Xét xử phúc thẩm ông Đinh Đức Phiếu tội vu khống:
Xét xử phúc thẩm ông Đinh Đức Phiếu tội vu khống:
Báo Văn nghệ trẻ (tháng 3-2011) có bài Chuyện chưa biết về vụ án vu khống ở Ninh Bình: Xử tù người tâm thần?. Ngày 30- 6 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã mở phiên tòa phúc thẩm công khai xét xử vụ án hình sự đối với ông Đinh Đức Phiếu. Sau phần tranh tụng công khai, Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Bình (TAND) quyết định: Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 135/2008/HSST ngày 1- 12- 2008 của TAND thành phố Ninh Bình-tỉnh Ninh Bình. Bị cáo Đinh Đức Phiếu không phạm tội vu khống. Đình chỉ vụ án, khôi phục danh dự và các quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo Đinh Đức Phiếu theo quy định của pháp luật. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 30-6-2011…
Liên quan đến “kì án”này, cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từng gửi văn bản tới các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại việc cáo buộc tội “vu khống” và xử 5 năm tù đối với Cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu ở tỉnh Ninh Bình, toàn văn như sau: Vừa qua, tôi đã đọc bài báo “Kết án ông Đinh Đức Phiếu ở Ninh Bình tội vu khống: Vi phạm nghiêm trọng tố tụng, đăng 3 kì trên Báo Người cao tuổi các số: 875 ngày 4-3-2011, 876 ngày 6-3-2011 và 877 ngày 9-3-2011 và Báo Văn nghệ trẻ số 11, ngày 13-3-2011 có bài “Chuyện chưa biết về vụ án ‘vu khống’ ở Ninh Bình: Xử tù người tâm thần?”. Các bài báo phản ánh vụ việc tiêu cực rất bức xúc ở Ninh Bình, liên quan đến các cơ quan tố tụng: Cơ quan điều tra Công an tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình. Sai phạm của các cơ quan này gây nên vụ án oan sai rất nghiêm trọng đối với Cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu, người từng có 43 năm cống hiến cho cách mạng, 40 năm tuổi Đảng, 11 năm chiến đấu chống Mỹ tại chiến trường Tây Nguyên.
Nghiêm trọng ở chỗ, việc kết tội oan sai cho đồng chí Đinh Đức Phiếu đã đẩy gia đình một người có công, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng vào cảnh khốn cùng, bản thân đồng chí Phiếu hoảng loạn, khiến chứng rối loạn tâm thần ngày càng trầm trọng, phải đi nằm viện điều trị ở Hà Nội nhiều tháng nay.
Còn nghiêm trọng ở chỗ, vụ án liên quan trực tiếp tới những sai phạm trong quản lí, điều hành, lối sống của đồng chí Đinh Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng (khóa X), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Những sai phạm của đồng chí Đinh Văn Hùng suốt trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận, khiến đồng chí Phiếu phải viết đơn, thư, thơ ca, hò vè gửi đến các cơ quan. Là một đảng viên, lại đang giữ trọng trách lãnh đạo cấp cao trong tỉnh, đáng ra đồng chí Đinh Văn Hùng phải gương mẫu, xem xét lại những việc làm của mình, từ đó tự sửa chữa cung cách quản lí, điều hành, lối sống cho phù hợp. Nhưng thay vào đó, đồng chí Đinh Văn Hùng lại cùng một số cán bộ khác làm đơn đề nghị cơ quan pháp luật điều tra, khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đồng chí Đinh Đức Phiếu. Không chỉ có vậy, đồng chí Đinh Văn Hùng còn trực tiếp bút phê, gây sức ép buộc các cơ quan tố tụng của Ninh Bình phải truy tố, bỏ tù bằng được đồng chí Đinh Đức Phiếu với tội danh Vu khống, trong khi đồng chí Phiếu đang có bệnh về tâm thần, có thể do hậu quả của những năm lăn lộn ở chiến trường. Việc cố tình truy tố, kết án đồng chí Phiếu trong tình trạng đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hình sự…
Tôi được biết, năm 2010, UBKT Trung ương Đảng đã tiến hành kiểm tra đối với đồng chí Đinh Văn Hùng, Trung ương đã có quyết định kỉ luật với đồng chí. Chính đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (khóa X) đã nói với tôi rằng, đồng chí từng về làm việc 10 ngày tại Ninh Bình, thấy rõ vụ việc sai phạm là rất nghiêm trọng.
Như vậy, những tố cáo của đồng chí Đinh Đức Phiếu là đúng, nhưng lại bị trù dập oan ức. Động cơ nào khiến cơ quan điều tra làm án chỉ trong vòng có 5 ngày, Công an tỉnh Ninh Bình vội vã kí kết luận điều tra, rồi lại bàn giao cho Viện kiểm sát nhân dân không cùng cấp ra cáo trạng, Tòa án nhân dân thành phố Ninh Bình xét xử chóng vánh, vi phạm nghiêm trọng tố tụng, cố tình khép đồng chí Đinh Đức Phiếu vào tội vu khống, để xử phạt 5 năm tù giam? Vụ án này là một tiền lệ xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay, nếu không được xem xét, xử lí nghiêm khắc.
Tôi đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan tư pháp ở Trung ương xem xét, xử lí nghiêm khắc những cán bộ làm trái pháp luật. Đồng thời khẩn trương xem xét lại vụ án, trả lại danh dự và bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần cho đồng chí Đinh Đức Phiếu theo quy định của pháp luật. Tôi cũng đề nghị các đồng chí tiến hành kiểm tra mức độ sai phạm về tố tụng, xử lí nghiêm các cơ quan, cá nhân ở tỉnh Ninh Bình đã có hành vi cố ý làm trái trong vụ án này, để làm bài học chung, đồng thời ngăn chặn tình trạng người đứng đầu cấp ủy Đảng, đứng đầu cơ quan Nhà nước can thiệp thô bạo vào hoạt động tố tụng, đang rất phổ biến hiện nay”.
Luật sư Huỳnh Phương Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo Đinh Đức Phiếu tại phiên toà phúc thẩm, cho biết, quá trình điều tra, truy tố xét xử sơ thẩm đã bộc lộ những vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cụ thể: Đây là phiên tòa 6 không: Không công khai vì không có bất cứ người nào được vào dự, hạn chế cả người ruột thịt; Phiên tòa không có bị hại, tất cả người được coi là bị hại đều lí do bận nên vắng mặt tại phiên tòa; Phiên tòa không có luật sư bào chữa; Phiên tòa không có phần tranh tụng, chỉ có bị can và hội đồng xét xử hỏi - đáp nội dung ngắn ngủi; Không có khách thể của tội phạm vì không xác định nội dung nêu trong đơn là đúng hay sai; Không xác định tính chất mức độ thiệt hại bởi hành vi viết thư hỏi, kiến nghị ...
Ngày 19/5/2010 Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư đã gửi Biên bản giám định pháp y tâm thần số 44/GĐPYTT khẳng định: Bị cáo Đinh Đức Phiếu có bị bệnh tâm thần, đó là rối loạn trầm cảm tái diễn, có mã số F33. Thời gian mắc bệnh có dấu hiệu từ năm 2005. Trước, trong, và sau khi phạm tội bị cáo có bị rối loạn tâm thần. Với kết luận của Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư đã nêu có đủ căn cứ xác định bị cáo Đinh Đức Phiếu bị mắc bệnh tâm thần từ năm 2005, từ đó bệnh ngày càng phát triển theo hướng nặng lên đến nay bị cáo đã mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Như vậy, theo quy định tại khoản 1, điều 13, Bộ luật Hình sự, bị cáo Đinh Đức Phiếu không có năng lực trách nhiệm hình sự, do vậy hành vi của bị cáo Phiếu không thỏa mãn yếu tố chủ thể trong cấu thành tội phạm nói chung, nên không cấu thành tội “vu khống” như bản án sơ thẩm đã tuyên phạt đối với bị cáo. Nhưng các cơ quan tố tụng thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình tiến hành điều tra, xét xử vụ án này hết sức khẩn trương. Ngày 02/10/2008 bắt đầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì ngày 07/10/2008 Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã kết thúc điều tra (trong 5 ngày). Ngày 08/10/2008 hồ sơ được chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Ninh Bình. Sau đó hồ sơ lại chuyển xuống VKSND TP Ninh Bình, vì vụ án không thuộc thẩm quyền của các cơ quan tố tụng cấp tỉnh. Ngày 06/11/2008, VKSND TP Ninh Bình có Cáo trạng truy tố và ngày 01/12/2008 TAND thành phố Ninh Bình đã đưa ra xét xử sơ thẩm, tuyên án ông Đinh Đức Phiếu 5 năm tù về “Tội vu khống” theo Khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự (Bản án số 135/2008/HSST ngày 01/12/2008).
Trong khi Điểm b Khoản 3 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự quy định bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định “Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ”.
Mặt khác, Điểm b Khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định: Trong trường hợp bị can, bị cáo là người có nhược điểm về tâm thần hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện KS hoặc TA phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ. Thế nhưng, các cơ quan tố tụng của TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình cũng không cử luật sư bào chữa theo quy định (bắt buộc) nêu trên. Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm không hề có luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo. Như vậy là không đảm bảo sự khách quan và đúng pháp luật trong quá trình điều tra.
Đây là những vi phạm tố tụng nghiêm trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo hướng dẫn tại Công văn số 224/2005/HS ngày 19-7-2005 của TAND Tối cao thì thuộc trường hợp phải huỷ án sơ thẩm để trả hồ sơ điều tra lại (trường hợp không thực hiện đúng điểm b Khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Ngày 26/01/2007, ông Phạm Quý Ngọ-Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an đã có Công văn số 45/C16(P6) gửi Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra các tỉnh nêu rõ: “Đối với trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa (khoản 2 điều 57 BLTTHS) thì cơ quan điều tra phải chủ động thực hiện, đây là vấn đề bắt buộc. Nếu không thực hiện thì các biên bản hỏi cung sẽ không có giá trị pháp luật” (Mục 5).
Ngày 28/02/2007, Chánh án TAND Tối cao đã có Công văn số 26/KHXX gửi Chánh án TA các cấp yêu cầu quán triệt nội dung Công văn số 45/C16 (P6) nêu trên, đặc biệt là vấn đề nêu tại Mục 5. Hướng dẫn:“Sau khi thụ lý vụ án và qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu xét thấy trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 57 của Bộ luật tố tụng hình sự, mà các giai đoạn tố tụng trước đó chưa có sự tham gia của người bào chữa (trừ trường hợp bị can, bị cáo từ chối người bào chữa), thì tuỳ từng trường hợp mà giải quyết…
Quy định rõ như vậy, chỉ vì đây là “vụ án có tính chất nhạy cảm”, bởi những người được coi là “bị hại” trong vụ án đều là cán bộ chủ chốt của tỉnh nên các cơ quan tiến hành tố tụng của Ninh Bình không thực hiện, vẫn đưa ra để điều tra, truy tố và xét xử một người đang trong tình trạng mắc bệnh tâm thần!?
Vi phạm nghiêm trọng còn thể hiện tại đơn đề nghị và lời khai của các bị hại trong quá trình điều tra vụ án. Đây là loại hành vi xâm phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác. Như vậy, chỉ người bị hại mới thấy rõ mức độ ảnh hưởng đến mình như thế nào. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án không có đơn đề nghị của người được xác định là bị hại như: Trịnh Xuân Hồng, Đinh Văn Hùng, Tạ Nhất Thới và Bùi Văn Thắng theo quy định tại Điều 68 BLTTHS về lời khai của người bị hại. Công văn xác minh của CA phường Đông Thành đối với ông Đinh Văn Hùng, Tạ Nhất Thới gần giống nội dung của công văn xác minh của CA phường Nam Bình đối với ông Bùi Văn Thắng. Điều đó thể hiện có sự chỉ đạo “làm án” và đều do một người viết sẵn nội dung cho họ!?
Chính vì thế, tại Công văn không số do bà Dương Thị Liên Phương, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Ninh Bình kí, ngày 13/02/2009 cũng thừa nhận:“Sau khi nghiên cứu nội dung đơn kháng cáo của bị cáo và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình thấy bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng (điều tra chưa toàn diện, đầy đủ để xác định sự thật vụ án; xác định một số người tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại không đúng; không đưa những người có quyền và nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng vụ án). Do vụ án có tính chất nhạy cảm - ngày 12 tháng 1 năm 2009 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã trực tiếp báo cáo tranh thủ ý kiến vụ nghiệp vụ trước khi quyết định đường lối xét xử phúc thẩm vụ án. Sau khi có ý kiến của Vụ nghiệp vụ ngày 14 tháng 1 năm 2009 Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình họp và quyết định theo đa số (3/5): Bác đơn kháng cáo của bị cáo, y án sơ thẩm, với các lý do:
Vụ án nhạy cảm; những người bị hại trong vụ án đều là cán bộ chủ chốt của tỉnh. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm đã có sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và sự chỉ đạo thống nhất của thủ trưởng ba ngành Công an-Viện Kiểm sát-Tòa án tỉnh”.
Ngày 30/6/2011, TAND tỉnh Ninh Bình đã xử phúc thẩm vụ án ông Đinh Đức Phiếu tội vu khống, tuyên: Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 135/2008/HSST ngày 1/12/2008 của TAND TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, bị cáo Đinh Đức Phiếu không phạm tội vu khống; đình chỉ vụ án, khôi phục danh dự và các quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo Đinh Đức Phiếu theo quy định của pháp luật. Bị cáo Đinh Đức Phiếu không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 30/6/2011. Tôi là Vũ Quang Kha, Đại tá, hiện đang trú tại: quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tôi cũng là người cán bộ bị lãng quên 20 không có lương hưu và đã được báo NCT chia bùi sẻ ngọt nỗi oan của một anh bộ đội cụ Hồ trong bài “Vị đại tá 40 năm không có lương hưu”. Sau khi báo NCT đăng, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan mới ráo riết vào cuộc, khôi phục quyền lợi cho tôi.
NHân đây cũng xin trích dẫn lá thư của Đại tá Vũ Quang Kha-một cựu binh chịu đầy oan ức từng được báo Người cao tuổi nêu, qua đó ông Kha mới nhận được sự giải quyết của các cơ quan liên quan.
Vừa qua, tôi đọc loạt bài: Kết án ông Đinh Đức Phiếu, Ninh Bình vu khống: VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG TỐ TỤNG trên Báo Người cao tuổi các số 875, 876, 877. Qua bài báo tôi thấy việc làm như vậy là hấp tấp, vội vàng của các cơ quan tố tụng của tỉnh Ninh Bình. Tôi vô cùng bức xúc và thông cảm với oan ức của ông Phiếu. Vì ông Phiếu sau nhiều năm cống hiến cho cách mạng, trở về mang trong mình bệnh sốt rét rừng, bị phơi nhiễm chất độc da cam…
Về quê hương, ông Phiếu vẫn vẹn nguyên phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, không khoan nhượng với những tiêu cực của xã hội, ông Phiếu đã dũng cảm tố cáo nhiều lãnh đạo các sở, ngành, nhất là ông đã nêu tên ông Đinh Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Việc tố cáo của ông Phiếu đã bị TAND TP Ninh Bình ghép tội “vu cáo” xử phạt tù, bị tước quyền công dân và đảng tịch; bị cắt lương hưu. Đây là một nghịch lý phũ phàng, gây bức xúc cho các CCB Sư đoàn 304, CCB tỉnh Ninh Bình và nhân dân cả nước.
Đến nay, ông Đinh Văn Hùng, cựu Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình-người bị anh bộ đội Cụ Hồ Đinh Đức Phiếu tố cáo mấy năm trước, đã bị Trung ương Đảng kỉ luật, và ông Phiếu không còn bị kết tội “vu khống” nữa. Tôi đề nghị cơ quan lãnh đạo tỉnh Ninh Bình xem xét bản án của ông Phiếu để sớm trả lại công bằng cho người dân lương thiện, nhát là người đó là anh bộ đội Cụ Hồ.
Tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan liên quan của tỉnh Ninh Bình sớm có biện pháp trả lại danh dự, tinh thần, bồi thường vật chất cho CCB Đinh Đức Phiếu nhằm lấy lại lòng tin trong nhân dân tỉnh Ninh Bình và CCB cả nước. Vũ Quang Kha
Chỉ vì cay cú mà những người lãnh đạo cao của tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo xử lí mức án cao của khung hình phạt quy định cho tội danh này đối ông Đinh Đức Phiếu-người cựu chiến binh hơn 11 năm chiến đấu cho Tổ quốc, 43 năm cống hiến cho Đảng và Nhà nước, hơn 40 năm tuổi Đảng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì, Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba.
Tuy nhiên, sau khi tòa phán quyết bị cáo Đinh Đức Phiếu không phạm tội vu khống, đình chỉ vụ án, thì việc sớm công khai xin lỗi, khôi phục danh dự và các quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo Đinh Đức Phiếu theo quy định của pháp luật là việc làm cần thiết.