VTN - Danh họa Nguyễn Gia Trí vừa được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - Giải thưởng danh giá nhất về Văn học Nghệ thuật cho những công trình nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền nghệ thuật nước nhà. Đây không chỉ là niềm vinh hạnh của cá nhân và gia đình danh họa, mà còn là niềm phấn khởi, tự hào cho Hội Mỹ thuật Việt Nam và những người yêu mến nhân cách nghệ sỹ Nguyễn Gia Trí.
Sinh thời, danh họa Nguyễn Gia Trí được nhiều thế hệ họa sỹ vẽ chân dung để tỏ lòng sùng kính, bái phục người đứng đầu “Tứ Tượng” trong hội họa Việt Nam: nhất Trí, nhị Lân, tam Vân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, và Trần Văn Cẩn). Ba họa sỹ đương đại Bùi Quang Ngọc, Lê Đại Chúc và Đinh Quang Tỉnh là những người vẽ nhiều tranh chân dung Nguyễn Gia Trí thành công nhất. Với tuệ nhãn nghệ thuật độc lập, mỗi họa sỹ thể hiện sắc diện Nguyễn Gia Trí bằng xúc cảm riêng: Bùi Quang Ngọc thì chắt lọc từ ký họa, ghi chép, hồi cảm rồi biểu đạt những nét tài hoa và tự tin để tạo nên dung mạo Nguyễn Gia Trí cô đọng và ấn tượng; Lê Đại Chúc, đối diện với khung toan trắng là hình ảnh “bác” Nguyễn Gia Trí gần gũi, thân thương, nhất là đôi mắt thăm thẳm buồn, hối thúc ông phiêu linh cùng sắc màu, ngẫu hứng và khoáng đạt; Còn Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) lại thể hiện Nguyễn Gia Trí bằng cách bấu víu vào những bức ảnh tư liệu ít ỏi, nâng niu chắt chiu từng đặc điểm, từng chi tiết tinh tế quyện thành chất liệu hội họa để thổi hồn vào một Nguyễn Gia Trí hiển hiện với đôi mắt u hoài, buồn lặng…
Chúng tôi xin giới thiệu một số tranh chân dung Nguyễn Gia Trí và đôi nét về các tác giả Bùi Quang Ngọc, Lê Đại Chúc và Đinh Quang Tỉnh:
Họa sỹ Bùi Quang Ngọc là người may mắn và hạnh phúc vì có cơ duyên được gặp và nhiều lần trực tiếp ký họa Nguyễn Gia Trí, ông sáng tác tới 5 bức sơn dầu về danh họa (trong đó có một bức do gia đình danh họa đặt vẽ); 34 bức ký họa, ghi chép… trong đó có 3 bức mang nhiều kỷ niệm, ông trân trọng giữ lại cho riêng mình. Tranh của Bùi Quang Ngọc vẽ Nguyễn Gia Trí là sự chắt lọc đường nét, gạn tìm những đặc điểm tiêu biểu nhất để biểu đạt dung mạo, thần sắc, nhất là đôi mắt trầm buồn nhưng vẫn giữ được nét ung dung tự tại của bậc kỳ tài.
Bùi Quang Ngọc là một cây cọ đa tài, nhưng có duyên vẽ chân dung. Vì vậy, những tác phẩm đặc sắc nhất của ông cũng là tranh chân dung vẽ những nghệ sĩ cùng thời: Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Hữu Loan, Thái Bá Vân, Lưu Công Nhân v.v… Đây là những tác phẩm thực sự xứng đáng đứng ở đỉnh cao của “chủ nghĩa hiện thực” trong hội họa Việt Nam đương đại.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân khi xem triển lãm tranh chân dung của Bùi Quang Ngọc đã viết những dòng cảm nhận đầy ấn tượng: “Những gương mặt danh nhân hiện lên trong vẻ thanh cao thẩm mỹ do họa sĩ áp đặt, trong cái tiều tụy đời thường mà họa sĩ nhìn thấy và trên hết trong sự cô đơn hiển nhiên mà họa sĩ chia sẻ một cách chân thực. Ai không từng gặp các nhân vật trong các chân dung sẽ muốn làm quen với những người kỳ lạ ấy. Ai đã từng gặp họ sẽ tin rằng hồn nghệ thuật của họ vẫn vương vấn đâu đây...”
Đúng là “duyên kì ngộ” mà Họa sỹ Lê Đại Chúc bỗng trở thành người thân của gia đình danh họa Nguyễn Gia Trí, vì cha Lê Đại Chúc là thi sĩ Lê Đại Thanh (1907-1996) - Nhà thơ, nhà viết kịch thuộc thế hệ những nghệ sĩ đầu tiên của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại, là bạn vong niên của danh họa Nguyễn Gia Trí. Bởi vậy, trong lần gặp đầu tiên, khi biết người thanh niên tài hoa, tuấn tú đứng trước mình là con trai của người bạn chí cốt Lê Đại Thanh, thì cụ Nguyễn Gia Trí vô cùng mừng rỡ như được gặp lại người ruột thịt sau mấy chục năm ly tán. Lê Đại Chúc gọi danh họa Nguyễn Gia Trí bằng “bác”, cách hành xử thân tình của con nhà danh gia vọng tộc xứ Bắc.
Từ đó, Lê Đại Chúc được xem là thành viên của gia đình cụ Nguyễn. Ông có diễm phúc là một trong những người được chứng kiến giây phút giã từ cõi đời của danh họa - Gương mặt buồn, lặng yên mà thanh thản ấy đã hằn sâu trong trí nhớ của Lê Đại Chúc làm nên thần thái Nguyễn Gia Trí, ẩn chứa một nỗi buồn sâu thẳm, vầng trán và chòm râu sáng trên nền nâu sẫm, pha chút phớt hồng như thể đẩy nỗi buồn càng buồn hơn. Phải là người thấu hiểu tâm can của Nguyễn Gia Trí đến tột độ, mới có thể vẽ chân dung của cụ có hồn đến như vậy.
Nếu tính mốc khởi đầu là 1992, Lê Đại Chúc đã có 20 năm lao động nghệ thuật, lượng tranh sơn dầu của ông đã lên tới con số hàng ngàn, từ tranh phong cảnh, biểu hình tới tranh trừu tượng… Trong đó đặc biệt có đến cả trăm bức chân dung, tất cả đều lột tả được thần sắc riêng biệt của từng người, ấn tượng qua từng đôi mắt đã hút hồn người xem và nhận ra sức mạnh nội tâm, cái hồn vía của nhân vật trong tranh, mỗi bức một phong cách thể hiện khác nhau, những đường nét phóng túng, táo bạo “vẽ như chơi, như đùa”, sắc độ chát chúa, đối nghịch nhưng lại hòa quyện vào nhau làm nên vẻ đẹp bất ngờ mà sang trọng cứ ám ảnh và quyến rũ người xem như một ma lực. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gọi Lê Đại Chúc là “Vua chân dung” cũng bởi lẽ ấy.
Người thứ ba mà chúng tôi nói tới là Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh); Mặc dù sau giải phóng miền Nam ông sống và làm việc nhiều năm tại thành phố Hồ Chí Minh, trong lòng luôn khát khao được một lần gặp danh họa Nguyễn Gia Trí, nhưng không có diễm phúc ấy, đó là nỗi tiếc nuối nhất trong đời cầm cọ của ông. Với ông - Nguyễn Gia Trí là thần tượng, những tác phẩm của danh họa để lại cho đời là vị Thánh tinh thần, đã tiếp lửa và dẫn dắt ông đi theo con đường hội họa. Niềm tin và khát vọng đã giúp ông chưng cất từng đặc điểm từ những bức ảnh quý hiếm để rồi hình dung ra một Nguyễn Gia Trí thông tuệ và phi phàm của riêng mình và ông đã “chép” lên toan dung mạo ấy trong men say và mỹ cảm hội họa của người nghệ sĩ - Tác phẩm này là một trong những tranh chân dung đặc sắc nhất của Đinh Quang Tỉnh trong Triển lãm mang tên “Bản diện kim cương bất hoại” trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam năm 2009, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Kỳ nhân điêu khắc Phạm Văn Hạng khi đến dự khai mạc triển lãm đã trân trọng nâng ly rượu trước chân dung Nguyễn Gia Trí rồi “hạ” mỗi một chữ “Tuyệt”. Trong lưu bút ông viết cô đọng mấy từ sau: “Màu và tâm tịnh qua Nguyễn Gia Trí và Văn Như Cương - Tuyệt”. Quả thật, để nhận được chỉ một từ khen ấy của Phạm Văn Hạng, Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh đã phải cần mẫn lao động nghệ thuật cả một đời.
Hơn 10 năm nay, Đinh Quang Tỉnh chỉ chuyên vẽ tranh chân dung, mà chủ yếu là chân dung Văn nghệ sĩ. Ông quan niệm vẽ tranh chân dung bằng màu dầu cũng giống như nhà văn viết tiểu thuyết về thân phận con người vậy. Nhà văn có thể mặc sức khai thác mọi ngóc nghách thân phận con người, còn người họa sỹ thì bằng gam màu, sắc màu tối sáng có thể mặc sức miêu tả trạng thái nhân vật, trực tiếp hoặc ẩn dụ, bay bổng phóng khoáng hay trầm lắng suy tư, thậm chí có thể vẽ từ trong khóe mắt đến sâu thẳm tâm hồn nhân vật mà mình yêu thích. Chỉ sợ có cảm xúc nhưng tài năng lại vơi cạn, hoặc có tài năng nhưng không có cảm xúc thì không thể sáng tạo ra tác phẩm, còn tiềm năng của màu dầu là vô hạn.
Những chân dung Văn nghệ sĩ do ông sáng tác được giới thiệu minh họa phim tài liệu, trên sách, báo, tạp chí, website…trong và ngoài nước như một sự chọn lựa hình ảnh tiêu biểu cho nhân vật nổi tiếng: chân dung Nguyễn Tuân, Nam Cao, Văn Cao, Nguyễn Gia trí, Trịnh Công Sơn, Thái Bá Vân, Nguyễn Quang Sáng, Bùi Giáng…được phổ biến rộng rãi.
Đinh Quang Tỉnh đam mê vẽ, rồi tổ chức triển lãm, tặng tranh, bán tranh… quảng giao, viết và uống rượu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của ông. Nhà thơ Nguyễn Duy từ Sài Gòn “bay” ra Hà Nội dự khai mạc triển lãm của Đinh Quang Tỉnh đã tặng một câu thơ làm chứng rằng: “Trăm năm chơi một cuộc này/ phải là Ba Tỉnh, bảy say mới thành” - quả đúng là Ba Tỉnh./.
Vũ Thanh Nhàn
(TCCS)
1/ CHÂN DUNG DANH HỌA NGUYỄN GIA TRÍ
Tranh sơn dầu của Bùi Quang Ngọc
2/ CHÂN DUNG DANH HỌA NGUYỄN GIA TRÍ
Tranh sơn dầu của Lê Đại Chúc
3/ CHÂN DUNG DANH HỌA NGUYỄN GIA TRÍ
Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh)