Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lên miền Tây

Bùi Minh Quốc (Ba Tỉnh giới thiệu)
Chủ nhật ngày 13 tháng 4 năm 2014 8:46 PM

- "Có những bài thơ nói được đúng tâm lý người đương thời, nhất là thanh niên, nên được truyền tụng rộng rãi. Một trong những bài thơ đó là "Lên miền Tây" của Bùi Minh Quốc. Thanh niên những năm 1958-60, hẳn nhiều người còn thuộc nó. Người thanh niên năm ấy sẵn sàng đi xa, làm đủ công việc vất vả, ăn uống thế nào cũng xong, không cần tiện nghi, miễn làm sao làm được công việc có ích. Tất cả như mê đi trong một niềm say mê lý tưởng cao quý."

Nhiều bạn đọc muốn tìm lại bài thơ "Lên miền Tây" nhưng không có được trọn vẹn cả bài. Tác giả Bùi Minh Quốc gửi tặng bạn đọc bài thơ "Lên miền Tây". Xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị .
Ba Tỉnh

LÊN MIỀN TÂY


Vương Chí Nhàn - "Có những bài thơ nói được đúng tâm lý người đương thời, nhất là thanh niên, nên được truyền tụng rộng rãi. Một trong những bài thơ đó là "Lên miền Tây" của Bùi Minh Quốc. Thanh niên những năm 1958-60, hẳn nhiều người còn thuộc nó. Người thanh niên năm ấy sẵn sàng đi xa, làm đủ công việc vất vả, ăn uống thế nào cũng xong, không cần tiện nghi, miễn làm sao làm được công việc có ích. Tất cả như mê đi trong một niềm say mê lý tưởng cao quý."

Nhiều bạn đọc muốn tìm lại bài thơ "Lên miền Tây" nhưng không có được trọn vẹn cả bài. Tác giả Bùi Minh Quốc gửi tặng bạn đọc bài thơ "Lên miền Tây". Xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị .

 

LÊN MIỀN TÂY


Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi

Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng

Ôi miền Tây ! Ở dưới xuôi, sao nghe nói, ngại ngùng

Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy

Tuổi hai mươi, khi hướng đời đã thấy

Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường

Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương

Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn

Đây miền Tây núi rừng giang tay đón

Những con người sung sướng nhất trần gian

Là dược lên đây đem sức lực căng tràn

Với sứ mệnh vinh quang : vỡ đất

Cùng đi với chúng tôi

Có người chiến sĩ Điện Biên năm nào đã mất

Một cánh tay săn chắc nơi đây.

Năm trước các anh lên miền Tây

Xách súng băng bằng những đêm ngày đuổi giặc

Vượt đỉnh tai mèo, chân luyện thành chân sắt

Và trong lòng rần rật lửa hăng say

Trên ngực anh lấp lánh hôm nay

Tấm huân chương kiêu hãnh

Chúng tôi

Sinh sau các anh mấy ngàn trận đánh

Nay lớn lên kháng chiến đã qua rồi

Nắng dịu hoà bình tắm táp tuổi hai mươi

Say sưa hưởng những mùa vui ngắt trái

Nghe hôm nay chiến công anh kể lại

Tưởng mình nghe thần thoại giữa chiêm bao

Và lòng trai sôi sục khát khao

Muốn trở lại những năm nào đánh giặc

Ồ… anh nhỉ, ý nghĩ sao mà ngây thơ thật

Vì con người không thể ngược thời gian

Và hôm nay, theo tiếng gọi quê hương

Chúng tôi đi viết trang thần thoại mới

Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi

Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng

Lên miền Tây, ta làm bạn núi rừng

Lại đi trên những con đưòng máu ta đã đổ

Qua những ngôi sao trên nấm mồ xanh cỏ

Nghe gió rừng tưởng khúc tiến quân ca

Nghe âm vang cuồn cuộn thác sông Đà

Tưởng giục giã tiếng kèn ta xung trận

Đi chiến đấu là niềm vui bất tận

Là mặt trời toả nắng nhuộm đời xuân…

Kìa, ngang đèo lơ lửng vạt mây ba

Thốt ngoảnh lại núi ngàn đầy trước mặt

Đã xa rồi cánh đồng xanh tít tắp

Xa phố phường tấp nập bước người chen

Cũng xa rồi đôi mắt biếc cô em

Thầm trách móc : ngày về, sao chẳng hẹn ?

Đừng trách nhé ! Chỉ mong mùa xuân đến

Tôi không về, nhưng em đến miền Tây

Làm đứa con yêu chung thuỷ với đất này

Vì nghĩa mẹ sống ngày ngày chịu khó

Dù nơi đây chốn đèo heo hút gió

Dù ngỡ ngàng nơi đất lạ người thưa

Dù muỗi rừng vắt núi, dù thiếu từng hạt muối cọng dư

Dù dãi dầu sớm nắng chiều mưa vất vả

Thì nỗi nhớ miền xuôi ta cũng ghìm đáy dạ

Cũng không rời đội ngũ bỏ về xuôi

Ta gắn bó miền Tây cực nhọc đã bao đời

Đất giàu đẹp mà con người vẫn khổ

Ta sẽ đến những vùng đất hoang chưa vỡ

Sẽ trồng lên bãi lúa nương ngô

Cho Hát Lót, Mộc Châu ngô lúa căng bồ

Cho mường, bản thân yêu ấm no thừa thãi

Ta sẽ đi vận động đồng bào Mèo xuống núi

Đi làm người thợ cày trên đất bãi Mường Thanh

Đi làm người thợ xây dựng những châu thành

Náo nức giữa rừng xanh Tây Bắc

Tuổi xanh ta xanh mãi với rừng xanh xanh tốt

Chí lớn ta chót vót Hoàng Liên Sơn

Sức ta đi vùn vụt trước thời gian

Viết tiếp những trang thần thoại mới.

1958                      

 

BÙI MINH QUỐC

 

Ô CỬA SỔ TRƯỜNG CHU VĂN AN

VÀ NẺO THƠ LÊN MIỀN TÂY

 

Tặng các con

và cháu nội Bùi Minh Triều Anh  

Tôi được học ở trường Chu Văn An ba năm lớp tám, chin, mười - 8D, 9D, 10D - từ 1956 đến 1959, vào tuổi 16 - 19, cái tuổi tuyệt vời nhất của cuộc đời. Chính tại đây, một hôm nào đó, dưới bóng các cây cổ thụ trùm toả khắp sân trường, tôi đã có bài thơ “Thật kỳ diệu khi mười tám tuổi” gửi đăng báo Tiền Phong, nay chỉ còn nhớ mấy câu này :

          Thật kỳ diệu khi mười tám tuổi

          Cháu Bác Hồ, đồng chí của Lê-nin…

Đối với cái tuổi 18 của tôi, và chắc của cả thế hệ tôi, làm cháu Bác Hồ, làm đồng chí của Lê-nin nghĩa là phải sống có lý tưởng, là hiến trọn đời mình cho lý tưởng cao cả : giải phóng dân tộc và giải phóng con người; đất nước Việt Nam phải độc lập thống nhất và trên đất nước độc lập này mỗi con người phải được tự do.

Học hết năm lớp 8 dưới tầng trệt, lớp tôi cùng tất cả các lớp khối 9 chuyển cả lên gác.Khoái quá, mà khoái hơn nữa là tôi giành được chỗ ngồi sát cửa sổ phía hồ Tây, vừa nghe thầy giảng vừa ngắm hồ thoải mái, vừa tiếp nhận các định lý định luật vừa thả hồn theo mộng tưởng. Những bóng núi xanh mờ bên kia con hồ mênh mang khiến tôi mơ màng đến Tây Bắc. Chả là tôi vừa đọc trên báo Nhân Dân một bài có cái tên rất hay “Ngọc Tây Bắc” nói về tiềm năng quí báu của Tây Bắc, quí như ngọc – cái giầu đẹp của miền Tây tổ quốc ẩn tàng trong xa xăm cách trở chưa mấy ai nhận ra, miền Tây đang từng ngày từng giờ mong ngóng những con người, nhất là lớp trẻ tràn đầy nhiệt huyết của miền xuôi lên khai phá, dựng xây. Lòng tôi vốn từ lâu đã hằng ấp ủ những giấc mộng lên đường như kiểu Dũng của Loan trong “Đoạn tuyệt” giờ đây càng thêm nao nức với nẻo đường miền Tây mà tôi hình dung hẳn là chênh vênh lắm, hiểm trở lắm. Càng chênh vênh, càng hiểm trở càng hấp dẫn. Tôi mong học cho chóng xong chương trình phổ thông để được sớm lên đường.

          Thế rồi năm học lớp 9 cũng qua.Bước vào đợt hoạt động hè, chi đoàn khối 9 tổ chức cuộc thảo luận về đề tài hình tượng Pa-ven Cooc-xa-ghin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” - cuốn sách gối đầu giường của hầu hết chúng tôi.Lữ Huy Nguyên (Nguyễn Huy Lư-9B) bí thư chi đoàn bảo tôi chuẩn bị bài phát biểu.Khi ấy tôi mới chỉ là cảm tình Đoàn thôi.Tôi chuẩn bị không giống các bạn khác, nghĩa là không phải bằng một bài phân tích bình luận mà bằng một bài thơ: “Gửi Pa-ven”.Bài thơ khá dài dòng, nay tôi chẳng còn nhớ được câu nào, chỉ nhớ là đã “đăng” trên báo tường của khối, tờ báo mà tôi và Lữ Huy Nguyên, Nguyễn Ngọc Ánh (9D), Đặng Ngọc Lộc (9E) cùng bò ra trình bày rất công phu trên tấm giấy cơ-rô-ki trải rộng cả một góc cái sàn gác gỗ nhà Đặng Ngọc Lộc ở phố Hàng Ngang.Tiện thể kể thêm, trong một số báo khác sau đó, tôi có bài thơ ca ngợi anh bộ đội, chỉ nhớ tên bài thơ “Người lính gác hoà bình” chứ chẳng nhớ câu nào, nhưng nhớ mãi cái “sự cố” đầu tiên trên con đường nghệ thuật gây ra bởi bức tranh màu tôi vẽ bên cạnh bài thơ. Tôi vẽ một cô gái có mái tóc dày nghiêng nghiêng, bên trên mái tóc là một vầng trăng tròn vạnh, nhưng nét đặc biệt thu hút là cái bộ ngực cô gái cũng tròn căng như vầng trăng.Lữ Huy Nguyên khoái quá, vừa ngắm tranh vừa cười, bảo: “Bức này phải đặt tên là Lồm lộm”.Tất nhiên chỉ đặt miệng thế thôi chứ không dám ghi chú dưới tranh.Tờ báo khi treo lên có số độc giả tăng vọt.Bọn tôi rất hứng chí.Bỗng một hôm, tôi bị thầy giáo chủ nhiệm lớp gọi gặp riêng sau giờ học.Với nét mặt nghiêm trọng, thày hỏi tôi vẽ thế với động cơ gì ? Tôi thành thật trình bày : trong tâm tưởng tôi lúc nào cũng ẩn hiện hình bóng một mái đầu thiếu nữ nghiêng nghiêng dưới vầng trăng tròn, tôi đã táy máy luyện tay bằng bút sắt nhiều lần, nay thể hiện bằng màu thấy đẹp nên đưa lên báo để các bạn cùng ngắm. Thầy bảo: vẽ thế là không lành mạnh, phải cất bức tranh ấy đi. “Ban biên tập” chúng tôi đành phải cất. Tiếc đứt ruột.

          Trở lại việc chuẩn bị cuộc thảo luận về Pa-ven. Tôi làm gần xong bài thơ “Gửi Pa-ven” thì bỗng trỗi dậy cảm hứng về chân trời miền Tây, về nẻo đường lên miền Tây, một cuộc “Lên miền Tây” vụt hiện ra trong tưởng tượng.Và trong lòng tự nhiên thầm vang hai câu thơ :

Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi

Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng… 

Sau này tôi được nhiều bạn lên Tây Bắc về kể lại: hễ xe cứ bắt đầu bò lên một đoạn dốc một đoạn đèo là trong xe thế nào cũng có người lẩm nhẩm ngâm ngợi “Xe chạy nghiêng nghiêng…”, có người còn chửi yêu “Mẹ cái tay Quốc quái quỷ quái kiệt thật, chưa lên miền Tây mà tả cái con đường lên miền Tây đúng thế!”.

Hai câu thơ như thể trời cho ấy tự nhiên thành hai câu mở đầu, như có chất men kỳ lạ làm say chính tôi, làm bật ra cả mạch thơ bấy lâu dồn chứa trong từng tế bào từng mạch máu từng nhịp tim cậu học sinh thủ đô 18 tuổi đang khao khát lên đường, khao khát tung cánh, khao khát xông pha.

Ôi miền Tây, ở dưới xuôi sao nghe nói ngại ngùng

Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy

Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy

Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường

Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương

Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn…

Những câu thơ tiếp đó theo nhau tự tìm đến, và tôi đã làm xong bài thơ hình như chỉ trong một ngày.Hôm sau tôi sửa một số câu chữ rồi chép sạch gửi cho tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Rồi những ngày đợi chờ hồi hộp, phấp phỏng. Bẵng đi cả tháng, chả thấy gì.Hay là bưu điện làm thất lạc bài của mình ? Có hôm tôi đã mon men đến trước cổng nhà số 4 phố Lý Nam Đế - trụ sở tạp chí Văn nghệ Quân đội - định đánh liều vào hỏi: “Các anh có nhận được bài thơ của em không ?”, nhưng nghĩ thấy ngài ngại lại lui chân phới luôn.

Có lẽ phèo rồi, thơ chẳng ra gì bị vứt sọt rác rồi! Giữa lúc đang thầm tự bảo thế, thì bỗng nhận được thư, ngoài bì ở góc trên bên trái có dòng chữ in sẵn VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI.Chắc họ đăng, nên gửi thư báo tin đây.Run run bóc thư, mở ra thấy bên dưới các dòng in sẵn của loại thư công tác là mấy dòng viết tay, nét chữ phóng khoáng với nội dung ngắn gọn, đại ý: rất hoan nghênh anh đã gửi bài cho tạp chí, nhưng rất tiếc bài thơ chất lượng còn yếu nên chưa đăng được, mong anh tiếp tục hăng hái sáng tác và cộng tác với Văn nghệ Quân đội, TM Tổ thơ, Lưu Trùng Dương.Tôi đừ người vì hụt hẫng.Nhà thơ Lưu Trùng Dương đang nổi tiếng trên thi đàn với những bài thơ về người lính. Ông ấy mà phán thế này thì bài thơ đi tong thật rồi.

Tuy vậy tôi vẫn ngoan cố. Tôi chép một bản nữa gửi lại cho Văn nghệ Quân đội, kèm một bức thư, đại ý: em mới tập làm thơ, xin các anh chỉ bảo giúp những chỗ yếu kém của bài thơ để em biết đường rèn luyện cho mau tiến bộ.Mươi hôm sau, nhận được thư, nội dung trả lời đại khái thế này: rất quý nhiệt tình sáng tác của anh, nhưng rất tiếc Văn nghệ Quân đội không phải là nơi dạy làm thơ nên không giúp anh được, mong anh tiếp tục hăng hái sáng tác và cộng tác.Ký tên Nguyễn Ngọc Tấn. Đối với tôi khi ấy, ông Nguyễn Ngọc Tấn không nổi tiếng bằng ông Lưu Trùng Dương, có đăng đôi bài thơ nhưng hình như viết văn là chính, tôi chỉ mới được đọc vài ba cái truyện ngắn ông viết về đề tài bộ đội trong hoà bình, không thấy hấp dẫn lắm (Sau này, khi đã hơi chững chạc trên đường đời đường văn, tôi mới hiểu cái nổi tiếng với cái chân tài cũng thường dễ chênh nhau, đây lại là chuyện khác).

Vẫn chưa hết ngoan cố, tôi chép một bản nữa gửi cho tạp chí Văn Nghệ. Thật to gan.Bởi vì ở Hà Nội thời ấy chỉ có hai tờ tạp chí lớn là Văn nghệ Quân đội và Văn Nghệ, mà Văn Nghệ là lớn nhất, oai nhất, dành cho mọi đề tài và người đọc mọi giới, lại do toàn những nhân vật lẫy lừng phụ trách: ông Đặng Thai Mai chủ tịch Hội Văn Nghệ Việt Nam làm chủ nhiệm, ông Nguyễn Đình Thi làm tổng biên tập, ông Hoài Thanh làm thư ký toà soạn. Đến như nhà thơ Xuân Diệu mà cũng chỉ làm tổ trưởng tổ thơ, riêng chi tiết này thì mãi lâu về sau tôi mới biết.

Tôi gửi bài đi mà không chờ đợi, không hy vọng gì nữa và cũng quên luôn. Tôi viết văn.

Đã vào niên khoá mới, 1958 -1959, lên lớp mười, năm cuối cùng của bậc phổ thông.

Tháng 10 năm 1958, truyện ngắn “Cô thợ nề” của tôi được đăng trên báo Văn Học, tờ báo của Hội Nhà văn.Có một chuyện ngồ ngộ, nhân tiện xin kể luôn.Trước khi báo đăng, tôi nhận được thư của nhà văn Vũ Tú Nam thư ký toà soạn mời đến toà báo vào ngày ấy, giờ ấy. Đúng ngày giờ đã hẹn, tôi đến trụ sở báo đặt tại tầng hầm ngôi biệt thự đồ sộ ở số 51 Trần Hưng Đạo.Bước vào căn phòng toà soạn nhỏ xíu trần thấp tường đá dày bự như phòng giam, tôi gặp một người hơi cứng tuổi, dáng choăn choắt lòng khòng, thâm thấp, ông bắt tay, hỏi tên tôi rồi hồ hởi mời ngồi :

-Quốc hả, trẻ quá nhỉ, mình là Kim Lân ở tổ văn xuôi của báo, anh Vũ Tú Nam bận việc bên nhà in Lê Văn Tân, anh ấy dặn mình gặp Quốc, cứ ngồi đây chơi rồi chốc nữa Quốc sang bên ấy gặp anh Nam, anh ấy rất muốn gặp Quốc.

Ôi giời, thế ra cái con người xuềnh xoàng giản dị khiến tôi cảm thấy dễ gần ngay từ giây phút đầu mới nhìn thấy đây chính là nhà văn Kim Lân, nhà văn Kim Lân nổi tiếng với truyện “Làng”, với cái đoạn văn trích in trong sách giáo khoa tả cảnh một cuộc phát giải thi chim ở vùng quê mà tôi được học từ năm đệ thất tại một trường tư thục của Hà Nội bị Pháp tạm chiếm, không ngờ nay tôi lại được ngồi gần ông quá thể, lại được ông thân mật hỏi chuyện.Ông hỏi tôi về gia đình, về việc học hành, về việc đã viết cái truyện ngắn “Cô thợ nề” như thế nào.Có thế nào tôi kể thế. Bố tôi là công chức lưu dung, ông có chuyên môn giỏi ngành xây dựng, được giao trông nom việc thi công ở công trường xây dựng bệnh viện Việt - Tiệp dưới Hải Phòng, dịp nghỉ hè tôi xuống ở chơi với bố, rồi về viết truyện.Trong truyện, tôi hoá thân thành một cô nữ sinh con nhà tư sản Hà Nội học hết lớp mười cứ nhất quyết không chịu thi vào đại học dù học rất giỏi, mà lại bỏ nhà đi công trường để rèn luyện trở thành một cô thợ nề.

Ông Kim Lân bỗng hỏi tôi :

-Quốc vào Đoàn năm nào ?

Tôi lúng túng đỏ mặt, gãi đầu :

-Dạ, em sắp vào ạ, phân đoàn xét hai lần rồi, chắc xét lần nữa thì được ạ.  

Khổ quá, tôi được đưa vào diện cảm tình Đoàn đã mấy năm nay, mà lần xét kết nạp nào cũng bị chê “còn thiếu khiêm tốn, còn nặng chất tiểu tư sản, cần tiếp tục rèn luyện phấn đấu”.Hai thằng bạn đoàn viên được phân công bồi dưỡng giới thiệu tôi là Trần Quang Chấn (nước da ngăm đen nên có hỗn danh “Chấn noa”) và Lê Ngọc Quế (đẹp trai trắng trẻo thư sinh nên có hỗn danh “Quế sữa”).Quế tuy là con ông Lê Cường đại tư sản ở phố Hàng Bồ nhưng tiến bộ nhanh, được vào Đoàn rất sớm.Tôi chơi với Quế vì Quế không bao giờ vây vo lên mặt “con nhà giầu học giỏi đẹp giai” như một số đứa khác, lại luôn tỏ ra mến mộ cái sự giỏi văn của tôi.Khi môn tiếng Pháp bị loại khỏi chương trình ở trường, tôi đến nhà Quế nhờ dạy riêng vào các buổi tối, Quế vui vẻ nhận lời ngay.Chả là trước khi vào Chu Văn An, Quế học trường Tây, đã từng theo bố sang Ba-lê, nên giỏi tiếng Pháp.Quế bảo mỗi lần đem trường hợp tôi ra xét ở phân đoàn, Quế đều báo cáo đầy đủ những sự cố gắng rèn luyện của tôi nhưng khi biểu quyết vẫn chưa được đa số đồng ý kết nạp nên đành chịu.Cả tôi và Quế đều cùng ngầm ức cái đa số kia quá, làm sao mà tôi lại “nặng chất tiểu tư sản” hơn Quế được, chính Quế cũng ức thay cho tôi.

Ông Kim Lân hỏi tiếp :

-Quốc biết những ngoại ngữ nào ?

Tôi kể về tình trạng tiếng Pháp nhom nhem của mình.

Ông lại hỏi :

-Có biết tiếng Trung Quốc không ?

Câu hỏi làm tôi ngạc nhiên.

-Dạ không ạ, em chưa học tiếng Trung Quốc bao giờ.

Ông gật gù :

-Chả là thế này Quốc ạ, cậu mới viết, mà cái “Cô thợ nề” lại vào loại hơi chắc tay, mà vừa rồi chúng tớ bị một cú hớ, đăng cái truyện ngắn của Trần Lanh, hoá ra cái ông Trần Lanh này biết tiếng Trung Quốc đem dịch một cái truyện của Trung Quốc rồi ghi là của mình, nên tớ mới phải hỏi cậu kỹ thế.

Một buổi chiều tháng 2 năm 1959, như mọi buổi chiều tan học, tôi tha thẩn xách cặp đi dọc vỉa hè đường Quan Thánh về nhà. Theo thói quen, tôi thường dừng lại trước một cửa hàng bán sách báo lẫn tạp hoá.Sau lớp kính, giữa những cuốn sách dựng đứng, là một tờ tạp chí Văn Nghệ. Tôi chú mục vào tờ tạp chí, xem thử số cũ hay số mới.Số mới. Giải băng trên bìa màu hồng là mới. Cứ mỗi số in một giải băng màu khác nhau, trên nền màu in tên các bài chính kèm tên tác giả. Tôi giật mình. Cái gì kia, có thật không? Tôi dí mũi vào sát mặt kính, mở mắt hết cỡ.Bỏ mẹ, đúng rồi, đúng là mình rồi.Lên miền Tây.Bùi Minh Quốc. Chữ đen, trên nền hồng.Tôi vào hiệu sách, mượn tờ tạp chí vờ như xem qua để rồi mua.Mở ra mục thơ, đúng là bài “Lên miền Tây” đã được đăng, và đăng trọn vẹn.Không thể nào tả được niềm sung sướng của tôi lúc ấy. Trong túi chẳng có xu nào.Tôi chạy như bay về nhà ở gần chợ Châu Long lấy trong số tiền dành ăn quà sáng chạy ù trở lại hiệu sách mua tờ tạp chí. Ít hôm sau, anh Thủy, liên lạc viên của cơ quan Hội và tạp chí, đem đến tận nhà trao cho tôi tờ tạp chí có đóng dấu kính biếu kèm một phong bì đựng 8 đồng. Những tám đồng, cho một bài thơ, tính theo đơn vị phở ba hào/bát thì thật là một món tiền to đối với một gã học sinh mỗi sáng chỉ được phép ăn 5 xu xôi lúa (thực ra là xôi ngô, không hiểu sao người Hà Nội cứ gọi là xôi lúa.). Lần đầu tiên trong đời tôi được một khoản nhuận bút to thế.

Nói đến những món nhuận bút đầu đời thì phải kể thêm chuyện này. Tôi làm thơ và có thơ đăng báo từ dạo mười hai mười ba tuổi, khi đang học trường tư thục Phan Đình Phùng (nay là trường Phan Chu Trinh) trên đường Nguyễn Thái Học ở Hà Nội bị Pháp tạm chiếm.Cùng lớp tôi có Nguyễn Đình Hồng, Nguyễn Chí Cát cũng làm thơ. (Cát ơi, bây giờ ở đâu, từ thuở nghỉ hè 1954 phải xa nhau chẳng có tin tức gì của bạn, mong sao những dòng này đến tay bạn). Chúng tôi gửi bài và được đăng trên các báo Tia Sáng, Giang Sơn. Tờ Giang Sơn còn mở cả một Trang Học Sinh do nhà văn Thy Thy Tống Ngọc phụ trách, chuyên đăng bài cho các tác giả chip hôi say mê và tập tọng văn chương.Nguyễn Chí Cát không mấy khi ký tên thật mà thường dùng bút danh Suối Mơ.Tôi thấy cái trò ấy thú vị quá nên bắt chước, ngoài tên Bùi Minh Quốc còn ký các tên Bùi Thị Ly Ly (vì đã sớm mơ màng bí mật lẽo đẽo theo gót một em tên Ly học lớp dưới), Hồ Thị Bạch Lệ, Hoài Hương. Các bài được đăng, tôi trân trọng cắt dán lên giấy cứng đóng thành tập, thỉnh thoảng đem ra đọc lại và…ngắm, như các thiếu nữ hay tự ngắm mình trong gương. Sau ngày tiếp quản thủ đô, các anh tôi là bộ đội Cụ Hồ từ Việt Bắc về, tôi sung sướng đem khoe. Ông anh thứ ba của tôi, sĩ quan công binh, rất quân sự, và chính trị cũng hắc không kém, tính nóng như lửa, vừa liếc qua đã quẳng xuống sàn nhà, quát: “Vứt ngay, văn hoá nô dịch ! Văn hoá nô dịch, vứt ngay, bây giờ là phải lao động, uốn cái lưng xuống, uốn cái lưng xuống!”. Xấu hổ và uất ức quá, đêm ấy, nước mắt ròng ròng, tôi đem đốt tuốt, để dứt khoát lập trường với quá khứ “văn hoá nô dịch” theo cái lệnh chắc là rất “chí lý” của ông anh, mà lòng thì trĩu nặng như đưa tang thời niên thiếu của chính mình.Gần đây tôi mới được ông bạn thời sinh viên Nguyễn Trung Thu (tác giả bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” thường hát trên đài qua giai điệu của nhạc sĩ Trần Chung) tiết lộ một chuyện loại trinh thám hình sự : ủy viên ban chấp hành chi đoàn Nguyễn Trung Thu từng được chi bộ giao nhiệm vụ bí mật điều tra xem Bùi Minh Quốc có phải là một phần tử cầm bút suy đồi sa đọa ở Hà Nội thời Pháp tạm chiếm không. Thu vào thư viện quốc gia tra cứu sách báo tìm đọc các bài của tôi, về báo cáo : “Quốc không có vấn đề gì, các bài đăng báo đều lành mạnh”. Hú vía. May mà gặp được thằng bạn tử tế, nếu lỡ gặp thằng xấu bụng, nó ghét mình, nhân dịp ấy nó đắp tội cho mình thì toi đời.

Chíp hôi thì làm gì có nhuận bút, cái lệ của các báo Hà Nội thời tạm chiếm là vậy.Không biết do đâu mà tự nhiên chúng tôi biết cái lệ ấy, nên chẳng đứa nào dám nghĩ đến nhuận bút, thậm chí cũng không dám bén mảng tới toà soạn để xin tờ báo. Được đăng báo là sướng mê tơi rồi. Dạo ấy nhà tôi ở thuê đằng phố Hàng Bột. Sáng sáng, tôi đi thật sớm ra cái gốc cây chỗ góc Văn Miếu trước cửa chợ Con Bò (tức là chợ Giám), có một chị bán báo ngồi đấy. Tôi vờ muốn mua báo nhưng phải lướt qua trang trong rồi mới mua. Hôm nào báo có bài mình thì nhịn ăn sáng mua ngay hai tờ.Hôm nào không có thì không mua. Cái kiểu ấy làm chị bán báo khó chịu lắm, tôi biết thế, nhưng cứ lì mặt, hy vọng chị hiểu mà thương cho thằng học sinh nghèo.Tôi rất muốn nói “em có thơ văn đăng báo đấy chị ạ”, nhưng không dám mở miệng khoe, ngượng chết

Từ sau năm 1954, tôi chỉ lo học, chẳng văn chương gì. Mãi đến năm 1957 mới có một bài thơ đăng báo, mà lại là báo VĂN, cơ quan của Hội Nhà văn. Với bài thơ này, lần đầu tiên cái tên Bùi Minh Quốc “tái xuất giang hồ”, xin tạm gọi thế cho vui. Theo nếp cũ thời tạm chiếm, tôi chẳng nghĩ đến nhuận bút, cũng chẳng dám đến xin báo biếu, mà có biết toà soạn tuần báo VĂN nằm ở đâu ! Nhưng tôi được nhận một khoản đối với tôi thuở ấy còn thích hơn nhuận bút, ấy là bài thơ được đăng trong một cái khung gồm 2 bài, bên trái là bài “Một ngày bình thường” của tôi, bên phải là bài “Những nét mặt” của anh Văn Cao.

Rồi tôi có thơ có văn đăng trên báo Quân đội Nhân dân. Và bắt đầu có nhuận bút. Ngoài giờ học, tôi hay đi tha thẩn ra vườn hoa Hàng Đậu, rồi đọc báo Quân đội Nhân dân dán trong cái khung gỗ dựng trước cổng toà soạn số 7 Phan Đình Phùng. Một hôm tôi thấy bài mình được đăng. Nhưng cũng chả dám vào hỏi. Ít ngày sau, nhận được giấy của toà soạn báo tin bài đã đăng và mời đến số 7 Phan Đình Phùng nhận nhuận bút. Đây chính là món nhuận bút đầu tiên trong đời. Nhận hai bài một lúc, một bài thơ và một bài ký.Bài thơ thì tôi không còn nhớ, nhưng bài ký “Câu chuyện của anh bộ đội thủ đô” thì nhớ đại khái là thuật lại việc anh Sự thành đội trưởng Hà Nội đến trường kể chuyện các anh đánh Tây cho học sinh chúng tôi nghe. Hai bài được sáu trăm đồng (năm ấy chưa đổi tiền). Tôi chạy ù về nhà, quật nắm tiền xuống sàn nhà trước mặt em gái tôi, oai vệ ra lệnh: sáu trăm lòng tiết canh, mau! Tôi lăn lộn dưới sàn nhà, dãy dãy hai chân, cười sằng sặc, tay phất phất mấy tờ báo có đăng bài. Mãi một lúc thật lâu em gái tôi mới hiểu nguồn cơn nào đã khiến ông anh nó phát rồ như thế, và hiểu cái lệnh “sáu trăm lòng tiết canh, mau !”. Nó chạy ra chợ Châu Long, lát sau xách về lòng lợn tiết canh.Tất nhiên nó đủ thông minh để chỉ dùng một phần tiền nhỏ thôi, bởi mua cả sáu trăm thì chắc hai anh em phải ăn mấy ngày mới hết. Vừa ăn tôi còn vừa hứng chí giở trò giả vờ nhắm rượu, chốc chốc lại bắt chước bố tôi nâng cái chén lên tợp tợp, nhưng chỉ là chén không. Tin đồn xuống Hải Phòng đến tai bố tôi loanh quanh thế nào mà biến thành chuyện cái thẳng con trai mới 17 tuổi đầu của ông có được tí nhuận bút thơ văn đã vung vít rượu chè, khiến cụ lo lắng phải tức tốc viết thư quạt cho một trận.

Bố tôi ở Hải Phòng về chơi. Tôi khoe với bố tờ tạp chí đăng bài “Lên miền Tây”. Đọc xong, ông cụ gật gù, khen 2 câu ở đoạn gần cuối :

 

Tuổi xanh ta xanh mãi với rừng xanh xanh tốt

Chí lớn ta chót vót Hoàng Liên Sơn

Cụ bảo, trong một câu dùng bốn chữ xanh mà không gây cảm giác bị lặp, thế là khá.

Bố tôi biết xem tử vi. Năm tôi mới lên bảy, ở quê, một buổi chiều hai bố con ngồi bên nhau trên bậc gạch cổng nhà, tôi đang ngắm vầng mặt trời to tròn đỏ lựng sắp lặn xuống sau đỉnh núi Cái xa xa trong dãy Hương Tích Sơn, bỗng nghe bố nói: Bố đã lấy tử vi cho mày, số mày phát văn.Bố tôi lại hỏi: Mày có thích cái tên Bùi Minh Quốc không ? Dạ thích, tôi đáp ngay, dù chưa hiểu hai chữ minh quốc nghĩa là gì, chỉ cảm giác mang máng nó hay hơn cái tên Đa được đặt từ bé. Ít hôm sau bố đến nhà ông chưởng bạ làm cho tôi giấy khai sinh mới mang tên Bùi Minh Quốc.Nhưng rồi chạy loạn, giấy ấy bị mất, lục lọi tất cả hành lý may vẫn còn cái giấy khai sinh cũ, lại trở lại tên Bùi Trường Đa để nhập học, khi lên trung học thường bị lũ bạn quỷ sứ cứ nhè lúc có mặt bọn con gái là hét tướng lên giễu: “Ê, thằng vừa dài vừa nhiều!”, tức hộc máu mà không cãi được.Đến khi vào Đảng, may sao quyết định kết nạp ghi tên Bùi Minh Quốc, từ đấy tên ghi trong lý lịch với tên ký trên tác phẩm là một. Viết đến đây, tôi nhớ bố quá chừng, bố ơi, bây giờ con biết chắc rằng bố giỏi tử vi, vì cái năm con mới 7 tuổi ấy thì đã có chút biểu lộ nào về ý hướng văn chương đâu !

Tháng 4 năm 1959, tôi được đi dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn miền Bắc, với vốn liếng chủ yếu là bài thơ “Lên miền Tây” và truyện ngắn “Cô thợ nề”.

Mùa hè năm ấy, hết lớp 10, trong lễ ra trường của khối 10, tôi được cử lên mi-crô đọc “Lên miền Tây” tặng các bạn lớp sau.

Rồi bài thơ được đưa vào “Tuyển tập thơ Việt Nam 1945 – 1960” nhân dịp kỷ niệm 20 năm nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, được đưa vào phần bài đọc thêm trong sách giáo khoa môn văn lớp 7, lại trích 2 câu để ra đề thi tốt nghiệp cấp 2 năm 1961.Đó là hai câu :

Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy

Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường

(Hai câu này dắt díu đến một chuyện khá là bi hài về sau: vào năm tôi gần sáu mươi tuổi, bị quản chế vì chiến đấu cho tự do, ngày nào cũng phải hai buổi lên trụ sở công an phường ngồi, ông bạn già Hà Sĩ Phu bèn đía thành: “Tuổi sáu mươi khi nghĩa đời đã thấy/Thì gian nan biết mấy cũng lên phường”)

Rồi “Lên miền Tây” bị nhà văn Nguyễn Đình Thi đem ra nện trong một tham luận đọc tại Quốc Hội vì cái tội tác giả chưa lên Tây Bắc mà đã làm thơ về Tây Bắc, mơ mộng viển vông muốn dựng lò đúc thép ở Điện Biên. “Lên miền Tây” liền bị đưa ra khỏi sách giáo khoa (ở các bản in sau năm 1975, tôi đã bỏ câu ước mơ dựng lò đũ thép ở Điện Biên).

Ông Nguyễn Đình Thi nện tôi, nhưng cũng có người bênh tôi.Người ấy là anh Hồ Xuân Du, một cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp đến ngày hoà bình đi học đại học văn, làm bí thư chi bộ lớp tôi. Ngay hôm vừa đọc xong tham luận của nhà văn Nguyễn Đình Thi đăng trên báo Nhân Dân, anh Hồ Xuân Du gặp tôi động viên : Quốc cứ bình tĩnh, đừng giảm sút nhiệt tình sáng tác, mình không đồng ý với anh Nguyễn Đình Thi, ý kiến phê bình như thế không đúng đâu. Và anh Tế Hanh.Anh bảo tôi, một buổi chiều hai anh em đi bên nhau trên đường Nguyễn Du ven hồ Thiền Quang : Thi quan niệm thế thì cắt nghĩa thế nào về việc Rem-bô (Arthur Rimbaud) năm mười lăm tuổi chưa ra biển mà đã làm thơ về biển ? Cho đến nay, tôi cũng không hiểu vì sao nhà văn tổng thư ký Hội Nhà văn, đại biểu Quốc Hội, lại đem một thằng văn chương chíp hôi là tôi ra nện giữa Quốc Hội.Hay ông muốn qua tôi để ngầm chĩa khéo mũi nhọn chỉ trích vào ông Tố Hữu không xông pha lửa đạn Điện Biên như ông Nguyễn Đình Thi mà lại làm thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” ?

Rồi nhiều bạn đọc trách tôi, vì đọc vì học “Lên miền Tây” của tôi mà họ hăng hái xung phong lên Tây Bắc, bị kẹt mãi trên ấy nên khổ một đời, có những cô gái rất xinh đẹp rất giỏi giang mà không lấy được chồng. Các bạn ấy bảo, nửa đùa nửa thật: ông Quốc lừa chúng tôi, bắt đền ông đấy !

Ai lừa ai ?

Các bạn ơi, đó là một câu chuyện dài của cả thế hệ chúng ta, hẹn một dịp khác ta sẽ cùng nhau tiếp tục hàn huyên cho ra lẽ. Nhưng tôi có thể nói ngay với các bạn thân yêu cùng thế hệ rằng, nếu phải đền cho các bạn, thì tôi không có gì khác hơn để đền là chính cây bút này, cây bút đã viết “Lên miền Tây”, đã viết “Tiễn người yêu đi học ở Mát-xcơ-va” ( 1962) :

Hôn hộ anh nền đá lát Hồng Trường

Nơi yêu dấu Lê-nin từng dạo bước

Nơi trái tim ta hằng đi về thao thức

Dưới ánh vầng sao đỏ tháp Krem-lin

đã viết “Đất quê ta mênh mông”, “Mẹ chẳng thể nào nhớ nổi con đâu”, “Bài thơ về hạnh phúc”… trong cuộc chiến đấu giành độc lập thống nhất trước kia, nay tiếp tục chiến đấu cho tự do của mỗi con người (“Mẹ đâu ngờ”, “Mẹ ngẩn ngơ đi…”, “Bài thơ Tháng Tám”, “Không, mẹ ơi”, “Lương tri”…) theo đúng lẽ sống không có gì quý hơn độc lập tự do đã giục tôi lên đường từ thuở tóc xanh.

Đi chiến đấu là niềm vui bất tận.

Đó là một câu trong “Lên miền Tây”.

Một câu gan ruột.

Đối với tôi, chiến đấu cho độc lập của dân tộc và tự do của mỗi con người là niềm vui bất tận, thuở tóc xanh là thế, nay tóc đã bạc phơ trên đầu cũng vẫn thế.

Từ hai mươi năm nay tôi sống và viết ở Đà Lạt, ở hẳn đây luôn. Mà, ơ kìa, Đà Lạt cũng thuộc miền Tây của giải đất hình chữ S thân yêu.

Hình như thơ nó vận vào người, các bạn nhỉ ?

Đà Lạt 21.9.2007

Bùi Minh Quốc

(*) Để góp vào cuốn sách kỷ niệm 100 năm trường CHU VĂN AN

(**) Từ phải qua trái : Bùi Minh Quốc, Nguyên Ngọc, Đặng Ngọc Lộc trong hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ nhất tại Thái Hà Ấp, Hà Nội, tháng 4.1959