Trang chủ » Tin văn và...

iNói dối tràn lan đang trở thành vấn nạn xã hội

Hà Hương
Thứ năm ngày 23 tháng 1 năm 2014 4:15 PM

Buổi tọa đàm thu hút 47 đại biểu thảo luận ở các vấn đề liên quan đến giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội đối với việc hình thành nhân cách của trẻ em VN.

Người lớn nói dối, trẻ em noi theo


Một điều tra tại châu Á cho thấy 55-57% các bậc cha mẹ không dành nổi thời gian một giờ/ngày cho con cái. Và điều đó cũng dẫn đến hệ quả việc giáo dục con cái họ được khoán trắng cho nhà trường. Như một tâm lý chung, cả xã hội đặt gánh nặng giáo dục thế hệ tương lai cho nhà trường, học sinh nặng gánh học hành, thầy cô giáo cũng nhiều áp lực. Theo các chuyên gia, nếu không dỡ bỏ gánh nặng này thì mãi mãi việc giáo dục nhân cách văn hóa con người VN sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn, không có lối ra.

Ông Hoa Hữu Vân
 


Bà Lê Thị Bích Hồng (phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo T.Ư) cho biết: “Một khảo sát đã được thực hiện trên đối tượng học sinh, sinh viên tại 30 trường học trong cả nước cho thấy một bức tranh cực kỳ nguy hiểm. Nói dối ngày càng tăng dần. Trẻ em nói dối ít, nhưng càng lớn càng nói dối nhiều hơn”.

Cùng quan điểm, nhà giáo Nguyễn Quang Kính (nguyên chánh văn phòng Bộ GD-ĐT) cho rằng nói dối tràn lan đang trở thành một vấn nạn của xã hội VN. “Đạo văn, tiêu cực thi cử mà gọi là bệnh thành tích thì vẫn là sang miệng quá. Nếu giáo dục không khắc phục được lỗi này thì không còn là giáo dục nữa. Nhà trường sẽ thế nào khi xung quanh xã hội nói dối nhiều quá. Nếu nhà trường không khai tử được bệnh nói dối này thì thật là một tai họa cho xã hội. Đến chỗ cần nói thật mà vẫn nói dối thì thôi rồi” - ông Kính nói.

Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra rằng nếu người lớn vẫn tiếp tục nói dối thì trẻ em tất yếu sẽ theo gương. Một chuyên gia đến từ Viện Khoa học giáo dục VN cho rằng: người lớn phải là tấm gương ở gia đình, nhà trường, xã hội nhưng việc này lại bị chính họ bỏ quên. Ông Bùi Văn Linh (phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên - Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng: ở ngã tư, đèn đỏ chỉ còn vài giây thì người lớn đã lao lên rồi, họ tước đoạt quyền của người khác một cách trắng trợn. Trên xe thì luôn luôn có trẻ em. Dĩ nhiên trẻ em sẽ nhìn vào hành động của bố mẹ để làm theo. Dù là việc nhỏ nhưng sẽ dẫn đến những thói quen, cách cư xử không hề nhỏ. Đó là một thực tế đáng báo động.

Hệ quả của một quá trình giáo dục

“Văn hóa xuống cấp, tâm lý bất an ngày càng lan rộng trong xã hội. Ngay giữa đời sống được coi là văn minh này thì có nhiều biểu hiện thô lậu, hoang dã, bạo lực tràn lan. Sáng nếu giở báo ra đọc thì cũng vẫn những câu chuyện này. Nếu lên báo mạng thì còn kinh hơn. Chúng ta đang sống trong giai đoạn mà mọi giá trị đều bị đảo lộn. Nói thì hơi ghê nhưng không quá chút nào” - nhà giáo Nguyễn Quang Kính nhấn mạnh.

“Trong nhà trường, tính cưỡng chế, áp đặt của giáo dục nhiều quá. Chúng ta hướng đến việc giáo dục con người độc lập nhưng thầy lại muốn trò học theo, nói theo, nếu nói chệch ra ngoài ý thầy thì sẽ bị điểm kém. Bệnh này không chỉ có ở nhà trường nhưng nếu nhà trường không thoát ra được thì hỏng bét” - ông Kính nói.

“Câu đầu tiên của rất nhiều ông bố bà mẹ hỏi khi con từ trường học về là hôm nay được mấy điểm. Cả xã hội coi trọng bằng cấp, thành tích và lao vào cuộc đua theo nó mà quên mất những điều đơn giản nhất, kể cả việc dạy cho đứa trẻ cách thưa gửi, chào hỏi. Còn ở trường, chương trình giáo dục đạo đức trong hơn 30 năm nay lãng quên giáo dục những điều thiết thân. Thầy cô dạy những điều quá lớn lao mà quên đi những vấn đề nhỏ nhất, đó là học về nhân cách. Để tình trạng như hiện nay cũng là hệ quả của một quá trình giáo dục dài trong gia đình và nhà trường” - ông Hoa Hữu Vân (Vụ Gia đình - Bộ VH-TT&DL) khẳng định.

Theo nhà giáo Nguyễn Quang Kính, thực trạng này chỉ có thể thay đổi khi có sự thay đổi toàn diện trên các lĩnh vực: “Đổi mới giáo dục là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Muốn đủ thì phải đổi mới căn bản các lĩnh vực khác. Phải đổi mới rộng hơn mới giải quyết được vấn đề, nếu không chúng ta lại lâm vào tình trạng múa tay trong bị”.

HÀ HƯƠNG