Đọc tập thơ: “Chiều mưa hai đứa đợi tàu” của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, NXB Quân đội Nhân dân năm 2013, người đọc đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cả đời theo nghiệp thơ có được một vài bài hay, câu hay đã quí lắm rồi, còn với Hưng Hải gần như bài nào anh cũng có những phát hiện mới, có những câu thơ hay, thậm chí xuất thần.
Cái đáng quí trong thơ anh là sự nhạy bén và tinh tế trong lập tứ lập ngôn, thâm trầm và sâu sắc, chạm vào bất cứ những gì hiện diện trong cuộc sống và tâm tư, tình cảm là trong anh bật lên những tứ thơ được diễn tả một cách tự nhiên như hơi thở. Những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng nhuần nhuyễn làm rung lên trong lòng người đọc những cung bậc của cảm xúc. Đây là tâm trạng bồn chồn, lưu luyến của người tiễn, người đi trong: “Chiều mưa hai đứa đợi tàu”: “Chiều mưa hai đứa đợi tàu? Lát rồi xa lại bắt đầu hình dung/ Sao em cứ nghĩ mông lung/ Muốn tàu đến sớm lại mong muộn tàu”. Thật là nghịch lý, thật là trớ trêu nhưng lại thật là hợp lý, mang âm hưởng dân gian. Hoặc khi “Trở lại Trường Sơn” những ký ức năm xưa chợt ùa về: “Phiến đá này năm xưa/ Chân ai từng tụt dép/ Có những cơn sốt rét/ Đến giờ còn rung cây/ ... Một Trường Sơn tơ non/ Đón tôi vào vô tận/ Đường tôi đi ra trận/ Lại bắt đầu từ đây...”. Trong bài: “Cỏ mùa xuân”, Nguyễn Hưng Hải thấy cỏ cũng có cuộc sống như con người: “Chung buồn vui với khổ đau/ Tháng năm cỏ dựa vào nhau như người/ Nhỏ nhoi một lá cỏ thôi/ Mà bao nhiêu những cuộc đời gặp nhau”. Tứ thơ được đẩy lên một cung bậc mới bất ngờ: “Đất đai còn một vết đau/ Thì tôi còn mắc nợ màu cỏ xanh/ Cỏ và cột mốc và anh/ Ôm ghì lấy đất mà thành nước non”. Thì ra nói về kỷ niệm chiến trường xưa, nói về cỏ, nói với cỏ mà nhà thơ đã: “Buộc lòng tôi với tiền duyên/ Buộc lòng tôi với mọi miền đất đai”. Có một chút lãng mạn nhưng hình ảnh nghệ thuật ấy thật sâu sắc, nỗi gian truân, vất vả, khó nhọc của những người lính Trường Sơn năm xưa hiện lên chân thực, cụ thể và sinh động, ý thức công dân vô cùng đáng trân trọng, đặc biệt khi anh hiểu rõ: “Cỏ và cột mốc và anh/ Ôm ghì lấy đất mà thành nước non”. Và đáng quí thay người lính đã đi qua chiến tranh ý thức được rất rõ trận chiến mới không tiếng súng nhưng không kém phần cam go, khốc liệt. Những năm tháng chiến tranh để lại những dấu ấn khó phai trong thơ Nguyễn Hưng Hải, trong đêm: “Ngủ rừng” anh thấy: “Đêm đón trái trăng vàng/ Đung đưa qua kẽ lá/ Ngỡ quả thị của bà/ Hương thơm tràn mọi ngả/ Đêm nhìn lên vách đá/ Vệt lân tinh lập lòe/ Thương ngọn đèn xóm mẹ/ Giờ này còn đỏ hoe”. Quê hương luôn đồng hành cùng người ra trận và chính tình yêu quê hương qua những điều thật cụ thể ấy, tiếp sức cho các anh chiến đấu và chiến thắng, hình ảnh vầng trăngnhư quả thị trong cổ tích hiện lên đầy chất thơ nhưng cũng thật gần gũi, thân thương. Còn đây là: “Tháng ba ở rừng” người lính ước ao: “Ước gì gặp lại bàn tay/ Tìm xem vết mực cái ngày xa nhau/ Ước gì gặp lại mái đầu/ Đêm khuya bên ngọn đèn dầu đỏ hoe/... Ai đem áo vắt lên dây/ Để cho ngọn gió cả ngày đong đưa/ Ai mang đến những tâm tư/ Để khi xa cách vẫn như ở gần/ Lạnh lùng cái rét nàng Bân/ Chẳng còn lạnh đến hai lần trong em/ Tôi xin làm một con tem/ Mang bao nhiêu nỗi ấm êm trở về”. Câu thơ nhẹ như không mà chan chứa ân tình. Chiến tranh làm sao tránh được những tổn thất thương đau không gì đo đếm được, hình ảnh người liệt sĩ hy sinh mãi trẻ “Ở trong khung kính” làm người đọc nghẹn lòng: “Em như chiếc lá khô/ Trước muôn năm anh vẫn trẻ/ Cơn bão của em/ Thằng con trai của mẹ/ Đã không thể bước ra cuộc đời”. Người vợ mỏi mòn theo năm tháng, cùng mẹ chung một nỗi đau trong những cung bậc cảm xúc khác nhau, câu thơ như cứa vào lòng: “Trong khung kính anh cười/ Liệu có biết em đang ngồi chải tuổi/ Trên chiếc chiếu manh”, còn người mẹ lại: “Mẹ còm cõi nắng chiều nhợt nhạt/ Tóc mẹ trắng rụng vào đêm bạc/... Nhưng mẹ chẳng thể nào thay anh cho em/ Em chẳng thể nào thay anh cho mẹ”. Từ “chải tuổi” và hình ảnh “Tóc mẹ trắng rụng vào đêm bạc” thật là đắc địa. Chiến tranh đã đi qua nhưng những gì nó để lại thật khốc liệt không thể phai mờ trong bài: “Nhìn về năm ngọn tháp” : “Cái chết đã đi qua/ Đêm nay còn giật thót/ ... Chiều đứt đôi tiếng hót/ Con chim rơi khỏi cành/ Đỡ lên niềm xa xót/ Máu chim như máu mình”. Hiểu về chiến tranh và cái giá của những gì đã có hôm nay, cùng sự mẫn cảm của một hồn thơ mới có thể viết được những câu thơ như vậy. Không chỉ với nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, kỷ niệm chiến trường với những người lính không bao giờ phai mờ được thể hiện sinh động, đằm lắng trong bài: “Phơi áo”: “Ướt đâu mà áo mang phơi/ Phơi là phơi lại cái thời Trường Sơn/ Phơi là phơi nỗi cô đơn/ Bao năm ai mất ai còn ở đâu”. Hình tượng thơ gợi bao hoài niệm, nhớ lại kỷ niệm chiến trường năm xưa cùng bao đồng đội đã ngã xuống đâu phải để buồn đau, mà hơn thế để sống sao cho xứng với máu xương của bao người con đất Việt ưu tú đã xây nên Tổ quốc này: “Phơi là để nhớ ngày xưa/ Để không quên những giao thừa bom rung/ Để còn thương nhớ sau lưng/ Để mai còn biết thẹn thùng ở đâu/ Để còn nhắc với muôn sau/ Áo Trường Sơn dẫu bạc màu vẫn phơi”. Từ “phơi”, từ “để” được nhắc lại nhiều lần càng khắc sâu kỷ niệm xưa và như một lời nhắc nhở tới hôm nay và mai sau, như nhịp cầu nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trong tập thơ, những bài thơ viết về Trường Sa của Nguyễn Hưng Hải mang những phát hiện mới, thông qua những điều tưởng như nhỏ bé, bình dị, chuyển tải được những ý tưởng to lớn về quê hương đất nước và tinh thần bất khuất của những người lính nơi đầu sóng ngọn gió như bài: “Rau muống ở Trường Sa”: “Như là đồng đội thương nhau/ Ở trong khay đất ngọn rau chẳng buồn/ Lá mầm theo nắng mà vươn/ “Theo chân lính - những mảnh vườn cứ xanh”. Hưng Hải rất thành công khi chọn hình ảnh rau muống đại diện cho mảnh vườn quê Việt, bởi dù đi đâu, ở đâu thì: “Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” – (Ca dao). Mỗi ngọn rau cũng chứa bao tâm sự, quê hương thấp thoáng trong mỗi mảnh vườn xanh. Tổ quốc hiện hữu thật gần, giản dị và rất tự nhiên. Bài: “Lính đảo”, hình ảnh những người lính trung kiên, ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương thật độc đáo mang tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”: “Bão xoay cột mốc chủ quyền/ Mỗi người lính một mặt tiền chở che/ Đảo là nhà, đảo là quê/ Đảo là giọt máu lời thề trong tim”. Còn trong bài: “Nghe hát dân ca trên đảo Sinh Tồn” lại đầy sự tinh nghịch, hóm hỉnh của lính: “Chỉ nhìn đôi mắt long lanh/ Nghe câu em hát đã thành trai tân/ Ghen cho thằng bạn ngồi gần/ Bao giờ đến hẹn, còn lần sau không?” và thật bất ngờ khi gặp hình ảnh: “Có chàng lính trẻ thích đùa/ Nghe em hát cứ mong mưa để còn.../ Cởi phăng tấm áo đã sờn/ Che cho cả đảo Sinh Tồn và em”, bốc một chút nhưng thế mới là lính.
Trân quí cuộc sống hôm nay có được do bao mồ hôi, xương máu của bao thế hệ mới có, nên có lúc trong thơ Nguyễn Hưng Hải đầy chất suy tư, thế sự: “Vệ sĩ đứng ngàn năm/ Cho tôi hỏi lối nào vào cổng chính/ Ai nói thật và ai đang phỉnh nịnh/ Bước lên đền chỉ để bước lên thôi/ ... Vệ sĩ có ghi tên điểm mặt từng người/ Có nghe được bao lời cầu khẩn/ Có chỉ mặt lôi ra ngoài cung cấm/ Những kẻ xoay lưng lại cửa đền”. Câu hỏi như xoáy vào tâm can, đặt ra bao điều về đạo lý và lẽ sống.
Thơ của Nguyễn Hưng Hải trong sáng, mượt mà, ở cả thể thơ tự do và thể thơ truyền thống anh đều gặt hái được những thành công nhất định. Trong thơ của anh đầy màu sắc, âm thanh, nhạc điệu và những hình ảnh mới lạ, không gò ép trong không gian và thời gian nhất định, kết hợp khá nhuyễn chất trữ tình và tự sự làm cho ý thơ bay bổng dư ba, song có lúc giá như anh điều tiết được được cảm xúc thì ý thơ sẽ cô đọng hơn nữa.
Hà Nội 7.2013
T.V.H