Người chụp ảnh sát cạnh mình là Nhà thơ Kim Chuông, một người rất có công với với nèn thi ca Thái Bình. Nhiều và rất nhiều người nhờ Kim Chuông hướng dẫn, bảo ban, khích lệ... đã thành đạt như Nhà thơ Võ Bá Cường, Nhà thơ Trọng Khánh... Đặc biệt với mình, ông vừa là anh, vừa là thầy. Kim Chuông là người "khai quật" ra Bùi Hoàng Tám, người bạn của các bạn hôm nay. Viết về Kim Chuông là trách nhiệm và cũng là tình cảm của mình. Nhưng buồn thay, cho đến giờ này, mình lại chưa viết một dòng nào về Kim Chuông cả. Hôm vừa rồi xuống Hải Phòng gặp bác, mình nhớ lại lần đầu gặp Kim Chuông. Ngày ấy cách đây đã gần 40 năm. Hôm ấy, mình nịnh nọt mãi, bà chị gái bán cửa hàng Công nghệ phẩm số 3 (cửa hàng bách hóa lớn nhất của Thái Bình) mua cho 2 cái vé xem phim. Thời bao cấp, để mua dược 2 cái vé xem phim là cả một kỳ tích. Mình đã "âm mưu" mời một cô bé tên là Tâm, nhà mặt đường Lê Lợi với âm mưu dành cho Tâm sự bất ngờ nhằm "tán tỉnh". Tâm đẹp, lại mê văn nghệ. Mấy lần mình đi xem kịch ngoài bãi đều thấy Tâm. Mình đã lên sẵn "kịch bản", rằng giả vờ vào xem đồng hồ (nhà Tâm sửa đồng hồ) rồi lặng lẽ đưa cho Tâm đôi vé trong sự ngỡ ngàng của em. Có thể cuộc đời mình sẽ khác nếu như chiều đó trên đường đến nhà Tâm, mình không gặp hai "thi sĩ nhớn", tiếng tăm nổi như cồn là Nhà thơ Kim Chuông và Thi sĩ Xuân Đam. Trời ơi! Hai "vĩ nhân" mà mình ngưỡng mộ đang rảo bước trên vỉa hè. Nhà thơ Kim Chuông vai khoác chiếc túi vải quai dài, dội mũ phớt, đeo kính cânh còn thi sĩ Xuân Đam thì bảnh chọe trong bộ đồ sơ vin quần xanh, áo trắng. Họ vừa đi và hình như vừa trao đổi với nhau về một thi phẩm mới viết. Sững lại và như một bản năng, mình chào hai thi sĩ rồi tặng luôn cả hai cái vé. Bòn mót hết số tiền còm trong túi, mình mua cho mình một cái vé chợ đen. May vẫn còn sót lại một ít tiền lẻ. Khi vào rạp, mình đã dùng tất cả số tiền còn lại mua hai gói hạt dưa để các thi nhân nhấm nháp. Có lẽ tại cái tên bộ phim là "Con đường đau khổ" nên nó "ám quẻ". Phim hai tập, nhưng chỉ hết 1/3 tập một thì Nhà thơ Kim Chuông bỏ về còn thi sĩ Xuân Đam lăn ra ghế... ngáy. Chao ôi! Con đường đến với văn chương quả là "con đường đau khổ", vì nó mà tan nát một một tình non trẻ. Hai lão "dở hơi" ơi! Tôi thù các ông... "muôn đời, muôn kiếp không tan".
BÀI THƠ PHẢN ĐỘNG
Bài thơ đầu tay của tôi! Bài thơ đầu tay của tôi ;là một bài thơ... phản động. Chuyện là thế này. Tôi làm thơ muộn. Không, nói đúng hơn là tôi bập bẹ làm thơ muộn. Năm khoảng 14 - 15 tuổi, tôi mới có "tác phẩm" đầu tiên. Đó là một bài 6-8 (tôi không dám gọi nó là lục bát). Ngày đó, thầy tôi làm ở Công ty Thực phẩm II ở Thị xã Thái Bình. Những tháng hè, tôi thường theo lên cơ quan thầy chơi. Một hôm lang thang ra bến xe khách, thấy một bà già ăn xin. Ngày đó, vì sự tươi đẹp của xã hội, người ta cấm ăn xin nên gặp một ngưoif ăn xin khiến tôi xúc động. Trời ơi! Tại sao xã hội XHCN lại có người ăn xin nhỉ (dù chết đói cũng không được ăn xin). Và thế là tôi làm "thơ". Bài thơ ấy ló thế lày lày: "Hôm nay ngồi ở bến xe Nhiều người xúm lại để nghe bà mù (hát) Xã hội đang tiến vùi vù Cớ sao lại có bà mù xin ăn". Một lần anh Cốt tôi học đại học trên Hà Nội về, tôi đọc cho anh nghe. Anh nhìn tôi đầy ngỡ ngàng, mặt tái mét, môi run run: Sao... sao em viết bài thơ phản động này. Nó bắt em đấy. Cấm nhé. Cấm không được đọc cho ai nghe nhé. Mà tốt nhát là quên nó đi. Có lẽ bởi lời dặn "quên nó đi" của anh mà tôi nhớ đến giờ, sau gần 45 năm. Giờ thì anh Cốt đã mát, cái thời khốn khổ đó cũng qua rồi.