Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cõng kí ức miền quê vào trang viết

Phùng anh Hoàng
Thứ ba ngày 23 tháng 9 năm 2014 5:25 AM

ky-uc-mien-queTập sách Kí ức miền quê của tác giả Vũ Thị Huyền Trang do Nhà xuất bản Quân Đội ấn hành 2014, gồm 37 truyện ngắn viết về đời sống con người nơi làng quê hồn hậu. Bằng những vệt màu ký ức, ngôn từ sinh động tác giả đã vẽ lên bức tranh làng quê làm toát lên một không gian sống, không gian văn hóa truyền thống mộc mạc, dung dị, gần gũi và thấm đẫm tình người. Trong đó bình diện trung tâm là khám phá số phận con người cá nhân trên nhiều góc độ, xoay quanh các mối quan hệ: con người cá nhân với gia đình, anh em, dòng họ, làng xóm và con người cá nhân trong quan hệ với chính mình. Mỗi trang viết là một lát cắt đời sống sinh hoạt trong văn hóa làng xã. Thông qua từng câu chuyện, từng phận người tác giả đã phần nào khắc họa được tính cách, bản chất người dân lao động nghèo. Không chỉ vậy tập truyện còn lấp lánh hương sắc quê hương, làng mạc vốn đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt.

Tác giả đặc biệt quan tâm đến những tiếng lòng khắc khoải của người nông dân nghèo trong hành trình bất tận đi tìm tình yêu, hạnh phúc của cuộc đời mình. Trong hành trình ấy, các nhân vật đều không ngần ngại phơi bày những nỗi đau, những mất mát, rạn vỡ của mình. Họ cũng không ngừng day dứt, giằn vặt, đấu tranh – không chỉ với thế giới bên ngoài mà còn với chính bản thân mình – để có thể đi đến tận cùng hạnh phúc. Và ẩn chứa sau mỗi trang văn, mỗi câu chữ, mỗi đống đổ nát luôn luôn ngời sáng một trái tim ấm nóng khao khát yêu thương, hướng thiện. Họ là những người cơ cực trong, lầm lũi mưu sinh, đơn độc trong kiếp sống làm người… Từ nhân vật Cội tật nguyền chịu nhiều buồn tủi nhưng tâm hồn vẫn mềm mượt như ánh trăng quê, lan tỏa yêu thương và khao khát những điều tốt đẹp trong “Vầng trăng tật nguyền” đến những người thương binh trở về sau cuộc chiến tranh lại lao vào cuộc chiến đầy khắc nghiệt của đời sống cơm áo gạo tiền trong “Mênh mang hạt lúa”, “Về chung một nhà”. Hay thân phận những người dân trong xóm ngụ cư nghèo từng trôi dạt khắp nơi giờ dựng nhà trụ lại, là cái cớ cho những tâm hồn đồng cảm gặp gỡ, san sẻ cùng nhau bao gánh nặng mưu sinh và nỗi buồn nhân thế. Người đọc sẽ không khỏi xót xa khi thấy từng ấy con người xa lạ giằng níu nhau bằng tình người rồi neo đậu cuộc đời mình vào cái mơ ước nhỏ nhoi là kiếm đủ tiền mua lại mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn từng phải bán đi trong “Đời ngụ cư”. Cái nghèo không chỉ vít còng lưng người già trong “Mùa quả chín”, “Đàn ông đón tết”, “Vầng trăng tật nguyền” mà còn lẫn trong mắt môi người trẻ, tạo nên nỗi ám ảnh và nhiều bi kịch trong “Khi loài chim bay đi”, “Gái lỡ thì”, “Mảnh vườn xưa”, “Những người ở V”

Độc giả sẽ thấy thấp thoáng trong từng trang viết là thân phận những người phụ nữ thôn quê. Sự tảo tần mưa nắng, đức hy sinh thầm lặng trong hình ảnh người bà, người mẹ, người chị xuyên suốt dòng thời gian của truyện. Trải qua nhiều thăng trầm buồn tủi họ vẫn là bến đỗ bình yên cho người chồng lầm lỗi, những đứa con tha phương, những tâm hồn tật nguyền, bấn loạn. Họ sưởi ấm không gian truyện bằng tình người và đức tin tốt đẹp. Hy vọng rồi ai cũng sẽ gặp lại hình ảnh những người phụ nữ xung quanh mình trong: “Ngải đắng”, “Làng góa”, “Tết của người nghèo”, “Khi bà tôi ra đi”, “Phận gái”, “Ngày của đàn bà”, “ Mùa nắng hanh hao”

Ngoài ra “Ký ức miền quê” cũng đề cập đến hiện thực nông thôn thời mở cửa. Hàng xóm, Quê tôi… phác họa một góc nhỏ bức tranh nông thôn trong cơn lốc đô thị hóa với những mặt tốt xấu, được mất của nó đang chạm vào từng căn nhà, từng thôn xóm. Người đọc sẽ cảm thấy xót xa nhiều bởi nông dân mất đất, nhiều tệ nạn phát sinh hoành hành và những vết rạn nứt trong mối quan hệ tình làng nghĩa xóm vốn yên ả thanh bình suốt bao đời nay.

“Ký ức miền quê” sẽ mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc, dẫn dắt độc giả chìm đắm trong không gian vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, đơn giản mà phức tạp với bao thăng trầm, biến cải. Tác giả đã góp một góc nhỏ trong bức tranh rộng lớn về làng quê mà những người viết có tấm lòng tha thiết, tâm huyết viết với mảng đề tài này đã vẽ bằng chất liệu ngôn từ sinh động, nhiều màu sắc…

                                                                           PHÙNG HOÀNG ANH