Trang chủ » Tin văn và...

THƯ GỬI CHỦ TỊCH TRƯƠNG TẤN SANG

Ngọc Linh
Thứ tư ngày 24 tháng 8 năm 2011 5:03 PM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------------------
Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2011

  Kính gửi:  Ông TRƯƠNG TẤN SANG
    Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

 Họa sĩ Ngọc Linh xin gửi tới vị tân Chủ tịch Trương Tấn Sang lòng kính trọng và chúc gia đình Chủ tịch sức khỏe, hạnh phúc.
 Ngọc Linh xin tự giới thiệu một chút về mình. Họa sĩ Ngọc Linh, tên khai sinh là Vi Văn Bích, sinh năm Canh Ngọ ngày 30/10/1930, là người dân tộc Tày thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ngọc Linh là cháu nội của cụ Vi Văn Định – cố Tổng đốc tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Thái Bình và tỉnh Hà Đông. Kháng chiến toàn quốc, cả gia đình họ Vi đi theo cách mạng, lên chiến khu Việt Bắc – Tuyên Quang. Ông nội tôi cùng cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Phan Kế Toại là những bậc nhân sĩ yêu nước, luôn ở bên Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh tụ như cụ Trường Chinh, cụ Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và cụ Tôn Đức Thắng ở an toàn khu ATK, cái nôi của cách mạng ở chợ Chu, Bắc Kạn, Thái Nguyên.
Ngọc Linh (Vi Văn Bích) xuất thân trong gia đình phong kiến, từ thuở thanh xuân 16, 17 tuổi đã theo cách mạng, đi suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày đại thắng mùa xuân 1975 đất nước thống nhất và nay là giai đoạn xây dựng Tổ quốc tươi đẹp huy hoàng.
(…)
Ngọc Linh năm nay đã ở tuổi 82 và vẫn hăng say sáng tác hội họa, mặc dù quỹ thời gian không còn nhiều cho lắm. Cả hai cuộc kháng chiến, Ngọc Linh lãng du đi theo tiếng gọi của trái tim của người yêu nước, yêu cái đẹp, yêu bạn bè, ghét những kẻ gian dối, kẻ cơ hội. Suốt cuộc đời Ngọc Linh không bao giờ đòi hỏi vật chất, danh vọng hay một cái gì cho riêng mình. Về tâm linh, tôi là người luôn nghĩ cho mọi người, cầu mong cho mọi người được những điều tốt đẹp về tinh thần và danh dự, những thứ mà họ bị cướp mất bởi bọn xấu.
Thưa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kính mến!
Gần đây trong giới nghệ sĩ, nhạc sĩ đang ngày càng xuất hiện nhiều bất bình, phản đối các cách xét duyệt Giải thưởng Nhà nước cho những người lao động nghệ thuật cống hiến cho nước nhà. Đặc biệt, Ngọc Linh xin được trình bày một sự việc cụ thể như sau:
Ngọc Linh hết sức phản đối Hội đồng cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam khi xét đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và cách tổ chức đề ra phiếu tín nhiệm để đánh giá cả cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của những người nghệ sĩ có bề dày lịch sử, cống hiến to lớn cho nước nhà. Việc bỏ phiếu của Hội đồng hoàn toàn dựa theo cảm tính, muốn nâng ai thì bỏ phiếu cho người đó, và ngược lại cũng dễ dàng vùi dập công lao của những người nghệ sĩ khác, mà không tuân thủ một tiêu chí gì.
Cụ thể, Ngọc Linh muốn nói đến sự việc của thầy tôi – cố danh họa Bùi Trang Chước (1915 – 1992), tác giả của Quốc huy Việt Nam mà đã bị lãng quên 50 năm nay.
Cố họa sĩ Bùi Trang Chước có bề dày sáng tác thật ấn tượng. Ông là tác giả đích thực của Quốc huy Việt Nam, là tác giả của Biểu trưng Tổng Công đoàn nay là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tác giả của các mẫu Huân - Huy chương chủ chốt của Nhà nước, trong đó có Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Huân chương chiến sĩ thi đua yêu nước…, là tác giả của rất nhiều bộ tem quý giá trong đó có bộ tem đắt nhất Việt Nam – bộ tem anh hùng Mạc Thị Bưởi. Ông là một trong những họa sĩ đầu tiên trong nền hội họa non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẽ những con tem đầu tiên cho ngành bưu chính và những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam sau thời thuộc Pháp. Ngoài ra, những tác phẩm hội họa của ông như Khu gang thép Thái Nguyên, Thủy điện Thác Bà, Vịnh Hạ Long… là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật rất cao.
Trong giới nghệ sĩ Việt Nam, cố họa sỹ Bùi Trang Chước được phong là họa sĩ đồ họa số 1. Với các tổ chức quốc tế, ông được công nhận là một nhân tài, được Trung tâm tiểu sử Quốc tế Cambridge của Liên hiệp Vương quốc Anh vinh danh vì sự nghiệp cống hiến của ông trong hội họa, có tên trong danh sách “Danh nhân quốc tế” của Tổ chức Who’s Who (Ai là Ai) xuất bản lần thứ 13 (năm 1999), và trong danh sách “Những người xuất chúng vì quốc tế” xuất bản lần thứ 7 (năm 1998). Ông còn được Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương ISALA cao quý nhất của nước Lào.
Lần đầu tiên các tác phẩm của cố họa sĩ Bùi Trang Chước được trưng bày cho đông đảo công chúng được xem là ngày 27/4/2004, hơn 12 năm sau ngày ông mất. Phòng tranh “Họa sĩ Bùi Trang Chước – tác phẩm và hành trình sáng tạo” do Ngọc Linh cùng gia đình đứng ra tổ chức tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, đã trưng bày trên 1.000 tác phẩm hội họa, tranh lụa, tranh sơn khắc, tranh thuốc nước, các mẫu vẽ đồ họa siêu nhỏ tinh vi vẽ bằng tay như con tem “Mạc Thị Bưởi”, con tem “Anh hùng Cù Chính Lan”, con tem về ngành thương binh xã hội, về chiến thắng Điện Biên Phủ và đặc biệt là 94 bản vẽ gốc các phác thảo Quốc huy Việt Nam.
Triển lãm đã được nhiều vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ và đông đảo nhân dân tới xem, ghi nhận những cống hiến to lớn của cố họa sĩ Bùi Trang Chước cho đất nước và nền mỹ thuật Việt Nam. Hôm khai mạc, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tới dự và viết lưu bút: “…Con người là sự sáng tạo đẹp nhất của tự nhiên. Văn hoá lại là sự sáng tạo đẹp nhất của con người. Con người - cuộc sống và tác phẩm - tác phẩm, cuộc sống và con người họa sĩ Bùi Trang Chước quyện chặt tạo nên một nhân cách - nhân cách người nghệ sĩ vì nhân dân, suốt đời lao động nghệ thuật đều lấy phục vụ nhân dân làm mục đích. Sáng tạo làm ra những tác phẩm là của cá nhân nghệ sĩ, nhưng nghệ sĩ lại không nghĩ rằng đó là “của báu” giành riêng cho mình, mà cái lớn hơn là đem cống hiến cho đời, cho sự nghiệp phát triển nền văn hóa của dân tộc. Bùi Trang Chước xứng đáng là một họa sĩ, nghệ sĩ chân chính, người đời mãi mãi trân trọng và ngưỡng mộ nhân cách đó của họa sĩ”.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan viết cảm tưởng trong cuộc trưng bày tranh của cụ Chước: “Cụ là người tạo ra rất nhiều dấu ấn đặc sắc, để lại cho lịch sử một cách cần mẫn, cẩn trọng và nhất là lặng lẽ. Chắc là / và rồi lịch sử sẽ phải làm thăng hoa lên, sự lặng lẽ rất là Bùi Trang Chước này”.
Kính thưa ông Chủ tịch nước!
Cố danh họa Bùi Trang Chước, tác giả của Quốc huy Việt Nam và hàng nghìn tác phẩm có giá trị khác, đã có những cống hiến quan trọng cho nền nghệ thuật Việt Nam và làm rạng danh cho Đất nước, một nhân cách làm người mà những học trò như chúng tôi suốt đời kính phục. Vậy mà ông chưa một lần được vinh danh, chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp phát triển của nền nghệ thuật đồ họa Việt Nam, chưa được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Thật không công bằng chút nào!
Trong 2 đợt xét duyệt Giải thưởng của Hội đồng cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam, đợt 1 vào năm 2005 và đợt 2 là năm 2010, gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước đã lập hồ sơ gửi lên nhưng đều bị gạt ra và trả lại với lí do là không đủ số phiếu tín nhiệm của Hội đồng xét duyệt cơ sở Mỹ thuật.
Với người đã có cống hiến lớn lao cho Nhà nước và là tác giả của những tác phẩm giá trị rất cao về nghệ thuật để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp văn học, nghệ thuật của Đất nước như họa sĩ Bùi Trang Chước thì căn cứ vào đâu hay tiêu chuẩn gì mà Hội đồng cơ sở Hội Mỹ thuật lại không bỏ phiếu cho ông?
Là một họa sĩ với hơn một nửa thế kỉ trong nghề, và hơn hết là học trò của cố họa sĩ Bùi Trang Chước, Ngọc Linh được chứng kiến một quá trình lao động nghệ thuật thầm lặng nhưng hết mình của người thầy của mình mà không được Nhà nước ghi nhận xứng đáng. Người thầy của Ngọc Linh khi còn sống và nay đã về cõi tiên đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi – xưa thì người ta lấy mất đi công lao sáng tác mẫu Quốc Huy Việt Nam của ông, nay thì người ta tự định đoạt loại bỏ ông ra khỏi danh sách truy tặng các giải thưởng.
 
Đối với những nghệ sĩ văn học nghệ thuật có bề dày lịch sử và có những cống hiến to lớn như cố họa sĩ Bùi Trang Chước, Nhà nước cần có chỉ đạo trực tiếp hoặc đặc cách chuyển hồ sơ lên Hội đồng cấp Nhà nước xét duyệt thật công tâm, như vậy mới phải đạo với dân với nước, với những người nghệ sĩ đã cống hiến thầm lặng cho cách mạng, cho đất nước này.
Nếu chúng ta đã từng làm sai mà nay dám sửa sai thì sẽ được người đời muôn phần kính trọng. Người nghệ sĩ có công cần được ghi nhận và đền đáp, ngay cả khi việc ghi nhận cho người nghệ sĩ đã khuất chỉ là một việc làm mang giá trị tinh thần, nhưng vô cùng quan trọng và cần thiết để còn thắp lên niềm tin vào sự thật và sự công bằng cho những người nghệ sĩ đang sống và sáng tác.
Nếu làm được như vậy, Đảng và Nhà nước mới thực sự có lại được niềm tin của dân, của những người nghệ sĩ chúng tôi, những con người quyết sống và gìn giữ sự thật, gìn giữ và bồi đắp những giá trị tinh thần cho thế hệ mai sau. Đảng và Nhà nước có thực sự quyết tâm thực hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn, quyết tâm xây dựng một xã hội công bằng và văn minh không? Ngọc Linh tin rằng trong cuộc đời này vẫn còn có những con người luôn lắng nghe, quan tâm, và muốn làm những điều đúng.
Lần này, Ngọc Linh mạn phép gửi tới tận tay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kính mến, rất mong ông Chủ tịch dành thời gian lắng nghe sự việc này. Ngọc Linh, với sự giúp đỡ của gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước, có đầy đủ tài liệu, tác phẩm và những giá trị nghệ thuật mà cố họa sĩ để lại cho đời sau và có thể cung cấp trong trường hợp cần thiết.
Ngọc Linh thiết tha mong ông Chủ tịch xem xét và có chỉ đạo trực tiếp xuống cơ sở và Hội đồng cấp Nhà nước để truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý cho cố họa sỹ Bùi Trang Chước, tác giả Quốc huy Việt Nam cùng hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật giá trị khác cùng quá trình lao động cống hiến cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam.
Một lần nữa, Ngọc Linh rất mong nhận được sự quan tâm xứng đáng của Chủ tịch nước và các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước tới cố danh họa Bùi Trang Chước. Ngọc Linh bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc và chúc Chủ Tịch nước mạnh khỏe và nhiều thành công trên cương vị mới này.
          Họa sĩ  
         Nghệ sỹ ưu tú
Ngọc Linh (tức Vi Văn Bích)
Địa chỉ:
Họa sĩ Ngọc Linh
Số nhà 43, Ngõ 152 Hào Nam
Phường Ô Chợ Dừa
Quận Đống Đa, Hà Nội
ĐT: 04 35132 025
DĐ: 0123 385 4646