Hai câu được gọi là thơ hay trên của nhà thơ Chính Hữu là hai câu nói có phần khẩu hiệu, dễ dãi, không hay. “Ngân lên câu hát” rất sáo. Câu dưới thì nôm na. Viết như thế này thì người bất tài như mỗ đây cũng có thể nhắm mắt ngoáy vài ba chục câu trong dăm phút : “Xem cải lương về lòng ta ngây ngất/ Không cần đào kép ta vẫn ca hay”…” Em biết vì sao chúng ta hạnh phúc/ Vì con tim ta ca hát tình yêu”…
19. Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người NGUYỄN ĐÌNH THI
Câu được gọi là thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi trên thực ra là một câu khẩu hiệu không hơn không kém. Mỗ đây có thể viết phứa trăm câu như trên chừng mười phút : “Anh với em tự hào vì đang yêu nhau”, “Nhân loại mến yêu ơi ta thi nhau làm người nhé”, “Chúng ta thề với bóng tôi và với đảng rằng mình không nói dối”…
Nói thêm, hai câu tấu của nhà thơ Thanh Tịnh làm từ năm 1948 trong chiến khu Việt Bắc hay hơn câu khẩu hiệu bị gọi là thơ trên của Nguyễn Đình Thi nhiều : “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”; nhưng hai câu này nhất định không thể gọi là thơ. Hai câu trên nhiều năm nay đã bị gán cho ông Hồ Chí Minh làm, ngay cả tổng bí thư Đỗ Mười cũng từng trích câu này của Thanh Tịnh rồi bảo là của Bác.
23. Trái tim là của Con Người
Viết lịch sử mình trên mặt đất TRẦN QUANG LONG
Hai câu trên của Trần Quang Long dở tệ. Chẳng dính gì vơi nhau : câu trên định nghĩa sai bét; đâu chỉ con người mới có trái tim. Trái tim chó, trái tim lợn, trái tim dê không là trái tim à ? Sao “trái tim” chỉ độc quyền cho con người, con người mới có ? Câu dưới càng ấm ớ : không viết lịch sử trên mặt đất thì viết trên trời à ? Viết với chả lách !Đại ngôn !
24. Đêm hành quân tôi ngủ dưới ngàn sao
Thấy Đất nước cười lấp lánh giữa chiêm bao HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường viết ký rất hay, làm thơ ít hay hơn nhưng cũng có một số bài thơ hay. Hai câu được trích ra đây khen hay là Hội nhà văn Việt Nam tính chơi sỏ anh Tường. Hai câu thơ này rất sáo. Xin chào “đất nước cười”, cười sao được khi chiến tranh đẫm máu, khi cuộc tàn sát ở Huế năm Mậu Thân vẫn còn trắng khăn tang tết Huế ?
27. Hai tay nâng chén rượu mời
Nhài thơm, thơm dịu cả mười ngón tay LỮ HUY NGUYÊN
Hai câu nôm na trên hay ho ở chỗ nào đây ? Hai câu này không thể đứng một mình, vì nó làm người đọc chưng hửng ! Câu trên : tay ải tay ai đây ? Sao tự nhiên đang dâng chén rượu mừng ngón tay lại biến thành hoa nhài ? Có ma chăng ?
31. Mẹ thương con ngồi cầu Ái Tử
Đất nước hôm nay đã thấm hồn người TRẦN VÀNG SAO
Hai câu trên của anh Trần Vàng Sao phải nói là dở nhất đời anh Đính ( tên thật của TVS là Nguyễn Đính). Anh Đính có bài thơ “ Bài thơ của một người yêu nước mình” khá hay nhưng câu trên của anh thì quá tệ. Hội nhà văn Việt Nam muốn chơi anh Đính hay sao? Câu đầu lấy từ ca dao, câu sau sáo :“đất nước hôm nay đã thấm hồn người”…
34. Thành phố đứng như ngóng về biển lớn
Đường chân trời trước mặt mở dần ra THI HOÀNG
Các ông chọn thơ hay của Hội Nhà văn Việt Nam ơi, Thi Hoàng có chán vạn câu thơ hay, sao các ông không chọn, lại chọn vào câu thơ dở nhất của đời thi sĩ như thế này là cớ làm sao ? Trong các nhà thơ mà lề đảng gọi là lớp thơ chống Mỹ ( đang vào U 70 và U 80) thì Thi Hoàng là thi sĩ số một, có nhiều câu thơ hay nhất. Hai câu trên chỉ là những câu nói bình thường, những câu thơ đệm, rất nôm na.
35. Ta đi giữ nước yêu thương lắm
Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình LƯU QUANG VŨ
Hai câu của thi sĩ tài ba Lưu Quang Vũ trên thực ra có tình nhưng chưa hay, nó vẫn là dòng nôm na, là nói suông, với những sáo từ “ yêu thương lắm”, “ mỗi nghĩa tình”. Lại nhớ Vũ hồi 1968-1969, gặp nhau là đọc thơ say hơn điếu đổ. Vũ có nhiều bài thơ khá hay.
37. Sông làng, con đò cũ
Buộc chèo dưới bến trăng NGUYỄN VIỆT CHIẾN
Nguyễn Việt Chiến, nhà báo của nhân dân anh hùng nhà thơ có nhiều bài hay. Đời này, ngay cả Nguyễn Du nếu chọn không tinh thì các nhà “CHỌN HỌC” này vẫn cứ chọn ra câu dở mà thôi. Hai câu trên của Nguyễn Việt Chiến mới là kể ra sự việc, chưa có tài tình của nhà thơ phổ vào.
43. Bên hiên trăng lạnh, Trà hoa nở
Chợt tiếng trăm năm vọng chốn này NGUYỄN QUANG THIỀU
Nhà thơ cách tân Nguyễn Quang Thiều sao trưng ra hai câu còn cổ hơn cả thơ Lý Trần là cớ làm sao ? Đã cổ còn sáo, than ôi!
46. Người đi áo trắng bay bay
Người về áo tím chín đầy hương nhu NGUYỄN NGỌC QUẾ
Hai câu trên của Nguyễn Ngọc Quế là loài lục bát dễ dãi, sáo mòn ? Chỉ là kể ra sự việc : người đi thì mặc áo trắng về thì thay áo tím, chưa có gì mà phóng lên thành thơ hay làm người đọc chưng hửng ?
49. Những con người không ai gặp nữa
Đã đặt lên vai anh gánh nặng cuối cùng NGUYễN KHOA ĐIỀM
Hai câu trên của anh Nguyễn Khoa Điềm mới chỉ là câu nói, chưa phải là câu thơ. Hai câu trên mới truyền đạt một ý : các anh chết đi để lại nhiệm vụ cho tôi gánh vác, chưa có thẩm mỹ thi ca.
50. Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng
Anh một mình náo động một mình anh HOÀNG NHUẬN CẦM
Hai câu trên của Hoàng Nhuận Cầm chỉ có một thành tích là sáo mới. Nó “náo động” lắm nhưng chỉ có náo động mà thôi, không phải thơ náo động mà tác giả nhảy ra hô tôi đang náo động lắm đây !
Những câu thơ dở và trung bình trên trích ra từ 50 câu thơ hay của Hội nhà băn Việt Nam dùng bong bóng thả lên trời trong ngày thơ Việt Nam rằm tháng giêng năm nay.
Qua đây, chúng ta thấy Hội nhà văn Việt Nam một là không có con mắt xanh không phân biệt được thơ hay và thơ dở, hai là vô trách nhiệm,. Buồn thay ! Thơ chưa mọc cánh đã bắt bay lên trời !
Sài Gòn ngày 09-03-2014
Trần Mạnh Hảo
Những câu thơ trên trích từ nguồn :Trackback URL: http://www.vnweblogs.com/trackback.php?id=446611
http://ngominh.vnweblogs.com/post/2246/446611