Tiểu thuyết “Hoàng hôn lạnh” không dày, chưa đầy 200 trang, và được ấn hành ở một địa chỉ mới toanh: Nhà xuất bản Đại Học Công Nghiệp TPHCM, nhưng khép sách lại vẫn còn xôn xao trong lòng người đọc bao suy tư ngổn ngang. Năm 2009, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã in truyện dài “Nước mắt một thời” lý giải những đau xót ở nông thôn Bắc bộ thập niên 50 của thế kỷ trước. Bây giờ, “Hoàng hôn lạnh” mở rộng thêm biên độ nhân tình thế thái liên quan đến sở hữu ruộng đất. Hình ảnh người đàn bà bất hạnh ngồi khóc mỗi chiều suốt 45 năm trong tác phẩm như biểu tượng về khổ đau, về ân nghĩa, về chia ly, về trùng phùng nơi hương thổ chôn nhau cắt rốn.
8 chương tiểu thuyết “Hoàng hôn lạnh” có độ dài ngày càng thu ngắn lại, cũng có thể xem là thủ pháp của tác giả khi trình bày những thao thức dành cho sự gắn bó của người Việt với góc sân mảnh vườn từng lưu dấu tháng ngày đã sống. Tội lỗi quá khứ chỉ tan biến khi nhận diện giản dị hơn, bình thản hơn, độ lượng hơn. Và có những điều phải thấu hiểu bằng cách nhìn vào sự im lặng của định mệnh trớ trêu. Ruộng đất không những mang giá trị tài sản vật chất, mà còn có ý niệm tài sản tinh thần. Chiếm đoạt, mua bán, kiện tụng xung quanh ruộng đất, cần phải được phân biện bằng luật pháp công minh thì may ra có thể kết toán tiền lệ sai lầm và ngăn ngừa hệ lụy dài lâu. Bi kịch ruộng đất lắm lúc cũng là bi kịch của những số phận nhỏ nhoi, bi kịch của những mảnh đời thấp cổ bé họng trước nanh vuốt xu thời, độc ác, tham lam.
Ruộng đất ban cho con người miếng cơm manh áo, mà cũng ban cho con người nỗi nhớ niềm thương. Lìa xa để mưu sinh và trở lại để an nghỉ trên ruộng đất quê nhà, ở góc độ nào đó cũng mang dáng dấp khát vọng cháy bỏng của những tâm hồn vốn quan hệ mật thiết với bờ ao gốc rạ. Câu chuyện của gia đình ông Thiện trong “Hoàng hôn lạnh” chưa hẳn tiêu biểu cho hàng triệu nông dân ôm ấp phù sa sông Hồng, nhưng cũng phản ánh được một giai đoạn lịch sử với bao nhiêu thăng trầm ước mơ giữ nước giữ làng.
Qui luật phát triển luôn cần sự thay đổi thích hợp. Tuy nhiên, sự vận động của nhóm lợi ích không phải lúc nào cũng đồng hành với sự tiến bộ của toàn xã hội. Thấp thoáng trong cuộc đấu tranh giành lại ruộng đất cội nguồn, dễ dàng thấy được cuộc đấu tranh khác, cam go hơn, khốc liệt hơn, day dứt hơn: đó là cuộc đấu tranh bảo vệ phẩm giá lương thiện của người Việt thuần phác và đôn hậu! Nổi bật giữa bức tranh đầy toan tính của những kẻ cơ hội trong “Hoàng hôn lạnh” là hình ảnh nhân vật Tý trôi dạt theo dòng chảy may rủi khôn lường, nhưng bằng cách sống bản năng và mộc mạc nên người phụ nữ xuất thân bần hàn vẫn vẹn nguyên sự tử tế láng giềng đùm bọc, phúc lộc đáp đền!
“Hoàng hôn lạnh” đề cập những mâu thuẫn nhiều đắng đót và dằn vặt, nhưng cái không khí ấm áp vẫn bao trùm tác phẩm vì nơi ấy vẫn lặng thầm những trái tim bền bỉ nhịp đập tha thứ và bao dung!
(Bài đã đăng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam)