Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỜI NGUYỀN TỪ HỘI THẢO VỀ MÔN LỊCH SỬ

Thế Thanh
Thứ hai ngày 16 tháng 11 năm 2015 1:39 PM


Hơn 20 tham luận khác chiều đã làm nóng không khí hội thảo sáng nay 15.11.2015 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.
Tại hội thảo, GS-TS-NGND. Nguyễn Quang Ngọc cho rằng đã có sự chậm trễ, cẩu thả trong việc đưa chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa Lịch sử phổ thông. Ảnh: Thế Thanh
Hội thảo, ngoài các nhà nghiên cứu và giảng dạy sử học, còn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển và những người chịu trách nhiệm về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo chương trình này, môn Lịch sử không còn là một môn học độc lập, bắt buộc mà trở thành nội dung tích hợp trong môn học Công dân và Tổ quốc và cũng chỉ là môn học tự chọn khi đi thi.
Qua tranh luận rất thẳng thắn và gay gắt, trên cơ sở khoa học, tuyệt đại đa số các nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử đều khẳng định sự cần thiết, tất yếu để môn Lịch sử phải là môn học độc lập, bắt buộc trong giáo dục phổ thông, trước khi trở thành một nội dung trong môn học tích hợp Công dân và Tổ quốc (nếu cần phải có môn học tích hợp này). Qua tham luận, các đại biểu cũng khẳng định: các nước phát triển (như Mỹ, Canada, nhiều nước Châu Âu, Hàn Quốc), các nước láng giềng (như Trung Quốc) đều xếp môn lịch sử vào vị trí môn học độc lập, bắt buộc ở bậc phổ thông. Người dự kỳ sát hạch để trở thành công dân Mỹ phải thực hiện bài viết về lịch sử nước Mỹ. Trung Quốc thì thông qua môn học lịch sử từ bậc phổ thông mà triển khai tư tưởng bành trướng, tham vọng lãnh thổ đối với các quốc gia khác.
Nhìn lại một quá trình khá dài mới thấy, từ lâu rồi môn lịch sử không còn được coi là môn thi chính thức trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông; được xem là môn “thay thế”, nghĩa là nơi nào thí sinh không thi ngoại ngữ thì có thể chọn thi môn Sử. Thậm chí trong các kỳ thi gần đây, Lịch sử còn được xem là môn tự chọn ! Vì thế, GS-NGND. Vũ Dương Ninh đã đưa ra kết luận trong bài phát biểu của mình: môn Lịch sử đã bị đẩy lùi từng bước, loại bỏ từng bộ phận và cuối cùng không còn vị thế của một môn học riêng biệt, ngang bằng như các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!
GS-TS-NGND. Nguyễn Quang Ngọc thì vạch trần quá trình chậm trễ, cẩu thả trong việc đưa chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa lịch sử phổ thông. Ông đã đưa ra lời nguyền để kết thúc tham luận của mình tại hội thảo “cho dù môn học lịch sử có thể bị bức tử, cho dù chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa có thể không được đưa vào sách giáo khoa lịch sử phổ thông một cách đúng đắn, thì Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam”.
Ông Nghiêm Đình Vì, nguyên Hiệu trường Đại học sư phạm, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương nói: “tôi đã dặn con tôi, nếu môn lịch sử được là môn học độc lập, bắt buộc trong giáo dục phổ thông thì mới ghi trên mộ tôi chức vụ Nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương, còn như không phải thì không ghi vì tự thấy không xứng đáng".
Thế Thanh