Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vì những chuyện cỏn con người Việt đang mất danh dự

Nhà văn Nguyễn Hiếu
Thứ sáu ngày 19 tháng 9 năm 2014 2:26 PM

 

            Trên dưới nửa thế kỉ trứơc khi đất nứơc ta đang tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại bảo vệ nền độc lập thì Việt nam ta được thế giới ca ngợi bằng những mỹ từ khiến bất kì người Việt nam nào ở trong nứơc hay nứơc ngoài cũng kiêu hãnh khi mang trong mình dòng máu Lạc- Hồng. “Việt nam niềm kiêu hãnh của loài người”. “Việt nam trung tâm của tình yêu nhân loại”…. Ông Nguyễn Bá Thuận Việt kiều tại Đan Mạch kể câu chuyện đã xẩy ra với ông vào năm 1968. Khi ông đi làm hơi trễ giờ. Để đúng giờ làm việc, ông buộc lòng phải chạy theo xe buýt vừa khởi hành. Một chiếc xe du lịch đi qua. Người lái xe dừng lại hỏi ông là người Nhật, hay người Trung Quốc. Ông Thuận bảo là người Việt Nam. Lập tức người lái xe mở cửa mời ông lên xe, hồ hởi chở ông đến chỗ làm, rồi hỏi ông ở đâu. Xong lại đưa ông về nhà tiếp đón như một người bạn. Người đàn ông Đan Mạch này bảo “nguyện vọng là được làm bạn với một người Việt nam, nơi đất nứơc đang là niềm tin của loài người”. Những người ở độ tuổi gần thất thập như tôi cũng còn nhớ. Những năm đó, tuy điều kiện cuộc sống còn đầy vất vả nhưng cuộc sống thật bình yên, con người yêu thương nhau và tôn trọng nhau, tôn trọng danh dự của mình và luật pháp. Ở Thành phố người hàng phố lịch sự, tôn trọng và quan tâm, giúp đỡ nhau trong từng việc nhỏ. Ở nông thôn, tình làng nghĩa xóm mặn nồng. Tối lửa tắt đèn có nhau. Ban đêm nhà không phải đóng cửa chống trộm. Chính mắt tôi còn chứng kiến và đã từng là khách hàng của những quán hàng tự giác. Đó là những quán hàng không có người bán mọc ở hai bên đường vắng vẻ từ Thái Nguyên vào Đại Từ, Đèo Khế. Mặt hàng là những nải chuối, tấm mía, ấm nứơc, kẹo bột, kẹo vừng, có quán còn có cơm nắm, muối vừng. Khách có nhu cầu cứ tự động vào xử dụng rồi căn cứ theo bảng giá ghi rõ trên cửa quán hàng mà trả số tiền phù hợp vào những hộp đựng tiền….Vậy mà chòm chèm nửa thế kỉ sau. Thật đối nghịch với sự no đủ, giàu sang Người Việt nam đang từ đỉnh cao đầy uy tín, phẩm giá con người trong vài năm trở lại đây đang tự mình hạ thấp giá trị của mình khi đánh mất đi những đức tính tốt đẹp để thay vào đó là sự dè bỉu, thậm chí khinh bỉ của không ít quốc gia trên thế giới trước những hành vi thiếu văn hoá, văn minh của một bộ phận người Việt khi tham gia vào những hoạt động sinh hoạt cộng đồng, cả trong nứơc lẫn ở nứơc ngoài. Xin ghi lại tâm trạng một nhân viên người Việt phục vụ tại một cửa hàng ăn buffe ở Hàn Quốc. “ Khi một đoàn khách du lịch Nhật bản gồm hơn 300 người vào ăn, họ xếp hàng thứ tự với những đĩa thức ăn lấy vừa đủ. Ngay sau đó đoàn công nhân Việt nam khoảng 500 người thì hùng hổ chen nhau lao vào ồn ào, xô đẩy dành giật thức ăn như một đám côn đồ bị bỏ đói. Họ lấy thức ăn thục mạng, chất đống để khi ăn xong thì đồ ăn thừa ra tới hơn 5 thau chậu giặt”. Người nhân viên người Việt của quán ăn ngượng tê người, không dám nói tiếng Việt vì sợ bị nhận ra là người đồng loại với đám công nhân hổ lốn kia. Còn ở trong nứơc thật thảm hại khi một cửa hàng ăn ở Quận hai Bà Trưng Hà Nội nhân khai trương khuyến mại món shusi thì hàng nghìn người lôi bạn bè, gia đình lao đến ăn trạc khiến nhà hàng vô vùng khốn khổ khi chỉ chuẩn bị có 300 xuất. Một ngày cuối năm 2012 khi đi qua vòng xoay Tam Hiệp Thành phố Biên hoà, vì tránh chiếc xe du lịch anh lái xe chở hàng mất tay lái khiến hàng nghìn hộp bia rơi xuống, ngay lập tức hàng nghìn người dân đổ xô ra cướp bia hể hả mang về bất chấp lời van nài, cầu xin của tài xế. Không chỉ nhân viên kia mà bất kì người Việt có lòng tự trọng về mình, về dân tộc cũng đều thấy thật xấu hổ khi gần đây hàng loạt cửa hàng, khu vực công cộng của không ít quốc gia gia đã trưng ra những tấm biển bằng tiếng Việt cảnh báo sự tham lam, bất nhã, vi phạm luật pháp của người Việt nam. Tại Thái Lan ngay từ tháng 9/2012 một cửa hàng ăn tại Băng Cốc đã có tấm biển tiếng Việt “xin vui lòng, ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 baht đên 500 baht. Chúc quý khách ngon miệng. Xin cám ơn”. Ở Singa po nhiều cửa hàng buffe cũng trưng biển tiếng Việt cảnh bảo” Xin vui lòng không lãng phí thức. Phạt 5 US cho 100 gam thức ăn dư thừa. Xin cám ơn” . Còn ở trong nứơc khách sạn tư nhân ba sao “Hoa Hướng Dương” của đảo Cát Bà Quảng Ninh cũng ghi rõ trên bảng của phòng buffe “sẽ phạt từ 50 nghìn đồng nếu quý khách ăn không hết thức ăn đã lấy”. Đúng là miếng ăn là miếng nhục. Không chỉ trong lĩnh vực ăn uống mà không ít người Việt nam đi du lịch, sang lao động và sinh sống ở nứơc sở tại đã có những hành vi xấu đến độ nứơc sở tại phải niêm yết những cảnh báo bằng tiếng Việt. Tại Đài Loan nhiều bảng ghi ”Gần đây phát hiện người Việt nam hay trộm đồ…Ở Đài Loan tội trộm cắp sẽ bị phạt ít nhất ba tháng”. Tại huyện Chilgok Hàn Quốc  ông Chủ tịch huyện kí dưới một thông báo tiếng Việt ghi rõ ” khu vực này cấm vứt bỏ rác sinh hoạt, nếu như không đúng luật sẽ bị phạt 1 triệu won ( tương đương 19 triệu đồng)”. Tờ Sankei Shimbun ( Nhật bản) đưa tin một thành viên trong phi đoàn của Tổng công ty hàng không Quốc gia Việt nam( Vietnamailne) mang số 35 bị tình nghi buôn lậu hàng mỹ phẩm và quần áo ăn cắp. Rồi cảnh báo ”người Việt ăn cắp đồ ở Nhật gần đây gia tăng”. Thật nhục và buồn khi biết một giám đốc của một Công ty có tên tuổi ở TPHCM ăn cắp ô ở siêu thị Nhật. Rồi một phóng viên đài THVN bị bắt quả tang khi ăn trộm đồ ở một siêu thị tại Thuỵ Điển. Tại tỉnh Wako-Shi Nhật người ta còn niêm yết bằng tiếng Việt không mấy chuẩn xác “ yêu cầu mọi người ngồi trên xe buýt không được vất giác, hút thuốc và vất giác bừa bãi”. Còn báo Hà Lan thì mô tả “người Hà Lan hoảng sợ khi tặng áo mưa” trước sự chen lấn, xô đầy của người Việt để dành giật những chiếc áo mưa quảng cáo.…VV và vv.
               Có ai đó sẽ thật sự bất bình khi đọc bài viết này và cho rằng đó chỉ là những con sâu đã làm rầu nồi canh. Đó chỉ là những hiện tượng lẻ tẻ bị người viết bài này đưa lên. biến thành phổ quát. Xin thưa. Nói như một vị lãnh đạo nhà nứơc ta thì số lượng sâu này đã quá nhiều và ở đâu cũng gặp. Những hiện tượng này không chỉ là lẻ tẻ mới xẩy ra mà đã thành một thói xấu mà không ít người Việt đã gây ra đã làm xấu đi rất nhiều hình ảnh người Việt trong mắt cộng đồng thế giới.
          Tôi còn nhớ vào những năm đầu của thập niên 60 của thế kỉ trứơc khi Việt nam ta kí kết đưa học sinh, sinh viên đi du học tại các nứơc Liên xô và Đông Âu…Thì người sở tại đã thật sự buồn lòng kinh ngạc khi học sinh, sinh viên Việt nam có những biểu hiện cực kì phản cảm như đái bậy, vứt rác bừa bãi, lừa bắt chim bồ câu trên quảng trường để ăn thịt. Và chính mắt người viết bài này còn thấy vào năm 1989 khi Liên xô bắt đầu khủng hoảng, nhiều mặt hàng thiếu thốn thì hàng đoàn cán bộ, sinh viên, người lao động rồng rắn sau khi tiêu thụ hàng loạt hàng mỹ phẩm, quần bò giả mang từ Việt nam sang lấy tiền đi vào các cửa hàng bách hoá của Liên xô chen lấn nhau mua bằng được những chiếc bàn là, tủ lạnh, bóng điện, giây mai so…mang can 20 lít ra chen lấn trước các quầy bán bia trong khi người Nga đang xếp hàng thứ tự để chờ mua một hai cốc bia. Rồi năm 2004 trong một chuyến công tác tại Pháp, khi đến quận 13 Pa ri tôi rùng mình khi nhìn khu quận mà người Pháp gần như để tập trung người Việt vào một chỗ. Đi dọc các phố quận 13, thấy bất kì góc nào cũng thấy rác, cùng những chất thải sinh hoạt vứt bừa bãi….Còn ở trong nứơc người Nhật thực sự bàng hoàng khi thấy ngay giữa thủ đô Hà Nội đủ mọi loại người lao vào dành giật, xé nát những cành quốc hoa Anh đào mà người Nhật phải mất bao công phu mang từ Nhật  sang trưng bày…Và mỗi độ xuân về, người ta không khỏi buồn lòng khi thấy những cụ già, trẻ em, trai thanh, gái lịch ..hùng hổ lao vào cướp giật từng chậu, từng cây hoa bày bên bờ hồ Gươm…
          Trứơc những hiện tượng có thể nói là mông muội, tham lam, bất chấp luật pháp của không ít người Việt ta gây ra ở các quốc gia trên thế giới , trong các tỉnh thành trong nứơc đang làm bôi nhọ danh dự người Việt không thể đổ cho là do nghèo đói, thiếu thốn mà chỉ có thể cắt nghĩa từ nguyên nhân quản lý con người thiếu những biện pháp phù hợp (người ta nói quá nhiều về lý tưởng, lẽ công bằng trời biển mà quên nói về cách sống, cách làm người). Sự tuỳ tiện, không nghiêm túc trong thi hành luật pháp ( không ít những đạo luật cấm vứt rác, cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm uống khi tham gia giao thông…đều chỉ dừng trên văn bản). Và nhất là công tác giáo dục, đào tạo con người từ mẫu giáo…Thêm một lần có thể khẳng định, nền giáo dục của ta đang có qúa nhiều thiếu sót khi cả hệ thống giáo dục chỉ nhằm nhồi nhét kiến thức một cách thụ động mà quên giáo trình rèn rũa con người. Không ít thầy, cô giáo chỉ coi học sinh như đối tượng kiếm tiền mà quên chức năng đào tạo học sinh thành những công dân tốt trong tương lại. Lúc này tôi thật thèm và ứơc ao, khi sắp hết một giờ học thầy, cô giáo đã thành lệ khi khẽ nhắc nhở học trò “ các con nhớ vứt rác vào thùng rác. Vứt rác ra đường là cô, hoặc thầy buồn lắm đó”.
                                                                   Nhà văn Nguyễn Hiếu