Trích tiểu thuyết
TNc: Trong các tháng ngày “giỗ đầu” giàn khoan 981 và biển Đông lại đang “nóng”, tiếp theo Hồi 2 (http://trannhuong.net/tin-tuc-19184/trung-viet-viet-trung.vhtm), trannhuong.net xin giới thiệu lược trích Hồi 4.3, Truyện 3 (“Chuyện ‘chiến tranh văn học’ bất thành”) từ bản thảo tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung của Đỗ Quyên.
-=-
12 giờ trưa ngày 15 tháng Tám năm 2014.
Bốn tiếng đồng hồ sau “Nhật lệnh phát động chiến tranh” [Hồi 4.2 – BBT chú thích] của Tập Cần Bính được công bố và như một cơn dịch được lan tỏa trên toàn thế giới, “Lời kêu gọi gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước” của Ban lãnh đạo tối cao Đại Việt cũng được phát đi khắp nơi.
Như một Tam đầu chế ra đời trong tình trạng khẩn cấp (tin giải mật sau này cho hay vậy), Ban lãnh đạo tối cao gồm Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ Đại Việt.
“Lời kêu gọi của Ban lãnh đạo tối cao Đại Việt
gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước,
Cùng toàn thể đồng bào trong nước và ngoài nước,
Cùng tập thể các Lực lượng vũ trang,
I.
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã kiên trì và khéo léo giữ hòa bình. Nhưng chúng ta càng kiên trì, càng khéo léo, tập đoàn bành trướng và bá quyền Trung Nam Hải càng lấn tới, vì họ quyết tâm cướp Biển Đông của chúng ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ lần này nhất định không chịu mất biển đảo, nhất định không chịu để Tổ quốc lâm nguy!
Không có gì quý hơn độc lập, tự do, dân chủ!
Hỡi đồng bào,
Chúng ta phải đứng lên! Phải giữ biển!
Bất kể đàn bà đàn ông, bất kể người trẻ người già, không chia đảng phái, dân tộc, tôn giáo. Hễ là người Việt thì phải cùng đứng lên đánh đuổi bọn cướp biển khơi, giữ đất liền, cứu Tổ quốc. Ai cũng phải ra sức chống bành trướng Trung cứu nước Việt.
Các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ trong các Lực lượng vũ trang Đại Việt,
Giờ vệ quốc đã đến.
Chúng ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn biển đảo, bảo toàn lãnh hải.
Dù phải nguy nan và gian khổ bảo vệ Tổ quốc, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về Quân đội và dân tộc Việt.
Các tướng lĩnh, sĩ quan, thủy thủ Hải quân Đại Việt,
Tổ quốc và nhân dân hoàn toàn đặt lên bàn tay và trái tim của mỗi chúng ta sứ mệnh vinh quang và sinh tử: Phải bảo vệ bằng được chủ quyền và toàn vẹn lãnh hải!
Cả nước luôn ở bên chúng ta từng giờ từng phút…
Hãy để dòng máu truyền thống Hải quân Đại Việt ‘Đánh thắng trận đầu’ thắm đỏ Biển Đông!
*
Nước Đại Việt có quyền hưởng Biển Đông, và sự thật đã thành một nước có chủ quyền Biển Đông. Toàn thể dân tộc Việt quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững chủ quyền ấy.
Không ai chọn được chiến tranh. Hơn bất kỳ dân tộc nào trên trái đất, người Việt luôn luôn mong cầu hòa bình, hữu hảo nhưng phải trên cơ sở giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền, quyền chủ quyền cùng toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải; và nhất quyết không chấp nhận đổi chác sự thiêng liêng ấy để nhận về một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, phụ thuộc.
Cuộc Hải chiến Biển Đông có thể nhanh chóng, cũng có thể kéo dài 1 tháng, 3 tháng, hoặc lâu hơn nữa. Quần đảo Trường Sa và các đảo lân cận có thể bị xâm phạm tạm thời. Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Cam Ranh và một số thành phố cảng có thể bị tàn phá. Song nhân dân Đại Việt quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do, dân chủ! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại các thành phố cảng, hải cảng, hải đảo đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!
Hải quân Đại Việt trong thế trận Bờ-Biển-Đảo đủ sức cùng toàn thể dân tộc đánh bại cuộc gây chiến xâm lăng Biển Đông!
Chúng ta sẽ đánh thắng hoàn toàn trận chiến xâm lược đại dương của bọn bành trướng và bá quyền Trung!
[…]
III.
Cùng đồng bào và chiến sĩ,
Sau sự kiện giàn khoan HD-981, đất nước phải gánh chịu không ít thiệt hại để đối phó mà chỉ riêng về kinh tế đã mất khoảng 1% GDP; song nhìn chung chúng ta đã giành thắng lợi bước đầu về Biển Đông. Với các giải quyết căng thẳng 3 tháng qua, Đại Việt đã tạo cơ sở để đấu tranh tiếp tục về ngoại giao, về luật pháp, về thực lực, kết hợp nhiều biện pháp đạt kết quả khi phía Trung rút giàn khoan để tình hình tạm thời hòa dịu. Nhưng, hơn ai hết chúng ta hiểu đó chỉ là phần nổi rất nhỏ của một núi băng chìm: Kế hoạch 50 năm với 3 giai đoạn thống trị châu Á và thế giới của Trung đã gần xong giai đoạn thứ nhất về mưu đồ!
Tới tận ngày hôm qua, các bình luận gia quân sự quốc tế đều nghĩ,
rằng tập đoàn Tập Cần Bính sẽ tiếp tục giữ mức căng thẳng nào đó ở Biển Đông, vừa đủ để Mỹ chưa phải can thiệp sâu nhưng cũng vẫn đủ để lãnh đạo Trung đạt đích ngắn hạn và dài hạn;
rằng đây là kiểu chiến tranh đặc biệt về phương cách tác chiến, vũ khí sử dụng, thời gian và không gian;
rằng đó là chỉ hành động dọa Đại Việt khi mà những nước láng giềng của Trung không dễ bị dọa;
rằng Trung sẽ không đánh Đại Việt, chỉ cần xâm chiếm chủ quyền hữu hình và vô hình (trong đó có ‘nhân nhượng’ của Đại Việt?!);
rằng Trung làm vậy cốt cho dân Việt không tin vào nhà nước, từ đó bắt nạt, tạo khó khăn về kinh tế.
Nay tình thế đã khác hẳn!
Những gì tập đoàn bành trướng Trung đã và đang làm khác rất xa những gì chính quyền Trung nói.
Bằng cái gọi là ‘Lệnh phát động chiến tranh trên đại dương Nam Hải’ (với ngôn từ sai trái, thô thiển và ngạo mạn ‘để dạy cho tiểu bá quyền Đại Việt bài học thứ hai’?!), lần đầu tiên trong lịch sử gây hấn thiên hạ, nhà cầm quyền Trung đang công khai thách thức thế giới bằng thực chất lộ liễu của Đại Hán tộc chủ nghĩa.
Hơn ai hết, người Việt càng nhận thức rõ rằng mình đang ở vị trí mong manh nhất, cô độc nhất và bất lợi nhất. Đó là bàn cờ Tạo hóa sắp sẵn tự ngàn xưa, mà tới đầu thế kỷ 21 khi tiến trình toàn cầu hóa sang cung bậc cao thì vị thế Đại Việt càng trở thành mũi tiền tiêu trên bước đường bành trướng của chủ nghĩa Đại hán; và do đó người Việt sẽ bị là nạn nhân đầu tiên cho tham vọng bá chủ hoàn cầu của Bắc Kinh.
Chúng ta không thay đổi được địa lý tự nhiên, nhưng chúng ta có thể thay đổi được địa-chính trị. Chúng ta phải thay đổi được địa-chính trị! Trong đó có cả các sai lầm về địa-chính trị của một thời vì lý do lịch sử.
Chúng ta, theo tư tưởng đó, đang và sẽ duy trì đường lối chiến lược ‘3 không’: không liên minh quân sự; không dùng quan hệ song phương chống nước thứ ba; không cho đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ. Song song với phương châm chiến thuật ‘4 tránh’: tránh xung đột quân sự; tránh bị cô lập kinh tế; tránh bị cô lập ngoại giao; tránh bị lệ thuộc chính trị; và tinh thần chỉ đạo ‘8k’: kiên quyết; kiên trì; khôn khéo; kiềm chế; không khiêu khích; không mắc mưu khiêu khích; không để nước ngoài lấn chiếm; không đụng độ.
Chúng ta có kinh nghiệm minh triết Việt và những lời truyền đời Việt làm cơ sở hành động: ‘Dĩ bất biến ứng vạn biến’, chủ quyền độc lập dân tộc là bất biến, những đường lối, chính sách là vạn biến; ‘Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vất bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di.’; v.v…
*
Đất Nam biển Việt đang thật sự ở vào giai đoạn hiểm nguy mà mỗi người dân Việt phải sáng suốt, can đảm và quyết liệt để lựa chọn sinh tử lộ cho Tổ quốc.
Trong thời tiền hiện đại, tư tưởng Đại Hán cực đoan xem Trung như là nền văn minh duy nhất của loài người; các quốc gia nước ngoài hoặc các nhóm tộc khác chỉ như ‘rợ’ ở các trình độ khác nhau. Sang thời hiện đại, chủ nghĩa hẹp hòi Đại Hán coi tầm quan trọng của Trung là tối cao so với các quốc gia khác, và nó cũng bị chính các quốc gia nổi tiếng về chủ nghĩa dân tộc chỉ trích thậm tệ vì thói xâm lược quá lố.
Hơn ai hết, người Việt hiểu chủ nghĩa bành trướng Đại Hán ở nền tảng triết lý cội nguồn:
Đó là kết hợp giữa hai hệ tư tưởng Nho gia (đề cao nhân nghĩa) và Pháp gia (sùng bái bạo lực, cổ vũ chiến tranh) để theo đuổi chính sách bành trướng của thiên triều;
Đó là mô hình hoàng đế - thiên tử chuyên chế, hà khắc với thần dân và thường xuyên đe dọa xâm lược lân bang;
Đó là phương thức dùng xâm lăng nước láng giềng, trước là chiếm lãnh thổ và quyền lợi, nhưng sau hậu là để tăng thêm uy thế với nội tình;
Đó là dùng chiến tranh như nguyên cớ tỏ uy thế đối nội và đối ngoại, đe dọa trừng phạt kẻ đối kháng, với mục đích cứu vớt thể chế tránh suy sụp, trong sách lược ‘hoàng đế lấy ngoài yên trong’.
Hơn ai hết, người Việt hiểu chủ nghĩa bành trướng Đại Hán ở các đặc tính cơ bản và cụ thể:
Đó là hiếu chiến, hống hách và hoang tưởng. Tưởng mình lớn mạnh, nắm lẽ phải, cư xử hách dịch, ít nhìn toàn thể, manh động phiêu lưu.
Đó là ngụy thiện, ngụy trang thói tàn bạo qua lời lẽ đạo lý, nhân từ, qua thói lừa dối với thủ đoạn thâm hiểm ‘ăn thịt người’.
Đó là trọng danh hơn trọng thực, sống bằng uy tín chính trị, xâm lược để bảo vệ danh hơn giành lợi thực, suy tính về danh vọng hơn tính toán về thực tế; thường là nguyên nhân gây ra hành động mạo hiểm.
Các quy luật ngàn đời trên đã đúng với bản chất của các vương triều phong kiến Trung, và đang đúng về thực chất của nước Trung hiện nay với tập đoàn bành trướng hiện đại Trung Nam Hải.
Trận Hải chiến Biển Đông với ‘ngụy cớ văn học’ cực kỳ vô duyên và vô lý đã nằm trong mớ bòng bong ‘lấy ngoài yên trong’ của thể chế Trung hiện hành.
Chưa bao giờ tộc người Việt phải đối mặt với họa diệt vong gay cấn như hiện nay, nếu như không ngăn chặn thảm họa đang tới cửa ngõ Biển Đông. Bài học diệt chủng Miên còn đang ứa máu trong các tháng ngày này với cuộc xét xử kéo dài đối với kẻ đồ tể mà máu quân đội tình nguyện Đại Việt dự phần trong đó! Không ai khác, chính kẻ đang mang hải quân xâm phạm Biển Đông hôm nay cũng là kẻ từng mưu tính chiếm nước ta không biết bao lần trong chính sách ‘giết sạch dân bản xứ, di dân từ chính quốc’ mà trong áo bào mang tên Chủ nghĩa thực dân còn thêm lý do giải quyết nạn nhân mãn!
Nhưng, chúng ta phân biệt rõ nhân dân Trung với giới lãnh đạo Trung qua các thế lực có mưu đồ bành trướng, xâm chiếm Biển Đông. Luôn thủy chung với mình và với láng giềng, chúng ta mong muốn và thực hiện bang giao bằng hữu, hòa bình với 1,3 tỷ nhân dân Trung.
Chúng ta đã từng và mãi mãi mong muốn Đại Việt và Trung hợp tác cùng phát triển. Chúng ta chân thành thực thi thực chất của tinh thần ‘16 chữ và 4 tốt’ sao cho ích lợi với cả hai nước. Trong tình hình phức hợp gần đây, chúng ta đã thêm phương châm ‘Vừa hợp tác, vừa đấu tranh’ trong đối ngoại giữa hai nước. Mà thật ra ‘Vừa hợp tác, vừa đấu tranh’ là bản chất của quan hệ Việt-Trung vốn nhiều thăng giáng trong suốt chiều dài lịch sử.
Ngay như tập tài liệu nội bộ ‘Về cuộc gặp cấp cao tại Thành Đô năm 1990’ do Ban Tuyên giáo Trung ương soạn thảo và phân phát đến tận các cơ sở đảng cũng nêu rõ rằng, đến tháng ngày này Đại Việt vẫn kiên trì quan hệ hợp tác hữu nghị với nhân dân Trung; rằng trong thời điểm hiện tại Đại Việt vẫn khẳng định mối quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung là chủ trương đối ngoại quan trọng.
Tưởng cũng cần nhắc lại tại đây về kết quả Hội nghị Thành Đô. Phần 3 của tài liệu khẳng định: ‘Trong các hội đàm, trao đổi chẳng những không hề có vấn đề phía Trung gây sức ép với ta về nhân sự, mà còn không hề có cái gọi là sự thỏa thuận ‘Đại Việt sẽ thành khu tự trị thuộc Trung, giống như Nội Mông, Tân Cương và Quảng Tây vào năm 2010’, như một số trang mạng, blog đã đưa tin. Đây là một luận điệu bịa tạc với mưu đồ kích động, tạo bức xúc trong cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân’. Với tâm địa xấu, chính Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Trung đã dự phần truyền bá tin tức thất thiệt đó.
Về việc Trung đưa giàn khoan HD-981 cùng tàu chiến xâm phạm vùng biển Đại Việt, tài liệu nội bộ quan trọng đó cũng nhấn mạnh: ‘Chuyến đi thăm Trung của Đặc phái viên Tổng bí thư đã đạt kết quả quan trọng, tạm thời làm dịu tình hình căng thẳng Trung-Việt, thúc đẩy Trung vào đàm phán giải quyết tranh chấp bằng đối thoại hòa bình, khôi phục quan hệ giữa hai nước, kiểm soát tình hình để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.’
Là nạn nhân thảm thiết của hàng chục cuộc chiến tranh lớn vào bậc nhất thế giới cổ kim, mà cuộc chiến Mỹ-Việt 1955-1975 còn chưa hết ám ảnh và di chứng, người Việt đã, đang và sẽ nói ‘Không’ với bất kỳ kiểu loại chiến tranh nào. Nhưng, cũng vì thế, người Việt sẵn sàng hy sinh trong trận hải chiến sắp tới để chặn đường tiến sâu vào nội địa Đại Việt vì sự nghiệp vệ quốc thiêng liêng và chính nghĩa. Cũng vì thế, người Việt phải chấp nhận chiến tranh để ngăn chặn, giảm thiểu, rút ngắn chiến tranh. Hơn ai hết chúng ta hiểu câu nói lịch sử: ‘Một dân tộc né tránh chiến tranh bằng cái giá của sự nhục nhã, cuối cùng sẽ nhận được cả nhục nhã lẫn chiến tranh’. Đây đang là thời điểm quyết định vận mệnh dân tộc Việt!
Trung mới chỉ xuất hiện tại Biển Đông khi lợi dụng bóng tối của lịch sử vào các thập niên 1970-1980 để thực hiện các mua bán chính trị trên lưng người Việt đúng lúc Tổ quốc của chúng ta bị chia cắt, để cướp đoạt một số đảo trên vùng biển này.
Hiển nhiên, ngay cả về pháp lý quốc tế, tuyệt chưa có quốc gia nào thừa nhận chủ quyền của Trung trên các biển, đảo cưỡng chiếm bằng vũ lực và phi pháp đó. Trung luôn tự nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của mình mà không đủ chứng cớ. Đại Việt đầy đủ bằng chứng lịch sử, hiện trạng và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này. Với Hoàng Sa, trên thực tế Trung đang chiếm giữ qua 2 lần đánh chiếm, mà lần gần nhất là năm 1974 nhờ có thỏa thuận ngầm của Mỹ khi Tổ quốc ta chưa thống nhất. Chúng ta tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa; đời này không xong đời sau tiếp tục.
*
Chúng ta không hề mong muốn xung đột, chiến tranh nhưng đã và đang phải chuẩn bị tất cả mọi phản ứng cần thiết mà Hải chiến Biển Đông này là biểu hiện cao nhất. Chúng ta từng đặt ra trước dư luận 2 khả năng: hoặc họ nói họ phải từ bỏ ‘đường lưỡi bò đứt khúc 11 đoạn’, hoặc chúng ta từ bỏ chủ quyền mà điều này nhất quyết không người dân Việt nào chấp nhận.
Chúng ta hiểu rằng muốn giữ yên Biển Đông bằng phương pháp hòa bình thì nội bộ đất nước phải rất ổn định. Nhân dân phải tin vào quân đội; quân đội phải tin vào Ban lãnh đạo; Ban lãnh đạo phải tin vào nhân dân. Đó là cơ sở, là điều kiện cần. Và, sự lãnh đạo Quân đội Đại Việt tuyệt đối không thể phân chia cho bất kỳ một cá nhân nào. Đó là một tư tưởng có tính truyền thống.
Chúng ta cần nhìn nhận vấn nạn Biển Đông với sự tỉnh táo, với cách giải quyết từng bước và với lòng khoan dung. Ba điều đó làm nên niềm tin về mục đích và kết quả của cuộc đấu tranh giữ biển.
Mục đích tối thượng của Đại Việt là gìn giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh hải bằng hoà bình, không để xảy ra xung đột và duy trì quan hệ ổn định với đối phương láng giềng Trung.
Vậy cho đến nay:
Đại Việt có giữ được thềm lục địa 200 hải lý không? Có!
Đại Việt có kiểm soát được thềm lục địa không? Có!
Đại Việt có giữ được những đảo, đá mà hiện đang đóng quân ở Trường Sa không? Có!
Đại Việt có từ bỏ tuyên bố chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa không? Tuyệt đối không! Đến chết cũng không!
Thậm chí:
Đại Việt vẫn đang kiểm soát tốt hơn vùng thềm lục địa của mình. Khu vực biển Đông Nam Á vốn đầy nhóc cướp biển, thế nhưng vùng thềm lục địa Đại Việt tuyệt không có cướp biển. Thậm chí Đại Việt còn lùng bắt các nhóm cướp biển sừng sỏ đến xâm phạm từ vùng biển nước ngoài để giao trả cho nước liên quan;
Đại Việt vẫn đang điều hành hết sức bình thường các giàn khoan dầu khí, mọi hoạt động thăm dò, nghiên cứu trên biển cùng đối tác quốc tế.
Chúng ta đã, đang và sẽ hướng đến hòa bình Biển Đông, nhưng không thể là thứ hòa bình suông, hòa bình viển vông. Kế sách bảo vệ tổ quốc và phương pháp giải quyết tranh chấp biển của Đại Việt cần phải chứng minh được với toàn thế giới và cả láng giềng đối phương rằng những xung đột xảy ra là bất khả kháng; không phải lỗi từ Đại Việt. Người tự vệ không bao làm phạm nhân!
*
Hãy nói qua về Biển Đông trong cuộc chiến giành quyền lực ở châu Á, theo phân tích của các nhà quan sát phương Tây.
Tháng ngày này đang có 4 nan đề toàn cầu: Tham vọng bá quyền của Trung ở Biển Đông; Thay đổi khí hậu; Thánh chiến Trung Đông bởi IS; Chống bệnh Ebola.
Đe dọa vũ lực của Trung ở Biển Đông là không thể kiểm soát, và sự thận trọng của Mỹ qua quyết định của Tổng thống Obama đang bị thách đố, vì quyền lợi sống còn của siêu cường số 1 mà bị lôi kéo vào cuộc đối đầu khó tránh khỏi với Trung. Chỉ vài năm trước thôi, Biển Đông bề ngoài còn một cuộc tranh cãi giữa các quốc gia biển về nguồn thủy sản, dầu mỏ trong sự dửng dưng khó hiểu Trung. Nay mặt nạ đã bị vứt xuống và gươm đã tuốt chĩa về Đại Việt!
Rõ ràng Trung hoàn toàn không muốn đàm phán chủ quyền lãnh thổ với các nước liên đới theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS); họ chỉ nhăm nhăm nhìn vào miếng ăn của mình trên bàn tiệc chung mà Tạo hóa vốn đã bày ra cho loài người trên Biển Đông.
Rõ ràng Tòa Bạch Ốc đã phải trì hoãn giấc mơ về cái gọi là ‘quan hệ đối tác toàn cầu’ với siêu cường số 2 đang trỗi khi mà hiện tại và lịch sử đã chứng tỏ Biển Đông chính là địa chỉ tiên quyết trong tham muốn của Trung dẫn tới sự đối kháng với ý chí chiến lược trở về châu Á của Mỹ.
Rõ ràng Đông Nam Á là nơi mà Trung Nam Hải tự ban cho mình sứ mệnh khôi phục lại hình thức ‘chư hầu trung cổ’ và Tòa Bạch Ốc đáng lẽ phải vui vẻ nhường lại vị thế ‘Trời đã dành cho Trung’.
Rõ ràng vấn đề Biển Đông hiện tại với sự cố gắng thống trị của Trung giống như tình hình vùng biển Caribbean rộng lớn với sự thống trị của Hoa Kỳ hồi giữa thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Hải quân Trung đang dùng chiến lược tương tự như Mỹ ở Caribbean từng đẩy hải quân Anh, Pháp ra khỏi đó và trở thành quốc gia trị vì vùng Đông bán cầu.
Rõ ràng Biển Đông bắt đầu căng thẳng hơn từ năm 2008 là do những vấn đề suy yếu từ Hoa Kỳ và việc Trung tổ chức thành công Olympic 2008.
Rõ ràng Biển Đông kể từ năm 2010 đã lâm vào tình trạng tệ hại nhất ở tầm thế giới, với 3 đối tượng quyết định là Trung, Mỹ và Đại Việt. Mỹ trở thành một trong 3 tác nhân quan trọng khi tuyên bố ‘có quyền lợi quốc gia’ trong việc bảo đảm tự do hàng hải xuyên thấu Biển Đông. Và, đối lại, phía Trung bắt đầu coi Biển Đông là một trong những ‘quyền lợi cốt lõi’ của mình khi xếp nó ngang sánh với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương.
Rõ ràng tại Biển Đông một triển vọng phát triển chung trong khu vực có thể nói là không sáng sủa, nhất là ở việc các quốc gia hợp tác khai thác dầu và khí đốt; nếu Trung không thay đổi thái độ và quan điểm. Tuy nhiên, trước hết các nước vẫn có thể hợp tác khai thác cá vốn là lãnh vực đã có trong nhiều thế kỷ tại các ngư trường truyền thống ngư dân các nước cùng đánh bắt chung. Từ chính thực tế không hay đó, các nước hãy cùng xây dựng lòng tin để tiến tới một giải pháp hòa bình.
Rõ ràng Biển Đông đang và sẽ là ‘Vịnh Ba Tư thứ hai’!
*
Trong mục đích tối hậu biến Biển Đông thành ao nhà của mình và áp chế trật tự mới theo kiểu Trung tại vùng đại dương trọng yếu này, chỉ trong 3 tháng qua nhà cầm quyền Bắc Kinh đã có 3 hành động phiêu lưu cụ thể:
Một, đặt giàn khoan dầu HD-981 hoàn toàn phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Đại Việt.
Hai, công bố bản đồ Trung mới nhất với ‘đường lưỡi bò đứt khúc 11 đoạn’, theo chiều dọc có ranh giới xâm lấn tới cả lãnh hải của Indonesia.
Ba, tăng tốc xây cất đảo nhân tạo tại đá Gạc Ma - vốn thuộc hải phận của Đại Việt bị họ dùng quân đội chiếm đóng trái phép - thành tiền đồn bất hợp pháp khống chế toàn bộ quần đảo Trường Sa của Đại Việt và hành lang Biển Đông, vi phạm chủ quyền của nhiều nước trong đó có Đại Việt. Hành động thứ ba này đã kéo dài lặng lẽ từ lâu như ấp ủ một cuộc hải chiến Việt-Trung tranh giành các đảo, đá trên Trường Sa mà hôm nay đang là hiện thực!
Chúng ta không thể để tái diễn cái ‘tam giác máu’ như từng trên biển đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma 26 năm trước, khi mà sự bội tín của kẻ thù láng giềng phương Bắc núp danh bằng hữu huynh đệ. Lịch sử này không được phép lặp lại!
Ngay trong dư luận Trung từ rất nhiều tháng qua cũng cho rằng, vì 5 lý do cốt tử Trung không thể thắng nếu gây chiến với Đại Việt:
Một là, xưa nay đem quân ra khỏi biên giới tạo chiến tranh tổng lực, chưa khi nào Trung chiến thắng.
Hai là, bất cứ cuộc chiến không-thủy-lục nào, không kể bom nguyên tử, với vũ khí và phương tiện hiện đại như máy bay, tàu chiến, pháo binh, xe tăng thì bộ binh luôn quyết định cuối cùng của chiến trường. Mà bộ binh Đại Việt qua 70 năm thử thách với 4 cường quốc đã thể hiện chất lượng ưu việt trong lợi thế địa lý hiển nhiên trên đất nước của mình.
Ba là, các nhà chiến lược thế giới và Đại Việt đã nói đến khả năng dùng tên lửa tầm xa tấn công vào các đại đô thị trọng yếu ở phía Nam của Trung, nếu Trung tấn công quân sự Đại Việt bất kể đường biển hay đường bộ.
Bốn là, Trung đang phải đối diện với nan đề thù trong giặc ngoài. Trong tháng ngày này nội bộ lãnh đạo Trung chịu thách đố với chiến dịch chống tham nhũng như là cách triệt tiêu đối thủ chính trị ở cấp cao nhất của Đảng. Bạo loạn xảy ra ở khắp 5 khu tự trị, và nhất là trật tự an ninh ở đặc khu Hồng Kông đang bị đe dọa từng ngày. Bên ngoài, Trung luôn phải đối đầu với một vòng vây chữ C của các nước láng giềng. Khai chiến với Đại Việt, Trung hở sườn đông bắc Nhật sẽ chớp thời cơ kiểm soát toàn bộ quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku; đồng thời Trung sẽ mất cơ hội kiềm chế Bắc Hàn vốn luôn căng thẳng với Nam Hàn và trong tháng qua bị rối loạn với tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Lại có dự đoán ngay khi Trung khai chiến với Đại Việt, Đài Loan sẽ tuyên bố độc lập liền tức thì. Chưa hết, Ấn Độ tất nhiên sẽ tái chiếm vùng tranh chấp nửa thế kỷ nay và thôn tính miền Nam Tây Tạng… Tức là, về mặt địa-chính trị Trung rất bất lợi cho một cuộc chiến tổng lực ngoài biên giới, nếu so với hai siêu cường quân sự Mỹ và Nga.
Năm là, điểm quan trọng nhất: trong cuộc chiến siêu điện tử, các chiến trường Afghanistan, Iraq là những vùng sa mạc, không quân Hoa Kỳ dễ dàng oanh tạc; hay Georgia là đồng bằng rất gần Nga nên lực lượng cơ giới Nga ngay lập tức đánh chiếm. Chiến địa Đại Việt hoàn toàn khác. Những điều trên không thể áp dụng cho chiến tranh hiện đại tại đây. Bài học xương máu cho một đội quân đông về số lượng nhưng kém tổ chức tại cuộc chiến 6 tỉnh biên giới bắc Đại Việt năm 1979 còn đó! Thiên nhiên đã ban cho Đại Việt đồi núi bao bọc như trong lời thơ: ‘Núi giăng thành lũy thép dày/ Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.’ Pháp, Mỹ và cả Trung đã phải nhận thất bại thê thảm cũng bởi vậy. Lão luyện trong chiến tranh du kích, quân đội Đại Việt đã giảm thiểu khả năng sử dụng tên lửa, máy bay chiến đấu của đối phương trong chiến tranh hiện đại. Tại Đại Việt, đánh nhanh thắng nhanh không thể nào thực hiện được, dù bất kỳ kẻ thù nào với bất cứ vũ khí nào trên bất cứ loại chiến tranh nào. Mà một cuộc chiến tiêu hao và kéo dài đã không còn tồn tại trong thời hậu hiện đại.
Tóm lại, Trung không thể chiến thắng Đại Việt khi tự gây chiến; và những bài học từ các lực lượng hải quân và không quân hùng cường nhất thế giới bị Đại Việt đánh bại vẫn còn nguyên giá trị.
*
Đại Việt chúng ta hiểu Biển Đông là:
Một vùng biển có tên gọi mà trong mỗi ngôn ngữ mang một ý nghĩa khác, song hoàn toàn không có ý nói về chủ quyền. Tên gọi quốc tế của Biển Đông là Hoa Nam, từ nhiều thế kỷ trước ngụ ý biển ở phía Nam của nước Trung, vì thời ấy đó là quốc gia rộng lớn, có ảnh hưởng nhất;
Một vùng biển rìa lục địa, một phần của Thái Bình Dương, trải dài từ Singapore và eo biển Malacca tới eo biển Đài Loan đông bắc, với diện tích 3.500.000 km² gồm 12 nước, lãnh thổ có biên giới biển: đại lục Trung, Ma Cao, Hồng Kông, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Miên và Đại Việt;
Một vùng biển có hơn 1,9 tỷ người mà 77% sống trong vòng 100 km bờ biển, trong đó - chỉ sau Trung - Đại Việt có số lượng ngư dân lớn thứ hai, đứng trên Indonesia và Philippines. Tức là ở khu vực Đông Nam Á có ít nhất 31 triệu người đang sống bằng các nghề thủy sản, chiếm 1/10 tổng lượng thủy sản đánh bắt toàn cầu với trị giá nhiều tỷ USD.
Một vùng biển lớn thứ 4 thế giới, có ý nghĩa địa-chính trị và chiến lược cực kỳ quan trọng với hải lộ mậu dịch trọng yếu và nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới mà mỗi năm giá trị thương mãi lên đến 5.300 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ chiếm đến 1.200 tỷ; và cũng là nơi thường xảy ra các vụ hải tặc kinh hoàng;
Một vùng biển có các quần đảo với những sự tuyên nhận tranh giành nhau về quyền sở hữu trên biển và các tài nguyên đã trở thành đối tượng xung đột, tranh chấp giữa nhiều quốc gia trong vùng và cả ngoài vùng (như Mỹ chẳng hạn);
Một vùng biển có: trữ lượng rất cao về dầu thô và chất lỏng, chất hydrocarbon tiềm năng, đặc biệt hơi đốt thiên nhiên (11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ bộ khối/cubic feet hơi đốt thiên nhiên tại các vùng mỏ đã được chứng minh và khả hữu); có nguồn thủy lực dồi dào và chiếm 1/3 toàn bộ đa dạng sinh học biển thế giới.
Đại Việt chúng ta hiểu, ‘Thiên hạ vi công’ - Thiên hạ là của chung thì Biển Đông cũng vậy.
Đại Việt có bờ Biển Đông chạy dọc từ đầu chí cuối đất nước, với 28 trên 63 tỉnh, thành phố biển;
Đại Việt là quốc gia biển, và hầu hết các cuộc chiến tranh xảy ra cũng đến từ biển;
Đại Việt có Biển Đông mang tầm quan trọng hết sức lớn lao trong sự phát triển trường tồn của mình. Lúc này hơn bao giờ hết, Biển Đông là quyền lợi cốt lõi, là máu của máu người Việt, là thịt của thịt người Việt. ‘Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.’;
Đại Việt có tỷ lệ diện tích biển so với đất liền là 3/1; tức là vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có diện tích hơn 1 triệu km², trong đó một nửa diện tích nằm trong vùng triển vọng có dầu khí, và trữ lượng dầu khí ngoài khơi các tỉnh miền Nam có thể chiếm 1/4 trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông;
Đại Việt với miền duyên hải dài 3.444 km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; tức là chiều dài bờ biển so với diện tích đất liền là 1/100 trong khi trung bình của thế giới là 1/600, đứng hàng thứ 33/154 quốc gia có chiều dài duyên hải dài nhất thế giới. Tưởng cũng nên nhớ, trên trái đất có tới 47 nước nằm hoàn toàn trong lục địa (không tiếp diện với biển) và 35 nước có chiều dài duyên hải chưa đến 100 km;
Đại Việt có hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ xa gần, trong đó 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, tất cả hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển;
Đại Việt có đường lưu thông quốc tế từ bắc xuống nam, đông sang tây địa cầu, nên giữ vị trí quân sự rất trọng yếu. Từ vùng biển đảo của Đại Việt có thể quan sát, kiểm soát đường hàng hải huyết mạch Đông Nam Á;
Đại Việt sẽ có công nghệ khai thác tài nguyên biển chiếm tỷ lệ quan trọng trong thu nhập quốc gia.
Trong Thế kỷ đại dương, Biển Đông sẽ là đường giao thông huyết mạch với thế giới bên ngoài của Đại Việt. Cả quốc gia đang chuyển đổi từ nền văn minh Phù sa sang văn minh Hải cảng. Tương lai, sự tồn vong của dân tộc Việt phụ thuộc rất nhiều vào biển đảo.
100 năm qua là 100 năm Tổ quốc thống nhất từ Bắc đến Nam của chúng ta hầu như thường xuyên phải chống chọi với kẻ thù ngoại xâm mà tất cả đều là các cường quốc lớn nhất thế giới. Đã sắp tròn 40 năm thoát khỏi cuộc chiến tranh ác liệt và dai dẳng nửa thế kỷ, song Tổ quốc thân thương với mỗi con dân Việt vẫn chưa thể ngẩng cao đầu trước một cuộc sống hạnh phúc và bình thường cho mọi công dân. Chúng ta chỉ có hơn một thập niên sau năm 1993 tạm được yên biên cương bờ cõi.
Để tái thiết giang sơn, chúng ta vô vàn mong muốn hòa bình và chung sống hữu hảo với tất cả nước trong khu vực - trong đó tất nhiên Trung là quốc gia quan trọng nhất, gần gụi nhất. Nhưng, chúng ta càng khiêm nhường, bọn bành trướng Trung càng lấn át, chúng ta càng hữu nghị càng bị chèn lấn.
Nay, tàu chiến địch đã kéo đến chặn ngang cửa ngõ sơn hà với lời khiêu chiến phi lý và phi nhân. Thời điểm bắt buộc toàn thể dân tộc phải đáp trả xứng đáng trước kẻ xâm lăng đã đến!
Đại Việt làm sao có đủ vũ khí, khí tài, phương tiện hải quân để chống trả Trung trong cuộc chiến không cân đối này? Câu hỏi không mới. Và lời đáp càng không mới, ngay trong thời đại chiến tranh vi tính. Khi chưa lâm trận, vũ khí tốt nhất của chúng ta luôn là ngoại giao, là luật pháp quốc tế, là chính nghĩa. Khi buộc phải xung trận, bằng máu thịt bao thế hệ, chúng ta hiểu không thứ vũ khí nào, dù chiến địa hay chiến hải, có đủ ưu thế để chống ngoại xâm bằng Vũ khí lòng dân, bằng Đội quân nhân dân. Kẻ xâm lược phải ‘chết’ ngay khi gặp vũ khí đó, đội quân đó trước khi bị chết thực sự trong bàn tay của mỗi chúng ta.
Suốt 4.000 dựng nước và giữ nước Đại Việt, vũ khí không quyết định thắng thua trong chiến tranh, không là thế mạnh quân sự của dân tộc Việt. Chúng ta có Hội nghị Diên Hồng bất tử dựa trên nền tảng văn hóa đình làng coi trọng giá trị tập thể và truyền thống. Chúng ta đang có nền khoa học quốc phòng hiện đại dựa trên truyền thống yêu nước và ý chí chống ngoại xâm thông qua hành động: ‘Giặc đến nhà đàn bà phải đánh’, ‘Còn cái lai quần cũng đánh’, ‘Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã’, ‘Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách’, “Không thành công cũng thành nhân’, ‘Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi’, ‘Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh’…
Thế nhưng, cũng bằng máu thịt bao thế hệ, chúng ta đã hiểu những lần dân tộc bị ngoại bang chinh phục và nô lệ đều tại bởi đất nước ta đã bị kẻ xâm lăng lợi dụng, chia rẽ người Việt với người Việt. Hơn lúc nào hết, kẻ thù phương Bắc lại đang rình rập chúng ta từng ngày từng tháng, chỉ chờ nội bộ Đại Việt biến động là ào ạt kéo thủy-lục-không quân xâm chiếm bằng chiến tranh tổng lực, quy mô lớn theo mọi hướng đất mọi đường biển mọi khoảng không.
Dù ở đâu trên bốn biển năm châu, dân Việt luôn coi đất Việt trời Nam hình chữ S là quê hương duy nhất. Người Việt chân chính sẽ không lợi dụng Tổ quốc lâm nguy để chống phá nhau chỉ vì quyền lợi phe phái, mưu đồ cá nhân…
Gây chiến tranh là quyền của kẻ xâm lược. Nhưng liệu họ có rút được chân ra khi đã sa lầy vào cuộc chiến tiêu hao sinh lực và dai dẳng, đó là quyền của chúng ta.
*
Nhiều bình luận gia chiến tranh của phương Tây đã tiên lượng:
Rằng địa dư chính là lợi thế của Đại Việt. Đội tàu nhẹ và các tàu ngầm Kilo trang bị tên lửa của Đại Việt có thể tấn công bất ngờ và rút lui dễ dàng về quân cảng, còn hạm đội Trung càng lớn khi bị tấn công càng trở nên mạo hiểm trên biển cả lênh đênh;
Rằng Đại Việt có nhiều quân cảng, hải cảng hiện đại và lý tưởng trong đó Cam Ranh là tiêu biểu: không có đá ngầm; có núi bọc quanh nên ngoài khơi bão lớn trong vịnh chỉ gợn sóng; khe hở giữa các dãy núi sẽ là cửa dẫn chiến hạm vào ra, khi cần đi ra tấn công, nếu không thắng rút về cố thủ; ngoài cửa quân cảng là các hàng rào thủy lôi chống chiến hạm địch, trên bờ biển các ổ phòng không bao quanh.
Rằng Đại Việt không phải quan ngại khi so sánh với Trung về số lượng, chất lượng tàu chiến, máy bay, vì binh pháp chiến thuật du kích trên biển khơi vẫn hoàn toàn hiệu dụng, nhất là bằng các lữ đoàn Đặc công nước thiện chiến ‘ngoài sức tưởng tượng’ như ca tụng của chính cựu thù Mỹ;
Rằng các trang bị mới của hải quân Đại Việt sẽ hiệu quả; như chiến hạm lớp Gepard, Molniya đủ tung lực lượng ra Biển Đông; tàu ngầm Kilo có thể phá hoại đội tàu của Trung bằng nhiều cách khác nhau, bởi năng lực chống tàu ngầm của Trung còn kém cỏi…
Rằng Đại Việt, với tinh thần và binh pháp Lý Thường Kiệt, còn có năng lực tấn công căn cứ hải quân chủ lực của Trung tại Tam Á, đảo Hải Nam cùng các cơ sở quân sự trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa; cũng như tấn công uy hiếp bằng tên lửa các thành phố lớn ven biển phía Nam của Trung.
Rằng một chiến lược hải chiến phi cân xứng, cùng việc liên minh đúng lúc với các đối thủ của Trung sẽ đặt Đại Việt vào vị trí tốt trong cuộc xung đột vũ trang tới đây.
Có vị giáo sư quân sự Úc còn chi li tính đếm, nhận thấy hệ thống vũ khí, thiết bị hải quân Đại Việt đã và sắp mua sẽ có thể bắt Trung phải trả giá cực đắt, nếu Trung gây chiến dọc theo bờ biển Đại Việt trong khu vực 200-300 hải lý.
Lại có ba vị đô đốc Nga, Mỹ và Ấn cùng xác quyết nếu tấn công Đại Việt, quân đội và hải quân Trung chắc chắn sẽ đại bại, bởi chỉ cần một yếu tố mà Đại Việt thủ đắc: quân cảng Cam Ranh!
Bởi vì quân cảng Cam Ranh là một trong những quân cảng vào loại tốt nhất, quan trọng nhất trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương, mà ngay từ chiến tranh Nga-Nhật 1905 nó đã có thể tiếp nhận hạm đội mạnh nhất thế giới thời đó là hạm đội Baltique của Sa Hoàng với 40 tàu hải quân;
Bởi vì quân cảng Cam Ranh thuộc về vịnh Cam Ranh - một trong ba cảng biển nước sâu tự nhiên tốt nhất thế giới (hai cảng kia là San Francisco, Mỹ và Rio de Janéro, Brazil). Diện tích mặt nước của vịnh hơn 100 km2, chiều rộng khoảng 5-6 km, chiều dài 15 km và độ sâu trong vịnh trung bình 16-25 m (sâu nhất là 32 m), tại cửa vịnh đạt độ sâu khoảng 15-20 m. Vịnh gần như đóng kín bởi bán đảo Cam Ranh từ phía bắc chạy phủ kín phía đông và tây còn phía nam là đất liền, vịnh chỉ mở ra một cửa lớn như cánh tay ôm lấy và tạo nên vành đai trên mặt nước; vì thế có thể tiếp nhận đồng thời nhiều hạm đội, tàu chiến, tàu ngầm và các tàu trọng tải hơn 100.000 tấn vào ra dễ dàng bất cứ khi nào (tàu 200.000 tấn đậu ở ngoài cửa vịnh). Về địa chất biển, đáy vịnh gần như bằng phẳng được cấu tạo bằng cát pha bùn khá chắc, tiện lợi vô cùng khi thả neo. Vịnh được bán đảo bao che kín gió nên rất tốt lành khi tàu thuyền trú bão. Phía ngoài vịnh lại có một số đảo, cù lao án ngữ, có các dãy núi khoảng 300-400 m vây quanh với các điểm cao thuận lợi cho hệ thống đèn biển, ra-đa;
Bởi vì vịnh Cam Ranh mở ra cả vùng Biển Đông, cách 1.110 km đến Hồng Kông và Manila, 1.123 km đến Singapore. Với các giàn tên lửa phòng không tại đây và những cao điểm xung quanh, toàn bộ hai eo biển Malacca và Singapore đều nằm dưới tầm hỏa lực;
Bởi vì vịnh Cam Ranh cho phép triển khai hệ thống giám sát điện tử kiểm soát toàn bộ khu vực bắc Ấn Độ Dương, vịnh Persia, biển Hoa Đông và Biển Đông. Tất cả tàu ngoại quốc cỡ lớn đi Trung, Nhật hoặc từ đó quay về cần dừng lại ở Đại Việt từ vịnh Cam Ranh để nhìn rõ hải đăng ở mũi Padaran;
Bởi vì quân cảng Cam Ranh rất cơ động cho tàu chiến, máy bay chiến đấu, tàu ngầm và các phương tiện tác chiến khác cùng hoạt động: chỉ cách đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển (còn cảng Hải Phòng cách những 18 giờ);
Bởi vì quân cảng Cam Ranh ‘khó công dễ thủ’, như pháo đài tự nhiên lý tưởng, như đồn phòng vệ của Thái Bình Dương, chứa được đồng thời nhiều phi cơ chiến đấu, phi cơ vận tải, tàu chiến, tàu ngầm và các phương tiện chiến tranh khác, nhất là có thể chứa hàng vạn thủy quân lục chiến, có thể cùng neo đậu 40 tàu chiến cỡ lớn, kể cả tàu sân bay;
Bởi vì quân cảng Cam Ranh không chỉ ưu thế vượt trội về hải quân mà còn ưu điểm về không quân và lục quân: phía tây nam là tuyến phòng thủ Tây Nguyên, phía nam là cửa ngõ Sài Thành. Lực lượng không quân và tăng thiết giáp sẽ biến Cam Ranh thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Từng có không ít thời điểm tại phi trường Cam Ranh tần suất hạ cánh và cất cánh cao nhất thế giới;
Bởi vì vịnh Cam Ranh, từ trăm năm nay đều được hải quân các cường quốc coi là ‘trung tâm dịch vụ hậu cần’ quan trọng, vừa có lợi thế tự nhiên cho quốc phòng vừa sát kề tuyến đường vận tải biển quốc tế tấp nập;
Bởi vì quân cảng Cam Ranh cho phép kiểm soát hoàn toàn 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để có thể tạo tin tưởng về khả năng Đại Việt giành lại Hoàng Sa và Gạc Ma (Trường Sa) bằng quân sự: chỉ cách Hoàng Sa 470 km, Trường Sa 600 km, các máy bay Su-27, Su-30 từ đó bay ra 2 quần đảo với thời gian ngắn, bảo đảm tuần tra biển đảo và lâm chiến. Ngay hiện nay dù với phương tiện kỹ thuật còn khiêm tốn từ quân cảng này Đại Việt vẫn kiểm soát một vùng Biển Đông tương đối rộng;
Chính thế, truyền thông Trung từ lâu cứ ghen tị: ‘Dường như tìm kiếm cả châu Á cũng không thể thấy quân cảng nào ác hiểm và đặc sắc như quân cảng Cam Ranh. Khi các cường quốc ngày càng tiến vào sử dụng hải cảng này, Đại Việt cảm thấy tự tin hơn trong các đàm phán với Trung về biển Nam Hải’;
Chính thế, báo chí Mỹ đã reo lên ngay trong chuyến thăm Cam Ranh năm 2012 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta: ‘Ai chiếm được vịnh Cam Ranh, người đó sẽ chiếm được một nửa đất nước Trung, sẽ được kiểm soát tuyến đường hàng hải huyết mạch Á-Âu! Ở vị trí bá quyền thế giới, Mỹ phải chiến thắng Nga: hải quân Mỹ phải được đóng ở Cam Ranh!’ Còn chính đương sự tuyên bố: ‘Một ngày lịch sử của Mỹ đang đến: Tôi, Liev Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thăm vịnh Cam Ranh kể từ sau cuộc chiến tranh Mỹ-Việt cáo chung năm 1975!’;
Chính thế, hiện nay trong vịnh có quân cảng Cam Ranh như là căn cứ quân sự của hải quân Đại Việt - nơi neo đậu, trực chiến của các tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, tàu hàng, tàu khách, thủy phi cơ... Đây cũng là đại bản doanh của Lữ đoàn 189 Tàu ngầm thuộc Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân;
Chính thế, cư dân mạng đồn rằng có thể ngoài quân cảng Cam Ranh, vịnh này có còn một ‘căn cứ quốc phòng tuyệt mật’ của Đại Việt; rằng trong vịnh ẩn náu một đường hầm rất sâu đủ để chứa vài cái tàu ngầm nguyên tử; rằng biết đâu ở đó ‘quân ta đang bí mật sản xuất vũ khí siêu hiện đại’; rằng trong tương lai không xa Cam Ranh là át chủ bài, là bùa hộ mệnh của Đại Việt để giữ chủ quyền biển đảo;
Chính thế, Sách Trắng Quốc Phòng cho biết: đến năm 2030 hải quân Đại Việt có khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông và đến năm 2050 có khả năng vươn tới biển xa; trong chiến lược đó Cam Ranh không thể nào vắng mặt.
Vâng, chúng ta ghi nhận nhiều đánh giá từ các chuyên gia ngoại quốc về quân cảng Cam Ranh.
Vì quân cảng Cam Ranh hiện nay đã góp phần quan trọng với an ninh Đại Việt, duy trì hòa bình ổn định các nước trong khu vực và thế giới;
Vì quần đảo Trường Sa tạm thời vẫn an toàn khi được quân cảng hộ vệ. Còn Trường Sa, còn Cam Ranh thì chúng ta hoàn toàn vững tin một ngày nào đó Hoàng Sa và phần còn lại của Trường Sa sẽ phải trở về với mỗi người dân Việt đang đêm ngày hướng ra biển cả ngóng chờ. Hải cảng Cam Ranh mãi mãi phải là bờ bến yêu thương nối kết đất Việt với Hoàng Sa-Trường Sa tạo nên một hình chữ S hoàn chỉnh có đất liền có biển đảo.
Vì một khi kinh tế Đại Việt phát triển hơn nữa, chúng ta sẽ xây dựng vịnh Cam Ranh thành một hải cảng quân sự bậc nhất trong hành lang bờ tây Thái Bình Dương.
Tựu trung:
Theo giới quan sát phương Tây, Bắc Kinh phải tính toán trước khi quyết định thách thức vũ lực với Đại Việt, khi mà Hải quân Đại Việt hiện đã có được các loại vũ khí đặc trị chống Hải quân Trung, cộng thêm yếu tố địa lợi và quân cảng ưu việt, sẽ tăng giá trị răn đe và phòng thủ quốc phòng đối với Trung, cũng như sẵn sàng giáng trả tàu chiến Trung những tổn thất kinh hoàng.
Nhưng, hơn ai hết chúng ta tự hiểu rằng những vũ khí hiện đại đó chỉ là bước tiến lớn của chính chúng ta so với trước đây không lâu. Trên mặt bằng chung của nền quân sự thế giới và nhất là trong nhu cầu thiết thực của mình, trang bị vũ khí Đại Việt còn rất khiêm tốn.
Cuối cùng vẫn là yếu tố con người: các sĩ quan và thủy thủ của Hải quân Đại Việt là những chiến binh đã coi ‘Đảo là nhà, biển cả là quê hương’, nay nguyện ‘Sống bám biển đảo, chết hóa biển đảo, thành bất tử’!
IV.
Hỡi đồng bào và chiến sĩ Việt,
Suốt 7 thập niên qua, với lần thứ nhất vào năm 1946, người Trung từng 6 lần xâm chiếm biển đảo của Đại Việt trong khi đất nước ta ở các thể chế chính trị khác nhau.
Tại từng thời kỳ Đại Việt có những phương cách, sách lược khác nhau.
Trận chiến lần thứ 7 này có thể sẽ phải sống mái sinh tử!
Cuộc kháng chiến giữ biển cứu nước thần thánh chống tập đoàn phản động Trung xâm lược, bảo vệ Tổ quốc Việt có thể sẽ diễn ra quyết liệt ở các tỉnh duyên hải miền Trung, thậm chí cả Hải Phòng.
Nhưng, dải đất hình chữ S mang trên mình 28 tỉnh thành có bờ biển sẽ phải được vững như kiềng ba chân Bắc-Trung-Nam.
Ức triệu người như một, nhất tề đứng lên cùng hướng ra biển khơi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cả nước, từ quốc nội đến hải ngoại, đoàn kết đồng tâm dành tất cả nhân lực và vật lực cho tiền tuyến Biển Đông sẵn sàng hy sinh quên mình.
Chúng ta sẽ đánh thắng hoàn toàn trận chiến xâm lược đại dương của bọn bành trướng và bá quyền Trung Nam Hải!
Trời Nam biển Việt - độc lập, tự do và hạnh phúc muôn năm!
Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải lấy lại chủ quyền cho Biển Đông!
Ban lãnh đạo tối cao Đại Việt
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phát Trọng
Chủ tịch Nước, Thống lĩnh các Lực lượng vũ trang Trương Tiến Sang
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tiến Dũng”.
Vancouver (16/5/2014 - 17/2/2015)
Đ.Q.