Trang chủ » Tin văn và...

"NGƯỜI DÂN MUỐN CÔNG LÍ"

Ananth Krishnan
Thứ năm ngày 11 tháng 8 năm 2011 6:55 AM

Ananth Krishnan

Bốn mươi lăm năm qua, các nạn nhân của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc vẫn chiến đấu để giữ gìn những ký ức đang dần phai nhạt về những người mà họ đã mất trong thập niên hỗn loạn đó.  

vspace=12Buổi sáng ngày 5 tháng 8 năm 1966 bắt đầu như bất kỳ một buổi sáng nào khác, Wang Jingyao nhớ lại. Vợ ông, Bian Zhongyun, phó hiệu trưởng một trường trung học dành cho nữ sinh ở phía tây Bắc Kinh, sẵn sàng cho một ngày làm việc mới. Bà mặc quần áo và tạm biệt chồng bằng một cái bắt tay nhẹ. Nhưng ngay khi bà bước ra khỏi căn hộ nhỏ của họ ngày hôm đó, Wang biết vợ ông không bao giờ nên rời đi.

Bian về nhà vào đêm trước, tả tơi và bầm tím sau nhiều giờ bị tra hỏi tại một “buổi đấu tố” do “Hồng Vệ binh” của Mao Trạch Đông tổ chức. Hai tuần trước, người vợ ngày càng gia tăng ảnh hưởng của Mao, Giang Thanh, đã huy động các học sinh ở Bắc Kinh tới một cuộc tuần hành lớn tại Yan’an Garden, nơi họ được tổ chức thành các đội quân của Hồng Vệ binh và được khuyến khích loại trừ “kẻ thù giai cấp” ở các trường học và nơi sinh sống của mình. Giang Thanh ra lệnh cho họ không trừ một ai. Bà ta công khai kích động bạo lực, bảo đảm với họ rằng “xứng đáng nếu người xấu bị người tốt trừng trị“.

Huy động sinh viên

Tháng 5 đó, Đảng Cộng sản của Mao đã thông qua một thông tư kêu gọi “Đại Cách mạng Văn hóa vô sản“, tuyên chiến chống lại tất cả những “kẻ phản cách mạng“. Chưa đầy 2 tháng sau, không ai biết Mao thực sự muốn gì, nhưng rõ ràng là thuật ngữ mập mờ đó đã có một phạm vi rất rộng – và đáng lo. Nó bao gồm những người bị cho là “theo chủ nghĩa tư bản“, “phe hữu“, “trí thức” hay “địa chủ” – đặc biệt, bất cứ ai bị Mao coi là một mối đe dọa trong nỗ lực củng cố quyền lực của ông ta.

Cuộc “cách mạng” này, thật ngạc nhiên, bắt đầu bằng cách huy động học sinh ở Bắc Kinh. Trên hết, họ là một nhóm dễ tổ chức, và giáo viên của họ – những người Mao cho là “các trí thức” – là một mục tiêu dễ dàng để bắt đầu một chiến dịch chính trị. Được cổ vũ bởi Giang Thanh, những học sinh lớn tuổi hơn ở trường của Bian – nhiều người tình cờ lại là con gái các cán bộ cấp cao của Đảng – đã lao vào hành động. Họ bắt đầu tổ chức các buổi đấu tố nhằm tìm ra “kẻ thù”. Ở buổi đầu tiên, họ tuyên bố rằng Bian – phó hiệu trưởng của họ – “sinh ra trong một gia đình đại địa chủ”. Bà trở thành mục tiêu đầu tiên của họ.

****

Một đêm, khi Bian cùng chồng trở về nhà, họ phát hiện rằng các học sinh đã đột nhập vào căn hộ của họ. Các phòng đều bị Hồng Vệ binh lục lọi tìm “bằng chứng” về thân phận “địa chủ” của họ. Những lời đe dọa được dán lên các cửa. “Dỏng đôi tai lợn của mày lên và nghe cho kỹ!”, một thông điệp dành cho Bian viết. “Chúng tao sẽ băm mày ra thành từng mảnh nếu mày dám ngang ngạnh chống lại quyết tâm của chúng tao”.

Một đe dọa khác sỉ nhục bà về các buổi đấu tố trước đó: “Trong cuộc họp đấu tố với tiếng reo hò của những người buộc tội, mày đã run rẩy toàn thân, tê đờ chân, khúm núm, bị dội nước lạnh, bùn đầy miệng, giống như con lợn trong vũng nước”.

Buổi đấu tố đầu tiên đã nhanh chóng trở nên hỗn loạn. Sự kích động của Giang Thanh dường như càng thúc giục các cô gái trẻ tuổi dễ bị tác động. Ở buổi đầu, một phụ nữ nhảy khỏi đám đông lên sân khấu, nơi Bian đang hứng chịu các cáo buộc của họ, túm lấy tóc bà và đánh bà. Không một ai can ngăn. Ở buổi tiếp theo, một đám đông sinh viên, với một số mang gậy, lao lên tấn công các giáo viên của họ.

Wang Youqin chỉ mới 13 tuổi khi các phiên đấu tố bắt đầu ở trường của Bian. Tuy nhiên, bé gái này đã đủ lớn để cảm thấy oán hận khi xem cảnh các giáo viên của mình chịu nhục hàng ngày. Đối với em, đơn giản là không thể tưởng tượng nổi – các giáo viên, mà trải qua phần lớn lịch sử Trung Quốc, đều rất được kính trọng. Nhưng, chỉ trong vài tuần, lòng tin đã có từ nhiều thế kỷ đã bị Mao đảo ngược dễ dàng. Wang xem Bian bị đánh đập trong một phiên đấu tố. Hồng Vệ binh, đứng dầu bởi các sinh viên lớn hơn, tất cả đều là nữ, đã trắng trợn cáo buộc cô giáo của họ âm mưu một cuộc đảo chính chống lại Mao. Quá phẫn nộ trước cảnh tượng này, Wang bỏ đi. Sau đó vào buổi tối, em nghe các bạn cùng lớp cười thích thú với sự sỉ nhục mà họ đã gây ra cho các giáo viên của mình. Một nữ sinh còn kiêu ngạo kể rằng một giáo viên ở trường bên cạnh đã bị dội nước sôi từ đầu đến chân. Nhưng ngay cả Wang cũng chưa lường trước những gì sẽ diễn ra vào ngày 5/8.

Đêm hôm trước, Bian kiệt sức trở về nhà, cho chồng xem những vết bầm trên lưng do bị đánh đập từ buổi tối trước. Người chồng, Wang Jingyao, gợi ý họ rời Bắc Kinh ngay tức khắc. Nhưng Bian bình tĩnh. “Tôi chẳng làm gì sai”, bà bảo với ông. Bà quyết tâm ở lại trường. Sáng hôm sau, Hồng Vệ binh tổ chức một cuộc diễu hành qua trường trung học, yêu cầu “làm nhục băng đảng ác độc”. Buổi chiều hôm đó, Wang Youqin nhìn thấy các bạn cùng lớp kéo một nhóm giáo viên qua sân trường, tưới mực đen lên người họ.

Một số học sinh, Wang nhìn thấy, đã vào phòng của thợ mộc rồi trở ra với những chân ghế và những tấm gỗ đầy đinh nhô ra ở một đầu. Wang thấy cô phó hiệu trưởng của mình nằm dưới đất, bị một nhóm học sinh giữ chặt và bị vẩy mực. Bian bị ép phải nói: “Tôi là một người theo chủ nghĩa tư bản. Tôi đáng bị đòn!”.

Các cô gái bắt đầu đánh đập Bian, diễu bà quanh trường và dùng gậy gỗ nện bà. Cuối cùng bà được lôi vào phòng tắm của nữ sinh. Gần như bất tỉnh và chảy máu, bà bị đưa một cây chổi và bị bắt quét sàn. Bà bị bỏ lại đó tới chết. Khi được một giáo viên khác phát hiện, Bian đã tắt thở, bị chảy máu và sủi bọt ở miệng, và bị phủ phân của chính mình, nạn nhân đầu tiên của Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản.

****

Wang Jingyao mới đây đã bước sang tuổi 90 nhưng trông còn khỏe như mới 65 tuổi. Cụ sống trong một căn hộ nhỏ ở phía tây Bắc Kinh, cách không xa ngôi trường của người vợ quá cố. Một bức chân dung Bian Zhongyun treo trong phòng khách nhỏ, ngay bên dưới một bức tranh “Bữa tối cuối cùng”. Khi tôi gặp ông vào một chiều tháng 7, ông miễn cưỡng nói chuyện về vợ mình trước ngày giỗ thứ 45 của bà. Đất nước này, ông nói, không quan tâm đến câu chuyện của ông và trong những tuần gần đây, háo hức trong các buổi lễ lớn kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản.

Tôi nghe về Wang lần đầu khi tôi tình cờ xem một bộ phim tài liệu hay của một nhà làm phim Trung Quốc, Hu Jie, người quyết định nói lên câu chuyện của Bian. Phim của Hu, có tựa “Dẫu tôi đã chết”, bị cấm ở Trung Quốc nhưng đã mang câu chuyện bị lãng quên của Bian tới rất nhiều người. Trong phim, Wang nhớ lại các sự kiện ngày 5/8, nói với Hu rằng ông muốn “giữ hồ sơ lịch sử đúng với lịch sử”.

Không phải duy nhất

Wang kể với tôi đây là một câu chuyện không có chỗ ở Trung Quốc ngày nay, và một lịch sử sẽ sớm bị lãng quên. Mùa hè năm 1966, câu chuyện của Bian không phải là duy nhất: hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn, giáo viên Trung Quốc đã hứng chịu số phận của bà trong những ngày đầu của cách mạng, bị bỏ mặc một cách tàn nhẫn đến chết trong tay của chính các học sinh. Hàng chục nghìn người khác cũng tự tìm đến cái chết trong thập niên đó, bị làm nhục và lăng mạ chẳng vì lí do gì.

Những nỗi kinh hoàng của Cách mạng Văn hóa không được nhắc đến trong các sách giáo khoa của Trung Quốc ngày nay, ngoại trừ một sự thừa nhận vắn tắt rằng một số sai lầm đã bị phạm phải. Tuy nhiên, các nạn nhân của nó hầu như đã bị lãng quên.

Wang Youqin, một học sinh của Bian, người đã tận mắt chứng kiến những nỗi kinh sợ đó, dành cả cuộc đời mình để sửa sai. Trong chục năm qua, cô đã đi khắp nơi trên đất nước Trung Quốc, phỏng vấn hơn một nghìn gia đình bị tước mất người thân yêu của họ. Wang, giờ là một giáo sư ở trường Đại học Chicago, đã chứng minh bằng tài liệu câu chuyện của 659 nạn nhân trong một lịch sử cá nhân đặc biệt của thập niên chấn động đó.

“Người dân muốn công lý”, bà nói. “Họ muốn lên tiếng. Nhưng họ không thể bởi vì họ vẫn còn sợ hãi”.
Trong năm 2000, Wang mở một trang web làm nơi tưởng niệm trực tuyến dành cho các nạn nhân. Trong nhiều tuần, bà đã nhận được hàng trăm email từ khắp Trung Quốc, từ những người chồng, những người con trai và con gái muốn câu chuyện của họ được kể. Một phụ nữ viết kèm theo một bức ảnh cũ của mẹ mình, một giáo viên trung học ở Hồ Nam, người, cũng giống như Bian, đã bị giết dã man bởi chính các học sinh của mình. Tuy nhiên, năm 2002, các email đó ngừng lại – chính phủ Trung Quốc đã chặn trang web của Wang.

Wang tin rằng các nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm hạn chế về vụ việc đã làm được rất ít trong việc hàn gắn những vết thương. Sau cái chết của Mao, các lãnh đạo như Hồ Diệu Bang và Đặng Tiểu Bình, người cũng từng phải chịu đựng trong cuộc cách mạng, đã bắt tay vào làm điều mà Wang mô tả là hành động phục hồi lớn chưa từng có trong lịch sử. Gia đình các nạn nhân được trả 420 Nhân dân tệ, và một lá thư công nhận những người thân yêu của họ đã bị trừng phạt “một cách bất công”. Đảng cảm thấy rằng, hướng về phía trước và chôn vùi lịch sử là cách dễ nhất để làm lành những vết sẹo. Mao, người chịu một trách nhiệm trực tiếp đối với hàng nghìn cái chết, theo Wang, vẫn được ca tụng như một người hùng dân tộc, với ảnh chân dung được treo trên Quảng trường Thiên An Môn, với lịch sử được viết lại đổ tội cho các thuộc cấp của ông ta.

Ngày nay, cả nạn nhân lẫn những kẻ gây tội ác đều không muốn đương đầu với quá khứ. Trong những năm gần đây, chỉ một vài thành viên Hồng Vệ binh tìm đến gia đình các giáo viên cũ của họ để xin lỗi. Tuy nhiên, họ chỉ chiếm thiểu số. “Các nạn nhân sẽ trở thành những chiến binh đất nung tiếp theo của chúng tôi – im lặng với những câu chuyện bị quên lãng”, Wang nói. Điều cực kỳ đau buồn về hàng chục nghìn cái chết, theo Wang, là chúng xảy ra ở các trường học và nhà riêng, được thực hiện bởi những người biết rõ nhau, và những người phải trở lại với cuộc đời bị xé nát như thể chưa có gì xảy ra ngay khi nỗi kinh hoàng kết thúc. “Mao đã huy động mọi người chống lại nhau”, bà nói. “Điều đó không giống như các trại lao động của Stalin hay các trại tử thần của Hitler, nơi Nhà nước là thủ phạm”. Ở đây, người dân bình thường trở thành những kẻ sát nhân.

****

Cách đây vài năm, Wang tình cờ gặp Song Binbin, một lãnh đạo Hồng Vệ binh ở trường trung học của cô, người mà theo Wang đã có mặt ở các buổi đấu tố Bian. Ngay sau cái chết của Bian, Song có được đặc ân trao một băng tay đỏ – tượng trưng cho Hồng Vệ binh – cho Chủ tịch Mao. “Tên cháu [Binbin] có nghĩa là hiền dịu? Mao hỏi cô. “Vâng”, cô trả lời. “Hãy dũng mãnh lên!”, Mao nói. Song từ chối nói với Wang về những ngày đó.

Mới đây, khi trường của Bian kỷ niệm 90 năm ngày thành lập, Song được vinh danh là một cựu học sinh xuất sắc. Một bức ảnh của cô với Mao, khi còn là một Hồng Vệ binh trẻ, được treo trên cùng mảnh sân mà Bian gặp thần chết của mình. Wang nói với tôi rằng, chồng của Bian, Wang Jingyao, đã nổi giận. Ông viết một lá thư bày tỏ sự đau đớn, nói rằng đó là một sự sỉ nhục đối với ký ức về người vợ bị giết hại của ông. “Băng tay đỏ của Song nhuốm máu vợ tôi”, ông viết. Dù lịch sử có bị chôn sâu thế nào, Wang nói, những ký ức sẽ luôn phảng phất.

Chú thích ảnh: (Bên phải) Wang Guangmei, vợ của Lưu Thiếu Kỳ, cựu Chủ tịch Trung Quốc, đang bị đưa đi. Ảnh: Wang Youqin

Người dịch: Trúc An

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011