Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thanh Ứng - HỒN THƠ NẶNG LÒNG NHÂN THẾ

Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu
Thứ năm ngày 3 tháng 3 năm 2011 4:31 PM
 
       Buổi  sáng ngày khai mạc Trại sáng tác Văn học tỉnh Hà Sơn Bình mùa thu 1978, phòng làm việc chung của phòng Sáng tác Thơ – Văn – Nhạc – Họa thật vui vẻ, ấm cúng tình người cầm bút. Anh em tác giả từ Hòa Bình – Sông Đà về, từ Mỹ Đức, Ứng Hòa lên, gặp anh em vùng Sơn Tây, Ba Vì, Thanh Oai, Hà Đông… tay bắt mặt mừng, “Ô” “A” vồn vã. Nhà văn Phượng Vũ với vai chủ trại, thường trực nụ cười đón tiếp, nhưng chốc chốc lại nhìn đồng hồ và lia mắt ra phía cổng cơ quan. Anh đang sốt ruột chờ các vị khách từ Hà Nội. Phải hơn 9h, các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thành Long, Đào Vũ, Phạm Hổ thay mặt Hội Nhà văn và báo Văn nghệ mới hiện diện. Sau phút chào hỏi, trong không khí thân tình, không đợi phải lên hội trường, nhà văn Phượng Vũ tranh thủ giới thiệu với các nhà văn Trung ương những cây bút Hà Sơn Bình đang có mặt. Bắt đầu từ nhóm tác giả Hòa Bình. Sau câu bút thơ kỳ cựu Đào Khang Hải, đến hai tác giả dân tộc Mường đang nổi là Quách Ngọc Thiên (thơ) và Hà Trung Nghĩa (văn xuôi), anh Vũ chỉ người thú tư, giọng nhiệt thành:
 Giới thiệu với các anh đây là nhà giáo – nhà thơ Thanh Ứng!
 Thanh Ứng? – nhà thơ Phạm Hổ hỏi nhanh, khác với sự điềm đạm chậm rãi vốn có của ông - Xin lỗi, có phải anh là tác giả bài thơ “Tháng ba đến lớp”?
Mọi ánh mắt cùng dồn vào Thanh Ứng. Còn anh, nhà giáo từ trường Sư phạm 10+3 Hòa Bình, vẫn ngồi khiêm nhường ở hàng ghế sau, mặt đang ửng lên trước câu hỏi bất chợt của nhà thơ Phạm Hổ và ánh mắt tò mò của các bạn viết.
 Vâng, em có viết bài thơ đó. Nhưng, sao ạ?
 Trong chùm thơ anh gửi tham dự cuộc thi thơ viết về “Thầy giáo và Nhà trường”, có “Tháng ba đến lớp”?
 Vâng, có “Tháng ba đến lớp” và bài “Dáng đi”. Anh có đọc chùm thơ ấy?
 Có, mình đọc. Đọc kỹ nữa.
Nhà văn Đào Vũ tươi cười:
 Xin giới thiệu: Ông Phạm Hổ được mời làm ủy viên Ban chung khảo cuộc thi đó.
Mọi người cùng “Ồ!”, mừng cho Thanh Ứng khiến mặt anh càng ửng hơn. Nhà thơ Phạm Hổ đành thông báo:
 Kết quả cuộc thi lẽ ra phải chờ thông báo chính thức của Ban chung khảo. Nhưng tiện đây, có anh Thanh Ứng, tôi nói để anh và các anh em Hà Sơn Bình cùng vui: chùm thơ của anh Thanh Ứng, nhất là bài “Tháng ba đến lớp” được Ban chung khảo đánh giá cao, thống nhất trao giải chính thức, tức là giải Nhất của cuộc thi. Xin chúc mừng anh!
Tiếng vỗ tay, tiếng xuýt xoa ran cả phòng. Thanh Ứng lúng túng bắt tay cảm ơn thịnh tình của mấy anh em tác giả ngồi kề. Trước niềm vui chân tình của anh em viết trẻ địa phương, nhà thơ Phạm Hổ nói thêm về bài thơ được giải của Thanh Ứng, ông bảo, cái hay của bài thơ là qua diễn tả tâm trạng phấp phỏng, âu lo đã nói lên được tấm lòng của người thày giáo đối với các em học trò nghèo của mình. Và, cái đắc địa của bài là tác giả chọn được một tứ thơ độc đáo: sự lo lắng của người thày khi tháng ba đến với lớp học. Là người Việt Nam, không ai không thấu hiểu cụm từ “tháng ba giáp hạt”. Ông bà ta cũng đã để lại câu tục ngữ: “Tháng tám chưa qua, tháng ba đã tới” để nhắc nhở cháu con. Đấy là thời điểm đói kém, nhất là đối với bà con nông dân đã thiếu ăn, đã đói thì con trẻ học hành làm sao? Thanh Ứng đã bắt trúng cái tứ này và triển khai thành công các ý thơ theo xúc cảm chân thực của mình.
Năm học đi qua tháng ba
Tháng ba những ngày giáp hạt

Ôi! những tháng ba
Như đường đến trường có con suối lũ
Tôi muốn làm những nhịp cầu nho nhỏ
Đón em đi trên chặng đường xa…
Tôi muốn ngày nào lớp cũng đông vui
Dẫu có tháng ba còn đi qua năm học
Một khoảng trống trên bàn có em vắng mặt
Là thành bao khoảng trống ở trong tôi
Bất ngờ nhà thơ họ Phạm đọc cả một đoạn thơ dài của “Tháng ba đến lớp”. Giọng Huế nhỏ nhẹ, nhiều luyến âm, lại đọc có điểm nhấn của nhà thơ gây xúc động cho người nghe, nhất là khi ông đọc thêm một lần hai thơ kết bài: “Một khoảng trống trên bàn có em vắng mặt / Là thành bao khoảng trống ở trong tôi”.
Phải nói, do sự hợp tỉnh nên giới cầm bút của hai vùng miền Hòa Bình và Hà Tây đã có mấy dịp hội ngộ, nhưng chưa tác giả nào có được sự “ra mắt” anh em bạn viết ấn tượng như sự hiện diện của Thanh Ứng qua “Tháng ba đến lớp” vào cái sáng mùa thu 1978 đấy. Tôi biết Thanh Ứng từ 6 năm trước đó. Chính xác là từ mùa hè 1972. Cũng là do cái duyên văn chương đưa dẫn. Hồi ấy, tôi đang ở đơn vị thanh niên xung phong chống Mỹ N111 mở đường giữa rừng Đà Bắc tỉnh Hòa Bình thì được lệnh cùng đơn vị quay ra thị xã Hòa Bình để tham gia mở đường phục vụ công trình thủy điện sông Đà. Thực ra, đơn vị N111 hoàn thành nhiệm vụ Thanh niên xung phong chống Mỹ đã hơn 1 năm, đang chuyển sang hoạt động của một doanh nghiệp thi công cầu đường lâm nghiệp. Và tôi, dù nhận quyết định biên chế là một giáo viên cấp 2 toàn cấp hưởng lương 45 đồng/tháng, do suốt 3 năm Thanh niên xung phong tôi được giao giảng dạy Bổ túc cấp 2 của đơn vị, nhưng đành phải chấp nhận là một công nhân mở đường, vì công ty không còn chế độ mở lớp học cho tôi giảng dạy nữa. Nếu tôi từ chối sự điều động sang làm công nhân thì công ty sẽ trả tôi về địa phương (!) vỡ mộng và cay đắng khi hết hạn Thanh niên xung phong không được đi học Đại học như người ta hứa lúc tuyển quân, giờ đến độ làm anh giáo viên cấp 2 như nhận quyết định chuyển biên chế chính thức cũng không được nốt, cắn răng chấp nhận học làm người công nhân mở đường lâm nghiệp, thâm tâm tôi cũng khẳng định: nghiệp văn chương là lối thoát của đường đời mình! Lối thoát này tự tôi đã vạch từ mùa hè năm 1963 khi phải cầm tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 quay về quê làm ruộng, không được đi học bên Liên Xô chỉ vì lãnh đạo địa phương chua dòng chữ “Lý lịch rất xấu” vào hồ sơ cá nhân của tôi. Hướng đời đã định, suốt 3 năm làm ruộng ở quê, tôi cặm cụi làm thơ, viết văn đêm đêm dưới ánh đèn dầu, lại tiếp tục cặm cụi công việc đó những năm ở Thanh niên xung phong chống Mỹ. Chính sự kiên định văn chương này đã dẫn tôi đến phòng sáng tác – xuất bản Ty Văn hóa tỉnh Hòa Bình để được gặp Thanh Ứng và đội ngũ anh em làm thơ, viết văn toàn tỉnh vào mùa hè 1972. Hồi ấy, Hòa Bình cách Hà Nội chỉ chưa đến 80 cây số đường ôtô, nhưng con đường 6 mở từ thời Pháp ngoằn nghèo, nhỏ hẹp, gồ ghề, len lách giữa đồng chũng Hà Tây và đồi núi dốc dác của Hòa Bình, đã thế xe khách vừa ít, vừa xấu, thành ra Hòa Bình vẫn là một tỉnh miền núi xa hút, ngại ngùng đối với vùng xuôi. Có lẽ vì vậy mà người miền xuôi lên công tác ở Hòa Bình dễ đến với nhau, dễ gần nhau, và những anh em cầm bút tỉnh Hòa Bình – chủ yếu là người các tỉnh đồng bằng – cũng dễ cảm thông, quý mến nhau. Lần đầu tiên tôi được gặp các anh Đào Khang Hải, Thanh Ứng, Quách Ngọc Thiên, Đinh Đăng Lượng, Nguyễn Khắc Kình, Nguyễn Hoàng Sơn, Lê Thanh Xuân, Hà Trung Nghĩa… tại hội nghị sáng tác của Ty Văn hóa Hòa Bình, được các anh nồng nhiệt tay bắt mặt mừng cũng là do tình cảm đó. Trước hội nghị ít hôm, một sáng Chủ nhật được nghỉ quai búa, nổ mìn thi công con đường công cụ từ bến đò thị xã vào bản Tháu, tôi lang thang chơi quanh thị xã Hòa Bình và bắt gặp khu nhà tranh tre nứa lá treo biển “Ty Văn hóa Hòa Bình” ở gần nghĩa trang chiến dịch Hòa Bình. Chợt nghĩ đến phòng Văn nghệ ở Ty Văn hóa Nam Hà, nơi tôi vẫn gửi những gì đã viết và được in, tôi tò mò tìm hỏi vào phòng chức năng tương tự của tỉnh miền núi này. May sao, người tiếp tôi là anh Nguyễn Công Trứ, biên tập viên chính của phòng, nghe tôi tự giới thiệu, anh vui vẻ bắt tay tôi:
 Phạm Ngọc Chiểu hở? Đọc rồi. Đọc truyện ngắn và ký cậu in ở các tập “Sáng tác Nam Hà”. Hay quá, vậy là gặp đồng hương. Mình gốc Hà Nam đây. Trà lá một chặp, anh bảo tôi:
 Này, đây sắp phải ra một tập sáng tác, cần một cái ký. Cậu viết cho cái tùy bút được không?
 Chẳng biết anh mời chân tình hay thử bút lực mình, nhưng tôi vẫn nhận lời. Ba hôm sau, tôi nộp anh bản thảo tùy bút. Anh đọc xong và tôi thấy anh gật gật. Rồi dõng dạc:
 Được rồi. Giờ thế này. Thứ ba tuần tới mời cậu dự Hội nghị sáng tác của Ty. Giấy mời đây.
Đúng ngày giờ ghi trong giấy mời, tôi đến Ty Văn hóa và được gặp các anh Đào Khang Hải, Thanh Ứng, Quách Ngọc Thiên… quen rồi thân các ông. Nhất là hai anh Quách Ngọc Thiên và Thanh Ứng gần gũi, thân tình hơn, tuy mỗi người mỗi cách.
Thanh Ứng điềm đạm từ nói năng, đi đứng, cho đến cả những bài thơ anh viết. Một giọng thơ thủ thỉ, trầm ấm. Nhớ bài thơ đầu tiên của Thanh Ứng tôi được đọc là bài “Phố Đúng” đã mang rõ dấu ấn ấy:
Phố chúng tôi
Có những nhà mái nứa
Bên nhau như bạn tâm tình
Có hai hàng nhãn xanh
Che mát trò chơi tuổi nhỏ

Cứ thế, Thanh Ứng nhỏ nhẹ kể về phố Đúng, con phố duy nhất bên bờ trái dòng chảy sông Đà, đối diện thị xã Hòa Bình, nơi Thanh Ứng đang giảng dạy bộ môn Văn trường Sư Phạm 10+3 của Tỉnh. Anh kể về con đường cát mịn (đường phố nhưng chỉ là đường cát pha sỏi đá thôi), về cô hàng phố ra bến sông quảy nước, về mùa mưa lũ sông Đà dân phố xuôi bè, vớt củi, về anh bưu điện mang tin chiến trường đến với từng ô cửa, về bom Mỹ giết hại dân phố. Và:
Ông trưởng phố có bộ râu rậm đen
(Không mấy khi được cạo)
Đêm đêm đến từng nhà
Gõ tay vào vì kèo hầm ai chưa chắc chắn
Nhắc bà con cẩn thận lửa đèn
Và cầm loa dõng dạc đọc vài tin:
Chiến thắng hai miền trên báo Đảng!
Không chữ lạ, không vụt sáng câu thơ tài hoa, nhưng phố Đúng hiển hiện qua giọng kể chân thực của Thanh Ứng gây xúc động trong lòng người đọc những ngày đánh Mỹ.
Đọc “Phố Đúng” được ít lâu, tôi có dịp kiểm chứng nhận định của mình về chất người và chất thơ Thanh Ứng. Một hôm, có việc ra thị xã Hòa Bình (sau khi làm xong đường phục vụ công trình thủy điện), đơn vị tôi lại phải quay vào mở đường rừng trong Đà Bắc, giữa tầm chiều, tôi qua đò sang phố Đúng để cuốc bộ về đơn vị. Chợt nhớ Thanh Ứng dạy học trong trường Sư Phạm, ngần ngừ một lúc, tôi quyết định rẽ vào cổng trường, hỏi chỗ ở của thày Thanh Ứng. Người bảo vệ lắc đầu bảo trường không có thày giáo nào tên là Thanh Ứng. Thôi chết, tôi chợt nhớ ra Thanh Ứng là bút danh, tên thật của anh là Phạm Văn Ninh kia. Nghe tôi nói lại, người bảo vệ cười gật và chỉ lối cho tôi. Phải đi qua một vườn chuối mới đến được phòng ở của Thanh Ứng, một căn phòng tre nứa, vách chát toóc – xi, nhỏ gọn, ngăn nắp. Thanh Ứng vồn vã chào đón tôi và một mực giữ riết, không cho tôi đi. Quả thật anh làm tôi cảm động về sự cởi mở chân thành. Thâm tâm tôi vẫn nhớ anh và tôi cùng tốt nghiệp phổ thông năm 1963, nhưng anh đã học xong đại học Sư Phạm và đang dạy trường Sư Phạm của tỉnh, còn tôi chỉ là anh công nhân mở đường giữa rừng sâu. Không biết anh có đọc được chút tự ti trong tôi, nhưng tôi thấy anh vừa pha nước, vừa nhỏ nhẹ, dứt khoát:
 Ông uống nước đi, rồi ở chơi với tôi. Lúc nữa ăn cơm, ăn thử cơm bếp tập thể trường tôi xem thế nào. A!, mà có rượu nhé. Chai rượu thuốc Ngũ gia bì tôi vừa được bệnh xá nhà trường phát cho. Ăn uống xong rồi nghỉ. Hai thằng nằm chung giường một này trò chuyện và ngủ. Ông quen ngủ chung không?
Thấy anh nhiệt thành thật sự, trời lại vần vũ sắp mưa, tôi nhận lời ở lại với anh.
Đêm ấy, tôi và Thanh Ứng trò chuyện đến khuya mới ngủ. Bên Thanh Ứng, tôi ngủ một mạch đến sáng. Mấy bữa sau gặp anh Nguyễn Công Trứ tại phòng sáng tác – xuất bản, anh chìa cho tôi tờ giấy:
 Thanh Ứng nó có bài thơ tặng cậu đấy. Đọc đi. Nghe được đấy. Chân mộc, có tình, đúng chất thơ cậu ta.
Tôi hồi hộp đọc những dòng thơ bạn viết tặng mình “Tặng Bạn Lâm Nghiệp”
Chiều nay về với rừng
Ghé thăm tôi chốc lát
Chuyện vui chẳng muốn dừng
May sao trời nặng hạt!
Anh ngủ lại nơi đây
Hai đứa chung giường một
Lo đêm hè nóng nực
Trời trở gió heo may
Ngỡ mình về với lán
Anh ngủ rất say sưa
Tôi nằm yên bên bạn
Để anh tròn giấc mơ
Hơn hai năm sau ngày nhận được bài thơ tặng của Thanh Ứng, tôi về làm biên tập tại phòng sáng tác – xuất bản Ty Văn hóa Hòa Bình. Quách Ngọc Thiên và Thanh Ứng là hai người đầu tiên đến chúc mừng tôi. Thanh Ứng đưa cho tôi hai bao thuốc lá, một Tam Đảo, một Nhị Thanh. Tôi biết đây là những bao thuốc anh được mua tiêu chuẩn, phân phối và anh cũng cần dùng, nên chỉ xin nhận bao thuốc Nhị Thanh, nhưng Thanh Ứng đẩy bao Tam Đảo trả lại tôi:
 Ông cầm cả mà hút. Ông nghiện hơn tôi mà. Mừng ông chuyển về đây, lẽ ra phải có gì chia vui với ông, chứ chỉ có ít khói thuốc, đáng gì!
Thanh Ứng là thế.
Hợp tỉnh, về phòng sáng tác thơ – văn – nhạc – họa của Ty Văn hóa Hà Sơn Bình, qua nhà thơ – nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lê Văn, tôi mới biết Thanh Ứng làm thơ rất sớm, đang học cấp ba Ứng Hòa đã đạt giải Nhất cuộc thi thơ của tỉnh Hà Tây. Tổng kết cuộc thi, nhà thơ Trần Lê Văn viết: “Bài thơ “Đừng bẻ lá cho con” trúng giải nhất là của bạn Thanh Ứng, một học sinh. Bài thơ tươi mát và nhiều nhựa như tuổi trẻ của tác giả. Thanh Ứng nói về việc bảo vệ cây có tình như nói về việc bảo vệ người. Hình tượng cái cây non và hinh tượng em bé trong bài thơ cứ quyện lấy nhau khăng khít.
Bài thơ của Thanh Ứng không có dụng ý bố trí mà vẫn chặt chẽ, không có dụng ý làm đẹp mà vẫn có duyên, nội dung tư tưởng tỏa ra từ bài thơ, nhẹ nhõm như hơi thở, không có gì gò gấm. Những cái đó là một báo hiệu tốt của một người mới làm thơ” (Trần Lê Văn – “Mấy ý nghĩ về tập thơ Cây xanh”, 1963).
Nhà thơ Trần Lê Văn đã có nhận xét về bài thơ và năng lực thơ của Thanh Ứng thật xác đáng. Bằng chứng là “người mới làm thơ” Thanh Ứng, dù mấy năm sau giải Nhất được lĩnh, vì bận theo học Đại học để tích lũy hành trang của một giáo viên, phải tạm dẹp bỏ thơ, nhưng khi ra trường đến Chợ Bến – Kim Bôi tỉnh Hòa Bình dạy học cấp ba, sau đó về dạy Sư Phạm 10+3 của tỉnh, anh đã ngay lập tức trở lại với thơ. Để rồi anh liên tiếp có thơ gửi bạn đọc: “Học sinh nông trường”, “Dáng đi”, “Hương lá”, “Phố Đúng”, “Viết bên hồ nước”, “Người gác dòng sông”, “Một vùng quê ở sông Đà”. Đặc biệt là “Tháng ba đến lớp” được tặng giải Nhất cuộc thi viết về Thày giáo và Nhà trường cùng hai nhà thơ: Trần Đăng Khoa (bài “Thày giáo thương binh”) và Vũ Đình Minh (bài “Ý nghĩ ngày mưa”). Những bài thơ viết về con người và vùng đất Mường Hòa Bình đó, sau ngày hợp tỉnh Hà Sơn Bình, được Thanh Ứng bổ sung thêm phần thơ viết về Hà Đông quê anh, dồn thành tập thơ Hương Lá để Sở Văn hóa – Thông tin Hà Sơn Bình xuất bản, phát hành tháng 5-1988. Thi phẩm đầu tay này khẳng định vị thế nhà thơ hàng đầu vùng núi Tản – sông Đà của Thanh Ứng, một thi phẩm gồm 26 bài thơ thấm đẫm tình người. Đó là tình cảm của nhà giáo đối với học trò, là tình bạn bè thân thiết, là những xúc động của tác giả trước những con người và miền quê anh bắt gặp trên đường đời. Một “Học sinh nông trường” và “Tháng ba đến lớp” khiến người đọc quý trọng tâm hồn người thày giáo. Một “Bình” và “Bạn đi” làm ta yêu mến, trân trọng tình bạn của tác giả, đồng cảm được với câu thơ: “Dù thiếu cả hai tay, không thể thiếu bạn bè!” như một tuyên ngôn về lẽ sống của anh. Đến “Cặp sách của con” và “Với anh”, người đọc thấy phần thẳm sâu tình cảm của nhà giáo – nhà thơ này. Đấy là hai bài thơ anh viết về những người ruột thịt. Một cho con. Một gửi hương hồn người anh trai liệt sĩ. “Sáu con rồi, anh vẫn ra đi rồi nằm lại…/Cả nhà không yên, chưa ai vào thăm…”, người anh mà “Lúc còn sống ham công tiếc việc/Mà cái đói cái nghèo không khi nào hết/Đêm nằm nước mắt tràn mi”
Như vậy, có thể nói từ bài thơ đầu tiên được tặng giải lúc còn là một học sinh cấp ba đến chùm thơ được giải Nhất lúc đã là một nhà giáo, và cho đến khi anh đưa cả một tập thơ đầu của nghiệp thơ mình trình làng, Thanh Ứng đã định hình phẩm chất thơ của riêng anh – chất thơ thâm trầm, dung dị, giàu nhân tính. Minh chứng cho nhận định này là sau “Hương Lá”, anh in “Tháng Ba Đến Lớp” tháng 9-1994, rồi “Ngàn Sao” tháng 11-1998, “Một mùa hoa” quý 1-2003, và gần đây nhất là tập thơ “Tạ Ơn Hoa Hồng” in quý 3-2007, Thanh Ứng vẫn bền vững một chất thơ riêng ấy. Ở cả bốn tập thơ xuất bản sau “Hương Lá”, người đọc vẫn thấy một Thanh Ứng có những câu thơ, bài thơ hay nhất, cảm động nhất dành tặng những con người anh quý trọng, đồng cảm, thương cảm. Về thăm thày hiệu trưởng đầu tiên của trường cấp ba anh theo học từ 40 năm trước, Thanh Ứng nhói một nỗi đau khi thấy “Thày mặc vội cái áo ngày xưa thày hay mặc” và gia cảnh thày: “Mấy mươi năm vẫn nhà cũ ba gian/Kê hai phía hai cái giường gỗ mộc/Chiếc bàn cao khách vẫn ngồi uống nước/Trò đến nhiều thày lóng ngóng vào ra…”. Vẫn thế, thơ gây xúc động trong lòng người đọc không phải bằng chữ nghĩa mà bằng chi tiết và trước hết là tấm lòng người làm thơ. Kính thày, thương thày, người đọc còn hay thấy Thanh Ứng bâng khuâng nhớ bạn, thương bạn, nhất là những người bạn nghèo và những bạn đã đi xa mãi mãi, dù đó là những người bạn anh nhớ nguyên tên tuổi và cả những người bạn anh chỉ thoáng gặp. Nhớ người bạn thơ kiêm họa sĩ Lai Vu: “Bộ râu đen nghênh ngang/Những lời nói phũ phàng…/Kính cận đít chai/Lững thững một mình dọc phố…/Cuộc đời mới già nửa/Thơ chưa trọn là thơ/Họa mới có hình có nét/Bạn bè chưa nhận hết ra anh…” Ai đã gặp, đã quen Ngô Lai Vu sẽ thấy Thanh Ứng thật giỏi khi phác thảo chân dung nhà thơ – họa sĩ xấu số này, nhưng càng thấy cảm nhận của Thanh Ứng thật sâu sắc khi anh rút bốn câu kết về người bạn thơ của mình: “Nếu thiếu đi đôi lời khinh ngạo/Xóa đi bộ râu nghênh ngang/Thiếu đi thơ và họa/Có lẽ anh đã tuột rơi!”.
Sau Lai Vu, Thanh Ứng còn viết tặng hai người bạn có tên tuổi nữa. Đó là bài “Bạn xa” gửi Trần Hữu Nghiễm – một bài thơ phảng phất thơ Đường hiếm thấy trong thơ Thanh Ứng:
“Bạn có gặp đâu mà thành nhớ
Vời vợi nơi xa cặp mắt buồn
Đăm đắm dõi theo đời dâu bể
Lòng trai say mãi điệu tâm hồn…”
Và đó là “Gửi người văn” Thanh Ứng tặng Hồ Đắc Đại: “Áng văn trong lời anh giảng/Mặn mòi đồng đất chân quê/Tóc thày phôi pha năm tháng/Vẫn vương những sợi trăng thề…”
Điều đáng lưu ý là thơ viết tặng bạn có tên tuổi cụ thể chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với thơ Thanh Ứng viết về những người bạn không tên. Đấy là thơ anh viết tặng một cô gái đắp bùn gieo mạ trong các rét căm căm, một cô gái Bắc Ninh anh gặp tình cờ ở vùng quê sông Đà, một cô gái Tày trong thoáng chiều Tu Lý, một cô giáo nén nỗi đau chồng hi sinh để giữ cho tiết giảng của mình trôi chảy, một cô giáo khác biết dẹp nỗi buồn bị chồng phụ tình để đón đứa con riêng của chồng về nuôi, và vẫn: “Trống vang lên em vào lớp đúng giờ/ Ngày bốn tiết vẫn chăm dạy học/ Trò cấp một buổi nào cũng hát/ Và đọc đồng thanh những câu thơ vui”. Thanh Ứng còn viết về những người mắc bệnh tâm thần, về người tốt nghiệp đại học mà thất nghiệp mà phải ngồi bán xổ số… Đọc hết những bài thơ anh viết về bạn bè, ta ngộ ra: Thanh Ứng toàn viết về những người nghèo và khó, những thân phận hẩm hiu trên đời này. Nếu cộng thơ mảng thơ Thanh Ứng viết về học sinh nghèo vùng cao – những người bạn nhỏ tuổi – mảng thơ đem về cho anh hai giải Nhất hai cuộc thi thơ viết về Thày giáo và Nhà trường tổ chức năm 1978 và năm 1990, trong đó, bài “Tháng ba đến lớp” đưa anh vào tuyển tập “Thơ Việt Nam hiện đại” (tập II, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1994), thì càng thấy rõ: “thơ Thanh Ứng hay quan tâm tới những cảnh ngộ, anh là cây bút giàu lòng trắc ẩn”. (Vũ Quần Phương. Thế giới mới, số 4, tháng 12/1990).
Để rõ hơn đặc điểm này trong hồn thơ Thanh Ứng, xin hãy đọc phần thơ anh viết về những người ruột thịt của anh. Phần thơ này không nhiều, nếu tôi nhớ không nhầm thì ngoài mẹ và anh trai liệt sĩ anh viết mỗi người hai bài, còn thì anh viết về bố, về vợ, về các con mỗi người chỉ một bài. Ít, mà tinh, và hay. Đây là thơ anh viết về mẹ: “Mẹ có về với con được không?/ Tuổi sau mươi con lại cần có mẹ…/ Cuối đời mình thấm thía cảnh mồ côi/ Bị bắt nạt không có người bênh vực…/ Sáu mươi năm buồn vui, nước mắt/ Cứ ngỡ đã quen thiếu mẹ ở đời/ Bỗng hôm nay con thầm gọi hai tiếng: Mẹ ơi!/ Muốn đổi tất cả những gì để thêm một lần: Có mẹ…”. Đây là thơ về cha: “Cha ra đi mang những giọt lệ đau/ Chắt cả đời đọng trong khóe mắt/ Cha nói gì tiếng chìm tiếng nấc/ Mười năm sau con chưa rõ được lời!”. Còn đây là thơ anh viết về vợ - cô hàng xóm xinh xắn, đã gắn trọn cuộc đời với nhà thơ, lo toan mọi chuyện để anh chuyên tâm dạy học và theo đòi nghiệp thi sĩ, đến lúc cả hai nghỉ hưu “nhà ta vắng vẻ đìu hiu hai người”, anh mới viết được một bài tặng nàng – bài “Chợ tạm về gần nhà” (giải Ba thi thơ Hà Tây 2006/2007). Bài lục bát 24 câu này khó lấy ra mấy câu riêng rẽ để giới thiệu, xin mời mượn nhà thơ Trúc Thông nói về bài thơ trước khi mời các bạn đọc nguyên văn toàn bài để cảm nhận hết cái tình của tác giả đối với người vợ yêu dấu của anh: “Mất mười hai câu vào bài để dựng không khí cái chợ tạm… tứ thơ “Chợ tạm” được đẩy tới bước nữa về cái không hề tạm của cuộc đời: cái ân đức còn lại mãi, sự gắn bó thủy chung bất biến, quãng đời còn lại sau chót của vợ chồng ta, người gánh vác chính lại là em…”:
“…
Em không giỏi bán, giỏi mua
Cố vuông tròn để cho vừa tiền hưu
Chợ đông cả sáng, cả chiều
Nhà ta vắng vẻ đìu hiu hai người!
Chợ về tạm lại đi thôi
Còn em… gánh mãi quãng đời của anh…”
Cũng cần nói thêm điều này: hồn thơ giàu trắc ẩn, đau đời của Thanh Ứng không chỉ rung động trước những cảnh đời, những thân phận khổ đau của con người, nó còn xa xót buồn phiền trước mất mát và những đổi thay nghịch lẽ đời. Đấy là cảnh nhà thơ gặp lại cuốn thơ mình ký tặng, vì nghèo khó vợ con họ đem bán. Là cảnh làng quê yên ấm đang bị đô thị hóa, bêtông hóa. Là nông nỗi “Cuối đời mong một chữ nhàn/Mà rồi vướng nỗi đoạn trường đường xa” và “Làm chồng như đá khó thay/Thủy chung phơi giữa nước mây  biển trời…” Là xa xót của một đời người ngẫm ra từ một “Chiếc vé vớt”... vân vân và vân vân.
Bây giờ thì, sau tất cả những gì đã đọc, đã cảm và ngẫm, ta có thể kết luận: Thanh Ứng – một hồn thơ nặng lòng nhân thế!
Hà Nội, 19/7/2008
P.N.C