Tập thơ lục bát: “Cụng Ly” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, NXB Hội nhà văn năm 2014 có tới 121 bài, với nhiều thi tứ, đề tài. Thể thơ lục bát truyền thống được thổi vào một hương gió lạ. Chất trữ tình cùng thế sự kết hợp nhuần nhuyễn tạo nên một không gian đa chiều, chuyển tải được bao trăn trở và day dứt về tình người, về thời cuộc. Chỉ điểm qua mấy bài thơ để lại những dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc ta đã thấy rất rõ những điều đó.
Chén rượu nhà thơ mời bạn đọc “Cụng Ly” ăm ắp những tâm trạng và góc khuất của cuộc đời, hương rượu đưa con người trở về bản ngã:
Bây giờ ta rót cho nhau
Bao nhiêu khoảng lặng thẳm sâu cuộc đời
Được say những đoạn không lời
Được ngây ngất chỗ không người tụng ca
Cái “khoảng lặng” ấy như sự soi rọi, nhìn lại chính mình sau những toan tính, ảo tưởng, nhấm nháp những vị đắng của cuộc đời theo luật nhân quả:
Bồ hòn ta cụng với ta
Phận cày dệt gấm thêu hoa cũng cày!
Giọt nào cho những lời xưng tụng. Giọt nào cho những toan tính trắng đêm..! như chắt ra từ máu con tim ươm những mầm hy vọng:
Bao nhiêu mảnh vỡ trong tim
Rót ra nào cụng cho mềm chồi non
Mảnh vỡ trong tim rạn nứt có hàn gắn lại được không? Chén rượu nhà thơ mời được ủ bằng bao nếm trải vui, cay đắng, xót xa của cuộc đời cùng sự chiêm nghiệm về nhân tình thế thái, khao khát một niềm yêu bởi vậy dẫu có cạn ly càng thêm tỉnh táo để nhìn nhận lại mình sau quá khứ mê muội, làm cho con người nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống và sống cho đúng nghĩa, với gia đình, quê hương. Hình ảnh “Mềm chồi non” và từ “lại xanh” như một chân lý và động lực sau những tháng năm dài “ngu ngơ”:
Uống cho say thuở ngu ngơ
Bao nhiêu gai nhọn đến giờ mới đau!
Ủ men năm tháng úa nhàu
Bão giông quật xác mái đầu lại xanh
Và thật xót xa nhưng cũng vô cùng nhân ái khi nhà thơ mời:
Cuộc cờ sau lúc tàn canh
Tốt, vua tất cả trở thành đồ chơi
Dấu chân nhặt dưới phận người
Mỗi thằng một mảnh…Xin mời: Cụng ly!
Cuộc cờ người, cuộc cờ đời, luật nhân quả và con người trong sự vận động đó được diễn tả sâu sắc và tinh tế biết bao. Chén rượu ấy như mở ra một không gian và thời gian của đời người, của những điều lớn lao hơn mà tác giải gửi gắm, cụng ly để chung một khát vọng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Tư tưởng chủ đạo của nhà thơ thể hiện trong tập khá rõ nhưng khi đọc bài “Đánh dậm hồn mình” tôi chợt giật mình vì thấy mình trong đó:
Mấy thằng đánh giậm hồn mình
Nhét đầy một giỏ lầy sình tuổi thơ
Đất bùn lấm nửa giấc mơ
Cởi tung ký ức tơ hơ ngồi cười
Có ai đi đánh dậm hồn mình bao giờ đâu, người ta đi đánh dậm dể kiếm miếng ăn hàng ngày nhưng đây là đánh dậm mong thấy được tuổi thơ đã mất mà chỉ thấy toàn “sình lầy” trong đó có mồ hôi của ông, bà, cha, mẹ… giẫy giụa, xót xa vậy mà vẫn: “Cởi tung ký ức tơ hơ ngồi cười”. Tiếng cười ngạo nghễ, sảng khoái vì nhận ra bản ngã của mình sau khi đã thấy từ bùn đen những điều tốt đẹp. Chính từ “sình lầy” ấy vút lên những câu thơ như tiếng lòng của những con người chân chính:
Bóc trần mọi nỗi niềm mình
Lộn hết ký ức đem dành tặng nhau
Bẵng quên tóc đã trắng đầu
Bẵng quên cao thấp kính chào kính thưa
Chữ nào cũng chật ngày xưa
Vỗ đùi vỗ vế như chưa một lần
Cạn đêm còn mấy nếp nhăn
Giọt sương nào cũng đánh trần ra say.
Giọt sương “đánh trần” ấy như một lưỡi dao mổ xẻ qua những tầng biểu bì chai sạn va vấp của cuộc đời để thấy cốt lõi của sự vật và hiện tượng và cái “say” ấy chính là sự tỉnh thức và có mấy ai dám “bóc trần” mình để sống cho đúng nghĩa con người.
Bài: “Tòng teng” lại có một thi tứ cùng những hình ảnh nghệ thuật độc đáo chuyển tải những ý tưởng sâu sắc. Cái từ “Tòng teng” gợi hình một cái đặt trên vai hay xách trên tay thì cũng nhẹ như không nhưng trong thơ của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm lại trĩu nặng cả nhân tình thế thái:
Toòng teng một gánh trần gian
Xắn quần lội bể vượt ngàn liêu xiêu!
Ẩn dụ thật đắc dụng, cái tưởng như nhẹ như không ấy lại là muôn ngàn bể khổ của trần gian. Người đọc cũng đồng tình khi nhận ra sự sâu sắc và tinh tế của tác giả. Quy luật của cuộc sống là vậy, không bao giờ cam chịu sự đè nén, áp bức và nô dịch, dẫu có lúc:
Bao lần hoá rạ, hoá rơm
Bao lần hoá Cuội, hoá Bờm mà say!
Cả cười cái lúc trắng tay
“Trắng tay” để rồi biết nhìn nhận lại mình. Câu thơ cuối không chỉ như tuyên ngôn và nghị lực sống của tác giả, tiếng cười vang vọng như ngộ ra một chân lý và làm chủ được mình không chỉ của tác giả mà trong cả chiều dài lịch sử của dân tộc:
Khi còn lại một nắm tro
Toòng teng quảy nốt qua đò trần gian.
Nhận ra vị trí của mình trong xã hội để rồi xác định một lối sống tốt hơn trong dòng chảy lịch sử quả là không dễ, bởi con người dễ thỏa mãn với những gì có được bằng nhiều cách nhưng với nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm lại thấm những nhọc nhằn để có những mùa vàng :
Nhỏ nhoi sợi tóc trên đầu
Từ đen sang trắng, chuyển màu, vậy thôi.
Tưởng là chỉ cái hắt hơi
Tưởng là chỉ cái đánh rơi tuổi mình
Thờ gian như bóng câu qua cửa sổ, nếu không biết trân quí từng giọt thời gian, lấy đâu có sự phấn đấu vươn lên để có những ngày hạnh phúc và lời cầu siêu trong bài: “Sợi tóc đổi màu” không chỉ cho riêng tác giả mà phải chăng cho mọi kiếp chúng sinh, dẫu có phải qua bao “sấm chớp”.
Cầu siêu cho những sần chai
Cầu siêu cho những đền đài thương đau
Trắng, đen- Sợi tóc đổi màu,
Bao nhiêu sấm chớp bắc cầu mới sang!
Trong thi tứ ấy, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm có lúc hy vọng, lang thang trong mọi mặt chân, giả của cuộc sống để rồi rút ra chân lý sống được gửi gắm qua bài: “Chiều lông ngỗng”. Lời cầu tưởng như thỉnh cầu với những đấng siêu nhiên nhưng thật ra từ khát vọng của những người chân chính:
Lang thang qua đủ miệng người
Đủ màu thật giả đủ lời bán buôn
Chiều cong một ngọn nắng non
Một làn gió cỗi mấy hòn cuội rêu
Rách trời một tiếng vạc kêu
Hoàng hôn thả xuống bao nhiêu cầu vồng
“Rách trời” ấy phải chăng là sự khao khát bứt phá vươn tới chân giá trị của nhà thơ:
Cắm sào ghìm phía bão lay
Bao nhiêu rễ bật phía cây đợi chờ
Xoè ra những mảnh xác xơ
Gói vào tơ nhện giăng bờ gió giông
Tìm qua con sóng xé lòng
Hết chiều lông ngỗng vẫn không thấy mình !
Người đọc đồng cảm cùng nhà thơ bởi không biết nhìn nhận lại mình, không biết buồn thì lấy đâu mà biết hướng tới tương lai. Cái buồn trong tập : “Cụng ly” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm như tấm gương soi rọi lòng mình để sống có ích hơn vì đồng loại.
Bài thơ : “Rót mình ra say” kết của tập thơ như tiếng lòng của tác giả :
Thơ như rượu rót vào bình
Bất chợt mình lại rót mình ra say
Ngậm cho quả ớt đỡ cay
Ký ninh đỡ đắng, chiếc giày đỡ hôi
Tuyên ngôn chăng ? Tiêu chí sống chăng ? nhưng đấy không phải là tâm tư của rieng tác giả, nhất là khi đọc mấy câu thơ như chắt từ lửa con tim:
Cắm sào ghìm phía bão lay
Bao nhiêu rễ bật phía cây đợi chờ
Xoè ra những mảnh xác xơ
Gói vào tơ nhện giăng bờ gió giông
Tìm qua con sóng xé lòng
Hết chiều lông ngỗng vẫn không thấy mình !
Con người chân chính luôn luôn trăn trở, suy tư, hoài bão, đớn đau vì mọi người để rồi hướng thiện. Tập thơ : “Cụng ly” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm như vậy đó! Ai người tri kỷ “Cụng ly” cùng nhà thơ ?
Trần Vân Hạc