Về lao động nghề nghiệp
* Nói thì bảo sách vở, chứ thật ra văn chương là chuyện khổ công. Có nhiều ý nghĩ, mà nếu không phải là đưa vào trang viết, mình nghĩ không ra. Có nhiều chữ nghĩa, mình cứ phải xoay xoả trở đi trở lại mãi mới hạ bút.
Tôi đọc những ông như Xuân Sách, viết cho thiếu nhi, thấy chữ nghĩa vớ vẩn lắm, lại không chuẩn bị gì đâu. Cả những ông như Hữu Mai, lấy toàn từ liệu về máy bay máy bò, cái tư liệu chết ấy không gọi là tư liệu được. Hồ Phương cũng không phải tài hoa. Lão ấy còn cái gì đểnh đoảng nữa cơ. Chính Khải nó đọc, nó đi, nó sống kỹ viết kỹ chứ. Thằng Khải đi đơn vị, tôi đoán nó nằm dưới đất. Ông Hữu Mai thì đừng hòng. Ông này lúc nào cũng phải có cà phê với cái ăn ngon. Hay là không mò đi chơi, nghe tin tức là không chịu được.
Cái hồi tôi viết Dấu chân người lính, bên xuất bản Thanh niên nó chỉ bảo tôi chữa có vài chỗ, tôi ngồi tôi chữa mãi chứ có ít đâu.
Xem ra trong nhà này, tôi là người viết khó khăn nhất.
Về người cùng nghề
* Tôi là thằng viết, mà không gì ngại bằng phải sống cùng nhà với những ông viết khác. Cũng ngại những người khác, khi người ta làm thân và ra ý hỏi mình về việc viết lách. Cứ y như người ta đang dòm hành vào nhà mình.
Có lần, tôi xuống chỗ ông Mai. Ông ấy đang dọn các thứ, mới đưa cho quyển sách xem, một quyển tài liệu gì mà ông Văn đưa cho.
– Châu xem, có khi đọc cả quyển này, chỉ lấy được có vài ba dòng.
…Mình chưa thấy một anh nào lại chọe mình về việc viết lách như vậy.
Nhàn: Không hiểu sao, tôi cứ muốn anh viết về những người thủ công, ở Việt Nam mình, số phận người thợ thủ công rất tiêu biểu. Dĩ nhiên là đừng nên thi vị hoá họ, như kiểu ông Tô Hoài. Thi vị hoá người thợ thủ công không được đâu.
Châu: Như là cái Những người chân đất (tiểu thuyết của Z. Stancu-- Rumanie), nó viết giỏi lắm. Nó không sa vào cái phần phong tục thi vị hoá đâu. Trong những cảnh đói khổ nhếch nhác của con người, nó toàn ra những điều có ý nghĩa triết học… Chỉ phải cái cũng hơi sốt ruột.
* Ở Việt Nam mình, người viết tiểu thuyết đã nhiều, mà vẫn chưa có nhà tiểu thuyết. Nhưng tiểu thuyết phải như thế nào kia chứ không phải như cái ta đang viết hiện nay. (Như bọn tôi, cũng chẳng có quan niệm gì về tiểu thuyết -- một lần khác Châu nói vậy).
Về lối làm việc của nhà văn, tôi cũng thích nhiều thứ. Thích đi, thích viết bút ký đi đường. Trong khi đó, lại thích viết một cái gì, nó… nó giống những bức tranh xã hội. Rồi lại viết một cái đầy biểu tượng, như là gió ông Cụt. Nhưng mà làm như thế, phải có tài, có sức khoẻ, có điều kiện lắm cơ ! Để làm nhiều thứ cùng một lúc. Và như thế mới là nhà văn.
Một câu buột miệng:
–Ăn như tá điền thế này thì viết thế sao được
Chiến tranh muôn vàn bộ mặt
* Một bữa, tôi ngồi bên một mâm cơm, và tôi chợt nghĩ phải biến những cái này thành sự kiện văn học. Nhà văn ngồi đâu, thì phải biến cái đó thành sự kiện văn học ngay mới được. Mình phải viết để trả thù, trả thù lúc mình khốn khó quá.
Ngày 4/12/72, tôi đi lang thang khắp đường. Ở bên kia, ông Thọ vào bàn hội nghị. Ở bên này, dân tình xao xác.
Tôi đi trên những đoạn đường Hà Nội, tìm xem chỗ nào chỗ hết của đường nhựa, tức là mở đầu cho đường đất. Nhìn từ ngoài đường vào, dường như các nhà đều là yên tĩnh. Nhưng nhìn cho kỹ, lại như không phải. Lại như sự xáo động nằm trong tình cảm mỗi người.
– Bao giờ tập Đèo Trúc của ông Cao ra, tôi sẽ xin viết. Tôi viết rằng có người phải lao vào chỗ động, để nói cái động, như bọn mình, như thằng Duật. Nhưng lại có loại người mà cứ ở đằng xa, nghe tiếng động đó nó dội lại mình, mà vẫn có thể viết, như loại ông Cao.
Nhưng phải trách là ở cái nhà này, các ông ấy ít đi quá, ít chịu nghe mọi thứ ở ngoài mình. Có bao nhiêu là việc.
– Tôi nghĩ ra rồi. Bây giờ mình viết về những chuyện phản chiến, mình cũng không bằng mấy ông nước ngoài. Cái mới của mình văn chính là ở chỗ mình vẫn nói, tức chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Phải tìm ra ở đấy, những cái mới mà viết.
Ngay cái phần mà mình ngồi mà mình nghĩ, tức cái ảo ảnh của con người, tôi cũng thấy nó là cái chung, mà đâm ra mình lại rất khó viết.
Miền Bắc mình, những năm chiến tranh phá hoại có gì rất đáng viết. Rất đáng viết về Hà Nội, Hải Phòng. Viết về cao xạ, không hiểu sao thằng Chu nó không làm được. Viết về khu Bốn, ngòi bút Mai Ngữ tĩnh lắm, không viết được đâu.
Chỗ nào có thể hay?
* Khi nào tôi viết, có những chỗ bùng nhùng, biết dừng lại và nghĩ cho kỹ thì sau tôi lại viết được. Ý tôi muốn nói chỗ nó hơi phải nghĩ một tí, mình hơi bí ấy, nhưng chính vì như thế, mình phải tìm. Như tôi viết cái chương Kinh lên thăm trận địa. Nhẫn, Khuê thì lại còn hơi dễ. Đằng này ông Kinh ! Tôi không biết, xoay sở như thế nào. Tôi cứ xách túi đi chơi.Mãi về sau, mình nghĩ tới cái tĩnh và cái động trong cuộc đời, khéo chừng, viết thế lại được.
Những ông như ông Văn Đa, vẽ cái gì cũng dang dở, cũng như những công trình nửa vời, cách đi đánh đứng nửa vời, chứ không phải đi hết trên con đường mình định đi
Nhàn: Dấu chân người lính nhiều đoạn cái tài hoa át cái thực.
– Ông phải công nhận tôi viết cái đó trong một thời gian khó khăn, chạm phải những cái khó khăn. Nếu không có cái tài hoa làm cho mình mê đi, tôi làm sao viết hết được quyển sách…..Những người như ông ăn ở sự cần mẫn. Còn tôi, tôi ăn ở sự thất thường. Tôi biết lợi dụng sự thất thường đó. Nhưng mà ông xem, trong số các anh em ở đây, có phải tôi là người vẫn viết một cách khó khăn hơn cả không.
Đã phàm là một người viết, bao giờ ông cũng phải nhớ cái này: phải chú ý tới tiềm thức. Phải để cho cuộc sống tự nó nẩy lên vấn đề gì đó… Nếu như cái gì tôi viết, mà tôi có quá nhiều chủ định –ví như Trên vùng đất sỏi, Những vùng trời khác nhau – những cái đó toàn hỏng cả.
– Ví như tôi thấy có thể viết một làng xóm ở khu 4. Một làng mà trạm giao liên đi qua… Nó vốn xa quốc lộ, xa mọi thứ phố xá… Chiến tranh đến với những nơi đó, sẽ rất kỳ lạ cũng thật thấm thía.Muốn được như thế cái cửa mở ra cho người viết phải rộng ra nữa, phải viết với cái bút pháp thế nào cơ.
Nhàn: Ông Nguyễn Khải viết đối thoại giỏi đấy chứ. Muốn cho ra đối thoại, một tác giả phải để cho các nhân vật đủ mạnh, rõ cái chất người của nó ra cơ.
Châu: Đối thoại của ông Khải không giỏi, chẳng qua các nhân vật của ông Khải cũng như ông ấy, sắc sảo lý lẽ. Mình sợ những người nào viết đối thoại thế nào để giữa các nhân vật nó cứ lạnh như không ấy cơ, mà nó lại ra được mọi chuyện.
Nhàn :Tôi chỉ ức là không sao mang được cái gì đã nghĩ, đã trò chuyện đối đáp với nhau ở Hà Nôi những năm này vào bài viết của mình.
Châu: Nhưng mà thế thì làm sao mọi người in được.
Đi dự một buổi họp thông tin.
– Ở ngoài kia nó khen chê mạnh dạn hơn. Chính mình sống với nhau ở đây, khen không ra khen, chê không ra chê, chán lắm.
…
Nhàn: Hôm nay, tôi đi ngoài đường, thấy mùa rét đến, những đám ống khói, trẻ con nó đốt lên, ra vẻ tết lắm.
– Ông phải công nhận tôi viết nhân vật Lữ thích khói, thật là giỏi chứ ? Chi tiết như thế mới là chi tiết.
* Mình là cái anh nhà văn, mình phải viết không ra Hà Nội, cũng chẳng ra nông thôn. Phải viết, bao gồm được cả hai cái đó, bao gồm được mọi thứ, đứng trên mọi người, đứng trên mọi giai cấp.
— Nhưng mà có lúc tôi cứ nghĩ ngược hẳn . Viết về chiến tranh mà mình là cái anh đã nhiều chất lung tung, nhiều chất phản chiến quá rồi. Nếu lại đi viết về những thứ đó thì có thể lại chẳng được cái gì hết cả.
Những hạn chế
-- Trong quyển Dấu chân người lính, anh có thấy người ta chê cái gì mà anh cảm thấy đau nhất ?
– Chưa có, chưa có
– Có cảm thấy cái khu vực nào mà mình viết, nó không vào không?
– Có chứ. Ví dụ như từ nay trở đi phải viết về một thực tế huyễn hoặc, là cũng như mình cảm thấy mình còn chưa đặt chân vào được, đó là cái chỗ rất khó của văn học mình.
Nguyễn Khải: Phải công nhận văn xuôi Nguyễn Minh Châu có sức miêu tả rất lớn. Đó là một nghệ sĩ. Nhưng đó lại chưa phải là một nhà tư tưởng…. Chính lúc thấy cái ông ở ngoài hội nhà văn khen Dấu chân người lính quá đi, thì tôi lại càng thấy rõ đó là ở ông Châu có một cái gì rất hợp thời, từ nay mình không cần chú ý nữa.
Xuân Thiều: Nguyễn Minh Châu viết giỏi, từng trang một đọc rất trôi, nhưng mà toàn bộ lại không thích lắm.
1973
Quảng Trị và chiến tranh
Nhàn: Đi Quảng Trị lần này hẳn anh sẽ lên chỗ lính địch một tí.
– Xì, lên làm gì. Bây giờ tôi sợ nhất phải viết về địch, lại phải viết mình tốt nó xấu, mình thì ánh sáng, nó thì bóng tối, thật chả ra sao ! Cứ viết ngay về mình đây này, cũng đã có thể được khối chuyện.Để ý cho cho kỹ là được. Viết về nó, phải viết khác.
(Sau khi đi Quảng Trị về) Tôi chỉ dám lên chốt một ngày. Đánh nhau kinh, bây giờ trai tráng hai bên dằn mặt nhau cũng kinh – trong khi đó thì đàn bà, con trẻ cứ moi đất cắm từng cây mạ mới trên mặt đất hàng năm nay bỏ hoá.
… Cứ cho tôi ngồi, tôi lôi hết nhật ký ra đăng, có khi lại thấy hay không biết chừng. Cứ bảo lo viết lách kiếm tiền, chẳng qua nói thế cho người ta đỡ ghét. Chứ được viết cái gì của mình, thì giá có phải ngồi uống nước lã mà viết cũng chấp nhận.
Có lần, tôi đi từ Cam Lộ ra đường 9 – mình say sưa ngắm một đám cháy, rồi mình lại tự mắng mình là đi thưởng thức những cái trò chơi của chiến tranh.
… Biết đâu, trong những năm vừa qua, mình cũng đã làm công việc đi nhìn ngắm như vậy.
Nhàn: Tôi muốn ai đó viết về người lính 304 – cái người lính không phải của những chiến thắng, mà là của những sự chuẩn bị chiến đấu, dai dẳng, khốn khổ.
Châu: Nhưng để làm gì? Nói đến chiến tranh, là phải nói đến giết người.
Nhàn: Không đủ! Người ta phải làm rất nhiều hành động trước, thì người ta mới có thể giết người được. Sự giết người chỉ là hành động cuối cùng. Tôi muốn viết về hành hạ con người trong những năm tháng này. Từ con người bị hành hạ mới đẻ ra con người bắn giết.
* Trong đợt đi Quảng Trị, tôi đã chú ý nhiều đến các đội điều trị. Là vì trong cái chiến dịch 1972 này, đó là cái phần việc mà mình thấy có thể nó còn là giữ gìn con người, bảo vệ con người.
… Nhưng đi vào vẫn thấy bí. Những ngày chiến dịch, những thằng Quân y làm việc cứ như một bọn mổ vịt mổ gà (cho đến cả y tá cũng mổ).
… Một thằng lính Quảng Trị nó nói với tôi: Quảng Trị đúng là cái máy nghiền thịt.
Tôi ngồi tôi xem lại cái phần Lửa từ những ngôi nhà. Và tôi tự hỏi bây giờ mình phải viết thế nào. Viết ca ngợi chiến tranh cũng không được. Viết phản chiến cũng không được. Thôi thì viết cái gì đó, người ta cứ phải sống, lầy lụa mà sống, mà chịu đựng.
– Viết về kiếp người ?
– Gọi thế cũng được nhưng nó hơi bi thảm quá.
* Người nào đi Quảng Trị về, cũng thấy chói lên cái câu hỏi về chiến tranh – cái câu hỏi đỉnh chạm trời, và chân sát mặt đất.
… Lắm lúc, chả muốn đọc những thứ người ta suy nghĩ nữa. Ai nghĩ cũng chẳng bằng mình. Đất nước này là đáng nghĩ nhất. Mình là thằng nghĩ có thể hay nhất.
– Phải viết thế nào đó cho hết mình. Đôi lúc như là chỉ cần ghi lấy những ý nghĩ vớ vẩn của mình cũng được, nghĩ xuôi rồi lại nghĩ ngược, quanh quẩn nghĩ gần rồi lại đẩy nó ra xa, đẩy nó ra xa, rồi lại kéo nó vào gần…Văn học là phải như thế.
Nhìn lại một số tác phẩm viết về chiến tranh
*Tôi ngồi tôi đọc Sống mãi với thủ đô. Xem như ông Tưởng ở một đầu chiến tranh, mình ở đầu đằng này. Thấy trước từng ấy năm, mà ông Tưởng ông ấy lại còn tiến bộ hơn mình. Ông ấy còn dám nói cầm súng là một việc không ra sao, chúng ta buộc phải làm vậy. Còn mình, mình chỉ thấy việc cầm súng một việc anh hùng, tốt đẹp, chúng ta lầm lẫn mục đích với phương tiện. Và một số người cầm bút cũng lẫn giữa mục đích và phương tiện như vậy.
– Kiểm điểm lại thì thấy người viết mình loanh quanh lắm. Có độ 4-5 vấn đề, rồi cùng nhận ra và cùng chui cả vào đấy. Chả cứ chui vào về mặt tư tưởng, mà chui vào cả về mặt cốt truyện. Xem xem, từ ông Nguyễn Thi, ông Phan Tứ cho đến ông Xuân Thiều, cũng một cái thôn như thế, một cô trẻ trẻ bí thư chi bộ, lại một mẹ già, rồi một thằng địch. Sao mà mình giống nhau như lột. Tự nhiên câu cú chữ nghĩa cũng phải giống nhau.
… Nhưng tình hình mười năm tới, rồi cũng phải thế thôi. Ở mình đừng hòng viết về một cái gì hư ảo đâu, cái nền văn học ấu trĩ của mình rồi rút cục cũng chỉ như hôm nay. Chỉ có thể thế này, độ bảy phần nịnh thì viết lấy ba phần trung. Bảy phần như mọi người, và ba phần như của mình, lên diễn đàn hét ầm lên, nhưng cũng có lúc có thể ghé vào mọi người, nói vài điều tâm sự. ( Nhàn:Tôi chỉ sợ những cái anh ba phần kia cũng không có một, thì sao gọi là văn học được).
… Ở nước ngoài, đúng là nó hay viết về đất, về cát, về những chuyện đâu đâu, chính vì đó là cái phần bản năng, nó cũng là cái phần huyễn hoặc của mỗi con người.
– Con người ta, nếu cái gì cũng rõ ràng rồi, thì không phải viết nữa. Xem một nhà văn nhiều khi xem anh ta nói về phụ nữ thế nào, vì phụ nữ bao giờ cũng sống một cách bản năng như vậy.
Tính khái quát trong văn học
Hôm qua tôi ngồi nói chuyện với Khải. Một quyển như Vang bóng một thời ăn ở cái gì? Vì nội dung, nó ăn ở chỗ nó không sa vào cái hỗn tạp của thời đại bấy giờ, nó đề cao một cái gì tĩnh, đẹp, nói cho cùng cũng hợp nhân bản — mà về mặt nghệ thuật, ăn nhau ở câu chữ. Nhà văn của mình bây giờ chả ăn vào điều gì cả.
– Lúc nào đó, phải bàn lại cái chuyện như tính khái quát trong văn học, tính khái quát có phải là tính tượng trưng không. Khái quát ở mức nào (ví như truyện của Khải cũng chưa phải là khái quát lắm). Văn học nó phải là một cơ thể nội tại. Nó phải có một cuộc sống riêng — dù cách cuộc sống khi gần, khi xa, tức là nó có mô phỏng cuộc sống, hay là nó biến hình, nó thăng hoa đi, thì cũng vậy, — bao giờ nó cũng tách ra, có cái lý riêng của nó mới được.
Nhàn: Tôi đọc bài Nhà thơ trẻ và cánh rừng già của anh. Tôi thấy nó có nhiều chỗ vụt một cái, từ thực tế đến khái quát. Bọn chúng tôi viết kém, hay bị lằng nhằng.
– Căn bản là có sự liên tục trong ý nghĩ thì không cần móc nối. Với lại phải bạo một tí.
– Hay là có những câu dài…
– Có những trường hợp, tôi đã viết một câu dài, tôi định cắt nó ra — câu ngắn có cái ghê gớm của nó chứ, nó rất quyết liệt, nhưng phá không ổn, lại cứ phải để câu dài, để cho người đọc nó đọc cả cái nhịp nghĩ của mình.
Người viết văn có thể bằng cả vào cái đó, bằng vào cả cái quá trình suy nghĩ của mình, mà nói chuyện với người đọc. Như tôi đã nói với ông một lần, chỗ nào bùng nhùng, chỗ ấy tôi lại cảm thấy viết được.
* Người viết văn phải vừa viết, vừa hoài nghi mình mới được. Cảm thấy rằng mình đang còn ngờ vực cái điều mình vừa viết, để cho người đọc tiếp tục nghĩ. Còn như cái ông Lê Khâm, ông ấy viết văn cứ như dân Quảng Bình đúc gạch táp lô. Và ông ấy vứt cái gì ra, là tin nó vừa khít như trình độ nhà văn của ông ấy đấy.
Viết về chiến tranh chính ra lại có cái đưa đẩy đi, có cái để trốn. Mình phải động viên thằng lính, không thể nói hết mọi chuyện được. Viết về hoà bình mới thật khó quá, phải viết thực. Lắm lúc ngồi nghĩ, lâu nay nhà văn mình cứ xem có cần cái gì thì minh hoạ cái ấy, thế mà vẫn sống đuợc, lạ thật! Rồi sau này, chả còn gì.
Bây giờ trong văn học, những thằng bất tài sống hơn những thằng có tài. Mà trong mỗi người, chính anh lại sống bằng cái phần bất tài của anh hơn là những phần anh cảm thấy phải hơn, anh tài năng hơn. Thế mới chết!
Nhàn: Cái ông Nam Cao, ông ấy rất nhân bản.
Châu: Đồng ý với ông, cái nhân bản nó là cái quan trọng. So ông Nam Cao với ông Nguyễn Công Hoan thì Nam Cao nhân bản hơn. So Nguyên Hồng với Nguyễn Tuân, thì Nguyên Hồng cũng hơn. Bây giờ, bọn viết trẻ cũng thiếu. Bây giờ, bọn viết trẻ đã đến với chủ nghĩa anh hùng, trước khi đến với chủ nghĩa nhân đạo. Không đến được với chủ nghĩa nhân đạo, anh không viết được đâu.
* Bây giờ đi đâu, tôi cứ muốn né né, tránh tránh đi. Không muốn giơ mặt ra làm gì.
Cho nên gặp thằng Chu, thấy ai nó cũng bắt tay, mình lại đâm ra ngại.
Các vấn đề hình thức
* Là cái thằng viết anh phải chú ý đến câu chữ. Càng những chỗ bùng nhà bùng nhùng, anh lại càng phải viết cho trong sáng.Thằng viết phải nhớ rằng cả hai thứ vũ khí tay trái và tay phải, đều nguy hiểm — hình thức là tay trái, mà nội dung là tay phải.
– Hôm nọ, lão Khải cũng đã nói rồi. Ngay ở Vang bóng một thời cũng chỉ được về văn.Văn mình bây giờ cũng không có nữa, không biết ra sao?
– Những lão như lão Tuân, lão Xuân Diệu thực ra thiếu tư cách thì cũng là điều dễ hiểu. Họ đã quen ăn ngon rồi chẳng hạn. Mình ăn miếng giò, thì giò nào cũng được. Các lão ấy còn biết củ tỉ từng thứ giò một, giò hàng nào, thịt hàng nào.. Cho nên tống những thứ ấy vào mồm là viết theo đặt hàng hết.
Ví như mình, mình cũng vẫn có những khao khát. Mình giá có khổ nữa, nhưng được viết thoải mái, còn hơn sướng hơn, mà bắt viết khốn nạn.Mình muốn nói lên một điều gì đó. Mình muốn thét lên một điều gì đó còn nghẹn trong lòng.
Nhàn: Mình mới hơn?
Châu: Cũng không biết có mới không, nhưng mà rõ ràng là trẻ, cần trẻ quá đi chứ! Trẻ để có thể vụt ra cái điều thằng già nó giấu.
– Anh có ý thức về sự thay đổi của mình? Ví dụ từ truyện ngắn sang Cửa sông
– Hồi ấy tôi cứ làm thế thôi, không tính được.
– Anh có nhận đằng viết truyện ngắn không hay bằng truyện dài?
– Truyện ngắn khó. Xưa nay có truyện ngắn nào chỉ ăn ở chỗ ca ngợi
– Thế Daudet, Paustovski ?
– Đó phải là những người có tài ghê lắm cơ.
Nhàn: Tôi không phải là người học đòi dễ dãi đâu. Nhưng tôi cứ cảm thấy là cần phải viết khác đi. Con người mình cứ rời vụn ra, đồng thời lại rất thống nhất. Con người mình vừa lạnh đi vừa ngày mỗi cuồng nhiệt lên. Nhưng tôi hỏi anh, từ lối viết Cửa sông sang đến Dấu chân người lính, anh có ý thức không?
Châu: Cũng không hoàn toàn có ý thức, nhưng cứ cảm thấy là có khác. Đó là lần tôi đi chiến trường. Đi toàn với những người gây cho mình khó chịu, mình thấy rất rầy rà. Lại nữa, tình hình đánh đấm khó khăn, chẳng ra sao cả. Có nhiều điều không giống như dự kiến. Tự dưng trong con người mình nó sinh ra cái chất ác, cái yêu cầu phải phanh phui mọi chuuyện, phanh phui chính mình. Tự dưng con người thấy phải đi đến cùng trong một số ý nghĩ. Bắt đầu bằng việc ghi vào nhật ký.
– Những chuyện hình thức, nó vào mình ghê thật
– Vì sự biến chuyển của hiện thực, nó làm cho con người anh như một người sốt, sờ vào đâu cũng thấy nóng, mồm mũi mang tai đều thở ra hơi nóng. Đúng là tất cả những cái đó phải vào trong nội dung mới được. Nội dung không có, đâm ra hình thức cứ loanh quanh
– Nhưng mà vẫn có chuyện hình thức.
– Có. Hôm nọ Bằng Việt nó có nói chuyện này. Theo lời Nguyễn Khải, Bằng Việt nó nói là cách chia chương chia đoạn của văn xuôi mình quá cổ; đáng lẽ mình cũng phải chia theo những ý của nội dung, những ý của triết lý mới phải cơ, chứ cách chia theo thời gian không gian bình thường là hình thức lắm.Như thế là đã ngửi thấy hơi văn xuôi cả đấy.
Chất văn học
* Thằng viết thật buồn cười. Lắm lúc phải khoảng khoát, mà lắm lúc phải tẩn mẩn tính toán, quá anh hàng xén. Tính bao nhiêu chuyện.
Ví như tôi. Nó mời chào ghê lắm, nhưng nhất định, tôi sẽ không viết kịch bản phim. Viết những thứ ấy, không có ngôn ngữ nữa, vì nó không yêu cầu anh về mặt ngôn ngữ. Tôi cũng sẽ không viết truyện thiếu nhi. Không viết truyện ngắn. Chỉ vài ba năm, phang ra một cái truyện dài, hay tiểu thuyết cũng được. Hỏng thì hỏng mất vài năm, nhưng cũng đành chịu, mình phải tỉnh táo mà viết.
Văn chương VNQĐ mình đại khái là lính tẩy. Loại người như thằng Thiều, Hữu Mai, cả Khải, cả tôi là văn chương kiểu cán bộ, cán bộ chính trị.
Còn bọn bây giờ, nó lại lính tráng quá, Đỗ Chu lính, lính theo nghĩa binh nhất binh nhì, anh thiếu cái chững chạc của thằng cán bộ, chững chạc trong tác phẩm.
– Tôi đi xem một bộ phim Bulgari có một thằng nó làm thùng, nó nói về cái tài năng trong cuộc đời. Hôm nọ họp, tôi đã phải nói họ nói toàn chuyện vớ vẩn, ra những vấn đề quan trong; mình nói toàn chuyện quan trọng, mà xem lại thì vớ vẩn.
… Nói thế thôi, quy lại bây giờ mình rất giống nhau. Học ở đâu không biết, vừa viết vừa bình luận. Không ai làm được cái lối viết như Hemingway, có vẻ lẳng lặng tả thế, mà lại ra vấn đề. Mình thì hay xông vào truyện, ngố không chịu được. Đúng là các nhà văn của một dân tộc lắm điều.
Một buổi chiều, vừa ngồi xổm lau nhà vừa nói vọng lên:
– Mình còn biết là mình lảm nhảm. Lại còn bao nhiêu thằng cứ ngồi đấy, uống chè, hút thuốc lá, mặc quần áo thật diện, rồi cứ phán xét những chuyện đâu đâu, thì mới nhảm đến là ngần nào.
Mối quan hệ với chính mình
Nhàn: Khốn khổ, tôi vẫn có thích đọc lại văn mình!
Châu: Người viết mà không còn cái đó, thì anh còn gì nữa?
-- Viết đôi khi như là một sự bắt được. Tức là tự nhiên mình tìm thấy một cái gì đó, mà trước đó mình chỉ ang áng, chứ thật ra, mình cũng không thật hiểu.
– Người viết bao giờ cũng có những cái mà theo đuổi. Tác phẩm trôi chảy theo những cái hữu hình.Nhân vật áo xanh hay áo vàng, quen ai hay không quen ai, nhà văn phải biết.Nhưng nhà văn lại còn như đang theo đuổi một cái gì rất vô hình, một vẻ đẹp, một nhịp điệu. Về sau này, anh mới có thể nói rằng anh viết kỹ lưỡng cẩn thận, là để tỏ ra kính trọng độc giả hoặc là vì thế này thế nọ. Nhưng thật ra, trước hết, nó là để thoả mãn chính anh.
— Tôi thấy viết còn có cái thú vị này. Là cảm thấy chinh phục được một cái gì đó. Cảm thấy sẽ bắt nó đi theo cái ý của mình, nó thuần phục mình hoàn toàn. Bằng chứng là người ta vốn bảo nó như thế này, anh lại có thể viết nó ra thế kia… Đó cũng phải được coi là một thứ sung sướng.
-- Có những người như ông Khải khi đi thực tế ông ấy ghi rất nhiều chi tiết. Tôi thì khác. Tôi nghe người ta nói, cũng lơ mơ thôi (Dĩ nhiên, mình cũng phải ghi, văn xuôi tốn tài liệu lắm!). Nhưng ngồi với cái nhân vật tương lai của mình đó, cái trước tiên là mình tính: tính xem hắn mang lại cho mình cái gì, mình phải thông cảm với hắn điều gì – giữa ngưòi lính hậu phương với người lính ở tiền tuyến, có cái gì khác nhau? Có được cái phần đó rồi thì thôi đấy, coi như là anh đã gặp được một con người.
Sống và viết trong chủ nghĩa xã hội
*Vấn đề căn bản của văn học ở cái chế độ mình, nó là vấn đề đạo đức. Tức là xem con người ta nêu sống thế nào cho phải, cho phù hợp với xã hội (không bao giờ đặt vấn đề văn chương tồn tại hay không, như ở các nước khác.)
… Một người như tôi, tôi cũng hay để ý xem ở các nước XHCN, họ làm ăn thế nào, nhìn họ đi biết con đường mình có thể đi.
…. Tôi không thể nào viết về các loại truyện mà các nhân vật bị quấn chặt trong những chức vụ, những thứ như là chính sách, thời sự 1-2 năm. Tôi có viết về xã hội chủ nghĩa, thì tôi cũng tìm được cách rồi. Những lần đi qua cái chỗ khe nước lạnh ở giữa Nghệ An –Thanh Hóa, tôi rất chú ý những công trường làm đá ở đấy. Nếu cần phải viết, thì tôi viết về một cái miền xa xôi như vậy, mà ở đó, người ta vẫn bị mọi thứ quan hệ xã hội chủ nghĩa chi phối…
— Có lẽ là anh muốn đi cái kiểu như Aitma tov
– Có thể là như thế.
Những cái gọi là văn chương của XHCN mình, tôi đọc không chịu được. Ông Khải cứ khen om cái Đồng chí trong chủ tịch đoàn (tập truyện Liên Xô) tôi đọc thấy chả có gì, viết dở lắm. Tôi chỉ thấy được có cái phim Người đương thời với lại cái Khởi đầu.
Nhàn: Trong XHCN, thể chế xã hội đã là cái khung quá chặt, văn học lại tự tạo cho mình những cái gông, như một thứ khung nữa, muốn xoay sở cũng khó.
– Đúng hai cái khung. Trong khi đó, thì con người của mình bây giờ phức tạp quá. Đất nước chia ra, trong mỗi gia đình chia ra, và trong từng gia đình, y như có vài thằng người tồn tại. Tôi nghệ sĩ và tôi cũng tính toán vặt,tôi thông minh và tôi ngu — có cả. Những cái mặt ấy chen cạnh với nhau, giằng xé lẫn nhau, rồi nó ra mình.
… Đại khái văn học XHCN cũng như con người lão Khải ấy. Cứ bóng lòng lọng lên. Cứ sắc sảo, có rất nhiều vấn đề, mà lại hoá ra không có chuyện gì cả.
Hôm nọ, tôi nói thế này, lão Khải lão ấy mếch lòng lắm. Tôi bảo “Những thứ văn chương nói về hợp tác hợp tộ sau này vứt đi cả thôi !”
… Không biết chừng, mình còn trong sáng hơn cả lão Khải nữa.
* (Xem Đường qua đất nước phim CHDC Đức) Xem thấy thằng làm phim nó rất rành mạch với bản thân. Với lại cái chính là nó nói được về một con người. Cái người đàn bà ấy trong chiến tranh, đi đến đâu, cũng đón lấy bọn trẻ con, y như mang trong mình những cái mầm nhân bản. Cái hướng mở như thế rồi nói được như thế, thì tức là rất hợp với mình. Mình cũng chẳng còn mong được cái gì hơn nữa.
Câu và chữ
Nhàn: Văn chương mà viết cho tinh luyện đọc sướng thật. Nhưng tôi lại càng thích thứ văn có vẻ như xô bồ nhưng lại có được vẻ đẹp bên trong của nó.
Châu: Nhưng như thế, cái nội dung anh viết phải thực lắm cơ.
– Cái chữ quan trọng thật.
– Chữ, đó là màu của tranh. Cùng với chữ, tư tưởng triết học của anh hình thành.
– Có nhiều người chữ dùng quá chênh vênh.
– Một số người khác, thì chữ lại nhợt nhạt. Như ông Thi chẳng hạn.
-- Văn ông Tuân còn là do phần công phu, cho nên nhiều lúc còn thấy vàng son lộng lẫy quá. Văn ông Nam Cao cũng điệu.
-- Đúng rồi, văn chương như văn Tô Hoài dông dài thế nào cũng xong … mới viết về cách mạng được. Văn của Nam Cao chua chát thế, giá có viết về cái mới cũng rất khó viết. Tôi đọc một cái ký của Quang Dũng. Đúng lão này có một thứ ngữ pháp rất lạ. Tức là ngữ pháp của mình, thằng này thì cứng quá, điệu bộ, thằng khác thì mềm yếu quá. Ông này ông ấy cứ vuông vức, dẽ dàng, ngữ pháp nó cứ thành những kết cấu xếp theo chiều dài đâu vào đấy.
Nhưng thôi, văn của người nào, là do tạng của người ấy. Cốt có một điều, phải cho nó rõ ràng, đâu vào đấy, đừng có nham nhở, chắp vá, vớ vẩn, hoá ra hỏng.
Kể chuyện cánh biên tập xưởng phim
Bọn ấy nó thạo lắm ông ạ. Như thằng Trần Kim Thành, nó bốc ông Mai lên thế nào không biết, nhưng ngồi với tôi nó chê nhem nhẻm. Đại khái nó nói là nó chỉ mượn cái tên Vùng trờicủa ông này thôi, còn nó sẽ làm ra một cái phim hoàn toàn khác.
Hay là cái ông Phạm Văn Khoa, ông ấy bảo tôi. Ông có biết ở Liên xô, bọn nào nói chính trị hay nhất không? Bọn say rượu. Một lần tôi đang đi, thấy hai thằng say rượu đang đùa nhau.
– Đứng lên, đứng lên, khách nước ngoài kia kìa, người ta cười chết.
– Khách nào thế?
– Việt Nam.
– A, Việt Nam, Việt Nam. Hoan hô các đồng chí Việt Nam. Con đường XHCN rất rộng, mời các đồng chí cứ đi(ý muốn nói: bài xã luận tháng 8/72 của mình.Hồi ấy, cha con chuẩn bị với nhau mấy tháng mới có thể ra đựoc cái xã luận ấy đấy chứ).
Nói chung, bọn Xưởng phim nó đều nói rất hay, vì chúng nó đều là bọn thất thế. Thằng nào nó cũng có cuộc đời cả.
Còn như mình ở đây, nói chung chúng tôi cũng như ông, tức là vào đây ngay, chẳng anh nào có gì thăng trầm. Mình là nhà văn ca ngợi chế độ này thì đúng rồi. Mình có điều suy nghĩ một tí thì cũng chỉ là nói hộ những người thất thế.
*(Viết truyện phim) Mình chỉ là cái thằng nhà văn viết truyện thôi. Phim không ăn được đâu.
Nhàn: Anh phải làm nhiều thứ cho nó “hiện đại” cơ. Trông ông Mai đấy.
Châu: Những thằng ấy nó làm một thứ không xong, cho nên nó mới phải làm nhiều thứ. Nhưng mà thôi, làm thế chỉ tổ hỏng bút. Văn học mà mất đi cái vỏ ngôn ngữ, thì còn gì là văn học nữa.
Thử ngồi viết một cái gì không cần in, rồi cũng lại chán. Mình bây giờ nó cũng quen rồi. Làm cái gì phải có cả nghệ thuật lẫn kiếm tiền, có hai cánh nó mới đủ sức thôi thúc. Chỉ có nghệ thuật thôi không được. Nhưng chỉ có kiếm tiền thôi càng không được!
(còn tiếp)