Trang chủ » Tin văn và...

Thư ngỏ gửi ông Chủ tịch và Ban lãnh đạo Quỹ Hỗ trợ Văn chương và Cuộc sống

Nhà văn Đỗ Ngọc Yên
Thứ ba ngày 31 tháng 5 năm 2011 10:30 PM

Hà Nội, ngày 31/5/2011
 
Kính gửi: Ông Bành Thanh Bần, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Văn chương và Cuộc sống cùng các thành viên trong Ban lãnh đạo Quỹ!
Tôi tên là Đỗ Ngọc Yên- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Sau một thời gian nghiên cứu kỹ về Mục đích, Nhiệm vụ, Cơ cấu, Hình thức tổ chức, Phương thức hoạt động,... trong nội dung THÔNG BÁO VỀ VIỆC THÀNH LẬP  QUỸ HỖ TRỢ VĂN CHƯƠNG & CUỘC SỐNG, tôi hoàn toàn nhất trí và đánh giá cao tấm lòng và mục tiêu cao cả của các thành viên trong Ban lãnh đạo Quỹ, mà nòng cốt là nhà thơ Bành Thanh Bần với cương vị Chỉ tịch Quỹ,  nhằm đưa những tác phẩm văn chương có chất lượng đến với công chúng, bạn đọc khi tác giả (nhà văn) không có điều kiện in ấn chủ yếu vì lý do kinh tế không cho phép, Quỹ sẵn sàng chung tay chia sẻ. Có thể nói đây là một trong những việc làm có ý nghĩa xã hội rộng lớn và tích cực theo phương thức xã hội hóa hoạt động văn chương có hiệu quả trên tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về: Tiếp tục phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới.
Dù hiện nay, với sự phát triển như vũ bão các phương tiện truyền thông nghe nhìn, mạng internet, nhưng nhu cầu đọc sách, đặc biệt là những tác phẩm văn chương có chất lượng vẫn là cái không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận quần chúng nhân dân, nhất là các gia đình nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ở khu vực dân cư này, việc tiếp cận với các phương tiện truyền thông hiện đại, mạng internet còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kỹ thuật, về trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh), kiến thức và kỹ năng sử dụng máy tính,..., nên cuốn sách là công cụ hỗ trợ đắc lực nhất để họ mau chóng “xóa đói, giảm nghèo” về thông tin và tri thức. Ngay ở các thành phố, đô thị lớn nước ta, số người có nhu cầu đọc sách vẫn nhiều, đặc biệt những tác phẩm văn chương có chất lượng vẫn là nhu cầu lựa chọn số một đối với họ.  
Tuy nhiên, trong nội dung THÔNG BÁO VỀ VIỆC THÀNH LẬP QUỸ HỖ TRỢ VĂN CHƯƠNG & CUỘC SỐNG, tôi không thấy chỉ ghi các thể loại văn chương thuộc lĩnh vực sáng tác. Trong khi đó các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội cũng như các Hội VHNT ở các địa phương không chỉ có những người làm sáng tác: Thơ, Truyện ngắn, Tiểu thuyết, Bút ký, Phóng sự mà còn có cả các nhà văn chuyên dịch văn chương nước ngoài, các nhà lý luận phê bình văn học. Ở bên trái cốt màu vàng trên Website của Quỹ, phần Hỗ trợ xuất bản, tôi chỉ thấy có các thể loại thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, phóng sự được hỗ trợ còn hai lĩnh vực là văn chương dịch và lý luận phê bình văn học không thấy ghi nên không biết có được hỗ trợ hay không?
Ở Hội Nhà văn VN có 4 Hội đồng chuyên môn chính là: 1/ Văn xuôi (gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, phóng sự);  2/ Thơ; 3/ Lý luận- Phê bình văn học; 4/ Văn học dịch và một số các Ban, phòng chức năng khác. Ở các địa phương, tuy không có đầy đủ 4 Hội đồng chuyên môn như Hội Trung ương, nhưng về Hỗ trợ kinh phí xuất bản và xét giải thưởng thì 4 lĩnh vực chuyên môn trên ở Trung ương cũng như các địa phương đều bình đẳng như nhau. Trên thực tế đời sống văn chương Cách mạng nước ta từ hơn nửa thế kỷ qua luôn có sự góp mặt của 4 lĩnh vực nói trên. Đảng, Nhà nước ta và lãnh đạo các Hội nghề nghiệp đều quan tâm cả 4 lĩnh vực đó và chúng tồn tại thật sự bình đẳng trong đời sống văn chương nước nhà.
Vậy nên chăng, QUỸ HỖ TRỢ VĂN CHƯƠNG & CUỘC SỐNG dù là một Quỹ mang tính chất xã hội hóa cũng cần quan tâm đến hai lĩnh vực lĩnh còn lại là Văn chương dịch và Lý luận- Phê bình văn học, đem lại cho nó quyền bình đẳng vốn có cả về khía cạnh chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước cũng như khía cạnh đời sống xã hội của văn chương.
Theo tôi biết, nhiều dịch giả và nhà lý luận phê bình văn học là Hội viên Hội NVVN, Hội viên các Hội VNNT địa phương hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc công bố tác phẩm của mình, nhất là đối với những tác phẩm có chất lượng. Nếu được sự quan tâm hỗ trợ của QUỸ HỖ TRỢ VĂN CHƯƠNG & CUỘC SỐNG, tôi tin rằng về mặt xã hội bạn đọc sẽ có thêm cơ hội tìm đọc các tác phẩm văn chương có chất lượng. Đối với các nhà văn họ sẽ bớt khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí xuất bản, nên có thể tập trung nâng cao chất lượng cho các tác phẩm của mình.
Trên đây là đôi điều tâm sự cá nhân, nếu có gì sơ xuất, mong ông Chủ tịch và Ban lãnh đạo Quỹ bỏ qua.
Cuối cùng xin chúc Ban lãnh đạo Quỹ và ông Chủ tịch, nhà thơ Bành Thanh Bần sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt, chúc Quỹ luôn phát triển.
Kinh thư
Nhà văn Đỗ Ngọc Yên