Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHẬT KÝ THĂM TRUNG QUỐC

Trần Kỳ Trung
Chủ nhật ngày 27 tháng 12 năm 2009 5:17 AM
 
         Ngày 8 tháng 12 năm 2009
 
           ...Cả đoàn đại biểu của Hội nhà văn Việt Nam gồm nhà văn Hà Phạm Phú, nhà văn Văn Chinh, nhà văn Đỗ Bảo Châu, nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý và mình đã tề tựu đúng giờ tại sân sân bay Nội Bài. Trưởng đoàn là nhà văn Hà Phạm Phú, nói tiếng Trung như gió. Còn mình bập bẹ vài tiếng: “ Nỉ hảo!”...”” “ chai chen!”... “ pu tủng!”...học từ hồi lớp tám, lớp chín, thời bên Trung Quốc còn cách mạng văn hóa, đủ để lịch sự... giao đãi, trước khi “ nói” bằng tay. Trong đoàn có nhà văn Đỗ Bảo Châu, mình thương nhất. Tính rất cẩn thận, thậm chí sợ mình rét, nhà văn còn mang thêm áo rét để mình mặc. Nhà văn Văn Chinh trông như dáng ông đồ, lúc nào cũng ngồi trầm tư, suy nghĩ. Còn mình và nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, bên quân đội, dễ nói chuyện, vì mình cũng đã có một thời làm lính. Trước khi làm thủ tục lên máy bay, mình tưởng mất vé, quá hoảng. Nhà văn Đỗ Bảo Châu đã dặn từ hôm qua: “ Cậu phải kiểm tra hết sức cẩn thận mọi thứ kể cả giấy tờ... xem có thiếu gì không ? Đến lúc tớ đến đón, chỉ việc lên xe...”. Mình cũng tưởng đủ rồi, không phải lo lắng... Có ai ngờ! Cũng may, lại tìm thấy, chứ không mất. Của phải tội, vì mải nói chuyện “ trên giời, dưới đất” với nhà báo Phạm Hoàng Hải, nên chỉ tý nữa là ...quên không biết vé máy bay bỏ chỗ nào? 
        Đoàn nhà văn Việt Nam sang thăm đất nước đông dân nhất thế giới, theo lời mời của Hội nhà văn Trung Quốc, chỉ có năm người nên dễ quản lý. “ Ới!” một tiếng, đâu vào đó. Cứ tưởng qua cửa kiểm soát an ninh của sân bay Việt Nam là “ nghiêm”. Theo quy định, tuyệt đối không mang nước theo người lên máy bay. Ấy vậy.. .chai rượu trắng rõ như thế, chẳng bọc lót gì để trong túi xách hành lý của nhà văn Đỗ Bảo Châu, máy soi của sân bay Nội Bài “ bỏ qua”. Mình rất ngạc nhiên, nhà văn Hà Phạm Phú nói đùa: “ Có lẽ máy soi hành lý của sân bay Nội Bài ưu tiên cho đoàn nhà văn Việt Nam”. Vào trong phòng chờ lên máy bay, nhà văn Đỗ Bảo Châu, giơ chai rượu lên, cười tít cả mắt.
          Mười giờ kém năm, chiếc máy bay VN 900 của hãng hàng không Việt Nam cất cánh, rời sân bay Nội Bài bay sang Bắc Kinh. Thời tiết đẹp, trời trong, nắng vàng tươi, cảnh vật nhìn rõ trong tầm mắt. Mới đầu là đường sá, nhà cửa, ô tô đi lại... sau đó là những đám mây trôi bềnh bồng bên dưới cánh máy bay. Khách đi trên máy bay lần này tương đối vắng, số ghế dư mình thấy rất nhiều.
            Cứ đi khách kiểu này, hãng hàng không Việt Nam lỗ “ sặc gạch”.
            Đón đoàn nhà văn Việt Nam tại sân bay Bắc Kinh, Hội nhà văn Trung Quốc rất chu đáo. Tuy không có ai trong Ban lãnh đạo mang hoa, cờ phướng ra hoan nghênh,  nhưng có người phiên dịch đứng cạnh hàng rào ngăn cách, tên dịch ra tiếng Việt Nam là Thẩm Tổ Anh, đang chờ. Thấy đoàn Việt Nam ra, anh Tổ Anh nét mặt vui, chào nhà văn Hà Phạm Phú. Nhà văn Hà Phạm Phú một tay vẫn kéo va ly,  tay kia giơ lên vẫy vẫy, đúng nghi lễ “ ngoại giao”. Sau đó cả đoàn kéo nhau ra chiếc xe mười hai chỗ ngồi của Hội nhà văn Trung Quốc để đi vào trung tâm Bắc Kinh. Trên đường đi, anh Tổ Anh cười khà khà, nói tiếng Việt tương đối sõi, cho biết kế hoạch làm việc của đoàn nhà văn Việt Nam với Hội nhà văn Trung Quốc. Trong mười ngày ở thăm Trung Quốc sẽ có hai tiếng tọa đàm với các nhà văn Trung Quốc tại Bắc Kinh về nền văn học hiện đại. Còn kế hoạch tham quan tương đối nhiều, đặc biệt đoàn sẽ đến Tây An, một thành phố cổ Trung Quốc, nằm gần Diên An, là căn cứ địa cách mạng Trung Quốc trước đây. Với mình, mình cũng mừng, vì địa danh này mới nghe tiếng, cứ chưa bao giờ đến tận nơi. Nay sẽ được đặt chân đến, cũng là một lần cho biết
           Đoàn nhà văn Việt Nam được đưa về nghỉ tại khách sạn He Ping, khách sạn gần trung tâm thành phố. Mỗi người ở một phòng rất lịch sự, chỉ khổ mỗi điều, ở trong phòng toàn bộ các thiết bị từ ti vi đến sách vở... ghi toàn tiếng Trung Quốc, mình không đọc được phải mày mò, tự tìm. Buổi tối, cả đoàn kéo nhau xuống phòng ăn tự chọn. Năm anh em ngồi quây quần bên nhau, nói chuyện “ tiếu lâm” vui như bên mình...
         Về ngủ sớm, cả ngày đi cũng mệt...
 
       Ngày 9 tháng 12 năm 2009
                 Buổi sáng, sau bữa ăn sáng tự chọn, cả đoàn Hội nhà văn Việt Nam đi tham quan viện bảo tàng thành phố Bắc Kinh.
        Tham quan một viện bảo tàng lớn, bố trí khoa học, cho người xem quá trình phát triển của thàng phố Bắc Kinh từ lúc mới hình thành cho đến tận bây giờ. Trong viện bảo tàng hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật bằng đồng, bạc... có giá trị. Đặc biệt những bức tượng bằng đồng, vàng thời nhà Minh đặc biệt tinh xảo. Duy chỉ có đồ gốm, mình thấy không phong phú như mình suy nghĩ, có thể đó là nhận xét ban đầu, vì chưa thể quan sát hết. Trong viện bảo tàng còn có nhiều bức thư họa nổi tiếng, vẽ rất đẹp y như những bức thư họa mình đã mua về trang trí trong nhà. Nghĩ vui vui: Khéo mấy thư họa mình mua, đồ giả rõ ra đấy, mang vào đây treo không khéo có người tưởng... đồ thật. Điều mình rút ra một nhận xét, qua buổi tham quan viện bảo tàng. Trung Quốc là một đất nước thực sự lớn, có một nền văn hóa lớn nhưng có vẻ chỉ biết mình, không biết các nước xung quanh. Trong viện bảo tàng họ quá đề cao những thành tựu của nhà Minh đạt được, nhưng họ lại quên rằng, chính nhà Minh có dã tâm mở rộng bờ cõi từ đất liền ra biển và không ít lần đi xâm lược nước khác và bị thất bại. Rõ nhất là thất bại ở Việt Nam, sau cuộc kháng chiến của Lê Lợi. Trong bảo tàng, mình chú ý đến sáu bức ảnh chụp chân dung các nhà cách tân bị triều đình Mãn Thanh chém đầu. Thế mới biết rằng, trong trào lưu đòi dân chủ, công bằng, tự do... ở bất cứ chế độ nào, đều phải trả giá bằng máu và nước mắt. Nhất là chế độ đó càng lạc hậu về bản chất thì nó sẽ đàn áp các nhà văn, các nhà tư tưởng tiến bộ càng khốc liệt.
            Buổi chiều, đoàn đi tham quan bảo tàng Văn học Trung Quốc. Một bảo tàng bày trí trông rất đơn giản nhưng cực kỳ khoa học, nghiêm túc và phong phú về nội dung. Suốt ba tầng là chụp chân dung các nhà văn cùng một tác phẩm tiểu biểu của họ. Bên cạnh đó có những đoạn phim vedio chiếu những phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng của các nhà văn Trung Quốc. Mình chú ý nhiều những tác giả bị phê phán trước đây, nay được khôi phục danh dự như nữ tác giả Đinh Linh, viết cuốn tiểu thuyết “ Mặt trời mọc ở sông Tam Càng”, nay trong bảo tàng bức chân dung của bà treo trang trọng, cạnh đó còn chụp một bức ảnh tổng thống Pháp đang tiếp vợ chồng bà. Thế mới biết, văn học thuộc về nhân văn sẽ sống muôn đời. Nhà văn sống đúng với lương tâm, không bẻ cong ngòi bút, không xu thời nịnh thế, không hèn hạ với “ danh”, với “ tiền”, nhân dân sẽ nhớ, thời đại sẽ tri ân. Trong bảo tàng gian giữa trưng bày những tủ nhỏ bày trí những bản thảo của một số nhà văn mà bạn đọc nhớ, không cần nhiều nhưng rất có giá trị. Sân trời của bảo tàng người ta dựng một cây cột trụ bằng nhựa, cao hơn hai chục mét, đăng ảnh chân dung các văn đương đại Trung Quốc, rất sống động. Ngay cửa ra vào của Bảo tàng, núm đồng của cánh cửa in dấu bàn tay của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Ba Kim, một sự ghi dấu ấn rất có ý nghĩa. Vì nhà văn Ba Kim, một nhà văn nổi tiếng lại là người đề xuất và có công xây dựng bảo tàng này.
          Cả đoàn đã chụp ảnh dưới bức tượng của nhà văn vĩ đại Lỗ Tấn. Mọi người mong dân tộc của Người vẫn là một dân tộc vĩ đại, nhưng biết bao dung, độ lượng, biết tôn trọng độc lập tự do của các dân tộc khác như chính độc lập tự do của dân tộc mình.
         Sau đó có buổi hội thảo giữa nhà văn Việt Nam với các nhà văn Trung Quốc ở Bắc Kinh về vấn đề sáng tác cùng nhiều vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm. Nói chung tình hình văn học Trung Quốc rất giống văn học Việt Nam. Sách ít người đọc, thơ in tràn lan, thanh, thiếu niên ngày một ít quan tâm đến văn học viết. Nhà văn đi sau thời đại, nhiều nhà văn không coi trọng ngòi bút của mình, chỉ thích “ danh” còn “ nói đến  “ miếng” thì chẳng có gì. Thế làm thế nào để khắc phục? Điều này, mỗi nhà nhà văn phải tự thân vận động, rồi...thời gian sẽ trả lời!!! Có điều, ở Trung Quốc phải thừa nhận, không khí tự do sáng tác vẫn hơn Việt Nam. Các nhà văn được đề cập thỏa mái mọi đề tài, kể cả những đề tài trước đây được coi là “ cấm kỵ”. Vì thế chỉ trong một thời gian ngắn, ở Trung Quốc đã xuất hiện nhiều tác phẩm văn học được bạn đọc  trong nước đánh giá cao, dư luận nước ngoài chú ý.
           Bao giờ ở Việt Nam có không khí dân chủ, tự do về văn hóa như vậy?
          
           Ngày 10/12/ 2009
             Đoàn nhà văn Việt Nam đến thăm Cố Cung Bắc Kinh, đây là một công trình văn hóa lớn được xây dựng từ thời nhà Minh. Nhiều người đã đến đây rồi, mình không nhắc lại nữa. Nhưng có một điều mình suy nghĩ, Cố Cung  thể hiện lối kiến trúc biểu lộ rõ uy quyền của một đế quốc lớn, muốn làm bá chủ thiên hạ. Cái gì cũng lớn, cũng to, cũng sặc sỡ... Con người vào đây tự nhiên thấy bé nhỏ hẳn, pha chút sợ hãi, nếu như người đó đi một mình. Mình tưởng tượng ra ngày xưa, khi Cố cung vẫn thời hưng thịnh có vua, có chúa... những người lính, những người tạp vụ có dám ngó mắt vào chỗ vua lâm triều giống khách tham quan du lịch như bây giờ không ? Chắc chắn là không! Họ lầm lũi, im lặng đi lại như những con kiến, cúi đầu thực hiện lời của bề trên, có khi cả ngày chẳng thấy ánh mặt trời. Thân phận nô lệ, khốn khổ bao giờ cũng nhục.
            Ở đây lại có một chuyện chẳng biết nên buồn hay nên vui. Mình đi toalet để quyển sổ ghi chép bên ngoài, thế mà có kẻ nào, chắc chắn không phải người Việt Nam lấy mất. Thế là bao nhiêu công ghi chép thành “ trần văn toi”, chán không thể tưởng. Nhưng có một điều lạ, quyển sổ đó chỉ là vật vô tri, vô giác, ghi chép cũng chẳng có gì nhiều, mất nó, tự nhiên mình nhớ, như nhớ một người bạn. Bây giờ không biết quyển sách đó lạc ở phương trời nào ? nghĩ mà thương, lại tự trách mình quá ư mất cảnh giác.
            Có một điều mình thực sự ghi nhận, đó là thái độ chân tình của các nhà văn, nhà thơ ở Hội nhà văn Trung Quốc, từ người lãnh đạo Hội đến người phụ trách đối ngoại . Họ nhiệt tình, chu đáo, không khách sáo, nói rất thật nền văn học Trung Quốc cũng như tình cảm của họ đối với nhà văn, nhà thơ Việt nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Mình có cảm tưởng, họ tránh đề cập những vấn đề chính trị lớn của hai nước, mà chỉ nói chuyện nhân văn, rất tình cảm. Mà cũng hình như... đó cũng là một đức tính quan trọng của người viết văn, làm thơ. Trong bất cứ tác phẩm nào cũng phải đề cập tính nhân đạo cao cả, thương người như thể thương thân, trong bất cứ dòng chữ hay một đoạn thơ nào, ngoài tình yêu, tả quê hương, đất nước... điều mà các nhà văn, nhà thơ thường viết là lên án cái ác, lên án chiến tranh. Có lẽ vì thế, dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng tình cảm nhà văn thơ Trung Quốc và Việt Nam không có sự ngăn cách.
 
                Ngày 11/12/2009
 
            Đoàn nhà văn Việt Nam rời Bắc Kinh đi đến thành phố Tân An của tỉnh Thiểm Tây bằng máy bay. Trên máy bay mình chú ý các màn hình tinh thể lỏng của máy bay đang phát chương trình quảng cáo, trong đó các công ty du lịch Trung Quốc mời khách du lịch đến thăm thác Bản Giốc ( Cao Bằng) giờ đây đã trở thành một điểm tham quan du lịch mới của Trung Quốc. Nghĩ mà buồn không thể tả, thế là thác Bản Giốc của chúng ta mất thật rồi! Đau nhất, họ còn quay cảnh mua bán đồ lưu niệm Trung Quốc ngay bên cạnh thác, rồi cảnh khách du lịch chỉ chỏ những ngọn núi, cánh rừng phía xa xa...với ánh mắt thích thú. Có chăng, vì ngọn núi, cánh rừng đó trước đây là của Việt Nam nay thuộc về Trung Quốc!!!
           Không biết sau này có một ông lãnh đạo nào của chúng ta cũng đi một chuyến máy bay như mình lúc này, nhìn thấy những hình ảnh quảng cáo kia sẽ nghĩ sao ???
           Sau gần hai giờ bay, đoàn nhà văn Việt Nam đã đến Tân An, đây là thành phố cổ của Trung Quốc được xây dựng trước cả Hội An của Việt nam.
           Ngay buổi chiều đoàn đi thăm tháp Đại Nhạn. Đây là một ngôi tháp được xây dựng từ thời Đường. Phía trước ngôi Tháp người ta có tạc một bức tượng Đường Tăng, sau khi thỉnh kinh về, bằng đồng trông ngài uy nghi, trầm tĩnh.
           Sau khi ăn cơm xong, mình cùng mọi người dạo mấy con phố chính của thành phố Tây An trong những cơn gió lạnh, lạnh đến kinh người từ phía bắc thổi tới. Dẫu thế, vẫn không thể ngăn được mọi người trong đoàn dừng lại trước những cảnh đẹp, trước những bức tượng hoành tráng tạc lên những nhân vật lịch sử Trung Quốc. Mình thực sự thán phục về sự tả chân rất đẹp từ những bức tượng này. Nó rất sinh động, có hồn. Những con người từ thời phong kiến xa xưa, như vẫn còn đây, đang dạo bước cùng con người hiện đại. Họ im lặng, im lặng như một sự khó hiểu về cách đối nhân xử thế của con người hiện đại. Trên bệ đá cao tạc vua đời Đường đang đi tuần tra trên lưng ngựa về miền biên giới, để lại sau lưng ông, một thành phố hiện đại, dạt dào ánh điện, soi rõ những tòa nhà cao tầng. Mình cứ nghĩ, nếu như ông vua ấy cứ mải mở mang bờ cõi, mải lo biên giới không để ý cuộc sống, suy nghĩ của dân tình bên trong, phỏng sự đi “ kiểm tra” biên giới có ích gì ???
             Sau ánh đèn hào nhoáng, bên dưới những tòa cao tầng là  những ngôi nhà lụp sụp, những cảnh nghèo không nơi nương tựa, tệ nạn xã hội... còn bao nhiều điều bức bối phải giải quyết. “ Vua” có biết chăng? Hay vẫn mãi đi tuần du rồi xâm lược...
 
                Ngày 12/12/2009
 
           Cả đoàn đi xe ô tô đến tham quan lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Đây là một điều mà mình ưng ý nhất.
        Mình đã tận mắt chứng kiến những đoàn quân đất nung, cao to bằng người thật đông có đến cả nghìn, đứng im lặng thành đoàn, để bảo vệ mộ vua. Những bức tượng sống động, nét mặt người nào người nấy trông có vẻ cam chịu, trung thành. Thường những người dân đứng vào vị trí này, họ đã trở thành một con tốt thí cho những mưu đồ bá vương. Thời Tần Thủy Hoàng, thậm chí cả đến thời nay, nhiều giai cấp thống trị luôn lợi dụng sự ngây thơ của người dân để mưu đồ những ý đồ chính trị độc ác. Mà thường những mưu đồ đó lại được che đậy bằng những cụm từ, những lý tưởng huyền hoặc mới nghe, người dân rất dễ bị lừa. Để rồi... cuối cùng khi những mưu đồ chính trị kia đã thành, giai cấp thống trị trả cho người dân cái gì? Suy cho cùng, Tần Thủy Hoàng cũng làm được một việc “ nhân nghĩa” là cho người tạc tượng, để họ có chết, người đời sau vẫn nhớ là đã có một lớp người khốn khốn như thế, đã chết vì bị vua...lừa! Còn ở nhiều nơi khác, người dân đã chết vì...bị lừa, chẳng ai nhớ, thậm chí đến cả ngôi mộ cũng không có. Tất cả bị vùi trong quên lãng.
           Nghĩ ra, thấy đau lòng.
 
                Ngày 13/12/2009
 
                  Mình cùng đoàn đến thăm chùa Môn Pháp cách thành phố Tân An hơn một trăm cây số. Nghe đâu ở đây họ khai quật được một cung điện đời nhà Đường, nên quyết định xây dựng ở đây thành một điểm đến của các phật tử hành hương, cũng là một điểm tham quan du lịch cho mọi du khách.
                Thực ra khi vào bên trong, cũng không có gì ghê gớm. Chỉ có vài bức tượng cổ, vài lọ hũ sành, với những sơ đồ vùng khai quật. Nhưng điều quan trọng, làm mình chú ý là cách xây dựng ngôi chùa này. Nó quá to, quá đồ sộ. Thế mới biết rằng, ở Trung Quốc, họ chưa bao giờ chịu làm cái gì nửa chừng, hoặc chỉ làm cho có. Họ đã làm cái gì cũng bằng mọi cách khác người, đến nơi, đến chốn. Xây dựng thành phố đúng quy hoạch, ngăn nắp, đâu ra đấy. Còn xây dựng di tích, là ra di tích. Dù mọi người biết đấy là mới, là hiện đại nhưng vẫn phải nể, phải thán phục. Chùa Môn Pháp là một ví dụ. Mình cùng đoàn người hành hương thắp hương cầu khấn trước cửa phật. Mình mong mọi người trên trái đất( Nghe có vẻ to tát!) hãy sống an lành, Hạnh phúc. Những nước lớn đừng có tham vọng bá vương, gây hấn với các nước láng giềng. Đất Trung Quốc là của người Trung Quốc, còn đất Việt Nam, lịch sử đã chứng minh, sử sách còn ghi rõ, phải là của người Việt Nam.
          Mãi mãi đúng quy luật là như thế!
              
     
Ngày 14/12/2009
 
          Đoàn nhà văn Việt Nam rời Tây An đi Thượng Hải. Một cuộc chia tay lưu luyến cảm động với anh Vương, trưởng ban sáng tác của Hội nhà văn Thiểm Tây... .
           Tưởng máy bay sẽ bay được ngay, có ai ngờ thời tiết quá xấu, nên giờ bay bị trễ. Cũng may ngồi lại ở sân bay Thiểm Tây mình đã chứng kiến những bông tuyết trắng đầu mùa. Chúng rơi  xuống đất lấp lánh như những bông thủy tinh nhỏ, rồi bám vào thành cửa kính, cửa máy bay... rất đẹp.
           Suốt mấy tiếng ngồi chờ đợi máy bay, mệt, buồn ngủ. Nên khi lên máy bay, sau bữa ăn điểm tâm, mình ngồi ngủ luôn, cho đến lúc máy bay hạ cánh.
           Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Thượng Hải, mình choáng ngợp vì sự to lớn của sân bay này. Phải có đến hàng chục cửa đón, trả khách trực tiếp từ cửa máy bay. Máy bay lên xuống liên tục, họ giải quyết thủ tục nhanh gọn.
             Đón đoàn nhà văn là vị Trưởng ban đối ngoại Hội nhà văn Thượng Hải, hiền lành, ít nói. Chẳng bù cho  tiên sinh họ Vương, Trưởng ban sáng tác Hội nhà văn Thiểm Tây, nói liên tục như đại liên bắn, người ta không hiểu, tiên sinh cứ nói. Người ta chỉ biết tiếng Việt, tiên sinh vẫn cứ nói, nói toàn tiếng Trung Quốc, ai nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Cũng vui!
          Đoàn về nghỉ tại một khách sạn 4 sao, gần trung tâm Thượng Hải.
           Ngay buổi tối, mặc dù trời mưa, nhưng cả đoàn đã cố gắng đến tham quan đường Nam Kinh, một trung tâm mua sắm của Thượng Hải. Hàng hóa rất nhiều, có điều... đắt quá, mình chỉ xem, chứ chẳng dám mua một thứ gi... Lúc về mình với nhà văn Hà phạm Phú đang nói chuyện thì có hai thanh niên, một nam, một nữ, lẵng nhẵng bám theo sau xin tiền. Hai em trông khuôn mặt khôi ngô, phải nói là đẹp nữa, đi theo mình và nhà văn Hà Phạm Phú một đoạn đường dài, cố xin vài đồng Nhân Dân Tệ. Bọn mình không thể cho, vì không có tiền lẻ, điều nữa, vì không biết đây là ăn xin “ thật” hay “ giả”. Hơn nữa mình và các anh trong đoàn được các bạn Trung Quốc dặn rồi, tuyệt đối phải cảnh giác với những loại người bên ngoài trông tử tế, nhưng thực tế bên trong là bọn đĩ điếm, ăn cắp, hại người.
           Lời dặn đó, không những mình và nhà văn Hà Phạm Phú thực hiện ngay trong lúc này mà tự dặn lòng, phải ghi nhớ suốt đời
 
           Ngày 15/12/2009
 
                 Buổi sáng mình cùng mọi người đi tham quan tháp truyền hình Thượng Hải và viện bảo tàng lịch sử hiện đại Thượng Hải.
                Tháp truyền hình Thượng Hải, có lẽ tả bằng thừa vì nó quá hiện đại và cấu trúc thật tuyệt vời, nhiều người đã biết. Điều mình muốn nhớ, đó là buổi tiếp theo đi thăm viện bảo tàng lịch sử Thượng Hải. Một viện bảo tàng đã để lại cho mình rất nhiều ấn tượng. Hiện vật lịch sử không có nhiều, tất cả gần như là miêu tả bằng hình ảnh, những bức tượng giống y như thật. Họ dẫn giải người xem từ lúc Thượng Hải mới xây dựng cho đến tận bây giờ. Từ việc phục chế những đường phố, mái nhà, cổng rồi cả những cảnh sinh hoạt hết sức đời thường của mọi tầng lớp, giai cấp của Thượng Hải lúc đó, đưa người xem thực sự về với Thượng Hải xưa. Họ sử dụng cả phim không gian ba chiều, tiếng động... để miêu tả mọi sinh hoạt của người Thượng Hải, khiến người xem không thấy nhàm chán. Trong một không gian không lớn, quả thật phải có một đầu óc rất giỏi mới có thể làm nên một viện bảo tàng trên.
            Viết đến đây, mình lại nhớ đến các viện bảo tàng ở Việt Nam. Toàn hiện vật là hiện vật, sắp xếp ôm đồm, không khoa học, không thuyết phục người xem. Cho dù có hướng dẫn viên, người nghe cũng không hứng thú, người xem chỉ đến một lần là chán, không muốn xem lần sau. Sao họ không cử người sang đây để học tập?
           Đến buổi chiều đoàn nhà văn Việt Nam lại tọa đàm trao đổi với Hội nhà văn Thượng Hải. Trong đoàn nhà văn Thượng Hải, có một số vị là công tác biên kịch điện ảnh, giống mình, nên cũng rất dễ nói chuyện. Nói chung, gọi là tọa đàm trao đổi cho vui, chứ có chuyện gì mà nói.Vì cuối cùng, Trung Quốc cũng giống Việt Nam, chuyện muôn thủa, viết cái gì, nhất là kịch bản truyền hình đều phải có khuôn phép, chỉ được phép đề cập những chuyện mà “ ông lớn” cho phép, còn không phải như thế thì không được phép phát bộ phim đó...Còn viết sách, có thể nội dung được đề cập tự do hơn bên Việt Nam, có điều... rất ít người đọc, nhất là thế hệ thanh niên, họ càng không để ý.
             Giống y chang...Việt Nam.
 
               Ngày 16/12/ 2009
 
            Buổi sáng đoàn nhà văn Việt Nam đi thăm viện bảo tàng Lỗ Tấn. Một bảo tàng tôn vinh một nhà văn lớn, một nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc. Mình có đọc một số tác phẩm của nhà văn Lỗ Tấn, nhất là “ A.Q chính chuyện”, mình đã phục. Tầm tư tưởng của ông đã vượt qua biên giới Trung Quốc, mang tính khái quát rất lớn của thời đại. Bảo thủ, trì trệ, ngu dốt, tự làm hại lẫn nhau, không hiểu mình, giả dối ... đó là những điều mà Lỗ Tấn muốn đề cập đến xã hội Trung Quốc phong kiến, rộng ra là cả phương Đông. Về hình thức, một triều đại, một vương quyền có thể sụp đổ, nhưng bản chất lạc hậu, phản động đã ăn sâu vào một tầng lớp, mọi giai cấp trong xã hội Trung Quốc. Phải có một cuộc cải cách thật triệt để, có sự tham gia của những tầng lớp trí thức tiến bộ nhất, thay đổi cả một phương pháp giáo dục, rồi dám chấp nhận đổi mới, đổi mới thực sự, dám chấp nhận hy sinh quyền lợi giai cấp...may ra mới có sự tiến bộ, nhất là tiến bộ dân chủ trong xã hội Trung Quốc. Điều nhắn nhủ này của nhà văn Lỗ Tấn vẫn mang tính thời sự không riêng cho Trung Quốc mà còn cho nhiều nước khác ở Châu Á.
            Trong phòng trưng bày những tác phẩm của Lỗ Tấn đã được dịch ra tiếng nước ngoài, mình chú ý đến một tác phẩm của Lỗ Tấn dịch ra tiếng Việt Nam do nhà văn hóa lớn Phan Khôi dịch vào năm 1956. Nhắc đến Phan Khôi, có thể ông không viết nhiều tác phẩm như Lỗ Tấn, nhưng tiết tháo, không khuất phục trước cường quyền, trước sự ngu dốt đang thống trị, một niềm khao khát xã hội dân chủ, văn minh, quyết đạt bằng được của ông, mình nghĩ, Phan Khôi không thua Lỗ Tấn.
            Tiếp đến Đoàn nhà văn Việt Nam đến thăm ngôi nhà ở của Lố Tấn vào những năm cuối đời. Ngôi nhà bình thường như muôn các ngôi nhà khác trong một khu tập thể trông hao hao như khu tập thể ở Hà Nội. Khu tập thể đó vẫn giữ nguyên trạng như thời gia đình nhà văn Lỗ Tấn sinh sống. Điều mình phục là ngôi nhà của Lỗ Tấn nằm giữa khu tập thể, nhưng người dân trong khu tập thể vẫn trân trọng gìn giữ từng hiện vật mà gia đình nhà văn đã sử dụng, nguyên vẹn cứ như nhà văn vừa đi vắng, khách đến thăm nhà mà không gặp.Ý thức gìn giữ hiện vật lịch sử của những người dân ở đây thật đáng khâm phục. Ở Việt nam làm gì có chuyện này, đến công an bảo vệ, có khi còn bị mất cắp, huống hồ là nhà vắng chủ.
              Buổi chiều, đoàn nhà văn được tự do đi mua sắm trong khu buôn bán tự do của Thượng Hải. Hàng hóa quá rẻ, rẻ hơn rất nhiều so với mua bên Việt Nam. Nghe đâu ở Quảng Châu ,Vân Nam còn rẻ hơn nữa.
              Hàng hóa bán rẻ thế này mà tuồn theo đường tiểu ngạch về Việt Nam thì nền kinh tế Việt Nam chỉ có nước “ Điêu Văn Đứng”.
              Mình cũng mua được một số thứ về làm quà tặng cho bạn và gia đình.
 
              Ngày 17 tháng 12 năm 2009
 
            Tạm biệt Thượng Hải, máy bay phải quá cảnh tại Bắc Kinh trước khi trở về Việt Nam.
             Chia tay với anh phiên dịch Thẩm Tổ Anh, mình rất cảm động, không thể nói nhiều lời, chỉ cố gắng chụp chung với anh Thẩm một tấm ảnh làm kỷ niệm trước lúc chia tay, không biết bao giờ mới gặp lại. Anh Thẩm đã đi theo đoàn suốt một chặng đường dài, làm việc cần mẫn, chính xác, hết sức cẩn thận. Yêu cầu nào của bất cứ thành viên  nào trong đoàn, anh đều đáp ứng. Tuổi của anh lớn rồi, mà đi thế này, kể cũng phục.
            Đợi ở sân bay Bắc Kinh  hai tiếng đồng hồ, hết đứng lại ngồi, rồi cùng nhà thơ Nguyễn Hữu Quý dạo loanh quanh trong khu vực cách ly, không biết đi toa lét bao nhiêu lần... Nhân đây mình cũng muốn nói đến việc xây dựng nhà vệ sinh bên Trung Quốc. Điều này tuy rất nhỏ, nhưng thể hiện ý thức văn minh rất lớn, của một xã hội hiện đại. Bất cứ một địa điểm văn hóa, trung tâm du lịch, mua bán, sân bay, đường phố... bên Trung Quốc đều bố trí nhà vệ sinh hết sức khoa học. Nghĩa là người ta cần, lập tức có thể dễ dàng tìm đến, không phải ngó trước, ngó sau rồi mắc bệnh“ tiểu đường” như bên ta. Trong nhà vệ sinh rất sạch, có người lau chùi hàng giờ, vệ sinh không mất tiền. Chúng ta hay đánh giá một xã hội văn minh là học hành thế này, thế nọ! Rồi intenets, rồi cả  ô tô, xe máy v.v... nhưng theo mình, qua đợt tham quan Trung Quốc, đánh giá xã hội văn minh, hiện đại là xem anh tổ chức nhà vệ sinh như thế nào? Thế là rõ ngay một xã hội có văn minh hay không ?
        Sau hai tiếng chờ đợi, máy bay đưa cả đoàn nhà văn Việt Nam quá cảnh một chặng nữa ở Quảng Châu. Ở sân bay Quảng Châu khoảng 30 phút, làm tất cả những dịch vụ xuất, nhập cảnh rồi lên lại máy bay, bay về Việt Nam.
         Đến Hà Nội khoảng 10 giờ 30 tối. Mình cũng nhà văn Đỗ Bảo Châu thuê một chiếc xe tacxi đi vào trung tâm Hà Nội. Kết thúc một chuyến tham quan có nhiều ý nghĩa.
        
           Ngày 18 tháng 12 năm 2009
 
          Sáng sớm mình thức dậy ngay, đi ra thăm thú phố phường Hà Nội. Mới xa đất nước có 9 ngày mà sao mình có cảm giác xa lâu lắm. Phố xá Hà Nội vẫn vậy, đông đúc, xô bồ, tiếng cười, tiếng nói đua chen lẫn lộn. Vỉa hè Hà Nội, không giống như bên Trung Quốc, hàng nước, hàng ăn rồi cửa hàng bách hóa ngào lẫn vào nhau. Nhưng thật lạ, mình không hề có cảm giác khó chịu, cố hít thật sâu cái mùi, không biết gọi đó là mùi gì, cứ gọi là mùi vỉa hè Hà Nội, để thỏa nỗi nhớ. Sang bên Trung Quốc, vỉa hè của họ ngay hàng thẳng lối, lạnh lùng, chỉ nhìn thấy người bán hàng sau lớp cửa kính trong suốt, mình vẫn có cảm giác lạc lõng, về là quên không có một chút ấn tượng nào. Còn giờ đây, dẫu vỉa hè của thành phố Hà Nội là lộn xộn, kẻ đứng người ngồi, thậm chí có cả trẻ em thò chim ra ngoài quần đứng đái... mình vẫn thấy ấm áp, thật thật quen, không muốn xa rời.
          ĐIỀU ĐƠN GIẢN,  ĐÂY LÀ TỔ QUỐC CỦA MÌNH !