Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÂN VỤ ÁN HUỲNH VĂN NÉN, NHỚ LỜI CẢNH BÁO CỦA LÊ-NIN

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
Thứ tư ngày 16 tháng 12 năm 2015 11:00 AM


V.I. Lê-nin chỉ ra ba kẻ thù chính của những người cộng sản cầm quyền: thứ nhất là “tính kiêu ngạo cộng sản”, thứ hai là “nạn mù chữ”, thứ ba là “nạn hối lộ”).

Cho đến hôm nay, sau khi ba cơ quan có trách nhiệm trong việc xử oan cho ông Huỳnh Văn Nén gần 17 năm tù oan đã công khai lên tiếng xin lỗi thì liệu còn điều gì đáng bàn nữa không? Tôi nghĩ là còn – còn vấn đề rộng hơn, sâu xa hơn so với nỗi oan ức của một con người; vì nó liên quan đến nhiều người, thậm chí đến tất cả mọi người.

Dõi theo loạt bài về vụ án oan sai đặc biệt nghiêm trọng này đăng trên báo "Tuổi trẻ" những ngày qua, tôi thấy không chỉ các cán bộ trực tiếp điều tra, nét xử ông Nén phải chịu trách nhiệm. Điều này là đương nhiên và các cán bộ có liên quan đã công khai thừa nhận. Vấn đề đặt ra là: Vì sao bằng chứng và tiếng kêu oan đã thấu rất nhiều cơ quan từ 15 năm trước, đến nay ông Nén mới được “giải phóng”?

Xin được “trích yếu” nhắc lại các chi tiết từ loạt bài phóng sự trên "Tuổi trẻ":

- “Với trách nhiệm của một chủ tịch xã, tôi đã làm văn bản báo cáo đầy đủ thông tin liên quan đến lời tố cáo của anh Nguyễn Phúc Thành …” (TT ngày 30/11)

- “… Tôi băn khoăn không ngủ được nhiều đêm và quyết định báo cáo cán bộ giáo dục vụ việc. Cán bộ làm việc với tôi nhiều rồi mới cho tôi làm đơn tố cáo khẩn cấp gửi ra cục V26… Sau đó, cán bộ Cao Văn Hùng đến làm việc với tôi tại trại giam nói tôi tố cáo sai nên rút đơn lại kẻo phải đi tù lâu hơn…cán bộ quát tôi…: “Ai cho mày biết hả, mày muốn chết tao cho mày chết”… Sau khi báo cáo và làm đơn gửi, thì cán bộ điều tra Công an Bình Thuận có vào làm việc. “Sau đó họ đề nghị tôi rút lời khai và rút đơn tố cáo…” (Trích lời kể của Nguyễn Phúc Thành – TT ngày 2/12).

- “Ông Thận cũng cho biết từ năm 2000, sau khi gửi lá đơn đến Công an tỉnh Bình Thuận và cho đến năm 2013 không hề có ai hỏi gì… “Thời gian ấy tôi có đến Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM (nay là TAND cấp cao) và Viện Phúc thẩm 3… để cung cấp thông tin cho những người có trách nhiệm… ngay các luật sư theo đuổi vụ án từ đầu cũng có lúc mệt mỏi vi không ai đếm xỉa gì đến những ý kiến của luật sư…” (Trích lời kể của ông Nguyễn Thận – Báo TT 3/12)

Để không làm bạn đọc mất thì giờ, chỉ xin trích từng đó. Hẳn là những người trong cuộc sẽ đưa ra nhiều lý do về sự “không đếm xỉa” tới đơn thư của anh Thành và ông Thận. Tôi nghĩ trong đó, có những lý do tương đối chính đáng như tâm sự ông Cao Văn Hùng trên báo TT ngày 2/12: “.. tôi quá tự tin… áp lực lớn hơn là ban giám đốc hạ quyết tâm phải làm … vì danh dự, uy tín của công an..” – ) hoặc với một vụ án giết người mà hung thủ đã “biến mất” thì việc điều tra là không dễ và lắm công phu. Thiết nghĩ chúng ta có thể thông cảm phần nào với những người phải đảm trách công việc rất khó khăn này.

Tuy vậy, không vì “thông cảm” mà bỏ qua không truy tìm cho hết nguyên nhân đã dẫn đến vụ oan sai kéo dài. Theo tôi, có một nguyên nhân rất quan trọng: Đó là không ít cán bộ ở các cơ quan công quyền xem thường dân, không tôn trọng ý kiến người dân. Điều đáng suy nghĩ hơn là “người dân” trong vụ án này là một đảng viên, chủ tịch xã và các luật sư! Có tình trạng đó vì “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”! Xin thưa, đó là lời của lãnh tụ cộng sản thế giới V.I. Lê-nin đã in trong Tạp chí “Cộng sản” của Đảng Cộng sản Việt Nam số tháng 7/1992, trang 15. (V.I. Lê-nin chỉ ra ba kẻ thù chính của những người cộng sản cầm quyền: thứ nhất là “tính kiêu ngạo cộng sản”, thứ hai là “nạn mù chữ”, thứ ba là “nạn hối lộ”).

Như tôi hiểu, cũng chính vì thế, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “thắng không kiêu…” và trong lời dạy đối với lực lượng công an có câu: “Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép”…

Bạn đọc và nhất là các cơ quan có trách nhiệm có thể dẫn ra nhiều vụ việc khác, để thấy nếu như nhân dân (trong đó có các luật sư”, nhà báo) được thật sự “kính trọng” thì đã không xẩy ra những “sự cố” đáng tiếc. Gần nhất, xin hãy liên hệ đến một vụ tuy nhỏ hơn nhiều nhưng nói lên bản chất của vấn đề: Đó là vụ trung úy Phùng Văn Phương vung gậy đánh bà Nguyễn Thị Khả đến bầm tím người, 4 ngày sau chưa thuyên giảm tại đầu cầu Trần Thị Lý giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng đêm 27/11/2015, dù chẳng có bằng cớ gì! (Báo TT ngày 3/12).

Xin được lưu ý: thái độ xem thường nhân dân, không lắng nghe ý kiến nhân dân, “kiêu ngạo” như Lê-nin nói, không chỉ có ở các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Chỉ xin nêu vấn đề, một vấn đề không thể xem thường, nên cách “giải quyết” hẳn là nên được cấp thiết đặt ra trong chương trình nghị sự của những cơ quan có thẩm quyền…