Trang chủ » Tin văn và...

NHÀ VĂN PHAN CUNG VIỆT VÀ TẬP TRUYỆN NGẮN HAY VỀ BIỂN

Thiện Ngọc
Thứ năm ngày 2 tháng 6 năm 2011 10:32 PM
Đọc sách

Trong những ngày lịch sử với nhiều sự kiện này, với trách nhiệm nhà văn, lòng say mê và am hiểu vể thể loại truyện ngắn với những thành tựu được ghi nhận, nhà văn Phan Cung Việt vừa cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn chuyên viết về biển, chính xác hơn là biển của đất nước ta.
Lệ Biển – tập truyện ngắn do nhà xuất bản Văn Học vừa xuất bản, dày gần 200 trang, gồm 18 truyện ngắn.
Những miền biển quê hương dọc mảnh đất hình chữ S, miền Bắc, Trung và Nam được hiện lên thật gần gũi, chân thật và đầy hấp dẫn dưới ngòi bút của tác giả. Những trang truyện sống động, như nghe được cả tiếng sóng, tiếng thầm thì của biển, tiếng thủy triều lên xuống… lồng ghép trong những số phận con người của biển cả, với tất cả ý chí và nghị lực mang tính điển hình, sự dũng cảm hi sinh, sự bám trụ kiên cường mà ngỡ chỉ ở mảnh đất này mới có. Qua con người biển cả, tác giả nêu được tính điển hình của số phận con người Việt Nam.
Tất thảy diễn ra trong sự bình dị, xúc cảm, đầy màu sắc. Có thể nói đó là sự thành công vượt trội đầu tiên của tập truyện ngắn chuyên viết về biển này.
… “Em thương loài chim biển này nhất. Thân phận như con người vậy. Đến mùa chúng thức dậy trước thủy triều, đi tìm những chú cua non lót dạ. Nhưng chính con người đã bắt hết cua non từ nửa đêm. Sáng ra, chỉ còn dải phù sa, chúng đói, kêu lên những tiếng buồn thương nhất…( Phù sa biển). … “ Mùa trăng ở biển có một nét đẹp rất riêng. Nhưng chỉ nói đến vầng trăng rằm như xưa nay thì rất dễ nhầm. Đẹp nhất là trăng lưỡi liềm. Lão ngư già nhất vùng này còn nhớ một câu chuyện sóng gió nhưng đầy mơ mộng do cụ bà xưa kể lại:  Mảnh trăng đó là chiếc thuyền tình của đôi trai gái trên biển cả…(Trăng lưỡi liềm ở biển)… “ Thú thực, đi biển đã nhiều lần nhưng chỉ lần tìm đến xứ biển này, tôi mới thực sự thấm thía câu thơ của Nguyễn Du:
Buồn trông cửa biển chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông dợn nước mới sa
Mây trôi man mác biết là về đâu?!”
Cửa biển chiều, ở cửa ngõ miền Trung, mùa cuối tháng tư Dương, dợn nước sa như dòng mực xanh tím, mây trôi man mác như giấy trắng. Đúng là thấp thoáng. Đúng là buồn trông. Đúng là “về đâu”…(Lệ biển). “ Ngày vào bộ đội đặc công, sau chuyển sang đặc công nước, đơn vị tôi về tập ở vung cát quê cô ấy. Đó là một vùng biển nước hiền hòa, có cả đất cát và đất phù sa, bên cạnh nghề chài lưới lộng khơi của đàn ông, còn có nghề trồng dưa và dâu tằm dành cho phụ nữ. Đàn ông vạm vỡ khỏe mạnh, đàn bà con gái từ xưa quay tơ dệt vải nên da dẻ đẹp lắm. Đơn vị đặc công của tôi toàn lính trẻ măng, kết nghĩa với đơn vị dân quân pháo bờ biển toàn nữ của địa phương, Mai là trung đội phó. Ngay từ phút đầu, tôi mê Mai, bởi đôi mắt mở to có chút xanh nước biển, luôn nhìn ra khơi để hướng dẫn trung đội diễn tập, mái tóc dài buông sau lưng và đôi môi đỏ thắm… Chúng tôi vùi trong cát suốt ngày đêm, toàn thân đỏ lựng như con cua biển luộc chín …” (Dưa biển).
Cả 18 truyện ngắn thể hiện tương đối đầy đủ các thế hệ, số phận dân biển. Từ cô học sinh miền biển 18 tuổi như vầng trăng lưỡi liềm ở biển, cô gái dân quân tươi tắn như bông hoa mai, cụ già tuổi 80 một đời gắn bó với biển cả với muôn vàn cơn bão biển, để cuộc đời cụ bền chặt như tấm lưới vào lộng ra khơi… đến những anh thương binh quê biển trở về bám biển quê hương, với những cái tên thân thương như Quất Lâm, Hải Thịnh, Thiên Cầm… Mỗi người một gương mặt, một số phận, nhưng đều toát lên nhưng phẩm chất kỳ diệu, anh hùng và mơ mộng như những bài thơi biển.
 Bút pháp tập truyện thật đa dạng. Đó là những trang văn khắc họa sâu sắc sự dữ dội của biển cả, phẩm chất con người trong những trận bão biển trong mưa bom bão đạn. (Đi xe Giao Thùy, Bão biển, Rừng quất xa xưa…). Những trang văn đầy chất thơ khiến ta đọc một lần nhớ mãi (Trăng lưỡi liềm ở biển, Tiếng gọi loài na dại, Người đến từ Triều Châu…) Cảnh sắc đậm đà ở khắp các vùng cửa biển được diễn đạt đầy cảm xúc ấn tượng, mang rõ dấu ấn  tâm hồn của tác giả, từ một của biển Bắc Bộ (Người ấy có về cửa Dâu) … đến cảnh sắc biển miền Trung (Điệu nhạc chim xít) đến cửa biển nắng gió phương Nam (Võng mắc vào biển…) Những trang truyện với bút pháp thật điêu luyện, ấn tượng, giàu xúc cảm.
Như phảng phất đâu đây tiếng nói và số phận của “ Ông già và biển cả” của Hêminway, hòa quyện cùng tiếng thơ biển của thi hào Nguyễn Du, những điệu hát dân ca dân vũ của vùng biển nước Việt đã được ghi vào di sản văn hóa thế giới… Là nhà văn nhiều tìm tòi và có trình độ học vấn đầy đặn, tác giả đã ghi những trang truyện về biển cả đất nước thật dung dị, uyển chuyển, có nhiều sức hàm chứa.
Đáng quý nhất của Lệ Biển là một tập truyện tinh lọc chuyên về biển của một nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Bằng văn học, nó ghi được một dấu ấn xúc động về biển  đảo của Tổ Quốc./.
Hà Đông, 5.2011
T.N