THÁNG TƯ
Đường Văn
Giã xuân, bập bỗng sang hè,
Xanh om cổ thụ*, dãi dề mưa sa.
Tháng tư, mình ngóng cùng ta:
Ầm ù sấm động, ếch mà* ran ran…
Chập chờn đêm, giấc chẳng an,
Nửa dạt lên ngàn, nửa tiếc hồ, ao
Lấp rồi! Bặt dáng chim chao,
Kìa, đàn săn sắt lượn, nhào… vũng mơ!
Mang mang, nghe gió chuyển mùa,
Sông Đào* ngắc ngoải, con cua gãy càng.
Tháng tư, anh phải xa làng,
Thương ai, hút bóng buồm sang, bóng buồm!*…
Tháng tư, theo bố ra đồng,
Cày, bừa, gieo mạ, vợ chồng… ngày xưa…
Lạy Trời! cho cả gió đưa
Vút qua cõi ấy, búa xùa* một phen!
… Tháng tư, chóng chán,… cả thèm!...
Thèm duyên cây trúc bỏ quên đầu đình.
Chán còn chút tỉnh tình tinh!
Nôn nao, thèm cái… xỉnh xinh… thuở nào!
Tháng tư này, lắm chiêm bao,
Chiêm bao, chiêm bảo, chiêm nào… cũng… em!
Tháng tư: mau chán, nhanh thèm!
Chán thèm thèm chán… đủ rền… tứ thang!
· Xanh om cổ thụ, tròn xoe tán/Trắng xóa tràng giang, phẳng lặng tờ. (Thơ cổ; BHTQ?)
· Mà: hang ếch.
· Sông Đào: Tên đoạn sông nhân tạo nối sông Hồng với sông Nhuệ, chảy qua các phường Trèm, Cổ Nhuế, Phú Diễn…(quận Bắc, Nam Từ Liêm, Hà Nội)
· Nguyễn Bính: Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm!
· Búa xùa (xua) chơi đùa thoải mái, thỏa thích, thả giàn, tới bến.
· Thành ngữ: Cả thèm chóng chán.
· Ca dao: Trúc xinh, trúc mọc đầu đình/ Em xinh, em đứng một mình, cũng xinh!
· Ca dao: Khi buồn, cái tỉnh tình tinh, cũng buồn!
· Tứ thang: nói lái Tháng tư.
* LỜI BÌNH NGẮN CỦA ĐẶNG QUỐC VIỆT
(mail từ TPHCM)
- Bài "Cong": Thẳng thừng phê phán thói nịnh bợ, trục lợi, thói bẻ cong công lý, qua câu chuyện mở rộng 1 đoạn đường Thủ đô đang là điểm nóng trong dư luận xã hội hiện nay.
Người viết tỏ ra dũng cảm, đáng khen! - Nhưng tôi rất thích bài "Tháng Tư"!
Đọc, nghe lòng lâng lâng nuối tiếc, hoài cổ mà kín đáo! Tôi có cảm tưởng nó giống tâm trạng một cô gái đã từng xinh, ngoan, đáng yêu... nay đã quá lứa nhỡ thì, ngồi tiếc nuối..."ngày xưa" và cuối cùng thì muốn phá phách: "Vút sang cõi ấy, búa xùa một phen" . Chữ "búa xùa" nghe lạ tai, nghi ngại... nhưng tôi rất thích cái vẻ đường phố, chợ búa mà nó gợi ra!
Riêng câu cuối cùng: " Tháng Tư chóng chán, cả thèm" hình như không ăn nhập gì với ý tứ của bài thơ! Hơn nữa, phải "cả thèm" rồi mới "chóng chán" . Ở đây, người viết phải nói ngược đi, để cho nó vần với chữ "phen" ở câu trên mà thôi!
Theo tôi, bài thơ không cần câu này!
S.G. 22 – 4 – 2014. ĐQV
* Tiếp thu ý kiến phê bình chí lý của bạn thơ phương Nam, tác giả “thôi xao” bằng cách viết tiếp 7 câu sau (như trên) để kết. (ĐV; đêm 25, rạng 26 – 4 – 2014)
Chiều thứ tư 16 – 26 - 4 – 2014. ĐV