ANTĐ - Một phong tục đẹp đã có từ bao đời, đó là vào những ngày đầu tiên của năm mới, có thể chọn ngày đẹp, hợp tuổi, cũng có thể chỉ cần cảm xúc là đủ… nhiều văn nhân, trí thức vẫn giữ tục khai bút đầu xuân.
Hình ảnh Hà Nội xưa cùng ông đồ cho chữ đầu xuân- đồ họa 3D
Theo Từ điển tiếng Việt- Viện Ngôn ngữ 1994 cắt nghĩa: “Khai bút: Cầm bút viết hoặc vẽ lần đầu tiên vào dịp đầu năm theo tục xưa. Đầu năm khai bút. Câu thơ khai bút”. Xưa mỗi dịp đầu năm mới, sau giao thừa, hoặc sớm ngày mùng 1 là thời điểm thích hợp để khai bút. Án thư, nghiên mực, bút lông, giấy hoặc lụa đã sẵn sàng. Trước khi bắt đầu nghi thức, người xưa không quên đốt trầm. Khói trầm bay, hòa quyện cùng thời khắc thiêng liêng của năm mới, khiến cả không gian thêm phần nghiêm cẩn. Nội dung của khai bút thường thể hiện ước vọng cho một năm mới, có khi những ước vọng đó được thể hiện qua một bài thơ, khi thì là một câu đối, hoặc chỉ đơn giản là lời chúc cho bản thân, hoặc cho những người thân yêu của mình. Tất nhiên, đã là khai bút đầu xuân, người ta thường hướng đến những gì vui vẻ và tươi đẹp. Ai cũng muốn “tống cựu nghênh tân”. Ai cũng mong xua đi được những điều vừa cũ kỹ, vừa phiền muộn, những hẹp hòi không đáng có, những lận đận chẳng đâu vào đâu, để mở ra một cánh cửa bao la hơn, hướng tới những điều hoàn hảo và tròn trịa hơn.
Việc khai bút giờ đã khác xưa. Hay nói chính xác hơn, sự phát triển của công nghệ thông tin đã khiến nhiều người thay vì khai bút thì quay ra… khai bàn phím. Những dòng chữ đầu tiên không còn được viết trên giấy điều, hay lụa trắng rồi trịnh trọng treo lên tường nhà, hoặc “hóa” để trời đất chứng giám mà giờ được chia sẻ trên mạng xã hội. Vẫn là một bài thơ, một lời ước vọng… nhưng những điều đó không còn là tâm niệm của cá nhân, đổi lại họ sẽ được nhận rất nhiều chia sẻ, rất nhiều bình luận, và cả những lượt nhấn “like” (thích).
Cũng với ước vọng này mà mỗi ngành nghề, chẳng riêng gì văn sĩ, trí thức, những người quanh năm sống bằng con chữ, mỗi người, mỗi nghề đều có cách “khai bút” của riêng mình, bởi điều này còn bao hàm nghĩa rộng hơn cả, khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp...
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Vẫn luôn giữ nếp
Nhiều năm qua, tôi vẫn luôn giữ tục khai bút đầu xuân. Năm nay tôi khai bút bằng một vở kịch mang tên “Tâm bão” nội dung nói về bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Đó cũng là chủ đề tôi sẽ tập trung cho các tác phẩm của mình trong năm Giáp Ngọ này. Tôi thường định hướng chủ đề cho cả năm. Ví như năm 2013 vừa qua là chủ đề “Vận hội năm rồng”. Hay như dịp kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa, nội dung là “Cánh đào báo tiệp” và đặc biệt là “Chiến tụng Đống Đa phú” được hoàn thành vào đêm 4, rạng sáng mùng 5 Tết, trong đó có những câu như: “Dân Việt ở quê hương hay kiều bào xa nước/Chỉ một hướng nhìn tương lai trong thế trận Diên Hồng/ Một tâm nguyện vì giang sơn gấm vóc/ Giữ cho muôn đời bất diệt: Việt Nam!
Tác phẩm “Ngẫu hứng Giáp Ngọ” của nhà văn Trần Nhương Nhà văn Trần Nhương: Không làm thơ thì tôi…vẽ
Năm nào tôi cũng khai bút vào đúng thời điểm giao thừa. Có năm thì viết, năm thì làm một bài hay một vài câu thơ. Năm thì đưa lên mạng xã hội để cùng chia sẻ với bạn bè. Cũng có năm chỉ giữ cho riêng mình. Hai năm trở lại đây thì tôi khai bút cùng giá vẽ. Thời khắc năm mới ngồi bên giá vẽ cho tôi nhiều cảm xúc. Năm nay, tôi đón Giáp Ngọ bằng một bức tranh ngựa.
Nhà thơ Bình Nguyên Trang: “Giọt mưa xuân tràn vào cây bút”
Tôi vẫn giữ cho mình lệ khai bút đầu năm. Với tôi, thời điểm đầu tiên của năm mới luôn thiêng liêng. Tôi cũng không quá cầu toàn như phải xem ngày xem giờ thì mới viết lách mà phần nhiều dựa vào cảm xúc. Cảm xúc, tâm trạng của mình thế nào thì viết thế. Năm nay, tôi đã khai bút bằng những dòng thơ thế này : “Mùa về trên vai xanh như mắt anh nhìn em /Trong như mắt anh nhìn em/ Giọt mưa xuân tràn vào cây bút/ Em vẽ tình anh lên trời...”
Quỳnh Vân