Nhà thơ Trần Nhương.
(DVT.vn) - Nhân Đại hội lần thứ XI Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội thành công bế mạc, phóng viên báo DVT.vn phỏng vấn Nhà thơ Trần Nhương.
PV: - Thưa nhà thơ! Xin ông cho biết Đại hội lần thứ XI có điểm gì mới so với so với các đại hội trước?
Nhà thơ Trần Nhương: - Đại hội lần thứ XI mang một tầm vóc mới: Sáp nhập Hà Tây - Xứ Đoài vào vùng văn hóa Thăng Long. Trong thời kỳ phát triển mới của văn học - nghệ thuật, vai trò, trách nhiệm của người nghệ sĩ sẽ lớn hơn.
Thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa lớn nhất cả nước, và cũng là một trung tâm kinh tế lớn, cho nên văn học - nghệ thuật phải xứng tầm. Nhưng văn học - nghệ thuật Hà Nội nhiều năm qua chưa xứng với tầm vóc Thủ đô, không mang tính chuyên nghiệp, mà chủ yếu mang tính phong trào. Do đó, một mục tiêu quan trọng của Đại hội XI là phải tìm ra hướng đi mới cho văn học - nghệ thuật Hà Nội.
Mỗi tác phẩm bây giờ không chỉ mang dấu ấn riêng của Hà Nội, mà còn phải mang tính dân tộc, hướng tới tầm thế giới. Để làm được điều đó, văn nghệ sĩ phải thay đổi tư duy. Văn học - nghệ thuật phải thoát khỏi những khuôn sáo, định hình sẵn có, chú trọng phát triển đa phong cách, đa giọng điệu.
Nhà quản lí cũng cần phải có cái nhìn thoáng để hiểu quá trình vận động phát triển của văn học - nghệ thuật, cần tạo ra một môi trường thuận lợi để người nghệ sĩ tự do sáng tạo. Để văn học - nghệ thuật thực sự phát triển thì không nên có biên giới và vùng cấm, khi đó văn nghệ sĩ mới là thư kí khách quan của thời đại được.
Đại hội lần thứ XI này chính là đại hội tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại đó, góp phần đưa văn học - nghệ thuật Thủ đô lên tầm cao mới.
Toàn cảnh Đại hội XI.
- Được biết Hội viên Hội Nhà văn là lực lượng đông đảo nhất trong Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội. Vậy xin ông hãy cho biết đóng góp của Hội Nhà văn Hà Nội đối với Liên hiệp Hội?
- Văn học là một loại hình nghệ thuật đặc thù, được xem là “cái lõi” đóng vai trò quan trọng định hướng cho sự phát triển của các ngành nghệ thuật nói chung. Văn học có tính dự báo xa hơn những ngành khác về xã hội và thời cuộc.
Nhà văn qua tác phẩm của mình phải thể hiện được quan điểm, thế giới quan riêng, sâu sắc về con người, xã hội. Cách nhìn nhận đúng đắn của các nhà văn sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực cho bạn đọc.
Đối với Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội, Hội Nhà văn với một số lượng hội viên đông nhất sẽ có tiếng nói mạnh mẽ, góp phần đẩy mạnh việc phát triển của Liên hiệp Hội. Đóng góp to lớn nhất của các Hội viên Hội Nhà văn chính là sáng tác nhiều tác phẩm xuất sắc, vừa hay về nội dung, vừa đẹp và độc đáo về hình thức nghệ thuật.
- Ông đánh giá khái quát về chất lượng các tác phẩm văn học của Hội Nhà văn Hà Nội.
- Cùng với sự lớn mạnh của Liên hiệp Hội, Hội Nhà văn cũng có những bước tiến đáng kể, nhiều tập thơ và công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình có những tìm tòi mới, vận dụng các thủ pháp nghệ thuật mới và đã được trao các giải thưởng lớn hằng năm.
Đã xuất hiện những bộ tiểu thuyết khái quát được tinh thần của thời đại, vượt qua tính minh họa lịch sử để có những kiến giải sắc nét, vừa phù hợp với hiện thực lịch sử, chân lý đời sống, vừa thể hiện được tinh thần đương đại khi nhìn lại khứ, được công chúng quan tâm và đón nhận.
- Có ý kiến cho rằng văn học Việt Nam chưa có tác phẩm tầm cỡ thế giới vì chưa có nhiều tài năng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Không hẳn đúng. Văn học Việt Nam chưa có tính phổ quát là bởi văn chương Việt có những “khuôn mẫu”, quản lý bị “bó”. Văn học bị nhìn bằng con mắt quá chính trị, khiến các nhà văn khó có thể sáng tạo. Vì vậy, nên cho văn học - nghệ thuật sáng tạo hết sức miễn sao hay và độc đáo.
Nhà nước cần có chính sách đầu tư hướng vào văn hóa vì văn hóa mới chính cái gốc, là hồn cốt của văn học Việt Nam.
Mặt khác, vì cách giới thiệu sách của ta ra thế giới chưa bài bản có chuyên nghiệp. Nếu việc dịch sách sang tiếng Anh được đầu tư đúng mức, tôi tin những tác phẩm tầm cỡ của ta sẽ được bạn bè thế giới biết đến.