Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đốt tiền dân làm sách giáo khoa, chuyện cũ nhắc lại

Vũ Ngọc Tiến
Thứ năm ngày 1 tháng 5 năm 2014 6:09 PM
 
Khoảng 10 ngày vừa qua,  “Dự án đổi mới Chương trình và Sách giáo khoa” (CT&SGK) của Bộ GD&ĐT sau khi giải trình tại UBTVQH đã gây xôn xao dư luận trên báo in, báo nói, báo hình và các trang mạng xã hội. Đơn giản vì kinh phí dự chi trong dự án quá tù mù, thậm vô lý; còn lời biện giải của các quan chức trong Bộ GD&ĐT thì lúng túng, nhưng vẫn cố đấm ăn xôi, tiền hậu bất nhất! Người viết bài này đã từng có 12 năm liền (1996- 2008) điều tra, nghiên cứu viết bài phản biện về giáo dục, song từ năm 2008 đã phải chào thua vì mệt mỏi như đấm vào bị bông, buồn nản và ngừng viết về nó. Ở vào thời khắc manh nha của dự án đổi mới CT&SGK lần này, tôi không thể không cầm bút trở lại, dù chỉ một lần cho tròn bổn phận công dân…
 
Từ diễn biến bi hài, đầy kịch tính nửa cuối tháng 4/2014… 
Dẫu đã dứt lòng không còn thiết tha với mảng đề tài giáo dục, nhưng thói quen nhiều năm cứ xui khiến tôi hàng ngày khi lướt Web đều không quên cắt dán tin tức, nhân vật, sự kiện, số liệu quan trọng ở mảng GD&ĐT, lưu vào góc riêng của kho dữ liệu trong ổ cứng máy tính. Vì vậy không khó để tôi tóm lược diễn biến bi hài, đầy kịch tính vừa qua:
- Ngày 14/4/2014, ông Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trình UBTVQH một bản dự án đổi mới CT&SGK với kinh phí 34.275 tỷ VND, tương đương 1,7 tỷ USD. Con số này đã gây sốc với nhiều vị ĐBQH, khiến họ hoài nghi truy vấn ông Hiển về độ xác thực của số liệu, tính khả thi của dự án…
- Ngày 15/4/2014, tai cuộc họp báo do Bộ GD&ĐT  chủ trì, ông Đỗ Ngọc Thống- Vụ trưởng Vụ trung học giải thích rằng trong số hơn 34 ngàn tỷ ấy thì chi phí viết SGK chỉ là 5.000 tỷ, số tiền còn lại để dùng vào nhiều việc quan trọng khác, khoảng 7- 8 mục chi lớn. Tôi và không ít người chợt liên tưởng đến năm 2011, Bộ GD&ĐT cũng đã đưa ra con số dự toán cho dự án này cỡ 70 ngàn tỷ VND gây nhiều tranh cãi và được quý Bộ giải thích nó gồm các khoản viết SGK 960 tỷ, xây dựng cơ sở vật chất 35 ngàn tỷ, mua sắm đồ dùng và thiết bị dạy học 30 ngàn tỷ, bồi dưỡng giáo viên dạy theo sách mới 390 tỷ VND… 
- Sau cuộc họp báo ngày 15/4/2014, một cơn bão truyền thông nổi lên quanh con số hơn 34 ngàn tỷ dùng cho CT&SGK. Âm hưởng chung là nghi ngờ và phản bác. Xin đơn cử một vài ý kiến của các nhân vật khả kính mà tôi tâm đắc: GS Văn Như Cương bằng thực tế đã từng lĩnh nhuận bút viết SGK môn toán trong lần thay sách trước đây, làm một phép tính đơn giản và khẳng định chỉ cần 34 tỷ, cùng lắm là 50 tỷ VND là đủ kinh phí viết SGK cho tất cả các môn của 12 bậc học phổ thông!? Một người bạn thân của tôi- GS Nguyễn Xuân Hãn đăng đàn trên truyền hình, sôi nổi đề cập đến nhiều vấn đề bức xúc quanh việc đổi mới CT&SGK; riêng về kinh phí viết sách, anh tự tin khẳng định rằng, chỉ cần 100 tỷ VND là có thể làm được CT&SGK theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với Việt Nam, thậm chí không có tiền cũng làm được vì thế hệ các thầy Nguyễn Văn Chiển, Hoàng Tụy trước đây làm gì có tiền! Bình luận về số tiền hơn 34 ngàn tỷ VND, GS Chu Hảo bằng những dẫn chứng cụ thể, lập luận đanh thép đã thẳng thắn yêu cầu Bộ GD&ĐT cần phải minh bạch về tài chính trong tất cả các mục chi liên quan đến đổi mới giáo dục nước nhà. Có lẽ vì bị ngọn lửa công luận làm cho rát mặt nên một ngày sau đó, ông Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lên truyền hình đã phải đổi giọng, hạ mức dự toán viết SGK xuống còn 105 tỷ VND(?!)
- Ngày 20/4/2014, GS Ngô Bảo Châu lại có sáng kiến thiết lập bàn tròn trên mạng, thảo luận về dự án đổi mới CT&SGK khá lý thú. Thật ra, 6 điểm đề dẫn của GS Châu cho cuộc thảo luận không mới, đều được các anh GS Nguyễn Kế Hào, GS Nguyễn Xuân Hãn và tôi đề cập đến từ năm 2002, trong lần thay sách trước. Cái mới đáng trân trọng ở đây là GS Châu đã rất nhanh tạo nên được sự đồng thuận gần như tuyệt đối trên cộng đồng mạng trong và ngoài nước.
- Cũng trong ngày 20/4/2014, tại buổi “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chính thức có lời đính chính và xin lỗi công luận về con số hơn 34 ngàn tỷ VND chỉ là khái toán của vài nhóm chuyên gia, chưa được lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông qua để trình lên UBTVQH. Khi tôi đang ngồi viết những dòng này vào hồi 10h30’ sáng ngày 25/4/2014 lại có thêm tin Bộ GD-ĐT sau khi xin phép và được Chính phủ đồng ý đã có văn bản gửi QH xin rút dự án này, chưa trình ra QH tại kỳ họp tới. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cam kết sẽ cố gắng khẩn trương triển khai công việc cần thiết để hoàn thiện và trình dự án này ra QH sớm nhất…
 
…đến hồi tưởng việc Bộ GD&ĐT đã từng đốt tiền dân làm CT&SGK!
Tôi không hề sốc trước sự nhảy múa tùy tiện của những con số trăm tỷ, ngàn tỷ tiền thuế của dân, trong cái dự án đổi mới CT&SGK; cũng chẳng hề ngạc nhiên khi ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói lời đính chính, xin lỗi bàn dân thiên hạ, bởi tôi quá hiểu cách đốt tiền dân làm SGK của Bộ GD&ĐT từ lần thay sách hơn 10 năm trước. Có nhiều câu hỏi hoặc lời đàm tiếu trên mạng xã hội về ông Bộ trưởng, nhưng tôi lại thấy xót xa, thông cảm với ông; vì tôi cảm nhận có lẽ ông thật lòng muốn thay đổi từ tư duy đến cách làm sao cho CT&SGK lần này đỡ tốn kém và hiệu qủa nhất, nhưng ông cũng không thể ngờ các nhóm lợi ích ăn theo dự án trong Bộ đã cố tình chống lại, tạo nên một sự đã rồi khi ông đi vắng. Trong tâm thế ấy, tôi ngồi trầm tư hồi tưởng lại những gì đã thấy, đã nghe, đã viết . Thiết nghĩ, nó sẽ có ích cho bạn đọc và cho các nhà quản lý ở cấp cao nhất có quyền quyết định vận mệnh nền học nước nhà…
Nhớ lại mùa hè những năm 2002- 2006, khi cuộc thay SGK lần trước ở vào giai đoạn nước rút và không khí phản biện đối với CT&SGK lần ấy cũng lên tới đỉnh điểm, tôi đã viết nhiều bài bóc trần những thủ đoạn đốt tiền dân làm SGK, đặc biệt là sự lãng phí vô tội vạ trong các hợp đồng mua sắm thiết bị và đồ dùng dạy học (TBDH) ở các địa phương. Hồi đó, mỗi bài viết với tôi là cả một trận đánh lớn vào thành trì tiêu cực, tham nhũng, để lại ấn tượng không thể phai mờ. Tôi còn nhớ rõ cảm giác rùng mình ghê sợ vì xót tiền dân khi thâm nhập thực tế, viết loạt bài chống tiêu cực trong các hợp đồng mua TBDH niên khóa 2005- 2006.  Trong khi chuẩn kiến thức của CT&SGK còn chưa có, thì dựa vào đâu mua sắm TBDH? Trường lớp nhiều nơi còn ở tình trạng dồn toa, thông ca hay tranh tre, nứa lá thì lấy đâu ra phòng thí nghiệm tử tế cho học sinh thực hành? Thầy ở nhiều nơi còn lúng túng không biết sử dụng TBDH thì làm sao kiểm tra chất lượng khi mua, hướng dẫn trò sử dụng? Theo hồ sơ điều tra, kinh phí dùng cho đầu tư TBDH giai đọan 2002- 2007 là 14 nghìn tỷ VND (tương đương gần 1 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái năm 2002), chia ra bậc tiểu học 1.424 tỷ, bậc trung học cơ sở 6.100 tỷ, bậc trung học phổ thông 6.574 tỷ VND. Chỉ tính riêng niên học 2005- 2006, Bộ GD&ĐT đã tiêu tốn hết 1.100 tỷ VND cho TBDH lớp Bốn và lớp Chín, không kể tiền mua TBDH phục vụ phân ban thí điểm và cấp bổ sung TBDH lớp Ba, lớp Tám. Ở đây đã xảy ra đầu tư trùng lặp TBDH cho các lớp cùng bậc tiểu học hoặc trung học cơ sở. Một kiểu đầu tư lạ đời, phản khoa học. Song cái lãng phí dễ nhìn và lớn nhất là TBDH mua về không dùng được vì chất lượng kém, nhiều nơi phải “đắp chiếu” bởi thầy chưa biết sử dụng hoặc không có nhà làm phòng thí nghiệm!... Tôi nhớ, hồi đó kế hoạch đầu tư 14 nghìn tỷ VND cho TBDH giai đọan 2002-2007 của Bộ GD-ĐT được tôi tạm chia làm 2 bước để nghiên cứu, điều tra sự thật. Ở bước 1 (2002- 2004), việc đầu tư giàn trải, tùy tiện, mạnh ai nấy làm, giá cả và chất lượng TBDH không kiểm sóat được đã dẫn đến tình trạng thất thoát vốn, TBDH thiếu đồng bộ hoặc có cái mua về không thể sử dụng được. Các nhà cung cấp nhìn thấy món lợi kếch xù đã đua nhau nhảy vào sản xuất, kinh doanh mặt hàng béo bở này. Sang đến bước 2 (2005- 2007), từ chỗ cả nước có 2 công ty TBDH đã tăng lên 69 công ty, chỉ vài đơn vị có thực lực, còn đa số rất tạp nham, không có thực lực. Tréo ngoe ở chỗ công ty không có thực lực lại thường trúng thầu bằng nhiều mánh khóe thông lưng, chia chác. Giá cả duyệt chi khá tùy tiện, miễn sao “chơi đẹp” theo câu ngạn ngữ “của đồng chia ba, của nhà chia đôi”. Được biết, đa số các công ty khi đã giành được quyền cung cấp đều chọn phương án mua gom hàng từ Trung Quốc chuyển lậu qua biên giới hoặc từ vài cơ sở sản xuất lép vế ở trong nước. Một giám đốc công ty cổ phần ở Hà Nội cho biết, một bình làm thí nghiệm do cơ sở của anh sản xuất ra bán với giá 23.000 đồng đã có lãi nhưng ai lọt vào ê kíp cung cấp sẽ được duyệt giá 61.000 đồng (gần gấp 3), ấy là chưa kể có khi họ nhập nhèm đánh tráo bình thủy tinh trung tính với thủy tinh thường thì còn lãi gấp nhiều hơn thế. Nhìn chung, kết quả điều tra cho thấy các mặt hàng thuộc môn vật lý, môn hóa có giá trị cao thường có lợi nhuận 100%- 110%, cá biệt có thứ lãi 200%. Cân hiện số Trung Quốc loại của huyện Ung Ninh (Quảng Tây) là 102.000 đồng, loại của Trạm Giang (Quảng Đông) là 160.000 đồng/1chiếc, đều được thanh toán như nhau là 430.000 đồng/1chiếc. Tính sơ thì chỉ cần một trong số gần nghìn mặt hàng ở các hợp đồng mua sắm TBDH, các sếp và nhà cung cấp đã có thể dễ dàng ăn chia vài tỷ đồng chỉ là chuyện nhỏ!
Chính nhờ vào sự trải nghiệm “tay sờ- mắt thấy- tai nghe” về sự đốt tiền dân trong các hợp đồng vừa nêu nên mùa hè năm 2006, tôi đã quyết định lật lại hồ sơ đầu tư ở các dự án lớn của Bộ GD&ĐT để từ đó viết thư kiến nghị lên ông Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển. Khi ông Nguyễn Thiện Nhân từ Sài Gòn ra thay ông Hiển, tôi lại nuôi hy vọng gửi tiếp một thư kiến nghị khác. Đáng tiếc, mọi kiến nghị trong cả hai lần gửi thư đều rơi vào im lặng. Lúc này ngồi bên máy tính, mở kho dữ liệu trong ổ cứng xem lại, tôi sực nhớ ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vốn xuất thân là nhà nghiên cứu kinh tế học, từng làm Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại, chắc hẳn ông sẽ hiểu thấu những gì tôi viết trong 2 lá thư năm xưa về 3 dự án đốt tiền dân vô tội vạ mà tôi nhắc lại dưới đây:
- Dự án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông (CT&SGK) lẽ ra phải do một tổng chỉ huy tổ chức thực hiện, nhưng không hiểu có phải vì món tiền đầu tư quá lớn nên người ta đã xé lẻ ra nhiều kiểu PMU biến tướng, giao cho mỗi quan chức cao cấp trong Bộ GD&ĐT nắm giữ một tiểu dự án vài chục triệu USD. Chỉ riêng giai đọan biên sọan và in sách cho 2 cấp Tiểu học và Trung học cơ sở đã cực kỳ rối rắm: CT&SGK Tiểu học, ông LVH (đã quá cố) nắm 77 triệu USD; CT&SGK Trung học cơ sở, ông Nguyễn Văn Vọng nắm 71,5 triệu USD; còn Nxb Giáo dục nắm độc quyền in sách triền miên, doanh số mỗi năm cỡ 100 triệu USD. Đi theo các PMU biên sọan sách lại có các PMU bồi dưỡng giáo viên dạy theo sách mới: Bà Đặng Huỳnh Mai nắm 145 triệu USD cho cấp Tiểu học; còn ông Nguyễn Tấn Phát nắm 35 triệu USD cho cấp Trung học cơ sở. Cơ chế nào kiểm soát việc chi tiêu của các PMU biến tướng kia? Chỉ xét riêng việc thanh toán tiền cho các nhóm cán bộ đi bồi dưỡng dạy theo sách mới đã âm ỉ dư luận trong ngành về sự ăn bẫm, thiếu minh bạch của sếp suốt một thời gian dài. Năm 2005, một bạn đọc là giáo viên dạy giỏi nhiều năm ở Tp Hồ Chí Minh cho tôi biết, nếu anh ở cương vị bà Mai, ông Phát sẽ có phương án bồi dưỡng giáo viên dạy theo sách mới hiệu quả và ít tốn kém như sau: “Nước ta hiện có 63 tỉnh, thành (lúc bắt đầu dự án chỉ có 51 tỉnh thành). Mỗi tỉnh thành đều có trường Cao đẳng Sư phạm, có nơi có cả Đại học Sư phạm. Ta chỉ cần phân bổ kinh phí về các trường đó để họ tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên thuộc tỉnh, thành của mình là sát với thực tế trình độ giáo viên ở địa phương, lại đỡ tốn kém và hiệu quả nhất. Hà cớ gì ông Phát, bà Mai cứ nhất thiết phải khư khư ôm cục tiền, đưa người từ “Trung ương” về bồi dưỡng qua quýt, hiệu quả thấp, tốn kém gấp mười? Phải chăng vì làm như vậy thì cái khoản tiền 145 và 35 triệu USD trong tay họ quản lý kia mới dễ bề cắt xén, chia chác?” Thiết nghĩ, lời của người giáo viên kia cũng là kiến nghị chung của cử tri cả nước qua các bài viết của tôi hồi đó nếu được trình lên Quốc Hội để tiến hành thanh tra lại dự án là có cơ sở.
- Dự án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH dự chi 103,3 triệu USD, do ông Trần Văn Nhung làm Giám đốc, ông Lê Phước Minh làm Trưởng Ban điều hành (Đến năm 2003 do ông Đỗ Đình Thanh làm Trưởng Ban). Đây là dự án có khá nhiều tai tiếng, đã từng xuất hiện lá thư nặc danh của một cán bộ trong ngành tố cáo ông Nhung và ông Minh, gửi tới các phương tiện thông tin đại chúng. Việc phân bổ đầu tư về các trường theo 3 mức 500 ngàn USD mức A, 700 ngàn USD mức B và 2- 3 triệu USD mức C diễn ra không minh bạch, có dấu hiệu vòi vĩnh hối lộ dịp tết Quý Mùi (2003) đã không được thanh tra tới cùng. Hiệu quả đầu tư nói chung rất hạn chế do nhiều tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực hiện, đến nay vẫn còn là dấu hỏi lớn.
- Dự án xóa mù chữ trở lại và phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi cho các vùng khó khăn từ năm 2003 với mức dự chi là 244 triệu USD do Thống đốc Ngân hàng ký vay của WB (Ngân hàng thế giới) tự nó đã diễu cợt dư luận về thành tích phổ cập Tiểu học toàn quốc và phổ cập trung học cơ sở tưng bừng công bố ở nhiều địa phương từ nhiều năm qua. Thế nhưng đã vay rồi thì phải chi cho đúng nơi, đúng việc và hiệu quả. Năm 2005, tôi có dịp đi đến 5 tỉnh Tây Nguyên, vài tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long và sững sờ vì nạn thất học. Ở Kon Tum, tôi đã trò chuyện 2 buổi tối với cô giáo tên Kiều, đã từng dạy học tại Plei Cần 3 năm, nghe cô kể về trường lớp hoang sơ, trẻ em thất học mà ngỡ như chuyện của 100 năm trước. Ở huyện Ô Môn- Cần Thơ, tôi chỉ đi vào sâu trong các cù lao cách Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long chừng 2 cây số là có thể gặp đầy rẫy thanh thiếu niên mù chữ. Đến cù lao Tiên Phước ở Tân Phú, cách không xa thị xã Châu Đốc, tôi lại càng đau lòng nhìn đám rất đông trẻ nhỏ người Chăm bỏ học, lẵng nhẵng chạy theo du khách xin tiền. Sợ rằng những điểm thị sát vừa nêu chỉ là dị biệt, tôi đã bỏ công tìm hiểu và tổng hợp số liệu thống kê: Trong vòng 8 năm (1997- 2004) số học sinh Tiểu học nước ta giảm từ con số 10.384.000 xuống còn 7.745.000 em (giảm gần 25%). Đành rằng quy luật phát triển của mọi quốc gia cho thấy có sự giảm dần số trẻ vị thành niên và tăng dần số người già lão trong cơ cấu dân số. Nhưng số liệu thống kê lại đã chỉ cho ta thấy từ năm 1997 đến 2004 số trẻ em ở độ tuổi Tiểu học (5- 9 tuổi) chỉ giảm có 16%. Từ hai kết quả thống kê này ta dễ dàng suy ra trong 8 năm ấy, cả nước có khoảng 950.000 trẻ em (5- 9 tuổi) đã không được đi học hoặc bỏ học giữa chừng. Chao ôi! Gần 1 triệu nhi đồng bị thất học có là con số đáng báo động, tương lai đất nước sẽ ra sao? Chẳng rõ từ năm 2003 ta đã tiêu 244 triệu USD như thế nào, quản lý ra sao, hiệu quả đến đâu?...
 
Thay lời kết
Trở lại với những diễn biến bi hài, đầy kịch tính quanh con số hơn 34 ngàn tỷ VND của dư án đổi mới CT&SGK vừa trình lên UBTVQH, bằng sự trải nghiệm của mình, tận thẳm sâu tôi muốn có đôi lời tham góp:
Một là không có cơ sở nào để ấn định một chu kỳ thay đổi CT&SGK là 5 năm hay 10 năm. Cái quyết định cần thay sách phải dựa trên một báo cáo tổng quan, độc lập của Hội đồng quốc gia giáo dục nhằm đánh giá đầy đủ, chính xác những mặt được và chưa được của lần thay sách trước, làm đối trọng phản biện với Bộ GD&ĐT.
Hai là cần khẳng định rằng mục tiêu của giáo dục phổ thông nhằm hoàn thiện con người công dân; còn mục tiêu của giáo dục đại học và dạy nghề nhằm hoàn thiện con người lao động. Cả hai lĩnh vực đều cùng hướng tới việc cho ra lò những thế hệ người Việt Nam gồm đủ Đức- Trí- Thể- Mỹ, giàu bản lĩnh, có tư duy độc lập và khát khao sáng tạo. Đó chính là cơ sở để ta xây dựng một bộ CT&SGK chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với Việt Nam. Mặt khác cần làm rõ Chương trình là pháp lệnh, có những chuẩn mực bắt buộc phải tuân thủ nên chỉ có một; còn SGK có thể có nhiều bộ, miễn sao đều được kiểm định chất lượng chặt chẽ.
Ba là theo điều 36 của Hiến pháp năm 1992 và điều 100 của Luật giáo dục hiện hành, người tổng chỉ huy, chịu trách nhiệm cao nhất về CT&SGK trước Quốc Hội và toàn dân là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nên chăng Thủ tướng thông qua sự cố vấn của các phụ tá là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận để tìm người đủ đức tài, giao quyền đứng ra thay mặt Thủ tướng chỉ đạo việc xây dựng bộ CT&SGK mới.
Bốn là cần ý thức được chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên về cách làm sẽ phải chia CT&SGK thành 2 nhóm: Với nhóm các môn khoa học tự nhiên, cách làm hợp lý và rẻ tiền nhất là tham khảo lĩnh hội nội dung SGK các nước tiên tiến như Mỹ- Anh- Pháp- Đức- Nga, dịch và chuyển hóa thành sách của mình một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Với các môn khoa học xã hội và nhân văn ta lại tham khảo SGK những nước nằm trong địa vực văn minh Hoa- Ấn như Nhật Bản- Hàn Quốc- Ấn Độ- Trung Quốc… Có điều khác với các môn khoa học tự nhiên, ở nhóm này ta chỉ nên học theo họ cách làm SGK hay nhất, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, phổ cập có mức độ những tinh hoa triết học và tôn giáo phương Đông, tôn trọng sự thật và không chính trị hóa môn học; còn nội dung hoàn toàn do ta chủ động biên soạn.
Năm là về kinh phí dùng cho dự án đổi mới CT&SGK lần này cần được Bộ GD&ĐT công khai, minh bạch từ khâu làm dự toán đến các bước triển khai để biết mỗi đồng tiền thuế của dân đi đâu, dừng ở chỗ nào, hiệu quả ra sao? Trước mắt, Quốc Hội cần cho kiểm toán toàn bộ quá trình làm CT&SGK lần trước ở từng đơn vị liên quan trong Bộ GD&ĐT. Nếu có sai phạm cần xử lý tận gốc, uốn nắn kịp thời trong dự án đổi mới CT&SGK vẫn đang được gấp rút hoàn thành, kịp trình ra kỳ họp QH cuối năm 2014 như lời hứa của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Người viết hy vọng những điều đã nêu trên đây sẽ thấu đến cung đình, lan tỏa vào nghị trường Quốc Hội. Mong lắm thay!...
 
Hà Nội ngày 25/4/2014
VNT