Trang chủ » Tin văn và...

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Con đường tốt nhất để chống tham nhũng là phải cải cách thể chế

Theo Một thế giới
Thứ ba ngày 4 tháng 2 năm 2014 5:30 AM

Theo Một thế giới

Sự quyết liệt bảo vệ luật Đầu tư công trước quốc hội nhằm minh bạch việc sử dụng ngân sách, tăng cường luật pháp chặt chẽ để chống tham nhũng của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đưa ông trở thành bộ trưởng ấn tượng nhất năm 2013 đối với công chúng, kèm theo đó là biệt hiệu "bộ trưởng lấy đá ghè chân mình". 
Trả lời phỏng vấn trên Vietnamnet đầu năm, Bộ trưởng Vinh nói rằng nhu cầu chống tham nhũng đã quá bức bách, phải có luật Đầu tư công để chế định, quản lý các hoạt động từ chủ trương cho đến khi xây dựng, vận hành... Đây là tiền thuế của nhân dân, Nhà nước dùng những đồng tiền này thì phải minh bạch.
Thẳng thắn như vậy trước Quốc hội, ông có vấp phải phản ứng của địa phương hay bộ nào không?
 
Trong ngân sách đầu tư công, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng hiện là người “tiêu tiền” nhiều nhất để làm đường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tiêu tiền nhiều thứ hai. Kế đến là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Tất cả đều ủng hộ dự luật Đầu tư công bởi nó chứa đựng rất nhiều vấn đề mà họ thấy đúng.
 
Ngay cả các địa phương trước đây muốn được tự quyết, đến nay cơ bản cũng đồng thuận. Họ thấy đúng là một chủ trương đầu tư cần được kiểm soát, không thể tùy tiện thích làm con đường này hay xây trụ sở kia là quyết định làm theo cảm hứng, mà phải có trình tự thủ tục để xem xét.
 
Thực sự đồng tiền phải đem lại hiệu quả và luật là phải minh bạch. Chuyển từ đầu tư hàng năm sang phân bổ vốn đầu tư trung hạn và dù cảm thấy bị động chạm thì bộ ngành, địa phương cũng thấy chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tự vượt qua chính mình bằng cách năm 2014 sẽ quyết cho cả 5 năm 2016-2020.
 
Bước đầu, luật nhận được sự đồng thuận rất cao của những đối tượng mà nó tác động, nhân dân cũng đồng tình. Tôi tin là Quốc hội khóa tới sẽ thông qua.
 
Ông từng nhắc rất nhiều lần tại Quốc hội là đất nước này cần sự minh bạch, cần không có tham nhũng. Ông có nhận được sự chia sẻ ở Quốc hội và Chính phủ không?
 
Đấu tranh chống tham nhũng là mong muốn của nhân dân, của đất nước. Bởi vì tham nhũng sẽ làm xã hội đi xuống và sụp đổ. Không có chế độ nào có thể tồn tại lâu nếu như liên tục để tình trạng tham nhũng, không minh bạch.
 
Với một đất nước mà Đảng là của nhân dân như chúng ta nói, đã trải qua những năm tháng vẻ vang giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, thời bình lại không thắng nổi mình, luôn bị đánh giá xếp hạng là tham nhũng tiêu cực, thì rõ ràng không thể chấp nhận được.
 
Cho nên chống tham nhũng là việc rất bức bách. Cái khó nhất là vượt qua chính mình. Nói thì dễ, làm thì khó. Vấn đề bây giờ là phải có cơ chế kiểm soát. Con đường tốt nhất để chống tham nhũng là phải cải cách thể chế, có khung pháp luật chặt chẽ.
 
Khi đã có luật pháp rất chặt chẽ rồi mà anh cố tình làm sai thì không nên tha. Còn bây giờ thì quả thật vô cùng khó cho mỗi con người vì luật pháp chưa hoàn thiện. Trong rất nhiều lĩnh vực, kể cả quản lý vốn trong doanh nghiệp, Nhà nước phải làm sao để có văn bản chặt chẽ hơn nữa, đánh trúng vào những điểm đang gây ra quản lý lỏng lẻo.
 
Nếu không minh bạch thì tôi nghĩ không biết đất nước đi đến đâu cả. Mỗi người phải biết hy sinh một chút, kiềm chế một chút, chứ cứ để chủ nghĩa cá nhân, mong muốn tiêu xài phát triển thì Việt Nam sẽ không còn niềm tự hào của đất nước chiến thắng nữa.
 
Bộ trưởng đã vượt qua được mình nhưng có thể chính ông sẽ bị cô đơn bởi suy nghĩ không giống với số đông. Có lúc nào ông ước mình ở lại Lào Cai, ở vùng đất bình yên, còn hơn về đây, ngồi một ghế rất nóng?
 
Tôi không ân hận gì cả. Mỗi công việc được giao đều cảm thấy quá nhiều việc phải làm và việc nào tôi cũng đều làm hết trách nhiệm. Tôi đã trải qua rất nhiều cương vị, từ lãnh đạo doanh nghiệp nông trường, lên Ủy ban Kế hoạch rồi sang làm bí thư huyện, quay về làm ở ban Đảng, Ủy ban Kiểm tra, xong lại làm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Chủ tịch tỉnh và Bí thư.
 
Ở cương vị bộ trưởng, công việc vất vả thật nhưng nếu những vất vả đó đem lại lợi ích cho đất nước thì mình không nề hà gì cả, còn nếu vất vả lặn lội vô ích thì quả thật cũng đáng tiếc.
 
Khi ông kể câu chuyện có vụ trưởng nói việc ông thúc đẩy ra luật Đầu tư công giống như “lấy đá ghè chân mình”, nhiều độc giả nói rằng: Bộ trưởng cứ lấy đá ghè chân mình đi, ông làm như thế vì dân vì nước thì chúng tôi sẽ ở cạnh ông, nếu bộ trưởng có què chăng nữa thì người dân sẽ dìu ông đi...
 
Tôi nghĩ đấy là lời động viên khuyến khích, cũng là một đòi hỏi, nghĩa là mình phải tiếp tục chứ không dừng lại.
 
Luật Đầu tư công có thể chưa hoàn thiện nhưng chắc chắn sẽ chế tài được rất nhiều chuyện đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát hiện nay. Đấy sẽ là đóng góp nho nhỏ của Bộ, còn phải làm nhiều việc tương tự như vậy. Và không chỉ “ghè” trong lĩnh vực này mà rất nhiều lĩnh vực khác cũng cần tự đổi mới.
 
Ví dụ, chương trình mục tiêu quốc gia cũng chưa hiệu quả. Vượt qua cái này cũng phải rất dũng cảm, vì nó liên quan 8 bộ quản lý, 16 chương trình và các bộ đều muốn dự chương trình này cả, tràn lan quá, vốn ít lại phân tán. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải thuyết phục, cuối cùng được các bộ, địa phương đồng tình và tập thể Chính phủ rất đồng tình, có thể nói còn lại chỉ 1, 2 chương trình thôi.
 
Hay trong ODA, FDI cũng thế, sử dụng vốn vay của nước ngoài phải nhận thức đó là nợ thế hệ sau phải trả. Dùng thế nào cho hiệu quả, vì số tiền lớn kinh khủng lắm. Trước đây nhận thức khác nên chúng ta quản lý chưa được tốt lắm. Hiện nay Thủ tướng đang chỉ đạo là làm sao siết chặt những lĩnh vực cần vay và lĩnh vực nào không cần vay.
 
Nếu chúng ta cứ làm tốt theo đà này thì dần dần tham nhũng, tiêu cực sẽ là thiểu số. Chứ không phải ra đường ngã không có ai nâng, cướp giật trên đường cũng là bình thường thôi, tai nạn chết người cũng là bình thường thôi, cái gì cũng bình thường thôi thì rất nguy hiểm.
 
Bộ trưởng mong chờ điều gì nhất cho năm 2014?
 
Điều tôi mong muốn là Đảng, Chính phủ và Quốc hội chỉ đạo các cơ quan ngay lập tức đánh giá lại thực trạng Việt Nam đang ở đâu, những gì đã được và chưa được, đặc biệt là cải cách hành chính, cải cách thể chế và cải cách kinh tế. Đây là điều tôi tâm huyết nhất và rất muốn chúng ta đưa ra được lộ trình để thực sự cải cách thể chế, 1 trong 3 đột phá lớn nhất.
 
Đó là trọng tâm để tạo ra tái cấu trúc thật sự nền kinh tế. Trong 2 năm chúng ta phải soạn thảo được khung pháp lý thay đổi những nội dung này, đưa được vào nghị quyết của Đảng nhiệm kỳ tới, đưa được vào những chiến lược phát triển kinh tế cũng như kế hoạch 5 năm.
 
Với những giải pháp cụ thể, biện pháp chỉ đạo quyết liệt, tôi chắc chắn đất nước trong nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều chuyển biến tốt. Nếu không làm được điều đó thì vẫn là chuồn chuồn đạp nước. Nói nhiều làm ít thì tôi lo lắng cho tương lai của đất nước. Nhưng tôi luôn tin vào tương lai của dân tộc mình.
 
Tại buổi thảo luận tổ Quốc hội chiều 18.11.2013 về dự luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã khẳng định luật Đầu tư công là cần thiết.
 
Ông cho hay các quy định trong Luật Đầu tư công sẽ quy trách nhiệm cụ thể, ai làm chủ trương sai thì người đó chịu trách nhiệm và có chế tài xử lý. Các dự án phải thẩm định có đủ tiền mới được làm, không đủ tiền không được làm.
 
Mỗi tỉnh hàng năm nên dự trù vốn đầu tư công, trình danh mục dự án và có báo cáo cụ thể về tính khả thi cụ thể từ sự cần thiết, tổng vốn chi và khả năng chuẩn bị vốn, hạ tầng kỹ thuật cơ sở thực hiện, hiệu quả kinh tế - xã hội để trình cơ quan thẩm quyền xét duyệt.
 
Nếu tiền của địa phương thì địa phương tự quyết do Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Nếu dự tính sử dụng tiền của trung ương thì Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và báo cáo Thủ tướng.
 
Nếu đó là nhóm công trình đặc biệt quan trọng (như công trình nhóm A có số vốn lên tới 20.000-30.000 tỉ đồng) phải trình quốc hội đánh giá khả thi, bao giờ quyết định 100% cần làm mới làm.
 
Chuẩn bị kế hoạch đầy đủ, khả thi dựa trên cơ sở ngân sách không chỉ doanh nghiệp khỏe, Chính phủ khỏe, địa phương cũng khỏe, chủ động vì không nợ đọng, mà linh hoạt trong đầu tư.