THÁNG MƯỜI
Tặng Đỗ Quang Huỳnh
Chòm mây phiêu lãng ngừng trôi
Tháng mười hanh giá... mẹ ngồi bổ cau
Mẹ ơi, giờ mẹ đi đâu
Hàng cau đánh rụng quả sầu xuống sân
Sương chiều bạc tiếng chuông ngân
Con đò nhớ khách tần ngần bến sông
Ông già câu giữa mênh mông
Một mình xách cả mùa đông về làng
Bờ đê bông cúc muộn màng
Vàng mà chả biết mình vàng đến đâu./.
Xuân Đam
...................................
Lời bình:
Tháng mười là tháng đầu mùa đông, chớm vào cuối năm, có sương sa và gió bấc. Điều ấy thì ai cũng biết. Nhưng cái hồn vía và khí vị đặc biệt của nó thì đành lại phải nhờ đến các thi sĩ, đến tâm hồn nhạy cảm rộng mở nơi các thi nhân.
Khổ thứ nhất, cảm xúc đậm vào ký ức sâu thẳm vừa xa xăm vừa gần gũi về người mẹ:
Mẹ ơi, giờ mẹ đi đâu
Hàng cau đánh rụng quả sầu xuống sân
Nhớ về mẹ là nhớ về hàng cau trước sân. Những “ngừng trôi”, ”lạnh giá” đi liền với “quả sầu” rụng gợi về sự trì trệ, già cỗi cuối năm. Sự sống, cảnh vật không ở chiều sinh sôi nảy nở mà ngược lại, ở chiều đi xuống, ngưng đọng, rụng rơi...
Nỗi nhớ xa xăm, sâu thẳm như thế đã làm rộng thêm, tăng thêm cái chiều kích thời gian đang hiện diện mà mơ hồ rất khó hình dung, nắm bắt.
Sang khổ 2, tiếng chuông chiều thì bạc trong sương. Con đò thì “tần ngần”, “nhớ khách”... Vẫn chỉ một vẻ thưa thớt, vắng lặng thường thấy trong mùa đông giá lạnh. Nhưng trên cái nền ngưng đọng, thưa vắng ấy, đã hiện một con người trong một kích tấc lớn vượt khác thường:
Ông già câu giữa mênh mông
Một mình xách cả mùa đông về làng
Từ một chi tiết thật, cụ thể ngoài đời, bóng dáng người đi câu được nâng lên, lạ hóa thành hình ảnh thơ, hình tượng nghệ thuật kỳ ảo nửa thực, nửa hư lung linh bề thế mang tầm vóc của đất trời, thiên nhiên vĩnh cửu...
Thơ đi từ ký ức (nỗi nhớ mẹ) đến thực tế mà thực tế cũng không hoàn toàn là thực tế ngoài đời. Nó pha trộn rất nhuyễn với cảm xúc để nâng lên thành hình tượng nghệ thuật mang vẻ đẹp lung linh độc đáo rất sáng tạo.
Như thế đã là đẹp. Nhưng không dừng lại ở đấy, thơ tiếp tục mở ra hướng cảm xúc khác nữa thông qua cặp câu cuối:
Bờ đê bông cúc muộn màng
Vàng mà chả biết mình vàng đến đâu
Một đốm vàng bất chợt làm ấm lên, sáng lên tiết trời đông lạnh. Màu vàng sáng của bông hoa cúc muộn màng từ mùa thu sót lại. Bởi nó quên, nó say, nó mê mải. Mê mải vàng đến độ chả biết mình vàng đến đâu.!
Chút phủ định (tự phủ định) nhẹ nhàng và tế nhị. Người đọc ngẩn ngơ trước vẻ đẹp thanh khiết màu vàng vô tình vô tư vô định ấy để mà thân thiết, mà yêu tháng mười, yêu mùa đông theo cùng lòng yêu tác giả.
Cái mê mải của thiên nhiên hay mê mải nghệ sĩ, mê mải con người?
Có lẽ đây là câu xuất thần, thơ nhất và đời nhất của thi sĩ Xuân Đam./.