Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÀNG NƯỚC ƠI !

Lê Phú Khải
Thứ hai ngày 14 tháng 9 năm 2009 2:11 PM
Tùy bút
 
Ở các nước phương Tây tổ chức, khái niệm làng (xã) không quan trọng. Người ta xem vùng mới là quan trọng. Như Pháp chẳng hạn, thì được chia ra nhiều vùng: Vùng Pa-ri, vùng Nóc-măng-đi, vùng Brơ-ta-nhơ… Thời phong kiến thì mỗi vùng là một lãnh chúa, đến thời tư bản thì các vùng đó chuyển thành các bang. Nhà nước trở thành liên bang. Liên bang Hoa Kỳ, liêng ban Nga… Ở Việt Nam ta thì tổ chức, làng là quan trọng nhất, sau làng là đến nước. Các cấp trung gian không nghĩa lý gì. Vì thế các cấp này luôn thay đổi. Nay là quận, mai là châu, kia là phủ, là trấn… Chỉ có làng và nước là vĩnh viễn. Vì thế mới có từ “làng nước”. Các cụ ta nói “sống ở làng, sang ở nước”. Ngày xưa bỏ làng mà đi là điều tối kỵ. Bỏ nước mà đi là chuyện tày đình. Có đi xa thì cũng là đi “tìm đường cứu nước” như cụ Phạn, cụ Hồ. Với người phương Tây thì ở nước này, đi nước khác sinh cơ lập nghiệp là chuyện bình thường, lấy vợ nước khác là chuyện bình thường. Ở ta thì không thế, đến lấy vợ đầm mà còn bị khinh rẻ, lấy chồng Tây thì bị gọi là “me Tây”.
Cái làng, cái nước đối với người Việt ta là thiêng liêng lắm, là máu thịt với người Việt được truyền lại từ ngàn năm xưa không gì phai nhạt được. Mất gì thì mất chứ không thể mất nước được. Vì thế trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới viết “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Khi đọc lời kêu gọi này, một nhà nghiên cứu phương Tây đã bình luận, đại ý, trong thời đại của bom nguyên tử (sau chiến tranh thế giới thứ 2) mà cụ Hồ kêu gọi “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gương thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước” thì thật là một lời kêu gọi chưa từng có trong lịch sử. Người viết lời kêu gọi đó phải có niềm tin mãnh liệt về lòng yêu nước của nhân dân mình.
Sự thật lịch sử đã chứng minh lời cụ Hồ, cũng từng nói vào năm 1946 gay go đó, khi tướng Lơ-cléc đang dẫn các đoàn tàu chở binh lính Pháp vừa thắng trận trong đại chiến thế giời lần thứ 2 từ cảng Mác-xây qua Đông Dương để tái chiếm Việt Nam: “Các con tàu của Pháp có thể vượt đại dương, nhưng không thể đi ngược các dòng sông ở Việt Nam. Dòng sông yêu nước của người Việt đã cuốn trôi các con tàu Pháp lên đến tận núi rừng Điện Biên Phủ vào năm 1954!”.
Cũng vào cái năm 46 toàn quốc kháng chiến ấy, ông nội tôi vốn là nhân viên va-gơ-mét (vaguemetre) cho quan Bẩy (tức toàn quyền Đông Dương), lương hưu nuôi được cả gia đình sung túc, vậy mà nội tôi đã vứt cả sổ hưu để kéo cả gia đình lớn bé đi tản cư kháng chiến ở vùng tự do Phú Thọ. Những năm “áo vá cơm khoai” ấy, nội tôi thường kể: “Khi theo quan Bẩy, và vua Khải Định sang Pháp dự hội chợ triển lãm thuộc địa Mác-xây năm 1922, đang đi giữa Pa-ri, có thằng bé con đã chỉ vào mặt tao mà hét lên: Maman! Japonais! (Mẹ ơi! Người Nhật Bản). Mẹ nó đã tát vào mặt nó vì sự vô lễ, rồi kéo nó đi…”. Nội tôi kết luận: “Nhục lắm cháu ạ! Người ta không biết mình là ai, chỉ biết nước Nhật Bản thôi! Theo cụ Hồ kháng chiến rồi nước mình sẽ độc lập, thiên hạ sẽ biết mình là người nước Việt”.
Thế đó! Với người Việt cái nước đó thiêng liêng như thế. Những năm “áo vá cơm khoai” đó, nhà thơ Tố Hữu đã viết:
 
“Củ khoai củ sắn thay cơm
Khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng.
Hớp hụm nước giếng trong đỡ khát
Nhìn trời cao mà mát tâm can”
 
Cái lúc gian khó ấy, sao người ta lại lạc quan làm vậy. Nếu không phải vì người ta đi đánh giặc cứu nước…
Vậy mà giờ đây, đang ngồi ăn đặc sản, uống rượu Hen-nét-xi, bỗng sực nhớ đến Tây Nguyên, rôi đây làng nước có còn, cồng chiêng có còn vì con lai gốc Tầu, gốc Tây thiết gì đến Đam San, Xinh Nhã. Đó đây bùn đỏ treo trên dầu cuộc sống nhân dân. Lòng đau khôn tả.
Cũng nhân nghĩ đến lời nội tôi năm xưa: … rồi thiên hạ sẽ biết mình là người nước nào(!). Thiên là trời, hạ là ở dưới. Thiên hạ là dưới gầm trời, tức là cả thế giới! Ông bà ta xưa kia lo giữ nước, giữ gìn độc lập, yêu chuộng hòa bình. Vậy mà phải ở cạnh một anh hàng xóm luôn có máu “bình thiên hạ”! Cái đạo Nho của ông Khổng Tử của người Tàu từ hơn hai nghìn năm trước đã dạy học trò của mình là: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ! Ôi chao! Vì cái mộng bình thiên hạ nên họ đã đem quân đi xâm lược tứ tung khắp vùng Á Châu. Hãy xem phim lịch sử Hàn Quốc ngày nay thì thấy rõ. Người Triều Tiên xưa cũng căm ghét bọn xâm lược từ phương Bắc như thế nào. Người Nhật Bản cũng vậy. Đến ngày nay ta gọi dã tâm bình thiên hạ là dã tâm bành trướng (năm 1979 ta đã từng gọi họ như thế). Người Việt Nam chúng ta “thà hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước” như lời cụ Hồ kêu gọi năm xưa. Đó là lẽ hiển nhiên, là máu thịt, là bản chất của dân tộc Việt Nam. Khi người Việt chúng ta lột xác từ loài động vật để thành con người đi hai chân và biết nói thì đã có lòng yêu nước. Chính làng nước sinh ra chúng ta, sinh ra dân tộc Việt Nam. Mất làng nước là mất hết. Vì thế cha ông chúng ta mới thề rằng: Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc. Dù có biến thành quỷ trở lại thì cha ông ta cũng muốn làm quỷ nước Nam. Cha ông ta vĩ đại quá! Muôn năm cha ông của chúng ta!.
 Tôi là một công dân ngoài Đảng. Dòng họ tôi và cả dân tộc Việt Nam đi theo Đảng bấy lâu nay vì yêu làng, yêu nước. Nay lòng không yên vì những người khẩu Phật tâm sà đến đào bới cả nóc nhà của Đất nước, là vùng đất thiêng Tây Nguyên thì khác nào lưỡi dao đã khứa vào “chỗ da non nhất của lòng người” Việt Nam rồi! Nguy cơ đã rõ ràng.
Nếu suy xét kỹ về phạm trù làng nước trong lịch sử tư tưởng của dân tộc Việt, tôi tin rằng các vị sẽ có suy xét lại trong việc làm nguy hiểm này...

Tân Bình, 09/2009