Người bạn thân của tôi có vợ là hiệu trưởng một trường phổ thông cơ sở nhiều lần kể với tôi về câu chuyện đứa con lớn của anh. Hồi nhỏ cháu vốn là đứa trẻ thích nghịch ngợm hơn học hành. Để quản lý con vợ anh đưa cháu vào học tại trường của chị. Mặc dù thằng bé học hành chểnh mảng, ham chơi nhưng tất cả các năm học ở trường này cháu đều đạt thành tích là học sinh giỏi. Hơn hai chục năm sau, trong lần trò chuyện với cậu – giờ đã là một cán bộ nhà nứơc- anh chàng này mới thật thà kể lại rằng anh chàng có học hành gì đâu. Nhưng chắc vì nể bà mẹ là hiệu trưởng nên từ giáo viên bộ môn cho đến giáo viên chủ nhiệm đều ưu ái cậu, tạo mọi điều kiện để nâng điểm, nhận xét tốt trong mọi lĩnh vực. Từ việc tạo điều kiện cho cậu chép bài của các học sinh khá, đến việc cho cậu xem bài giải trứơc khi kiểm tra, che dấu viêc, bỏ qua sự nghịch ngợm, vô kỉ luật của cậu. Cậu nói với tôi “nói thật với bác, cho đến bây giờ cháu cũng không làm nổi bài toán thường thường của lớp 6, vì suốt mấy năm học cháu có biết gì đâu mà làm. Rất may hồi ấy có hệ đại học mở chứ không thì. Rút kinh nghiệm từ mình nên giờ cháu quản lý tật chặt việc học của hai đứa con cháu. Phải học thưc chất chứ không thể nể nang xuê xoa được bác ạ. Những thứ đó hại đến sự trưởng thành của trẻ em lắm”. Đó là lời thú nhận của một người đã trải qua giai đoạn “được nuông chiều trong giáo dục học đường”, còn bây giờ niên học 2014-2015 sắp kết thúc thì không hiểu sao, đọc hàng loạt các công văn hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học và chỉ đạo đánh giá định kì, công văn kí ngày 6/1/2015 của Bộ Giáo Dục- Đào tạo( GD-ĐT) gửi cho Giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh hướng dẫn tổng hợp đánh giá, khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 30 tôi lại nghĩ đến hình ảnh của cậu học sinh con cô giáo hiệu trưởng hơn 20 năm trứơc. Chỉ khác một điều, hồi đó việc làm phản giáo dục này chỉ là trường hợp cá biệt, còn giờ đây hàng triệu học sinh tiểu học đang được công khai, nhân rộng và khuyến khích một cách giáo dục đầy cảm tính, thả lỏng và hoàn toàn thiếu hẳn sự nghiêm túc trong giáo dục và đào tạo. Trong phần hướng dẫn việc ghi giấy khen thông tư này đề nghị nhà trường ghi vào giấy khen linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và Hiệu trưởng quyết định không áp dụng “theo khuôn mẫu sẵn”. Thay vì là những dòng chữ ngắn gọn mẫu mực đã thành nếp như” Đạt danh hiệu học sinh tiến tiến”.”đạt danh hiệu học sinh giỏi” là những dòng chữ mơ hồ và có thể nói tuỳ tiện của các bậc làm thầy cả về tiêu chuẩn và sự đánh giá năng lực thật của những học sinh- những đứa trẻ đang học lớp 2 lớp 3” học tập tiến bộ, mạnh dạn giao tiếp”, hay”luôn giúp đỡ bạn, có trách nhiệm cao”. “ có sáng tạo, có năng khiếu trong môn thể dục”, “nổi bật về năng lực và phẩm chất” ….Dường như để làm rõ, khuyến khích cho sự khen vô lối này ông Phạm Ngọc Bình Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học nói rõ cách khen này nhằm vào “mục đích khen thưởng là động viên khuyến khích khả năng của mỗi học sinh giúp các em phấn đấu, vươn lên mang lại niềm vui và hứng thú trong học tập rèn luyện”. Nghe những lời có thể coi là nguỵ biện về lối khen thưởng mới này tôi chợt nghĩ đến thế hệ những người đã ở độ tuổi 60, 70. Dạo đó mỗi lớp học có sĩ số 40-50 học sinh. Mỗi năm học, số lượng học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi ( A1) chỉ có từ 1 đến 2 người, số học sinh đạt loại tiến tiên ( A2, A3) gộp lại chỉ có khoảng từ 2-3 người. Vì thế nên cầm tấm bằng khen được việc bằng bút dông, mực đen với dòng chữ đẹp ngay ngắn của người chuyên viết bằng khen chúng tôi thực sự, trân trọng, lồng trong khung kính trở thành niềm kiêu hãnh của cả gia đình, cha mẹ…Còn ngày nay, mỗi thầy, cô giáo mỗi khi năm học sắp kết thúc được nhà trường phát cho hàng xấp giấy khen trống ( tiếng chuyên môn là giấy khen phôi) để cô, thầy viết những dòng chữ tuỳ tiện trên tấm bằng khen. Mỗi khi viết nhầm, viết sai, cô thầy lại vo viên ném vào sọt rác để lấy những tờ khác viết lại. Có thể nói đó là một hình thức khen vô tội và và dựa trên một loạt các hạng mục tiểu tiết, không quy chuẩn để phát giấy khen như : tiến bộ trong môn tiếng Việt. Có sáng tạo, say mê môn kĩ thuật. Có tiến bộ trong giao tiếp. Trách nhiệm cao về tự phục vụ, tự quản. Luôn giúp đỡ bạn….Với những tiêu chí vụn vặt, không cơ bản này thì có thể nói năm mươi học sinh thầy, cô giáo phát đủ 50 giấy khen. Và tiêu chỉ của sự được khen thực chất là sự cơ cấu mặt trận theo kiểu “mèo khen mèo dài đuôi”, “mẹ hát con khen hay”. Đầu tiên là việc bắt các học sinh tiểu học – những đứa trẻ đang ở độ tuổi cảm tính, bình bầu nhau. Nói đến sự bình bầu này, tôi đã hỏi đứa cháu nội đang học lớp ba Trường Tiểu học QM của tôi, thì cu cậu trả lời” như bạn K lớp con chẳng làm được toán, luôn nói chuyện trong lớp nhưng nó hay mua kẹo nên nó được các bạn giơ tay, cô giáo cho nó giấy khen ”hay giúp đỡ bạn”. Tiếp theo là lấy ý kiến của phụ huynh. Có lẽ trong các đấng phụ huynh thì có đến hơn 90% đều có tâm lý ”con mình là nhất” vì thế nên mới xẩy ra tình trạng ở trường tiểu học nọ có tình trang phụ huynh phản đối “ Vì thầy giáo thiên vị, con tôi học thế, ngoan ngoan thế mà sao không được giấy khen”. Một tỷ lệ rất ít các phụ huynh tỉnh táo trứơc những tấm bằng khen theo kiểu “cả làng Vũ Đại”này nên đã có những ý kiến nói rõ”tôi lấy làm ngượng vì tờ giấy khen của nhà trường phát cho con tôi”.”Nhìn tấm bằng khen của nhà trường cho con tôi , tôi thấy lo ngại thực sự cho phương pháp giáo dục, đào tạo con người của nhà trường”
Vì sao có tình trạng khen thưởng vô tội vạ - một biến thái của căn bệnh thành tích trong lĩnh vực giáo dục phổ thông và nhất là trong các trường tiểu học như hiện nay ? Theo tôi nguyên nhân chủ yếu bắt đầu từ thông tư 30 của Bộ GD-ĐT. Ở không ít ngành trong nước ta trong thời gian gần đây ban phát rất nhiều những chính sách tuỳ tiện, thoát thai từ những bộ óc không mấy gắn liền với cuộc sống, yêu cầu của người dân và thực tế xã hội. Kiểu như “cấm ngực lép lái ô tô “, “nên quy định số biển chẵn lẻ vào thành phố để tránh un tắc”. Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT cũng thuộc những chính sách áp đặt một cách phản cảm, vô lý này. Điểm nhấn của Thông tư 30 là bỏ việc đánh giá chất lượng bài của học sinh bằng điểm để thay thế bằng những lời nhận xét chung chung, cảm tính. Không phải bỗng nhiên sau một năm các trường tiểu học không dùng điểm chấm bài cho học sinh đã xuất hiện “tuyển tập các mẫu nhận xét cho giáo viên tiểu học thực hiện theo Thông tư 30”. Như một chuyên hài hứoc. Tài liệu này dầy 30 trang chia nhìều mục trong đó có các dạng mẫu nhận xét cụ thể kiểu khi khen như ” cô rất thích bài văn của con có nhiều ý hay. Nên chia xẻ với các bạn con nhé”.”Con làm tốt, cô khen ngợi con”.”bài làm tốt, đáng khen.Thầy ( cô) rất hài lòng về bài của con.Tiếp tục thế con nhé” ..Những dạng câu mẫu dùng để phê các bài chưa tốt kiểu như “bài làm chưa đủ y, em cố gắng hơn nhé”.” Bài làm diễn đạt ý chưa trôi chảy, thiếu ý.Em cố gắng hơn”.”Trình bày bài ẩu, em cố gắng hơn nhé”…Còn trong thời gian tổng kết thì các thầy cô càng đau đầu vì nhận xét, khen thưởng ghi học bạ. Vì sự chung chung, không dựa trên một thang điểm cụ thể nào để đánh giá học lực học sinh nên các thầy cô thật sự lúng túng khi nhận xét trình độ học sinh sau một niên học, do đó phải dựa vào sự bình bầu của học sinh, tham khảo ý kiến phụ huynh rồi thầy cô tự tay viết giấy khen theo năng lực, sự nổi trội trong các môn của học sinh. Để có dủ những lời nhận xét đó việc tham khảo mẫu câu nhận xét là việc khó tranh. Còn một điểm nữa, là mặc dù không chấm điểm cho học sinh nhưng việc bắt học sinh học thêm dưới nhiều hình thức cũng trở thành một tâm lý”học sinh mất tiền học thêm chả nhẽ các em lại không được cấp bằng khen”. Thêm vào đó chỉ tiêu thi đua về tỷ lệ học sinh giỏi, khá không đạt theo yêu cầu nhà trường giao thì thầy, cô mất điểm thi đua …Đó chính là nguyên nhân của sự lạm phát giấy khen, sự xem thường học vấn thật của học sinh…
Học sinh tiểu học là lứa tuổi đã bắt đầu cần được giáo dục nghiêm túc để các em tiếp thu được tốt nhất kiến thức học vấn đầu đời, đồng thời cũng hình thành ra bản lĩnh và nhân cách làm người. Đáng buồn với hàng loạt chính sách của Bộ GD-ĐT ban hành trong thời gian qua mà tập trung ở Thông tư 30 mới thấy, vô tình Bộ GD-ĐT vẫn muốn kéo dài thêm chương trình mẫu giáo ở chương trình giáo dục tiểu học. Những tờ giấy khen được phát ra dễ dãi, lạm phát chính là biến thái của những tờ phiếu “bé ngoan”, hay là sự biến thái đáng sợ của căn bệnh thành tích mà cho đến nay ngành GD-ĐT vẫn chưa tìm ra thứ thuốc đặc trị nào để thuyên giảm đi đến chấm dứt.
Nhà văn Nguyễn Hiếu