Trang chủ » Trần Nhương giới thiệu

LỬA ĐẮNG, TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN BẮC SƠN

Nguyễn Bắc Sơn
Thứ bẩy ngày 25 tháng 4 năm 2009 7:51 AM

TNc: Bắt đầu từ ngày 25-4-2009, trannhuong.com sẽ giới thiệu với bạn đọc tiểu thuyết LỬA ĐẮNG của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn. Ông vốn là hiệu phó trường Chu Văn An Hà Nội. Đi lính rồi về công tác tại Sở Văn hóa Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Gần đây ông liên tục cho ra nhiều tiểu thuyết như
 Luật đời cha và con, Lửa đắng. Tiểu thuyết Luật đời đã được dựng phim và là một phim hay trong thời gian vừa qua.Trannhuong.com sẽ cho đăng tải lần lượt từng chương của tiểu thuyết Lửa đắng trong chuyên mục Trần Nhương giới thiệu.


 


 
Chương một


Những ngày làm nhà, Kiên phải nhờ một người bạn, kĩ sư xây dựng, giám sát thi công. Thỉnh thoảng anh mới đảo qua. Chiều nay anh tạt qua trường vợ rủ Tần cùng đến nhà đang xây. So với cơn sốt xây nhà ở Thanh Hoa thì họ quá chậm. So với thiên hạ thì nhà của vợ chồng anh không to, không sang, không đẹp bằng. Kiên bảo vợ, tùy tiền biện lễ. Mình xây để ở chứ có phải để cho thuê đâu. Chỉ riêng thiết kế phí đã mất hàng chục triệu rồi. Chả chơi. Thiên hạ không biết dùng tiền làm gì mới vẽ vời kiểu cách được. Đằng này vợ chồng Kiên bán căn hộ lắp ghép mua lại mảnh đất của một ông Vụ phó Vụ Kế hoạch một bộ bán lại. Tiền xây thì ông bà Hòe cho. Vừa xoẳn. Sắp được ở nhà mới rồi. Khi nào xong, dọn đi người mua mới nhận nhà.
Tần đã chuẩn bị xong bữa tối. Một đĩa thịt lợn kho dừa. Nước hàng làm cho miếng thịt, miếng dừa mang một thứ màu đặc trưng thật hấp dẫn. Nồi riêu cá là món anh thích nhất. Kiên thích riêu cá nấu mẻ. Tần không mua cả con, nhà ít người ăn không hết. Chị mua hai cái đầu chép, một bộ lòng và một buồng trứng. Chị để con ngồi một bên đầu nồi, mình một bên. Tần muốn dạy con gái phải biết đón bát bố vừa hết cơm; bát canh vơi phải biết đứng lên mang bát đi múc tiếp chứ không được bê xoong ra trút vào, phải biết gắp miếng ngon cho bố mẹ v.v…
Chị xắn buồng trứng làm ba, gắp cho chồng, cho con, mình làm miếng nhỏ. Anh gắp trả lại: “Em ăn hộ anh. Ăn gì bổ nấy mà”. Anh thích ăn lòng cá, trong khi vợ con lại không đụng đũa. Anh khen nó bùi, béo, mà mỡ cá lại dễ tiêu hóa, chứ không như mỡ gà, lợn… Đầu cá trông xương xẩu thế nhưng lại có những chỗ rất mềm, rất ngon. Anh gỡ bốn khối thịt trên lưng, sát xương đầu và phía bụng, sát với mang cá cho vợ con, còn mình “xung phong” vào khối thịt màu gan gà, đặc và dẻo, cái miệng cá sần sật, béo béo; cái nước óc đặc ngọt như nước mì chính. Kiên ăn một cách ngon lành. Tay cầm cả khối xương đầu đưa lên miệng. Đã nhiều lần anh bảo: ăn với vợ con ở nhà, dù không có những món sang trọng, đắt tiền, nhưng ngon hơn hẳn ăn chiêu đãi. Không chỉ vì ý nghĩa tình cảm gia đình, được thoải mái tự nhiên, mà còn vì mình ăn của mình chứ không phải ăn do người khác mời. Miếng mời là miếng nợ, có khi còn không há miệng được kia, vì bị mắc quai rồi. Các buổi chiêu đãi thì chuyện trò, giao tiếp là chính.
Thùy Dương hỏi:
- Thế ăn cơm khách, nếu có món riêu cá như mẹ nấu thế này, bố có ăn không?
Đúng ra, ý nó là, bố có ăn như đang ăn trước mặt hai mẹ con không?
- Ấy đấy, cái khổ của bữa cơm không phải cơm gia đình là thế đấy. Thường là không có đầu cá thế này. Mà giả dụ có, cũng không dám ăn thoải mái như ở nhà. Phải giữ ý con ạ. Con thấy đi dự chiêu đãi về, bố vẫn phải ăn cơm mẹ phần đấy thôi.
Chị bảo con gái:
- Con sang đấy phải tìm hiểu phong tục tập quán người ta, mà ứng xử cho phù hợp nhé.
Kiên gắp nốt miếng trứng cá cho vợ:
- Ăn đi nào. Em phải chuẩn bị sức khoẻ cho nhiệm vụ trọng đại mà chỉ em làm được thôi.
Chưa bao giờ anh thấy bằng lòng với cuộc sống gia đình như bây giờ.
Con gái, sau khi giành giải nhất cuộc thi Đường lên đỉnh Ôlimpia khu vực phía Bắc đã đi du học Pháp nhờ một suất học bổng.
Vợ chồng dọn về nhà mới, ba tầng, trên diện tích hơn năm mươi mét vuông. So với căn hộ thấp lè tè tầng năm một khu lắp ghép hộp diêm là thiên đường rồi. Vui nhất là chồng vừa mới được phục hồi chức vụ. Cũng không có gì ghê gớm. Nó chỉ là khẳng định sự đúng đắn của một con người, rằng cái đúng phải thắng cái sai. Tần không dám nói rằng người tử tế phải thắng người không tử tế. Chuyện ở trường mình thì chị dám nói thế đấy. Còn ở tầm thành phố thì, không dám nói liều. Chỉ có Kiên mới hiểu, chuyện này đã phần nào lấy lại niềm tin cho vợ.
Buổi chiều hôm chồng được mời lên nhận quyết định xoá án kỷ luật, Tần vẫn ngồi chờ cơm chồng. Vợ thì háo hức chờ chồng nói chuyện. Chồng thì mặt cứ hơn hớn, như kẻ đào mỏ vớ được cục rubi to. Vợ bảo: “Anh kể xem họ nói thế nào!” Chồng: “Không phải kể gì cả, cứ nhìn mặt anh thì biết.” Vợ lại giục: “Thì vừa ăn cơm vừa kể vậy”. Chồng chớt nhả: “Ăn cơm làm gì… Anh chỉ muốn ăn thịt em thôi”.
Hóa ra bây giờ họ là đôi vợ chồng son. Chỉ với hai động tác, Kiên đã lột phăng váy ngủ vợ. Tấm thân tròn lẳn, ngọc ngà của vợ bày ra, hấp dẫn hơn bất cứ cái gì trên thế gian này. Sức lực Kiên tăng lên gấp bội. Anh bế xốc vợ lên, quay liền mấy vòng mới đặt xuống giường. Tần cũng không ý tứ như khi còn ở nhà cũ, lúc con gái còn ở nhà. Chị ôm xiết vai anh, cảm thấy rất rõ đang mất trọng lượng trong vòng quay dữ dội của anh. Được cái cuồng nhiệt của chồng kích thích, Tần cũng hăng lên, không ngoan ngoãn nằm yên chờ đón như mọi lần, mà đẩy bật ngửa anh ra, xô vào, cưỡi lên.
 Hổn hển. Hăm hở. Hung hăng nữa: “Em không để anh đè nén, áp bức, bóc lột mãi đâu nhé”. Hai tay ghì chặt hai cánh tay chồng dang rộng xuống giường, chị cúi xuống, nhay vào mũi, má anh. Bị những động tác mạnh mẽ của vợ kích động, anh nghiến răng: “Á à! Gớm quá nhỉ. Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!”
Miệng nói, người cong lên như con tôm, chân phải gồng lên, vặn mình đẩy vợ ngã ra. Rồi lập tức lật mình, đè nghiến vợ xuống. Hai cánh tay cũng giữ chặt hai cánh tay vợ, hệt như lúc nãy vợ đã “đè nén” mình. Đầu gật gật vẻ đắc thắng, anh ngoạc miệng: “Đây chưa phải là trận cuối cùng đâu nhé!”
 Họ nhìn sâu vào trong mắt nhau rất lâu, rồi Kiên mới xoài chân ra, đổ ập xuống người vợ.
Chưa bao giờ họ có một trận làm tình, kinh thiên động địa như thế. Cả hai người đều thấy thoả thuê, mãn nguyện. Chị gối đầu lên hốc vai chồng, nằm nghiêng để được áp cả người mình vào người anh, một bên đùi vắt lên người anh, ở nơi nhạy cảm nhất. Họ nằm như thế một lúc. Chị bỗng hỏi:
- Anh đang nghĩ gì thế?
Anh không trả lời, hỏi lại:
- Thế em đang nghĩ gì?
Chị bật người dậy, vẫn không mặc gì, lấy hai mảnh giấy dính màu vàng, hai cây bút bi:
- Anh nghĩ gì thì viết vào giấy của anh. Em nghĩ gì thì viết vào giấy của em. Xem chúng mình chung nhau đến thế nào nhé. Chẳng nhẽ chỉ chung nhau thể xác thôi à? – Chị quát như quát học trò: - Anh quay ra kia, không được nhìn trộm bài.
Như hai đứa trẻ chơi trò trốn tìm, chưa chi Tần đã hỏi:
- Xong chưa?
Anh giao hẹn:
- Ba cái gạch đầu dòng nhé!
- Đồng ý!
Một lát, Tần cao giọng:
- Xong chưa?
- Xong rồi!
Từ hai góc giường, như hai đứa trẻ vừa tắm xong, lồm cồm bò lại với nhau. Hồi hộp! Háo hức! Họ trao cho nhau mảnh giấy của mình. Tất cả tinh lực dồn cả lên đôi mắt, lướt rất nhanh, rồi cùng cười rạng rỡ. Tần reo lên:
- Có thế chứ!
Kiên vênh mặt hỏi lại:
- Sao lại không thế chứ?
Hai người cùng dang rộng cánh tay, cùng sáp người lại, cùng quấn chặt lấy nhau. Giống như ta xòe hai bàn tay ra, nhắm mắt, cùng khớp chặt hai tay lại thành một khối, không thể giằng tách ra được. Họ cùng đổ người xuống, hai đôi chân trần quấn chặt lấy thân thể nhau, cứ thế lăn tròn từ đầu đến cuối giường, rồi lại lăn ngược lại từ cuối lên đầu giường.
Hai trong ba cái gạch đầu dòng ấy khớp nhau.
*
Một trong hai cái gạch đầu dòng ấy là việc hôm nay, vợ chồng Kiên mời ông bà ngoại và nhà bác Đại đến ăn cơm mừng nhà mới.
Cu Thành ngồi gọn lỏn trong lòng bà Phụng. Tay nó mân mê tai bà. Mỗi lần nó về, người đầu tiên được quyền bế nó là bà nội. Sau đó đến ông nội, rồi mới đến người khác. Mà mỗi người cũng chỉ được quyền “hưởng thụ” nó một lúc thôi, rồi phải trả về cho bà. Bà Phụng cho mình cái quyền chiếm hữu nó. Tất cả thành viên trong gia đình đều thừa nhận quyền ấy. Bà nựng nó, thơm má, thơm tay, thơm chân, thơm cả quả ớt tí xíu của nó. Không no. Không chán. Nó ngồi trong lòng thì bà cúi xuống, hít lấy hít để cái đầu trọc của nó. Bà bảo, kiểu cắt trọc của mẹ Linh thế này là đẹp nhất. Nghĩa là nó đã từng được để tóc. Nó để tóc cũng đẹp, nhưng cắt trọc còn đẹp hơn. Tất cả đường nét trên khuôn mặt nó đều đẹp. Những đường nét đẹp ấy, kết hợp hài hòa, cân đối với nhau càng tuyệt vời. Tất cả cứ ngời lên như thiên thần trong tay bà.
Đại nhìn mẹ bế cu Thành, trêu:
- Con gửi bà trông nó một hôm nhé.
- Thật không? Hay bố nó lừa bà?
- Con chỉ sợ đêm nó khóc, đòi đi tè làm bà mất ngủ.
- Thì bà đóng bỉm cho nó. Thế ngày xưa, nuôi anh, chưa có bỉm thì tôi cũng để anh tè ra chăn chiếu chắc?
Linh làm bếp, thỉnh thoảng lại quay ra nhìn hai bà cháu. Sung sướng, mãn nguyện, không kém gì lúc ôm con trong lòng. Có khi còn hơn. “Nó là con yêu tinh hãm hại nhà này”. Câu nói ngày ấy, bà ném vào mặt chị như một khối thuốc độc làm chị tối tăm mặt mũi. Nhưng, “Ơn ai một chút chẳng quên. Hờn ai một chút để bên dạ này”. Chị làm theo lời hát ru của mẹ mình ngày nào. Lấy chồng, mà không được mẹ chồng thừa nhận, là nỗi cay đắng không gì bù được. Vậy mà bây giờ…. Linh biết ơn mẹ chồng, biết ơn thiên thần bé bỏng, nhờ nó mà bà mở lòng ra với mình.
Tần đang gói nem, thỉnh thoảng cũng nhìn cháu:
- Cháu mút tay kìa bà! Thành ơi, cô đây cơ mà, cười đi nào! A, cười rồi, cười nữa đi nào! Á à, hoan hô con mẹ Linh, bố Đại!
Chị thầm ước, em Thuỳ Dương rồi cũng sẽ là thằng cu, cũng sẽ là một thiên thần bé nhỏ như anh Thành nó kia. Tần quay sang chị dâu:
- Chị Linh, lấy nồi áp suất ninh sườn trước đi có hơn không?
- Tớ ninh sẵn từ nhà rồi, tớ chả bảo với cậu hôm qua là gì. Chỉ phải ngâm ít nấm hương thôi, tôm, mực rửa sạch sẽ cả rồi!
Tần sẵn mối cảm thương Kiều Linh, ngay từ khi biết rõ ngọn nguồn sự việc của cô gái này với anh trai mình. Từ ngày Linh thành chị dâu, xem nết ăn nết ở, nhất là ăn ở với chồng, mẹ chồng, thấy anh mình thực sự hạnh phúc bên cô gái bất hạnh trước kia, giờ lại sinh được thiên thần bé nhỏ này, chị càng quý mến. Là một nhà giáo, giữ đúng phép tắc gia đình, ngay từ ngày đầu Linh mới làm vợ anh mình, Tần đã một điều chị, hai điều chị. Còn Linh, kém Tần hơn mười tuổi, biết vị thế của mình, nên không bao giờ ra cái điều chị dâu, mà hạ một bậc xuống như hai người bằng vai phải lứa. Cô cứ “tớ tớ” – “mình mình” – “cậu cậu”, hoặc xưng tên. Tần cho đó là biết điều, biết mình, biết người nên càng mến chị dâu.
 Chiếc xe con xanh đen của quận ủy ghé vào sát cổng, thả Kiên xuống rồi vọt đi. Kiên về thì mọi người đã tề tựu đông đủ. Anh chào bố mẹ, vợ chồng anh vợ, rồi sà ngay đến chỗ cu Thành. Linh nhắc khéo:
- Chú Kiên rửa tay đi đã, rồi hẵng bế cháu và ăn cơm luôn. Cả nhà đợi chú đấy.
Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Quả thật một người mẹ cẩn thận lắm, mới dám nói như thế với em rể quyền chức trước mặt cả nhà. Thật đúng lúc. Thật khéo nói. Ông Hòe mát mẻ con rể, nhưng giọng lại ấm áp thân mật:
- Chủ nhà mà lại có mặt sau cùng à? Họ phải phục hồi chức vụ cho anh chỉ là bước thứ nhất thôi. Sẽ còn những bước khác ngoài ý muốn họ. Để xem tôi nói có đúng không nhé!
Kiên với bố vợ, vốn là chỗ quen thân từ nhiều năm trước. Sau này khi anh đã là con rể, hai bố con thân thiết như bạn bè. Ông cụ trách yêu đấy thôi. Anh biết vậy nên mặt tươi tỉnh, vẻ biết ơn:
- Con xin lỗi ông bà, anh chị, quả thật không thể đứng lên được. Có mấy chuyện con muốn hỏi ý kiến ông đây.
Ông Hòe cười vui. Ngay lúc Kiên bị đình chỉ chức vụ Bí thư quận ủy, ông đã bảo con rể: “Để rồi xem, mọi chuyện không dừng lại ở đây được”. Tình hình diễn biến nhanh không ngờ. Kiên rửa tay xong đến trước mặt mẹ vợ:
- Bà cho con hưởng chút quyền lợi nào!
Cu Thành chưa biết lạ quen gì. Thấy ai giơ tay ra đón là theo ngay. Trông thằng bé thích quá. Ai nhìn nó cũng muốn bế. Ông Hòe nhìn chú âu yếm cháu, đến gần con rể:
- Công việc là một chuyện. Nhưng phải đẻ nhanh lên cho ông bà một thằng cu như thế này cho vui cửa vui nhà. Có nhiều chuyện anh muốn hỏi ý kiến tôi phải không? Tôi sẵn sàng. Làm cố vấn cho doanh nhân rồi, giờ lại làm cố vấn cho quan chức chính quyền. Hay thật! Thế là ông ăn ba lương đấy cu Thành ạ…
Ông đưa ngón tay trỏ ra, khẽ chạm vào má nó. “Cái thằng cháu bé bỏng xinh xắn này. Nếu lúc ấy, ông không vượt lên trên những định kiến cũ kỹ, thì chắc gì đã có cháu hôm nay. Ông có quyền tự hào, trong nhiều quyết định quan trọng của đời mình, có cái sai, cái đúng; trường hợp này, may mắn là đúng đấy Thành ạ. Có biết không hả cu tí bé bỏng?”
Đại thấy bố đùa thế thì chen vào:
- Bố không tham thế được đâu. Làm cố vấn cho con hay chú Kiên đều được. Ai trả lương bố hậu hĩnh thì làm, nhưng chỉ một thôi bố ạ. Thứ hai bố đi thành phố Hồ Chí Minh hộ con. Vé đã mua rồi.
Kiên nhìn anh vợ gật gù:
- Em thì thua anh rồi. Nhưng, có khi bố lại thích cố vấn cho em hơn. Máu chính trị mà.
Thấy cái gì như cái cân gia đình, để ngay cạnh lối đi, Kiên định cất đi cho đỡ vướng. Anh hỏi vợ:
- Cái cân nào, để đây làm gì hả em?
Linh không dám cười:
- Đấy là cái bếp từ, tôi mang sang để nấu lẩu đấy.
Tần cười bảo chồng:
- Không biết ít nữa, anh còn xa thực tế đến mức nào?
Tần mời ông bà, hai bác vào mâm. Bà Phụng muốn bế cu Thành cho mẹ nó ăn trước. Linh đòi bế con để bà ăn cùng cả nhà. Mỗi người nói một câu, bà Phụng mới nghe. Linh đón con từ tay chú Kiên. Thế là gần hai giờ, chỉ thỉnh thoảng nhìn con thôi, bây giờ lại được ôm nó vào lòng.
Linh ngồi ở xa lông, hơi xoay lưng về phía mâm cơm. Thằng bé hít thở hơi mẹ, bàn tay bé xíu theo bản năng lần tìm, vục miệng vào vú mẹ. Nhưng không bú được. Tay nó cào cào. “Đợi mẹ cởi khuy áo đã nào, hoàng tử háu ăn của mẹ!” Cô ngả đầu con lên đùi, hai tay vòng ra sau lưng tháo móc nịt vú. Cu Thành phải chờ đợi “e e” kêu lên làm cả nhà quay lại. Linh vội nâng đầu nó lên, ấp miệng nó vào ngực mình. Nhìn cả nhà vui vẻ quanh mâm cơm, cô biết mọi người trong nhà đều cảm thông chia sẻ, quý mến cô. Cô biết ơn họ. Cô nghĩ mình phải cố rất nhiều mới xứng đáng là con dâu nhà này. Dẫu sao cũng thấy yên tâm. Điều hạnh phúc nhất là Đại yêu thương mình. Cô tự nhủ phải gắng gỏi lên để đỡ đần chồng trong công việc.
Bà Phụng đã đứng lên. Thấy con dâu cẩn thận trong việc chăm nom, săn sóc cháu mình, bà bằng lòng lắm. Đã định đón cháu ngay, chợt nhớ ra, bà đi rửa tay, rửa miệng. Lau tay xong mới ra với cháu.
- Bú no rồi chứ gì. Bà ru cháu ngủ nhé!
Linh ý tứ cài lại áo trong, áo ngoài xong mới đứng dậy. Người con gái vốn đã đẹp, giờ là người mẹ một con, có một gia đình sung túc, công việc ổn định… trông cô càng quyến rũ.
Ông Hòe bảo con dâu ngồi vào chỗ mẹ chồng. Nhưng cô xin phép, bảo chồng chuyển đến chỗ ấy, để mình thế chỗ chồng, cạnh Tần.
Lúc đầu, mặc dầu rất thông cảm với hoàn cảnh cô, nhưng Tần cũng lo cho anh trai. Không biết lấy một cô gái nông thôn, chỉ có sắc đẹp, liệu có nhập được vào gia đình thành phố? Dù xét nét theo kiểu đàn bà, Tần cũng phải thừa nhận Linh có khả năng quan sát, tự học hỏi nâng mình lên. Đúng là tự giáo dục quan trọng hơn sự giáo dục rất nhiều. Vì thế, tuy xưng em, nhưng trong cư xử, Tần đối với Linh như đối với cô em gái.
 Chị lấy đĩa nem phần Linh ra, mặc dù đĩa nem cả nhà ăn vẫn còn nhiều hơn cả đĩa nem nhỏ để phần. Tần thả một gắp cải cúc vào nồi lẩu, lấy đũa dìm xuống, đợi một tí rồi gắp vào bát chị dâu. Linh đưa bát ra, miệng nói vừa đủ nghe: “Mình xin”. Cô em chồng lại bỏ tôm, mực vào nồi, đậy vung lại. Linh nói: “Mình nhấn nút này cho chóng sôi”.
Kiên chăm chú nhìn cái bếp từ nhận xét:
- Văn minh thật! Không tỏa nhiệt như bếp cồn khô, không nguy hiểm như bếp ga du lịch, không sợ gió tạt, mà lại rẻ thì ghê thật. Cái cách đi của anh Trung Quốc hay thật đấy bố ạ. Con chưa đi Trung Quốc bao giờ, không rõ họ tổ chức, quản lí xã hội, làm kinh tế kiểu gì.
Ông Hòe ăn xong, hướng cái nhìn vào hai chị em Linh, Tần. Hai anh em Đại, Kiên nhấm nháp chầm chậm, vừa ăn vừa nói chuyện, cốt để Linh không phải ngồi một mình. Tần đang bóc tôm cho chị dâu. Đại thấy cả nhà yêu thương vợ mình, quý hóa con trai thì hả hê lắm. Nghe Kiên hỏi, ông bạn – bố vợ đưa ra ý kiến:
- Anh muốn biết họ làm gì để có hàng rẻ mà tiện thế này thì phải tìm hiểu. Để hợp với mức sống của đa số dân ta, họ đưa sang hàng địa phương thôi. Còn hàng Thượng Hải, Bắc Kinh thì xuất sang Mỹ và các nước khối EU. Loại ấy, chất lượng ngang ngửa thế giới. Bây giờ họ đã trở thành công xưởng thế giới rồi. Nay mai sẽ là nông trại thế giới đấy. Anh tìm đọc tạp chí Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc sẽ nắm được cơ bản về cách làm kinh tế của họ.
Nhưng theo bố, với công việc của anh, nhất là đề án cải tiến phương thức lãnh đạo, cần tìm hiểu cái cách quản lí điều hành xã hội của họ. Nên đi tham quan học hỏi. Họ gần mình, văn hóa đại thể giống mình, họ phát triển đến mức, giờ phải kiềm chế một số lĩnh vực phát triển nóng, đủ biết họ giỏi thế nào.
Đại chen vào:
- Trong kinh doanh làm ăn, bọn con hơi ngại anh Tầu. Họ khôn lắm.
Ông bố không tán thành:
- Anh nói lạ: khôn sống, mống chết! Ai bảo anh không khôn bằng họ? Làm ăn với nhau phải đúng luật. Không chơi đúng luật, người ta tẩy chay anh, thậm chí họ xúm lại trừng phạt anh. Cái anh WTO, vì sao mình chật vật mãi chưa vào được, là bởi mình chưa chơi đúng luật. Một trong những luật ấy là phải lấy chữ tín làm đầu. Nói khác đi là phải giữ được thương hiệu. Bây giờ thế giới còn định ra tiêu chí cho thương hiệu quốc gia kia mà.
Bố biết, có tay xuất lông vịt sang họ. Chỉ thu mua lông vịt xuất đi mà lãi ơi là lãi. Nhưng quen thói gian dối, chụp giật, hắn mới nghĩ ra cách trải lông vịt ra đất ẩm, phun bột đất sét vào. Họ biết tỏng tong, nhưng mà cứ nhận, về xử lí ngay, lông vẫn dùng được. “Tay lông vịt” nhà ta, yên trí, gom thật nhiều hàng, lại làm trò ma bùn, rồi mới chở sang. Họ lấy cớ bận bịu gì đó, hãm lại mấy ngày. Cả một đống hàng biến chất, hỏng hoàn toàn. Đối phương cười, lẽ ra còn phải bắt các anh bồi thường vì đã không thực hiện đúng hợp đồng cung cấp hàng cho chúng tôi đấy nhé.
Ông quay sang con rể:
- Nếu có tham quan Trung Quốc, anh nên tìm hiểu việc này, nó sẽ rất bổ ích cho công việc của anh. Ở ta, một thời nhập hai, thậm chí ba tỉnh lại thì giải thích là để làm ăn lớn. Khi tách một loạt tỉnh ra, tái lập lại thì ta lập luận là các địa giới đơn vị hành chính cũ do người Pháp để lại là phù hợp với năng lực quản lí của ta chứ gì?
Bố tự hỏi, thế sao cả nước Trung Quốc có ba mươi mốt tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mỗi tỉnh to bằng năm bảy tỉnh của ta. Dân số một tỉnh như Tứ Xuyên còn hơn cả dân số nước ta nhiều. Sao họ vẫn quản lí được, vẫn phát triển rầm rộ được. Phải chăng họ quản lí xã hội, quản lí đất nước theo kiểu của họ. Pháp trị được đưa lên đầu tiên. Con tìm hiểu xem, vận dụng vào Lâm Du thế nào? Chắc là nhiều điều lí thú.
Còn anh Đại, theo bố, vẫn cứ làm ăn bên thị trường Nga. Nhưng nên tập trung khai thác cả thị trường trong nước. Còn nhiều tiềm năng lắm.
Linh đã ăn xong. Hai chị em dọn dẹp mâm bát. Tần bưng lên một đĩa quả: dưa hấu, dứa, đu đủ, xoài, thanh long. Hình khối, mầu sắc, cách bày… đẹp như tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Ông Hòe hỏi:
- Con gái hay con dâu làm món này đây?
Tần thưa:
- Con cũng bày được như thế! Nhưng đây là tác phẩm của chị Linh ông ạ.
- Ai dạy con đấy?
Đang dọn dẹp, Linh dừng lại, nhìn bố vẻ biết ơn:
- Con học trong sách ạ. Nhưng cũng có chút sáng tạo ông ạ!
Đôi lông mày lưỡi mác vểnh ngược ở phía đuôi, ngẩng lên nhìn con dâu tò mò:
- Sáng tạo thế nào?
Mắt Linh lấp lóa vui. Nếu bố không hỏi thì cô không có cớ khoe với mọi người:
- Ông thấy mầu sắc thế này là hài hòa rồi phải không ạ? Nhưng thật ra, nó còn được sắp xếp theo một trật tự khác. Ta ăn lần lượt từ hàng trên xuống hàng dưới, thì độ ngọt của các thứ quả cũng tăng dần lên. Nếu xếp không chủ ý, ăn loại ngọt trước, nhạt sau, thì sẽ nhạt miệng, rất chán.
Nghe vợ nói, Đại tự hào lắm. Kiên không ngờ, cô chị dâu quê mùa lại sáng ý thế! Tần nghĩ bụng, cô này sẽ là một người vợ nội trợ giỏi đấy. Đến mình cũng không thể nghĩ ra. Học vấn thì kém chị Thụy Miên ngày trước, nhưng sẽ là người vợ đảm đây! Bà Phụng đã ôm cu Thành ngủ từ bao giờ. Ông Hòe rất bằng lòng con mắt tinh đời của mình:
- Bố nể chị đấy! Chị học xong lớp kế toán chưa?
- Con học xong rồi ạ! Kế toán thương mại không phức tạp như kế toán công nghiệp ông ạ. Con làm kế toán thì nhà con mới yên tâm được. Nhà con đang cho con học tại chức đại học, công việc làm ăn của nhà con sẽ còn mở rộng nữa ông ạ.
Ông bố gật đầu bằng lòng:
- Thế là con làm nội trợ, với nghĩa hiện đại nhất đấy.
Cũng đã lâu lâu, từ ngày Kiên bị kỉ luật, hôm nay cả nhà mới lại ngồi với nhau thế này. Câu chuyện cánh đàn ông nhà này, cũng giống như chuyện cánh đàn ông nhiều nhà khác. Không thể không bàn đến thời cuộc, đến thế sự. Cánh phụ nữ thì chả quan tâm các thứ chuyện đẩu đâu ấy. Ba bố con thì vẫn hào hứng.
Là một cán bộ cao cấp ngành tư tưởng văn hóa nghỉ hưu, ông Hoè vẫn có nhiều ý kiến sắc sảo. Chính ông đã tham mưu cho Kiên trong việc cải tiến phương thức lãnh đạo ở Lâm Du gần đây. Ngược thời gian nhiều năm trước, do đi giảng nghị quyết ở Hải An mà ông phát hiện ra một sự thật: Thành phố biển này, không triển khai học nghị quyết trong đội ngũ cán bộ chủ chốt ngành giáo dục đào tạo, vậy mà họ vẫn làm tốt công tác ngành, là một trong ba địa phương, trong tốp dẫn đầu toàn quốc. Từ đó ông mới đề xuất với Trung ương nên triển khai học nghị quyết như thế nào cho phù hợp.
Trước nữa, còn một chuyện khác liên quan trực tiếp đến Kiên, khi đó anh còn làm quản đốc phân xưởng cơ khí động lực. Kỹ sư Trần Kiên đã xốc phân xưởng yếu kém kinh niên thành đơn vị dẫn đầu năng suất, chất lượng nhà máy. Chỉ vì tội không cho đảng viên đi họp chi bộ trong giờ làm việc mà bị ông bí thư đảng ủy, kiêm phó giám đốc kéo bè kéo cánh kiếm cớ không kết nạp Đảng. Ông Hòe về tận cơ sở tìm hiểu kỹ. Lại đi nhiều cơ sở khác, nhiều mô hình khác, nhiều địa phương khác tìm hiểu thêm. Nhờ đó mới đề xuất với cấp trên, nên thống nhất quyền lực trong mỗi đơn vị kinh tế. Có thể, ông chỉ là một trong những người phát hiện, đề xuất thôi. Chỉ biết, bây giờ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bí thư đảng đã kiêm luôn giám đốc, mà nói đúng ra là, giám đốc kiêm luôn bí thư.
Nhưng bên các cơ quan chính quyền thì vẫn là hai. Trong thực tế chỉ đạo ở Lâm Du, Kiên sớm nhận ra điều bất hợp lí. Mình là người quyết định cao nhất mọi việc, mà khi có việc gì xảy ra thì … chả phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật và dư luận. Từ đó anh mới thí điểm, tổ chức giao ban định kỳ, hoặc giao ban đột xuất giữa lãnh đạo quận ủy và lãnh đạo ủy ban, cùng các bộ phận khác có liên quan trực tiếp. Sau khi bàn thảo kỹ rồi thì quyết định tại chỗ. Do đó, nếu có sai lầm thì mình phải chịu trách nhiệm cao nhất. Hệ quả phải dẫn đến của thí điểm ấy là, Bí thư kiêm luôn Chủ tịch. Bộ máy sẽ đỡ cồng kềnh.
 Mọi chuyện mới bắt đầu thì Kiên bị kỉ luật. Kể ra thì anh còn một “tội” nữa. Ấy là đã chỉ đạo trực tiếp Thanh Diệu – một phụ nữ xinh đẹp, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận và kéo được cả cơ quan báo chí vào cuộc, lôi vụ đổi chác đất đai mà ngẫu nhiên mới biết đó là của Bí thư Thành ủy ra trước công luận.
Đại hỏi bố:
- Ông vừa nói tiêu chí thương hiệu quốc gia. Đấy là ông nói chung chung theo kiểu “tăng cường”, “nâng cao”, “quán triệt”, phấn đấu”….của ông nghị quyết như bà vẫn giễu ông, hay là chuyện thật. Mà ai làm việc này. “Ta” hay “địch” ạ?
Ông Hòe lừ mắt nhìn con. Người ngoài thì tưởng khi bị chạm nọc thế, ông sẽ nhảy dựng lên, cho nó một trận. “Mày đã xin ra khỏi quân đội, lại xin ra khỏi Đảng, giờ thành cái thằng đi buôn xuyên quốc gia mà lại dám châm chọc, xỏ xiên bố mày à?” Nhưng không. Tất cả những bước đi ấy của con trai, ông đều được hỏi ý kiến, kể cả chuyện vợ con nó, ông đều tham gia giải quyết.
Với tất cả lí trí của một người cộng sản, đã từng cầm súng đánh giặc từ kháng chiến chống Pháp. Với tất cả tình cảm của một người cha đã từng sai lầm với người vợ trước, ông phải thừa nhận sự thật: con ông có cách đi riêng. Đấy là một thực tế phải chấp nhận, bởi đấy cũng là một con đường. Kiên lại là một con đường khác. Cái đích phải đến là dân giàu nước mạnh, là lợi ích của dân tộc này, đất nước này. Đấy mới là cái bền vững, cái vĩnh cửu. Đảng mà ông gắn bó suốt từ thời trai trẻ, đến bây giờ và mãi về sau cũng chỉ nhằm đích ấy.
Ông lừ mắt nhìn con, để ra oai thế thôi. Bởi ông vẫn là bố nó, người bố rứt ruột và người bố tinh thần. Ông còn là bạn nó. Nó đã từng cảm thông, chia sẻ với ông, cả những chuyện thầm kín nhất của đàn ông.
Ông đã là người trợ thủ tinh thần đắc lực cho nó trong công việc mới. Nó cần ông. Cả con trai, con rể đều cần ông. Ông vui vì thấy mình vẫn hữu ích cho con cái. Anh chàng mải làm ăn, có chịu đọc như ông đâu mà biết, nên mới tưởng điều ông nói là sản phẩm kiểu tư duy nghị quyết. Ông hắng giọng, thấy điều mình sắp nói ra là một chuyện nghiêm túc, quan trọng mà chắc chắn cả hai đứa đều phải lác mắt, vểnh tai ra nghe cho mà xem.
- Hai anh nghe đây này, một người Mỹ là Ximông, đã xây dựng sáu chỉ số đánh giá thương hiệu quốc gia. Nào sức thu hút đầu tư và chính sách nhập cư. Nào chất lượng hàng xuất khẩu. Nào sự lôi cuốn về văn hóa và di sản văn hóa, di sản thiên nhiên. Nào trình độ nhân lực. Nào chất lượng quản trị. Cuối cùng là khả năng thu hút khách du lịch.
Các anh thấy đấy, toàn những chuyện sát sườn mà bất cứ quốc gia nào cũng phải tính đến, cũng phải làm tốt. Cái gì cũng cân đong đo đếm được. Không có cái lối chung chung như mình. Nãy anh Đại vừa mỉa bố. Đúng là nghị quyết thì phải chung chung toàn những “nâng cao”, “tăng cường”, “quán triệt” như anh nói rồi. Nhưng cái khó nhất mà ta chưa tìm ra là, làm thế nào, bằng cơ chế nào, biện pháp nào để nâng cao, tăng cường, quán triệt…. Thế nên, bố thấy anh Kiên vừa phải nắm đường lối chủ trương, vừa phải tìm ra cách làm phù hợp thì mới có hiệu quả.
Kiên nói suy nghĩ của mình:
- Việc này tuy không vận dụng được, nhưng nó giúp con phương pháp tư duy. Mình chỉ quen định tính. Thi đua toàn định tính thôi. Phải định lượng chứ. Còn, vì thi đua mà nặn ra những con số ma để lấy thành tích chạy huân chương, hoặc chào mừng ngày nọ, ngày kia thì chết, không bao giờ con làm.
Đại vẫn thắc mắc:
- Con chưa biết, cuối cùng, người ta có tính được cái thương hiệu quốc gia thành … tiền không? Với con thì tất cả phải quy được ra tiền.
Ông bố nhìn con, độ lượng:
- Cái cách tư duy của anh, nghe không quen thì chối lắm! Tại sao lại cứ phải quy ra tiền? Hồi còn giặc, bao nhiêu người lính, bao nhiêu du kích, thanh niên xung phong, dân công và tôi với anh nữa hy sinh bao nhiêu xương máu, tính mạng anh biết rồi. Không thể quy ra tiền, đúng không?
Ông cười rất khoái chí. Hết nhìn Kiên lại nhìn Đại. Dừng hẳn ở Đại, ông nói như chỉ với riêng anh:
- Bố đã làm quen với những câu hỏi rất chối, như câu anh hỏi vừa rồi. May thay, chuyện này lại đúng như anh nói mới hay chứ. Người ta đã tiến hành phỏng vấn, thăm dò hai mươi nhăm ngàn người. Hai mươi nhăm ngàn chứ không ít đâu nhé, ở nhiều quốc gia khác nhau, theo sáu tiêu chí trên. Cuối cùng, khi qui ra tiền như anh hỏi, thì thương hiệu quốc gia Mỹ đứng đầu với mười tám nghìn tỉ đô la. Dĩ nhiên là đô la Mỹ rồi! Thế nào, nhà buôn thỏa mãn chưa?
Đại ngồi thừ ra suy nghĩ. Thì anh cũng đã từng nói với bố, mình đóng được nhiều thuế là mình yêu nước đấy. Thời trong quân ngũ, giết được nhiều giặc là yêu nước. Phi công hạ được một máy bay giặc, trên thân máy bay được vẽ một ngôi sao đỏ chót. Trên ngực được gắn một tấm huân chương. Thì bây giờ mỗi tỉ tiền thuế, anh cũng tự coi là được gắn một ngôi sao lên thương hiệu Sao Việt của mình.
Đang nghĩ miên man thì bố tiếp:
- Bố nói thêm, để anh Kiên bớt đi phần nào trong cách nghĩ duy ý chí của mình. Cái tác giả tư bản trên, còn đưa ra hai chuẩn mực đánh giá. Một là chuẩn tài chính. Hai là chuẩn bền vững của thương hiệu. Mà bố nói với anh Đại, cả hai chuẩn này đều tính được ra tiền, đúng theo suy nghĩ của anh. Nếu theo chuẩn tài chính thì thương hiệu Mỹ cao nhất thế giới, với mười tám ngàn tỉ đô la. Nhật là sáu ngàn tỉ, Đức từ ba đến bốn ngàn năm trăm tỉ, Ba Lan cuối cùng với bốn mươi ba tỉ. Không biết, nếu áp vào Việt Nam thì ta được bao nhiêu? Các con có suy nghĩ không? Những ai có trách nhiệm trả lời câu hỏi này?
Giọng ông thoắt trở nên xa vắng. Trước mắt ông như không phải là các con mình. Ông ngước lên cao như hỏi trời xanh. Hai người con cùng lặng đi theo dòng suy tư của bố.
Một lát, như tỉnh lại, ông tiếp câu chuyện dang dở:
- Nhưng nếu theo chuẩn bền vững thì thương hiệu Mỹ đứng cuối cùng top ten. Thứ tự thế này: nhất Anh, nhì Thụy Sĩ, ba Canada, tư Ý, rồi đến Thụy Điển, Đức, Nhật, Pháp, Úc. Mỹ bét. Người ta còn tính mối tương quan giữa giá trị thương hiệu quốc gia và GDP. Có những nước giá trị thương hiệu cao hơn giá trị GDP, như Đan Mạch, tới 320%. Đa số các nước có giá trị thương hiệu quốc gia thấp hơn giá trị GDP nhiều. Bố nhớ Hàn Quốc gần ta, chỉ 26%, Trung Quốc cạnh ta là 43%. Sinhgapo có giá trị thương hiệu đúng bằng giá trị GDP. Người ta còn đánh giá chất lượng nhân lực trong đó có thể thao, y tế vân vân…
Cái máu giảng nghị quyết lại bốc lên. Ông Hoè thấy mình như đang đứng trên bục, trước hàng trăm con người, tay giơ lên chém xuống cùng với những lời hùng hồn. Bây giờ cử toạ không đông như xưa mà là hai con ông. Đang say giảng giải, ông nêu câu hỏi:
- Các anh có hỏi tại sao bố nhớ những con số ấy không? Nó là bệnh nghề nghiệp. Bố quen đi giảng nghị quyết, nên có tư liệu gì cần minh họa cho bài giảng thì ghi lại. Bây giờ không còn làm công việc ấy, nên chẳng ghi chép làm gì. Thế sao nhớ được những tư liệu ấy. Đầu óc bố bây giờ không nhớ được những con số nữa rồi. Nhưng, những số liệu ấy thì bố vẫn nhớ. Bố đã ngồi trước tài liệu này suốt một ngày. Nó buộc bố nghĩ lại đời mình. Bố chỉ có một việc là nghe cấp trên phổ biến, giảng giải nghị quyết. Rồi lại đi phổ biến, giảng giải lại cho cấp dưới. Cứ như một cái máy ghi âm, thu vào, phát lại. Tất nhiên cũng có thêm thắt một vài số liệu cập nhật trên báo chí, một vài tình hình địa phương, ngành nơi mình đến. Nhưng, tựu chung vẫn thế, đại thể vẫn thế. Vẫn cứ một dòng ấy, một cái ấy, một cách ấy. Không chệch ra ngoài. Trung thành. Tin tưởng.
Hóa ra, lâu nay mình chỉ biết nghĩ theo cách ấy. Mà trên đời, có bao nhiêu cách nghĩ, bao nhiêu con đường để đến một cái đích là dân giàu nước mạnh, mà mình, cả đời tù mù, không biết!
Các con có biết là bố đã … bố đã khóc trên trang tài liệu ấy? Người ta không thèm biết đến, người ta không tính đến đất nước bốn ngàn năm của ta. Bốn ngàn năm yêu nước, dựng nước, giữ nước ấy không thể tính được thành tiền. Còn bây giờ, nếu họ có thì giờ mà tính thêm Việt Nam, thì ta đứng thứ bao nhiêu hả các con?
 Phải nghĩ lại, Đảng mở cửa rồi, mình phải mở mắt ra xem thiên hạ làm gì mà học, mà làm. Hai anh, đi hai con đường, nhưng phải vì cùng một mục đích. Đừng chỉ biết vợ con, nhà cửa. Đi ô tô, chứ đi máy bay riêng thì cũng chỉ là phương tiện di chuyển. Có nhanh hơn đấy, có sướng hơn đấy. Nhưng không thể sướng bằng khi đọc thấy tên nước mình trong bảng top ten ấy. Anh Đại cần biết rằng, thương hiệu quốc gia hình thành bởi chính các thương hiệu tập đoàn, hãng, công ty mẹ công ty con nhỏ to trên mọi miền đất nước đấy.
Ba bố con ngồi lặng đi rất lâu. Không ai nói gì. Mỗi người theo đuổi suy nghĩ của mình. Một lúc, giọng mệt mỏi như mất ngủ, ông Hoè hỏi:
- Cháu Cường có thông tin gì không anh Đại? Cháu Thùy Dương có hay gửi “i meo” về không anh Kiên?