Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đất phong của Hưng Ninh vương Trần Tung (1230 - 1291) ở đâu ?

Đỗ Tiến Bảng
Thứ tư ngày 16 tháng 4 năm 2014 8:44 AM

Kính gửi nhà thơ chủ trang trannhuong.com!

Nhà thơ có in bài "Tĩnh Bang - nơi Tuệ Trung thượng sĩ  - Hưng Ninh vương được phong đất là ở đâu?" của nhà thơ Trần Nhuận Minh, ngày Chủ nhật ngày 9 tháng 2 năm 2014. Tôi xin có lời thưa chuyện. Nhà thơ xem có thể đăng dùm. Xin trân trọng cảm ơn.

    

 Bài viết của nhà thơ Trần Nhuận Minh ( T.N.M) “Tĩnh Bang – nơi Tuệ Trung thượng sĩ  Hưng Ninh vương được phong đất là ở đâu?”( trên trannhương.com, ngày 9.2.2014) gợi ra một số vấn đề để bạn đọc bàn luận, trao đổi ( một phần bài của Cao Năm có nhắc , “Hãy trả lại cho sự thật lịch sử”, 27.3.2014, vanvn.net). Xung quanh hành trạng và địa danh vùng đất Hưng Ninh vương Trần Tung – Tuệ Trung Thượng Sỹ cai quản và cư ngụ hiện còn những ý kiến khác nhau. Để tiện theo dõi, tôi trao đổi với T.N.M theo trình tự các nội dung trong bài ông viết.

Về chiến công của Trần Tung, T.N.M viết: “ Vì có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đặc biệt là việc chỉ huy trận phục kích tại chợ Đông Hồ ( Đông Triều) ngày 3/3 năm Mậu Tí ( 1288) đã góp công quan trọng vào chiến thắng Bạch Đằng…”. Chiến công cũng như cuộc đời của Trần Tung không được sử Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép ( theo GS Nguyễn Huệ Chi, thái độ điều khó hiểu này có thể liên quan đến thái độ bài Phật của nhà nho viết sử- xem bài “ Trần Tung - một gương mặt lạ trong làng thơ Lý - Trần”, Gương mặt văn học Thăng long - GMVHTL - Nxb Hà nội, 2010; đây là bài viết đã đăng trên Tạp chí văn học số 4- 1977, có sửa và bổ xung), nhưng có thể đọc ở Nguyên sử, hay An Nam chí lược ( của Lê Tắc). Theo cuốn sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm, trong cuộc kháng chiến lần 2 có một sự kiện chiến thắng trên sông Như Nguyệt, ghi công Trần Tung: Ngày 6 tháng 5 năm Ất Dậu ( 10.6.1885) Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Hưng Ninh vương Trần Tung đã đem hơn hai vạn quân đón đánh , kịch chiến với tướng giặc là Lưu Thế Anh. Quân Thoát Hoan thua chạy …( bản in Nxb QĐND, 2003, tr 254); cuộc kháng chiến lần thứ 3, khi quân Thoát Hoan đóng ở Vạn Kiếp: “Hưng Ninh vương Trần Tung theo lệnh của vua Trần mấy lần đến thành giặc giả vờ hẹn ngày ra hàng để làm cho địch mất cảnh giác không đề phòng và tiêu tan tinh thần chiến đấu. Nhưng mặt khác lại đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao lực lượng địch, khiến chúng càng hoang mang…” ( tr 305, s.đ.d trên). Về trận ở chợ Đông Triều, các tác giả trên cho biết, theo An Nam chí lược: “Khi đến chợ Đông Triều, không sang được sông bọn chúng đành quay trở lại…đang đêm cưỡng bức các hương lão đã bị chúng bắt đưa đường khác trở về Vạn Kiếp ngày Đinh Hợi mùng 3 tháng 3 ( 4.4.1388) để còn kịp rút lui cùng với Thoát Hoan”( tr 308, s.đ.d trên). Không biết T.N.M dựa vào nguồn sử liệu nào mà nhấn mạnh “đặc biệt là trận phục kích…”, như nêu trên?

 Về địa danh ấp được phong của Trần Tung.

  Tôi không bàn đến nhầm lẫn Tĩnh Bang hay An Bang, mà chỉ nói đến địa danh trong bài viết gọi là “Tĩnh Bang”. Không biết T.N.M theo tư liệu nào mà gọi là “Tĩnh Bang”? Tôi biết nhiều sách gọi là “Tịnh Bang” ( ,“tịnh”, bộ thủy, nghĩa: sạch sẽ; chữ nhà phật dùng trong các từ “thanh tịnh”, “tịnh thất”, “tịnh độ”,… Còn “bang” là nước lớn ( nước nhỏ là “quốc”). Sách Hoàng Việt thi văn tuyển của Bùi Huy Bích, chú dẫn trước bài Phóng cuồng ca: “Trần Ninh vương Quốc Tảng ( con thứ Hưng Đạo) hai lần đánh lui giặc Mông Cổ, được ban cho coi giữ dân lộ Hồng, sau lui về sống phong ấp Tịnh Bang ( nay là xã An Quảng, huyện Vĩnh Lại), đổi tên là thôn Vạn Niên…”( Trần Ninh vương Quốc Tảng ( Hưng Đạo thứ tử) lưỡng khước Thát binh. Tứ trấn Hồng lộ quân dân. Hậu thoái cư Tịnh Bang( kim Vĩnh Lại, An Quảng xã) chi phong ấp. Cải vi Vạn Niên thôn…), chép theo GMVHTL, tr 308, s.đ.d; ở đây ngoài tên người nhầm Trần Quốc Tảng với Trần Quốc Tung, tất cả tiểu sử, hành trạng là của Trần Tung Tuệ Trung Thượng sĩ). Trong các sách Từ điển văn học đều ghi tên Tịnh Bang  ( xem Từ điển văn học , bộ mới, Nxb thế giới, 2004, tr 1812; Từ điển văn học Việt Nam, Lại Nguyên Ân – Bùi Văn Trọng Cường, Nxb GD, 1995, tr 458). Chỉ thấy một nguồn tư liệu khác có nói đến tên “Tĩnh Yên”, đó là Lời đầu sách của Đào Duy Anh, khi nhắc đến các ý kiến “không nhất trí” về tiểu sử của Tuệ Trung Thượng sĩ, trong sách Khóa hư lục của Trần Thái Tôn ( Nxb KHXH, 1974): “Thuyết của Hoàng Việt văn tuyển thì cho rằng thượng sĩ là Hưng Ninh vương Trần Quốc Tảng…có công đánh quân Nguyên hai lần, được trấn trị quân dân Hồng lộ sau lúc về phong ấp ở Tĩnh Yên ( nay là Quảng Ninh) tự hiệu Tuệ trung thượng sĩ. Nhưng theo mục “Thượng sĩ hành trạng” chép ở sau bản Ngữ lục lại khác …bèn lui về ấp phong ở Tĩnh Yên, đổi tên làm Vạn niên hương”( tr 14). Có thể bản mà học giả Đào Duy Anh dùng để lược ý có tên đất khác, điều này cũng cần được phân định, nhưng chuyện này hãy để sau. Chỉ có cái tên “Tĩnh Bang” không biết T.N.M lấy ở đâu?

 Về phương pháp làm việc, cái cách mà T.N.M dựa vào để truy tìm là : tên thôn “Vạn Niên” căn cứ vào “tấm bản đồ tỉnh Hải Dương năm 1888 do người Pháp lập, có ghi đủ tên các làng xã, trong đó sát phía đông huyện lị Thanh Lâm ( Nam Sách) là hương Vạn Niên” ( chữ in nghiêng của Đ.T.B), rồi “Tên các làng xã Việt Nam từ thế kỉ XIX trở về trước ( 1819)”( nguyên văn bài viết T.N.M) là chưa mang tính đồng đại, chưa đi từ đơn vị lớn đến nhỏ. Tức là, phải truy tên địa danh từ các sách Dư địa chí về thời Trần, Lê chứ không phải từ thời Nguyễn. Mà phải xét lần lượt đơn vị hành chính từng giai đoạn, từ: châu, xứ, lộ, trấn, tỉnh, huyện, tổng, xã, thôn, trang. Theo chú của Bùi Huy Bích ( 1744 – 1818) vào thời Lê, tên “lộ Hồng”, “ấp Tịnh Bang ( nay là xã An Quảng, huyện Vĩnh Lại)”. Huyện “Vĩnh Lại” thời Bùi Huy Bích trở về trước ghi ra sao, nếu có bản chữ Hán để đối chiếu mới tin cậy. Tiểu sử chép: Trần Tung cai quản dân quân lộ Hồng. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi ( Nxb KHXH, 1978; cần lưu ý sách này được người đời sau, từ thế kỷ XVI, XVII và XIII thêm và sửa chữa) : lời cẩn án của Nguyễn Thiên Túng cho biết: phủ Hạ Hồng ( nay là Ninh Giang) có 4 huyện, trong đó có Vĩnh Lại ( xưa là Đồng Lại) ( tr 218). Người biên soạn chú thích : thời Lý Trần Hải Dương là đất Hồng lộ ( tr 568) “Huyện Vĩnh Lại là huyện Đồng Lợi, châu Hạ Hồng, phủ Tân An thời Minh. Lê sơ đổi làm Đồng Lại, sau lại đổi ra Vĩnh Lại. Hiện là huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương và vùng đất phía nam huyện Vĩnh Bảo”( tr 569). Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy chú (1782 – 1840), Đại Việt đia dư toàn biên của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1796 – 1872) cũng ghi tương tự. Sách “Đất nước Việt nam qua các đời” ĐVVN… của Đào Duy Anh, Nxb Thuận Hóa – Huế, 1995) chép: đời Trần và đời Hồ : huyện Đồng Lợi thuộc Châu Hạ Hồng, phủ lộ Tân Hưng, trấn Hải Đông ( tr 125); đời Lê , Nguyễn : huyện Đồng Lại năm Quang Thuận đổi mới đổi Vĩnh Lại, thuộc phủ Thượng Hồng ( tên Thượng Hồng phải xem lại, theo Nguyễn Văn Siêu, là phủ Hạ Hồng) trấn Hải Dương. Năm Minh Mệnh 19 ( 1838) mới tách 3 tổng Thượng Am, Đông Am, Ngải Am, cùng 5 tổng ở huyện Tứ Kỳ lập huyện Vĩnh Bảo ( tr 181).

    Điều khẳng định dựa vào các khảo sát trên là: vùng đất mà Trần Tung trị nhậm là lộ Hồng, gần trùng với tỉnh Hải Dương ngay nay. Đất phong, nơi cư ngụ cuối đời của Hưng Ninh vương Tuệ Trung Thượng sĩ là Tịnh Bang, huyện Vĩnh Lại, nay là huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương và một phần huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

   Về tên “Vạn Niên”, theo T.N.M xác định : “sát phía đông huyện lị Thanh Lâm ( Nam Sách) là hương Vạn Niên”( chữ in nghiêng của Đ.T.B), “ngoài Vạn Niên ở Nam Sách ra…”. Xét huyện Thanh Lâm từ đời Trần, Hồ thuộc châu Nam Sách, lộ Lạng Giang; từ đời Trần đến đời Nguyễn vẫn giữ tên Nam Sách. Huyện Thanh Lâm tương đương huyện Nam Sách ngày nay (ĐNVN… tr 182). Còn tên hương Vạn Niên. Thời Pháp làm gì có tên đơn vị thôn là “hương”. Trong các tiểu truyện về quê quán, nơi tu hành của các thiền sư (ở Thiền uyển tập anh ) thời Lý mới gọi tên “hương”. Chữ “hương” là “làng” ( tham khảo : “ngày xưa gọi một khu 12500 nhà là hương”, Hán Việt Tự điển, Thiều Chửu, nxb VHTT, 2005, tr 624 ). Theo học giả Đào Duy Anh: “Các hương và giáp là các khu vực hành chính gần bằng huyện”( ĐNVN…s.đ.d, tr 121). T.N.M cần xem lại việc gọi tên “hương” trong trường hợp này. Còn thôn Vạn Niên thuộc xã Vạn Tải ( nay thuộc xã Hồng Phong) huyện Nam Sách chỉ là trùng hợp tên gọi mà thôi. Nếu thôn ( xã) Vạn Niên thuộc Vĩnh Lại xưa hay Ninh Giang nay, thì mới có cớ để xem xét có phải là đất Tịnh Bang. Không thể căn cứ vào sự trùng tên này để truy ra tên đất phong của Trần Tung. Mặc dù “làng này có tên từ thượng cổ”, hay “có ngôi đình cổ”! Ta chỉ còn khoanh vùng tìm kiếm trong các xã của Ninh Giang, và 3 tổng (Thượng Am, Đông Am, Ngải Am ) khi trích lập huyện Vĩnh Bảo ( Hải Phòng). Trong các sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Siêu…chỉ ghi số lượng các xã, không kê tên cụ thể, nên rất khó tra cứu. Trong khi chưa có các bản kê cứu về xã, thôn từ đời Trần, Hồ, Lê thuộc huyện Vĩnh Lại trong các sách Địa chí cổ ( mà tôi biết) thì đây là vấn đề còn để ngỏ. Đó là: tên “Tịnh Bang” thời Bùi Huy Bích là xã An Quảng, và tên thôn Vạn Niên. Xin chờ các chuyên gia!

  Về địa chỉ ấp phong được xác định “là chùa Linh Sơn, làng Minh Đức, huyện Thủy Nguyên” mà .T.N.M chưa rõ căn cứ, tôi xin cung cấp. Nguyễn Huệ Chi có chú thích trong bài viết: “Theo Thượng tọa Thích Trung Huệ ở Thiền viện Trúc lâm Yên Tử cho biết thì hiện nay là vùng đất chùa Linh Sơn, làng Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng”( chú (2), tr 310, GMVHTL, s.đ.d). Nếu cứ theo tên huyện mà Bùi Huy Bích chú là Vĩnh Lại, thì thuyết này chưa tin cậy.

 Vấn đề mà nhà thơ T.N.M đưa ra là dịp để chúng ta chú tâm về những tồn nghi lịch sử, cùng suy xét, trao đổi. Ngõ hầu, làm rõ được những đường nét, những ẩn lấp xung quanh nhân vật lịch sử nổi tiếng, “một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý - Trần”. Trong khi chưa có cứ liệu tin cậy, chắc chắn, thì tất cả chỉ là những giả thuyết; những thao tác làm việc nghiên cứu, hơn là những kết luận vội vàng . Với kiến thức hạn hẹp xin có vài lời tiếp chuyện nhà thơ T.N.M và thưa cùng bạn đọc. Những chỗ chưa ổn đáng xin được chỉ giáo.