Mọi người mẹ Việt Nam đều “tất cả vì con; tất cả cho con”, dẫu cuộc sống có phát triển theo hướng nào thì cũng đều tự nhủ lòng mình hãy sống sao cho đạt được mục đích “để đức cho con”. Cuộc đời người mẹ, sự hi sinh thầm lặng, cao cả và tự nguyện của người mẹ là tấm gương thuyết phục nhất, là bài học sâu sắc nhất cho những đứa con của mẹ trong quá trình trưởng thành.
CHUYỆN DẠY CON CỦA BA BÀ MẸ
Vua Thành Thái (1889-1907) rất thích đi săn. Một hôm, trời mưa gió nhưng nhà vua vẫn cứ đi săn; khi về đến cửa thành thì thấy thầy giáo quỳ đón và tâu rằng Thái hậu đang rất giận dữ. Nhà vua vội vàng cho lấy một cái khay, đặt chiếc roi mây lên đó, dâng lên trước mặt Thái hậu, xin phạt tội. Thái hậu bảo: - Nếu đã biết lỗi rồi thì ta tha cho! Bà vứt roi đi, bảo con: - Vua thỏa thú vui của mình nhưng làm khổ binh lính, vậy phải thưởng cho người ta rồi mới được về! Ông làm theo lời mẹ rồi mới lui về cung.
Trần Bích San (1840-1877) đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình nên được gọi là Tam nguyên. Khi làm Tri phủ An Nhơn (Bình Định), thấy có lụa tốt, ông mua một tấm rồi sai người mang về quê biếu mẹ. Bà mẹ chiêu đãi người chức dịch, sau nhờ chuyển cho con một gói quà. Ông San mở ra thấy tấm lụa mình mua biếu mẹ và một... chiếc roi mây. Ông chợt hiểu ra, vội trở về quê, lạy mẹ và nằm xuống xin chịu đòn vì lỗi lấy việc riêng mà làm phiền công chức.
Cụ bà Lý Tam Sơn là thân sinh đồng chí Ngô Gia Tự (1908-1934), lãnh tụ của Đảng CSVN. Cụ còn có một người con làm Tri huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Một lần, cụ nhắn con rằng đúng ngày rằm sẽ đến chơi với con. Ông Tri huyện đợi mãi đến ngày 18 cụ mới đến, nhưng ăn uống xong cụ lại nhất quyết đòi về quê ngay. Ông rất ngạc nhiên, liền hỏi mẹ:
- Mẹ bảo vào chơi với con ba ngày, vậy sao...?
- Thì mẹ đã ở đây ba ngày rồi đó. Mẹ đã đi khắp huyện, hỏi xem dân chúng có ai kêu ca, phàn nàn, chê trách gì về con không, sau đó mẹ mới đến phủ huyện. Hết ba ngày rồi, mẹ còn phải về quê để gặt mùa chứ!
Người con - vị Tri huyện - hiểu rõ lòng mẹ, liền hứa với mẹ rằng sẽ thêm gắng công làm tốt chức việc để mẹ được vui.
Chuyện dạy con của ba bà mẹ Việt Nam là những bài học về chuyện ứng xử đầy ý nghĩa. Con cái đối với cha mẹ, cha mẹ đối với con cái... ngoài chuyện lễ nghĩa trong gia đình còn là chuyện quan hệ xã hội vì mỗi người là thành viên của xã hội; gia đình và xã hội có mối quan hệ mật thiết. Khi người ta đang đảm trách một vai trò nào đó trong tập thể thì cái tôi cá nhân phải đồng thời được chú ý ở góc độ tác động xã hội.
“ĐỂ ĐỨC CHO CON”
Từ xưa, trong gia đình Việt Nam, đã hình thành sự phân công tự nhiên: Mẹ nuôi con, cha dạy con (cho dù thời nay điều này đã có sự điều chỉnh phù hợp). Chính vì thế, ảnh hưởng của người mẹ đối với đứa con rất sâu nặng, đặc biệt là ở khía cạnh tình cảm. Đứa con nhận được sự chăm chút tận tình của người mẹ đối với mình ngay từ lúc chào đời và dần dần cảm nhận được tình thương của mẹ dành cho mình.
Mọi người mẹ Việt Nam đều “tất cả vì con; tất cả cho con”, dẫu cuộc sống có phát triển theo hướng nào thì cũng đều tự nhủ lòng mình hãy sống sao cho đạt được mục đích “để đức cho con”. Bài ca mẹ hát ru con cũng chính là tự nhủ phải “tu thân”, hướng tới cuộc sống chân – thiện – mỹ:
"Ta sinh ra ở trên đời/ Trời cho tai mắt khác loài vô tri/ Lọt lòng ta chửa biết gì/ Nay ta đã lớn phải suy cho rành/ Vì ai nên mới có mình/ Mẹ cha đôi đức công trình biết bao/ Ơn này sánh với trời cao/ Trong lòng ta dám đâu nào lãng quên/ Tập sao nên được con hiền/ Để cho cha mẹ khỏi phiền vì ta/ Một niềm phép tắc nết na/ Biết sợ biết kính mới là con ngoan/ Xét xem trong họ trong làng/ Cô dì chú bác ngang hàng mẹ cha/ Cùng người xưa cũng một nhà/ Cùng chung máu mủ cùng là thịt xương/ Vậy ta phải kính phải nhường/ Biết mình phận dưới, lánh đường nghịch trên/ Ở sao nội ngoại đôi bên/ Vừa lòng, đẹp ý đều khen nết mình".
Tất nhiên, trong thời đại mới, hình ảnh người mẹ đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Người mẹ không chỉ lo mỗi việc ăn, việc mặc của con mà còn cùng gia đình lo dạy dỗ con; luôn luôn cố gắng chu toàn mọi việc trong nhà và mong mỏi cho con được nên người. Không những thế, người mẹ còn chứng tỏ có thể làm tốt cả công tác xã hội, thể hiện sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tương quan về giới trong xã hội hiện đại. Chính những điều đó là tấm gương thuyết phục nhất, là bài học sâu sắc nhất cho những đứa con của mẹ. Từ gia đình, con của mẹ từng bước trưởng thành, bước ra xã hội, trở thành một công dân; quá trình ấy luôn luôn gắn với công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, đặc biệt là sự hi sinh thầm lặng, cao cả và tự nguyện của người mẹ đã dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con. Phụ nữ không chỉ là “một nửa thế giới” mà còn hơn thế, vì với thiên chức đặc biệt của mình, phụ nữ là tâm điểm của nhân loại, cả hiện tại và tương lai.