Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẠO DIỄN TRẦN VĂN THỦY VỚI KÝ ỨC 'HÀ NỘI TRONG MẮT AI'

Trần Ngọc Kha – Bùi Dũng
Thứ tư ngày 30 tháng 12 năm 2009 6:27 AM
 
Tuần Việt Nam
26-12-2009
Trong ký ức của nhiều thế hệ độc giả, “Hà Nội trong mắt ai” là bộ phim tài liệu “có vấn đề”. Khi gợi lại câu chuyện một thời, tác giả của những thước phim đó – đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy – còn nhớ như in từng chi tiết nhỏ.
 
LTS: Ngay từ khi ra đời, vào đầu những năm 1980, bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” (đạo diễn Trần Văn Thủy) đã trở thành sự kiện gây chú ý trong đời sống văn hóa – nghệ thuật vào “đêm trước Đổi mới”. Tác phẩm không chỉ gây chấn động dư luận lúc bấy giờ về tính ẩn dụ, mức độ hấp dẫn và góc nhìn trực diện về những “vấn đề” nóng bỏng của xã hội, mà còn vì những “sóng gió” liên tiếp mà nó và người làm nên nó vấp phải.
 
“Hà Nội trong mắt ai” đã bị cấm chiếu, cho đến khi được đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem và nhận xét. Vị Nguyên thủ khi đó đó đã truyền đạt mệnh lệnh: “Tổ chức chiếu công khai bộ phim này cho nhân dân xem, chiếu càng rộng càng tốt, càng nhiều càng tốt. Chiếu ngay lập tức! Nếu phát hiện ra cái gì sai thì sửa sau”. Đó là vào ngày chiều 18/10/1983.
Câu chuyện Thủ tướng “giải cứu” “Hà Nội trong mắt ai” được Tuần Việt Nam dẫn lại sau đây, qua bài viết tương đối khái quát, chân thực của tác giả Trần Ngọc Kha, in làn đầu trên báo Phát luật nhân kỷ niệm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau đó nhiều báo khác đăng lại. Tuy vậy, sự việc liên quan đến bộ phim không phải đã dừng lại ở đó. Những “sóng gió” vẫn tiếp tục đến mà vì nhiều lý do khác nhau bài viết vừa nêu chưa chạm đến….
Sau mệnh lệnh của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về “Hà Nội trong mắt ai”, chỉ một thời gian ngắn sau, bộ phim tài liệu của đạo diễn Trần Văn Thủy lại bị cấm chiếu một cách nghiệt ngã.
“Cho đến năm 1985, mình không còn cái gì nữa” – ông Thủy chua chát kể: “Kể cả điều kiện làm việc cho đến “miếng cơm manh áo”, tất tật. Vợ mình bảo mình điên, bạn bè cũng nói vậy, nhưng khổ nhất là sự cô đơn. Đồng nghiệp bảy rưỡi, tám giờ sáng tề tựu ở cơ quan lo cho ông Trần Văn Thủy… đã bị bắt hay chưa!”.
Đề cập đến câu chuyện cũ mà ý nghĩa và bài học từ nó còn nguyên giá trị, nhất là trong thờI điểm này, Thủ đô Hà Nội đang hướng tới kỷ niệm 1000 năm, đạo diễn Trần Văn Thủy kể thêm những thông thông tin mới sau khi “Hà Nội trong mắt ai”sau khi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp:
“Sau buổi xem phim ngày 18/10/1083 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tưởng rằng mọi việc sẽ xuôi chào mát mai, nhưng “Hà Nội trong mắt ai” chỉ được chiếu tưng bừng trong Nam, ngoài Bắc vài ba tháng thì không được chiếu nữa. Trong thời gian này tôi có lệnh gọi lên để gặp ông Lê Đức Thọ tại nhà nghỉ riêng của ông Thọ ở Nghi Tàm để tường trình.
Tiếp đó, bộ phim có buổi chiếu (mà tôi cũng không nghĩ rằng đó là cuối cùng) tại Văn phòng Trung ương Đảng cho ông Trường Chinh xem. Trong buổi chiếu đó có ông Lê Xuân Đồng (Phó ban tuyên huấn – người theo chỉ thị của cấp trên cực lực phản đối bộ phim này), ông Đặng Xuân Kỳ (Viện trưởng Viện Triết học – một người rất nhiệt thành ủng hộ bộ phim này). Điều tôi không tưởng tượng được đã xảy ra liền sau đó, bộ phim đã phim tuyệt đối không được chiếu nữa, với lý do sau lưng bô phim này là một lực lượng chính trị.
Sau Đại hội Đảng VI, đầu năm 1987, rất nhiều vấn đề của đất nước đã được xem xét lạI với khẩu hiệu “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và phản ánh đúng sự thật”. Với văn học – nghệ thuật, đã từng có những câu như “Cởi trói cho văn ngệ sĩ, Không uốn cong ngòi bút, Tự cứu mình trước khi trời cứu…”.
Trong xu thế đó, vào tháng 5/1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp xem bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” và gặp tôi. Ông hỏi: “Bộ phim chỉ có thế này thôi à?”. Tôi đáp: “Vâng, thưa Tổng Bí thư, Bộ phim chỉ có thế thôi…”. Ông nói tiếp: “Chỉ thế này thôi, tại sao lại cấm?”, không biết là câu hỏi hay lời tự vấn. Tất cả im lặng.
Theo chỉ thị của Tổng Bí thư, Ban Văn hóa – Văn nghệ lúc đó đã triệu tập một buổi chiếu “Hà Nội trong mắ ai” cho tất cả những người có liên quan, có trách nhiệm về quản lý văn hóa – văn nghệ, tỏng thư ký các hội văn hộc – nghệ thuậtt xem. Xem xong mọi người được quy định bỏ phiếu “Thuận” hay “Chống”. Và trong không khí đổi mới ấy, 100% người xem đã bỏ phiếu “Thuận”.
Ngày 25/9, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản truyền đạt ý kiến của Ban Bí thư, chỉ thị Ban Tuyên huấn, Bộ Văn hóa phổ biến rộng rãi bộ phim này.
Tại Liên hoan phim Việt Nam tại Đà Nẵng vào tháng 3/1988, một bộ phim từng được coi là “chống Đảng”, “dạy Đảng cầm quyền” “kêu gọi mọi người xuống đường” đã được nhận liền một lúc 4 giải thưởng cao nhất: Bông sen vàng cho phim tài liệu, Biên kịch xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất…”. (Bùi Dũng ghi)
Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang tới gần, xem lại những thước phim, càng thấy rõ hơn giá trị về tư liệu, lịch sử và chiều sâu ý nghĩa mà bộ phim hàm chứa. Và sau đây là “phần đầu” trong nỗi đoạn trường của câu chuyện về một thời “Hà Nội trong mắt ai”.