốn có nhiều báo làm gì, phát sinh nhiều chuyện thêm mệt. Từ 1964 về trước, cả giới còn có tờ tạp chí Văn Nghệ của Hội liên hiệp và tờ báo hàng tuần Văn họccủa Hội nhà văn. Sau kỳ Đại hội Hội liên hiệp lần thứ hai, hai tờ này sát nhập lại gọi chung là Văn nghệ. Tờ báo 16 trang mỗi tuần mà phải cõng chung cho cả mỹ thuật, âm nhạc sân khấu, quả thật còn đâu ra đất để mà dành cho các nhà văn. Văn Nghệ quân đội chúng tôi lúc ấy do Tổng cục chính trị quản. Đằng thằng mà nói, những người phụ trách tạp chí có thể làm theo cái lối là khóa chặt cửa lại, chỉ đăng sáng tác cho anh em nhà, cũng chả ai phê phán anh được. Thời các anh Văn Phác Thanh Tịnh — những người tiền nhiệm của Vũ Cao — việc mở cửa đã bắt đầu nhưng còn khá dẻ dặt. Tới Vũ Cao thì việc này thành một nền nếp. Nhất là Văn nghệ quân đội rất sẵn sàng đón nhận những tác phẩm hay của các bạn trẻ. Tôi nhớ hồi đó, tất cả những Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Hoàng Hưng, Thi Hoàng, Nguyễn Khắc Phục… đều có thơ hay truyện đăng ở Văn nghệ quân đội và các tác giả trẻ này đều cảm thấy tạp chí không hề có tính chất căng cứng hoặc biệt lập gây cho người khác chút mặc cảm nào cả.
Sau này tôi mới hiểu Vũ Cao làm thế -- không bao giờ tự coi là dân đứng ngoài, không muốn dính dáng đến các sinh hoạt văn học chung -- không phải là chuyện ngẫu nhiên. Sự gắn bó giữa phong trào văn nghệ trong Quân đội với lực lượng sáng tác dân sự đã có từ thời kháng chiến chống Pháp. Hồi ở Hương Ngải, một trong những câu chuyện đầu tiên Nhị Ca kể với tôi là chuyện Nguyễn Đình Thi sau khi đi chiến dịch trung du đã ghé lại chỗ các anh, ngồi lì 18 ngày viết cho xong Xung kích mới quay về cơ quan Hội văn nghệ, đưa cho các ông Trường Chinh Tố Hữu duyệt. Vũ Cao thì kể hồi 1948-49, cơ quan của anh tuy đã kéo lên Việt Bắc song vẫn có bộ phận ở Hà Nội, trên này cần gì dưới đó mang lên. Và thế là các anh có cả một lô những cuốn sách bằng tiếng Pháp, cái quyển mà Vũ Cao nhớ hơn cả đâu là cuốn Cơn bão táp của Ehrenburg. Nghe tin có sách, Nguyễn Đình Thi đang từ cơ quan Hội văn nghệ đi bộ cả ngày đường sang chỗ Vũ Cao đọc nhờ. Mình vừa phải cho nó đọc sách, vừa phải nuôi báo cô nó mấy ngày – Vũ Cao vừa nói vừa cười khà khà vẻ tự tin của một người từ trẻ đến già luôn luôn là ông chủ những cơ ngơi đàng hoàng. Trong các câu chuyện của ông với chúng tôi về thời nay của văn nghệ, ông không cần nhắc nhiều nhưng cái cảm giác về thời xưa ở Việt Bắc cứ còn mãi trong ông, chả chuyện gì bên Hội nhà văn – bao gồm cả người và việc -- lọt qua mắt ông cả.
1970, Nam Định làm lễ kỷ niệm 100 năm sinh Tú Xương. Văn Nghệ quân đội cũng một ô-tô riêng về thành Nam. Trở về Vũ Cao chỉ nói với tôi:
-- Sừ Tô Hoài ghê thật!
-- Sao hả anh?
-- Có coi ai ra gì đâu. Ngồi trên chủ tịch đoàn mà tôi để ý toàn thấy tay ấy viết cả. Hình như đang viết một tiểu thuyết về Cao Bá Quát. Ra ngoài tay ấy còn bảo là sẽ gửi cho bên mình vài chương. Tôi đồng ý ngay.
Sự thông thuộc tình hình cả giới bảo đảm cho mọi sắc thái làm nên phương hướng mà Vũ Cao phải quyết định .
Đứng về mặt sáng tác, tác phẩm của Vũ Cao ở lại với lịch sử văn học chiến tranh chỉ có Núi đôi, bài thơ mà trong thời chống Mỹ, khi tìm hiểu nhiều ba lô các liệt sĩ, người ta thấy nó được chép rất nắn nót trong khi họ chẳng chép bài nào của Tố Hữu.
Về con người thi sĩ nơi Vũ Cao, riêng tôi chỉ một lần đọc là dù quên tên nhưng thuộc ngay được bài lục bát sau:
Mẹ tôi ru cháu chiều chiều
Thường là hát mấy câu Kiều cháu nghe
Mây hồng khóa kín song the
Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao
Tôi rằng cháu hiểu làm sao
Những câu thơ tự thuở nào mẹ ơi
Lặng yên mẹ chẳng trả lời
Hai tay ôm cháu ạ ời vẫn ru
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy se tơ phím này
Con tôi đôi má hây hây
Lại yên giấc ngủ thơ ngây chiều chiều
Bâng khuâng mẹ nói một điều
Nghĩ mà thương phận cô Kiều ngày xưa
Cũng giống như Chính Hữu, Vũ Cao chỉ có độ vài chục bài thơ. Và cái chính là trong cách sống, ông vẫn có chất của một cán bộ quân đội làm công tác phụ trách, còn người nghệ sĩ trong ông thì còn ở dạng nghiệp dư, khi vui thì viết, cũng không có một bài bản gì đầy đủ, lại càng không chất ngất quyết tâm trở thành nhà văn lớn.
Tuy nhiên đối với tôi, đây là một loại quan chức văn nghệ phù hợp với tình hình lúc ấy.
Một đặc điểm của sinh hoạt văn học trong thời gian chống Mỹ, là có rất nhiều vụ đánh đấm sát phạt nhau. Tôi sẽ nói lại tình trạng này trong một hồi ký riêng, ở đây chỉ nói một đặc điểm là rất nhiều vụ trong đó được đẩy lên quá mức cần thiết, nhiều vụ không đáng có mà vẫn xảy ra, chẳng qua là có các vụ đấu tranh tư tưởng trong xã hội nói chung thì người ta phải mượn việc đe nẹt giới văn nghệ để nêu gương. Hồi chiến tranh phá hoại, máy bay Mỹ có cái lệ là sau khi oanh kích các mục tiêu ở Bắc bộ, lúc trở về hạm đội trên biển, còn bao nhiêu bom phải trút ra bằng hết. Và các làng xóm ven biển Nam Định Thái Bình, nhiều khi là một cánh đồng, một bãi hoang vu vơ trở thành nơi hứng bom lu bù là vì thế. Việc giới văn nghệ được ví với những vùng ném bom tự do – cái cách nghĩ có ở một số anh em thạo đời hồi ấy -- đã chứng tỏ văn nghệ có một thân phận như thế nào. Liên tục bi cột vào những vụ việc không hiểu đầu cua tai nheo ra sao, cả đám cứ nơm nớp như đám con nhà nghèo, sợ cảnh bố mẹ cãi nhau lại mang mình làm cớ. Hơn thế nữa, những việc vội vã này cũng mở ra con đường cho những ngòi bút cơ hội, lấy việc hưởng ứng cấp trên để lập thân -- đó mới là điều di họa cho thời gian sau.
Tôi còn nhớ khi xảy ra các vụ Cái gốc, Tình rừng, đến các vụVòng trắng vòng đen, Cây Táo ông Lành… thì ở nhà số 4 chúng tôi, các bậc đàn anh năng nổ là người xầm xì với nhau đầu tiên. Nguyễn Khải mang về các tin bên Hội nhà văn. Hữu Mai thì có đầu mối là các người quen trong Tổng cục chính trị, cái chữ mà chúng tôi hay dùng là “dân thạo tin trong thành”. Cách nói của Nguyễn Khải là cứ toe loe ầm ĩ cả lên, trong khi Hữu Mai thì úp úp mở mở, nhưng các anh đều ngầm nói rằng chắc là phen này Tạp chí mình cũng phải lên tiếng chứ. Với vai trò là nhân vật số một của VNQĐ, tôi đoán mọi chuyện Vũ Cao đã biết ngay từ đầu, nhưng trong các buổi họp, Tổng biên tập của chúng tôi – mà hồi đó còn dùng cái chức danh Chủ nhiệm -- chỉ nói là chờ cấp trên. Họp xong giải tán trở về phòng riêng, Nhị Ca nói thẳng với tôi rằng cấp trên là ai, là ông ấy [ = Vũ Cao] chứ còn ai nữa, vậy chắc là người còn đang tính, nhưng chắc là bố mày chả làm gì đâu. Từ lâu mấy anh em làm công tác trị sự trong cơ quan như anh Hà Trì, anh Doãn Trung đều bảo với tôi ông Cao nhà mình tuy chức danh chỉ ngang trưởng phòng, nhưng lại có chân trong Đảng ủy Tổng cục, nơi mà các ông Cục trưởng bình thường cũng không dám mơ. Thế mà Vũ Cao đã trúng mấy khóa liền. Về văn nghệ, người ta có làm gì cũng phải tính đến ý kiến của ông. Nên lần này nghe Nhị Ca nói vậy, tôi tin ngay. Quả nhiên Vũ Cao đã chi đạo tờ tạp chí của mình yên lặng đứng ngoài không tham gia vào các vụ đánh đấm, các chiến dịch truy quét sai lầm đương thời.
Khỏi phải nói trong việc này, Vũ Cao đã phải suy nghĩ rất nhiều. Nó là chuyện sinh mạng chính trị của các quan chức. Đấu đá đang là không khí của thời đại. Chỉ có con người lịch lãm và tự tin mới dám giữ một sự im lặng như vậy. Mà với ông nó là một sự nhất trí một sự liên tục.
Từ 1970, đang từ giọng thơ trữ tình dẫu sao cũng còn đằm thắm, Chế Lan Viên ngả hẳn sang những bài thơ chính luận sống sượng và trong các phát biểu trong các Hội nghị thì có cái giọng sát phạt đe nẹt khiến nhiều người biết Chế Lan Viên từ hồi chữa bệnh ở Trung quốc về không khỏi ngạc nhiên. Tôi tưởng trong cơ quan chỉ Nguyễn Khải vì là người hay đi lại bên Hội biết con người Chế Lan Viên thế nào (điều này tôi đã kể trong các hồi ức về Nguyễn Khải), còn ông Vũ Cao cứ lầm lầm lì lì ngồi đọc Oeuvre et Opinion với lại Lettre Francais không để ý. Hóa ra tôi nhầm.
-- Lâu nay cứ tưởng thế nào, giờ mới biết chính bố Lành đứng đằng sau Chế Lan Viên xúi hết.
Vũ Cao thủng thẳng nói, nhân một lần anh ghé lại chỗ mấy anh em khác trong đó có tôi.
Cái sự Vũ Cao không tham gia các vụ đánh đấm trong mấy năm ấy hóa ra có cả một quan niệm chi phối dài dài. Anh đã là đồng đội từ Thâm Tâm, đã chứng kiến những phút bi phẫn của Thâm Tâm trước khi hy sinh. Trần Dần là người anh từng mến mộ và có quan hệ tốt với cả gia đình anh. Anh thường nhìn Văn Cao với con mắt của một người cùng quê, trên đường lập nghiệp. Trong những bài thơ Vũ Cao viết hồi kháng chiến, tôi nhớ có bài Đèo trúc với mấy câu kết “ Lên ngang dốc núi / Chợt thấy mình say/ Người ơi hoa tím / Đầy rừng hoa bay”. Kháng chiến hồi đầu là thế, là một lũ thanh niên thích giang hồ kéo nhau đi vừa phục vụ xã hội vừa thỏa chí tò mò. Trong bụng ai cũng một mớ lơ mơ, chỉ có người nói ra thế này người nói thế khác, người ngông cuồng quyết liệt, người lặng lẽ thể nghiệm, chứ sai lầm tư tưởng gì, địch ta gì ở chuyện này.
Chính thức ra công khai từ 1957, thật ra lúc đầu Văn Nghệ quân đội vẫn còn tính chất một bản tin nội bộ. Các vụ đấu tranh chống ảnh hưởng xét lại lẫn xu hướng học theo cách mạng văn hóa bên Bắc Kinh có được giới thiệu ít nhiều trên trang báo khổ lớn thì cũng viết theo các tài liệu từ cấp trên đưa xuống từ bên ngoài đưa vào, chứ không phải lả tiếng nói của các người trong cuộc. Cái sự nhũn nhặn không tham gia vào việc mình không thạo, chỉ lo việc cấp trên giao phó cho mình, thực ra là cả nguyện vọng chung của các cây bút mới thành danh trên tạp chí, chứ không của riêng ai. Nhưng trong tay một người chừng mực và lão luyện như Vũ Cao, nó có sự đúng mức mà người ta có thể vì nể.
Trong việc quản lý Văn nghệ quân đội, Vũ Cao hay nói rằng lãnh đạo tức không làm gì cả, cứ để cho việc mặc nhiên nó luân chuyển. Thực ra, đó là một cách nói nhũn, nói tránh để không muốn bộc lộ ra những chủ kiến. Vũ Cao chỉ không làm gì cả với nghĩa không hò hét không đao to búa lớn. Chứ đằng sau cái vẻ dễ dãi, thật ra Vũ Cao có tính nguyên tắc của mình.
Có một chuyện tới nay ít ai nói lại mà Vũ Cao không bao giờ nói ra, nhưng theo tôi, nó cho thấy bản lĩnh của Vũ Cao, đó là việc sử dụng các cây bút chủ lực của Văn nghệ quân đội. Một tư tưởng chi phối nhiều người lúc đó là tư tưởng bình quân, đại khái cho rằng đã là nhân viên cơ quan thì người nào cũng như người nào, ai cũng phải tuân theo sự phân công của người phụ trách và người phụ trách phải công tâm với nghĩa coi ai cũng như ai. Nhưng tôi nhớ, với hai nhà văn xuất sắc nhất của văn nghệ quân đội những năm ấy là Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu, thì Vũ Cao có khác. Lệ của Tạp chí là anh em thay nhau về làm biên tập, hết hạn biên tập mới được lo chuyên về sáng tác. Với các nhà văn mà anh ưu ái, Vũ Cao dành cho họ sự biệt nhãn, chứ không đến lượt lại lên, phải bỏ sáng tác để về làm biên tập như mọi người khác. Và điều quan trọng hơn, Vũ Cao để cho hai nhà văn Nguyễn Khải Nguyễn Minh Châu tự do lựa chọn các đề tài và cách viết của mình. Anh tôn trọng những tìm tòi của họ vì rất tin ở con người của họ. Cái công thức ngắn gọn “lãnh đạo tức không lãnh đạo gì cả" thực chất là biểu hiện một sự hiểu biết của Vũ Cao về mọi mặt văn nghệ, trong đó có việc sử dụng các tài năng.
Phần lớn cán bộ phụ trách văn nghệ ở ta coi rằng mình được bầu được cử ra quản lý tức có khả năng sáng tác hơn người . Nhưng Vũ Cao hiểu khác, anh hiểu sáng tác và quản lý là hai lĩnh vực khác nhau. Một sự tôn trọng đầy thiện chí của người phụ trách đối với cấp dưới có năng lực sáng tác hơn mình, chính nó làm nên cái vinh dự của người quản lý và người ta sẽ ở lại trong lòng đồng nghiệp là ở sự biết người biết của đó .
Sự thực là chỉ có một người đọc nhiều, hiểu rộng như Vũ Cao thì mới có tầm nhìn và cách quản lý kiểu đó.
Tôi nói Vũ Cao là một người đọc nhiều hiểu đọc vì tôi còn nhớ hồi ấy ngay trong chiến tranh mà Văn nghệ quân đội vẫn lo đặt bằng được báo chí phương Tây như Europe,l'Humanité Dimanche …và tôi thấy chúng luôn luôn xuất hiện trên bàn làm việc của Vũ Cao. Không chỉ bó hẹp trong khu vực mình quản lý, Vũ Cao còn hiểu kĩ càng về đời sống văn học nói chung và cả phần văn học phương Tây mà ít nhiều thế hệ như anh đã có biết từ trước. Tôi cho rằng chỉ nhờ vốn văn hóa như vậy mà Chủ nhiệm của chúng tôi có được quan niệm khá tự do trong xử lý công việc. Một bằng chứng là mặc dù thời đó báo chí trong nước khá im ắng không tính chuyện giới thiệu văn học nước ngoài, nhưng từ 1973, khi tình hình có vẻ cởi mở một chút thì trên tờ tạp chí của chúng tôi, ở phần lí luận, cũng sớm có được tin tức và bài vở gọi là hé ra cho thấy thế giới. Tin tức từ Trung quốc không có vì bên ấy vẫn đang trong không khí của Cách mạng văn hóa. Mà Trung quốc không có thì Nga cũng không thể có. Trong cái khó ló cái khôn, tôi đề nghị đưa các ý kiến bàn về nhà văn và chiến tranh của E. Hemingway và các ý kiến bàn về văn học của B. Brecht, rồi có khi đá sang cả Mỹ la tinh, nhất là khi nghe cuốn Trăm năm cô đơn đang nổi như cồn... Vũ Cao sẵn sàng chấp nhận những bước hội nhập sớm sủa đó.
Nên cắt nghĩa ra sao về hiện tượng này?
Cách mạng tháng Tám 1945 và sự nghiệp toản quốc kháng chiến sau đó sớm lôi cuốn vào hàng ngũ của mình lớp thanh niên ưu tú mà trước đó về mặt con người trí thức được đào tạo khá bài bản trong các nhà trường Pháp thuộc. Trong quân đội, ta cũng thấy tập trung rất nhiều thanh niên tri thức trẻ. Trước khi các đợt chính huấn theo kiểu Trung quốc được phát động những năm 50, nhiều chỉ huy cao cấp trong quân đội là những sinh viên cũ của các trường đai học Hà Nội. Dưới họ, làm nền cho họ, các bậc tú tài cũ lại càng đông đảo. Trước khi có sự xuất hiện các cây bút gọi là công nông đám tri thức trẻ này có vai trò chủ yếu trong việc hình thành nên bộ phận tuyên truyền báo chí văn nghệ trong quân đội, và sau này họ cũng là những người cốt cán để xây dựng nền văn học nghệ thuật nói chung. Khi có một số vụ việc xảy ra trong văn nghệ, cán bộ các Hội có vấn đề, người ta đều đưa cán bộ quân đội ra thay. Đặng Đình Hưng, Đỗ Nhuận, Huy Du, Chính Hữu, Hữu Mai Nguyên Ngọc … đều là như thế. Những người này đóng vai chèo lái chủ yếu ở các Ban chấp hành, còn nhiều nhân vật có uy tín chuyên môn vốn có ở Hội chỉ còn trên danh nghĩa. Những người này được coi là trung kiên. Nhưng chữ trung kiên này cũng có những nghĩa khác nhau của nó. Có những cán bộ thừa hành lấy việc nhất nhất làm theo cấp trên làm lẽ sống, thậm chí còn làm quá lên nữa để lấy thành tích. Nhưng có những người tự tin ở sự trung thành của mình với cách mạng, vừa làm vừa lắng nghe, vừa làm vừa điều chỉnh, cốt lấy việc phát triển đúng đắn của văn nghệ làm chính. Với bản lĩnh và tầm nhìn sáng suốt, cuối cùng họ lại làm tốt cái điều mà họ và cấp trên cùng mong mỏi là đưa văn nghệ đóng góp vào sự nghiệp chung. Loại người thứ nhất rất nhiều, ngày càng nhiều tôi không kể ở đây. Còn trong những người loại thứ hai, bao giờ tôi cũng nghĩ tới Vũ Cao.
Hồi ấy, sự hiểu biết của bọn dân đen văn nghệ chúng tôi còn đơn giản lắm. Làm gì có ai tính thoát ra được khỏi cái không khí thời đại đang hừng hực. Được gặp những người vừa phải như Vũ Cao, trong hơn mười năm đầu đời làm nghề, tôi tự thấy mình đã may mắn lắm. Nó cũng là cơ sở để sau này tôi tìm dần ra cách thích ứng mà vẫn giữ được cuộc sống tinh thần phần nào độc lập riêng tư bên Hội nhà văn.
Tôi có một người bạn cũ là Nguyễn Quân , quen nhau từ sau 1975. Vốn đi học ở Đức về kinh tế, trở về nước, anh còn đi dạy tiếng Đức một thời gian, rồi mới chuyển về dạy lý luận nghệ thuật ở trường Mỹ thuật, trước khi trở thành họa sĩ. Một người chen ngang vào nghệ thuật, người ta thường gọi anh như vậy. Theo chính lời kể của Nguyễn Quân, có lần ông già bậc lão làng là Vũ Khiêu đã hỏi anh:
-- Có phải cậu là cái anh lách cửa phụ mà vào với giới văn nghệ phải không?
Quân trả lời ngay:
-- Không thưa bác, cái cửa cháu vào mới là cửa chính còn cửa mọi người vẫn đi mới là cửa phụ, chẳng qua nhiều người đi quá nên tưởng là cửa chính thôi.
Cái kỳ lạ của Nguyễn Quân là chẳng bao lâu chuyển sang bên Hội mỹ thuật anh đã trở thành một thứ thủ lĩnh mang lại nhiều cách tân vượt lên trên sự trì trệ kéo dài của những năm chống Mỹ. Đúng vào lúc có những đổi mới, anh trở thành người điều hành công việc của Hội. Có việc đi dự cuộc gặp gỡ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ư, anh là một trong những người đầu tiên người ta nghĩ tới , và quả là đã phát biểu raát mới, đến bây giờ vẫn cứ mới. Vốn là con một vị tướng bên Tổng cục hậu cần, anh có niểm tự tin của đám con cháu trong nhà, có những điều ở miệng người khác nói ra lập tức ăn đòn, mà Nguyễn Quân nói người ta phải chịu.
Tôi đã ghi lại điều này trong nhật ký và giới thiệu trong bài trên mạng Chuyện văn nghệ Hà Nội nghe ở Moskva 1987 (kỳ II)
Mới đây, hôm 5-12-2015, Nguyễn Quân kể lại một việc hồi ấy tôi không được biết. Khi Quân làm thường trực Hội cũng là lúc có vụ cấp trên tha bổng cho các vị Nhân văn Giai phẩm. Anh sớm bắt tay ngay vào cái việc cấp thiết hồi đó là tổ chức có đến mười mấy triển lãm, đưa sáng tác của những người lâu nay sống trong quên lãng trở nên thành tựu và coi như niềm tự hào của cả giới. Sau khi đưa Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng trở lại Hội anh còn lập tức tăng lương cho các cụ hôm qua đã sống rất khổ sở đó, có những người lương cao hơn cả ông trùm đương thời của Hội là Tổng thư ký Trần Văn Cẩn.
Tôi hỏi Quân:
-- Quả là việc không thể có bên Hội nhà văn. Ông Thi lúc đó chỉ làm công việc đón cánh Nhân văn về một cách tượng trưng. Còn Hữu Thỉnh sau này chỉ dùng ông Lê Đạt như một thứ “đối lập” để làm dáng, để ra vẻ đổi mới, đối lập nhằm tô vẽ cho chính các quyết định của mình. Thế lúc ấy ông không sợ các ông trên tuyên huấn không bằng lòng à?
-- Cánh bảo thủ toàn phóng đại ảnh hưởng của các cán bộ chính trị. Tôi thấy khác. Một khi người ta đã tin là anh chỉ làm những việc cho người ta đẹp mặt, thì việc gì người ta chẳng tán thành. Cái điều tôi rút ra cho mình thời đổi mới thực ra khá đơn giản. Cái sức ì lớn nhất chi phối mọi hoạt động của Hội lại nằm ở trong đa số Hội viên và những người đương quyền trong giới của mình. Thắng được cái đó là thắng tất mà thua cũng là thua luôn.
Tuy Vũ Cao và Nguyễn Quân thuộc hai thế hệ khác nhau, và tài năng khác nhau, nhưng tôi cảm thấy ở họ có cái đức tính chung của những người quản lý mà giới văn nghệ rất cần. Lòng họ trong sáng. Họ không có ý định dùng quan chức để leo trèo, kể cả leo lên một địa vị cao trong sáng tác. Lòng tự tin ở họ bắt nguồn từ sự hiểu biết về guồng máy, và trong thời của họ, họ đã điều khiển tốt guồng máy.

* Chân dung Vũ Cao do Trần Nhương kí họa