Trang chủ » Tin văn và...

RA MẮT TẬP TRUYỆN NGẮN "GỬI NGƯỜI TRẦN GIAN"

Hoài Khánh
Thứ bẩy ngày 8 tháng 8 năm 2009 5:44 AM
Tập truyện ngán "Gửi người trần gian" của nhà văn Cao Năm vừa được Nhà xuất bản Văn Học cho ra mắt bạn đọc. Cuốn sách này tập hợp 25 truyện ngắn chọn lọc của tác giả viết về nông thôn trong thời gian gần đây.
Bạn đọc có thể gặp trong "Gửi người trần gian" những nhân vật mang đậm cốt cách thôn quê, với những số phận, tính cách đa dạng, có thể phần nào tiêu biểu cho nhiều lớp người, nhiều thế hệ đã và đang sống ở nông thôn đồng bằng Sông Hồng trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá mà những nét truyền thống văn hoá, lịch sử, phong tục, tập quán cùng những quan niệm xưa cũ không phải ở đâu và lúc nào cũng chỉ còn mờ nhạt, dễ bị triệt tiêu, như có người lầm tưởng, nhưng cũng không dễ còn được ngự trị khắp nơi. Một nông thôn với biết bao niềm vui muốn trào nước mắt, nhưng cũng chưa hẳn đã hết nỗi buồn và niềm sẻ chia - ấy là điều mà nhà văn Cao Năm luôn quan tâm trong hoạt động sáng tác văn học của mình.
Mở đầu tập truyện, người đọc gặp ngay một gia đình chuyển nhà từ quê ra phố với bao nỗi niềm, vừa lưu luyến, nhớ nhung từ những người thân yêu đến những vật tưởng như tầm thường nhất trong thời kinh tế thị trường, lại vừa háo hức với bao nhiêu cái mới lạ đang đợi chờ ở phố. Nhưng dù ở phố có bao nhiêu cái mới lạ, sang trọng thì đối với những thứ đã gắn bó với con người bao năm nay, như bộ bàn ghế làm bằng gỗ mít của ông giáo làng thời bình dân học vụ, cũng không thể bỏ lại làng, mà cứ phải mang theo, dù biết mang theo ra phố cũng không dùng đến nữa, nhưng cứ được nhìn thấy bộ bàn ghế ấy là ông giáo làng như lại có thêm nhuận sắc. Truyện ngắn "Bộ bàn ghế của ông tôi" được viết theo lối nhân vật tự kể, nên khá hồn nhiên, sinh động; đoạn kết ông giáo qua đời, cái bàn dùng dạy học của ông ngày xưa giờ được dùng làm bàn thờ ông để mọi người đến chắp tay kính viếng, là một cái kết mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Làng quê với biết bao con người, bao số phận khi hiện hình, khi thấp thoáng trong suốt tập truyện "Gửi người trần gian". Đấy là Tác, trong truyện ngắn "Chuyện của Tác", Hương trong "Con chùa", bà Mây trong "Chuyện tình ngày ấy", Trúc trong "Dòng đời xuôi ngược", Đào Thăng trong "Nhà báo làng", Yên trong "Phao cứu sinh", Thuận trong "Trăng suông"... Những tập quán xưa cũ về họ tộc, tông đường, sự tranh giành quyền chức giữa các làng xóm, dòng tộc được nhà văn mổ xẻ, khắc hoạ dưới góc nhìn đa chiều, mang đến cho người đọc bức tranh làng quê thời kinh tế thị trường đa dạng, phong phú và không kém phần phức tạp đến khó lường. Ở một làng nọ có dòng họ Bùi khá to, nhưng trải bao thăng trầm người trưởng họ nay không ở làng nữa, theo lệ họ, người ngành thứ đứng lên làm trưởng họ, nhưng ông thứ chỉ có độc một con trai lại sinh liền hai đứa gái. Vậy để được làm trưởng họ, ông phải bày cách đổ tiếng ác cho làng dâu và đày chị ra ở một mình ngoài xóm trại ven đê. Cực chẳng đã, chị viết bức thư kể hết sự tình rồi liều mình uống thuốc sâu để tìm sự thanh thoát ở thế giới bên kia. "Gửi người trần gian", truyện ngắn được lấy đặt tên cho cả tập, là một truyện đọc xúc động, với cách viết lạ, mang tính tố cáo thói hư tật xấu còn rơi rớt ở một số người, nhưng vẫn chan chứa lòng vị tha, nhân hậu.
Không né tránh vấn đề nóng đang diễn ra trên nhiều vùng quê mấy năm nay, nhà văn đi thẳng vào vấn đề công nghiệp hoá nông thôn, cụ thể là việc lấy đất lập khu công nghiệp thì người nông dân sẽ như thế nào, qua truyện ngắn "Trăng suông". Truyện viết công phu, tái tạo con đường vươn lên làm giàu của thanh niên thôn qua nhân vật Thuận. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quan sự về, Thuận không thích đi thoát ly, mà ở nhà vay tiền đấu thầu vùng đầm để nuôi cá. Chẳng bao lâu vùng cá của Thuận nổi tiếng cả huyện, thu mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Rồi không chỉ có cá, Thuận còn chiếm được cảm tình của cô cắt cỏ là Thao, em gái Thạo, phó chủ tịch xã. Tình yêu đang say, thì vùng đầm cá bị thu hồi để lập khu công nghiệp Láng. Thuận sau mấy tháng chạy bở hơi tai mới thanh toán xong các khoản đền bù và trả nợ tiền vay ngân hàng, rồi sắm chiếc xích lô cọc cạch chở khách, chở hàng kiếm ngày mươi đồng, và định bụng quay về tìm Thao tính chuyện trăm năm. Nhưng Thao được ông anh làm phó chủ tịch xã lo lót thế nào lại được vào làm thủ kho trong khu công nghiệp Láng, và khi gặp lại thì "anh đi đường anh, tôi đường tôi".Truyện viết nhuyễn, nhiều chi tiết, thấm đẫm nhân tình thế thái, và quan trọng là đặt ra được vấn đề làm người đọc quan tâm.
Đấy là điều dù ít dù nhiều nhưng hầu như ở truyện ngắn nào trong "Gửi người trần gian" cũng được nhà văn quan tâm thể hiện. Tuy vậy, ở đôi truyện, nếu tác giả công phu trao chuốt thêm có lẽ đọc còn cuốn hút hơn.
Viết về nông thôn, nông nghiệp, nông dân gần như là đề tài xuyên suốt mấy chục năm cầm bút của nhà văn Cao Năm. Trong cuốn "Nhà văn Hải Phòng - Chân dung và tác phẩm" ( NXB Hội Nhà Văn 2003), nhà văn Cao Năm từng tâm sự: "Dù viết gì thì cuối cùng những nhân vật của tôi vẫn là những người sinh ra và lớn lên sau luỹ tre làng, dẫu hôm nay có người ra đi quên cả lối về làng, nhưng giọt máu họ đang mang trong mình vẫn có gốc gác từ những người chân lấm tay bùn sinh ra". Gần 45 năm sáng tác, kể từ truyện ngắn đầu tiên đăng báo Văn nghệ (1966), nhà văn Cao Năm đã sáng tác tới 100 truyện ngắn, bút ký, được xuất bản 9 đầu sách, mà chủ yếu viết về nông thôn, với những con người giàu tình thương và sự bao dung nhưng cũng đang phải lam lũ, nhọc nhằn trên mảnh đất mỗi ngày một thu hẹp lại và luỹ tre làng chỉ còn trong ký ức người già. Chỉ kể 2 năm nay, nhà văn Cao Năm đã có liên tiếp 2 tập sách dầy dặn ra mắt bạn đọc và đều viết về đề tài nông thôn - nông nghiệp - nông dân, năm ngoái là tiểu thuyết "Bão đồng" (NXB Quân Đội Nhân Dân - 2008), còn nay là tập truyện ngắn chọn lọc này.
HOÀI KHÁNH