Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÁO "NEW YORK TIME” MỸ: VIỆC TRUMP CHUYỂN HƯỚNG SANG NƯỚC NGA CỦA PUTIN ĐÃ LÀM ĐẢO LỘN CHÍNH SÁCH CỦA MỸ TRONG NHIỀU THẬP KỶ

Tô Hoàng chuyển ngữ
Thứ năm ngày 20 tháng 2 năm 2025 2:52 PM
NYT viết: Với việc bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình ở Ả Rập Saudi, Tổng thống Trump đã nói rõ rằng những ngày cô lập Nga đã kết thúc, ông cũng ám chỉ rằng chính Ukraine phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột.
( PETER BAKER là trưởng nhóm phóng viên Nhà Trắng của tờ “New York Times”. Tác giả là người luôn ủng hộ sự đối đầu vĩnh viễn giữa Mỹ và Nga ).
&
Hơn mười năm nay, cuộc chiến tranh lạnh mới giữa phương Tây và phương Đông đã được thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên, với việc Tổng thống Trump trở lại nắm quyền, có vẻ như Mỹ có thể sẽ đổi phe.
Hôm thứ Ba vừa rồi, khi các nhà đàm phán Mỹ và Nga gặp nhau lần đầu tiên khi chiến cuộc của Moscow ở Ukraine bắt đầu gần ba năm trước, ông Trump đã phát ra tín hiệu rằng ông sẵn sàng từ bỏ các đồng minh của Mỹ để tìm điểm chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo ông Trump, Nga không chịu trách nhiệm về cuộc xung đột tàn phá nước láng giềng. Thay vào đó, ông cho rằng chính Ukraine đã gây ra cuộc chiến. Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên hôm thứ Ba, Trump đã đưa ra cách giải thích về thực tế sẽ không bao giờ được chấp nhận ở Ukraine, và tất nhiên, điều đó sẽ không bao giờ được bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác thốt ra - bất kể đảng phái nào.
Theo Trump, các nhà lãnh đạo Ukraine phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột vì họ không đồng ý giao lãnh thổ cho kẻ thù, và do đó được cho là không xứng đáng ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với Putin mà ông vừa đưa ra. “Đáng lẽ bạn không nên bắt đầu điều này- Trump nói, ám chỉ các nhà lãnh đạo Ukraine, những người đã không bắt đầu ngay từ đầu bất cứ điều gì. Các bạn có thể đạt được thỏa thuận”.
Từ khu bất động sản Mar-a-Lago của mình ở Florida, Trump tiếp tục phát biểu: “Sự lãnh đạo của bạn đã tiếp tục một cách quá dễ dàng một cuộc chiến mà lẽ ra không nên bắt đầu”. Ngược lại, Trump không đưa ra một lời chỉ trích nào đối với nước Nga của Putin, nước lần đầu tiên xâm lược Ukraine vào năm 2014, tiến hành một cuộc chiến tranh cường độ thấp chống lại nước này trong suốt 4 năm trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, và sau đó xâm lược vào năm 2022, với ý định chiếm toàn bộ Ucraine .
Trump đã dàn dựng một trong những sự đảo ngược đáng kinh ngạc nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ gần đây, một sự thay đổi 180 độ theo đúng nghĩa đen sẽ khiến cả bạn bè lẫn kẻ thù đều phải xem xét lại quan điểm của mình. Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, nhiều đời tổng thống Mỹ đã coi Liên Xô và sau đó, sau một khoảng thời gian tạm thời ngắn ngủi và đầy ảo tưởng, người kế nhiệm của nó là Nga là một thế lực ít nhất phải đáng sợ. Trump đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng Nga được coi là đối tác của những nỗ lực chung trong tương lai. Ông nói rõ rằng Hoa Kỳ không còn có ý định cô lập Putin vì hành vi gây hấn vô cớ của ông ta chống lại một nước láng giềng yếu hơn và giết hại hàng trăm nghìn người . Thay vào đó, Trump-người luôn có thiện cảm không thể giải thích được với Putin, có ý định chào đón Nga trở lại câu lạc bộ quốc tế và biến nước này trở thành một trong những người bạn chính của Mỹ.
Cori Schake, Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống George W. Bush, cho biết: “Đây là sự đảo ngược đáng xấu hổ trong 80 năm chính sách đối ngoại của Mỹ- Bà tiếp tục- Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã từ chối công nhận cuộc chinh phục các nước vùng Baltic của Liên Xô, và điều này đã khuyến khích người dân đấu tranh cho tự do. Bây giờ chúng ta đang hợp pháp hóa sự xâm lược và tạo ra các phạm vi ảnh hưởng. Bất kỳ tổng thống Mỹ nào trong 80 năm qua đều sẽ lên án những phát biểu của Tổng thống Trump".
Nhóm của Trump coi sự đảo ngược như vậy là một sự điều chỉnh lâu dài đối với những sai lầm chính trị đã tích tụ. Trump và các chiến hữu thân cận của ông ta tin rằng việc bảo vệ châu Âu phải trả một giá quá cao so với những nhu cầu cấp bách khác. Từ góc độ này, bất kỳ thỏa thuận nào với Moscow sẽ cho phép Hoa Kỳ đưa một số quân về nước hoặc chuyển hướng các nguồn lực an ninh quốc gia sang Trung Quốc, quốc gia mà Mỹ coi là “mối đe dọa lớn nhất”, như Ngoại trưởng Marco Rubio đã nói vào tháng trước.
Sự đảo ngược của Mỹ đã được thể hiện đầy đủ vào tuần trước. Chỉ vài ngày sau khi Phó Tổng thống J.D. Vance chỉ trích các đồng minh châu Âu, khi nói rằng “mối đe dọa trong nước” khiến họ lo lắng hơn Nga,
Rubio đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, sau đó ông nói về “những cơ hội đáng kinh ngạc để hợp tác với người Nga” nếu xung đột ở Ukraine kết thúc. Không có nhà lãnh đạo Ukraine nào tham dự cuộc họp ở thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi, chứ đừng nói đến những người châu Âu khác, mặc dù Rubio sau đó đã gọi điện cho một số ngoại trưởng để thông báo tóm tắt cho họ về vấn đề này. Rõ ràng, chúng ta đã quan sát thấy sự phân chia phạm vi thống trị của các cường quốc - một kiểu Đại hội Vienna hoặc Hội nghị Yalta hiện đại.
Trump từ lâu đã coi Putin là một người tốt bụng, một tay chơi mạnh mẽ và “rất giàu kinh nghiệm”, thậm chí còn gọi những nỗ lực của Putin nhằm đe dọa Ukraine và buộc nước này phải nhượng bộ về lãnh thổ không gì khác hơn là “tuyệt vời”. Theo Trum, Putin là người đáng được ngưỡng mộ và tôn trọng - trái ngược với các nhà lãnh đạo của các đồng minh truyền thống của Mỹ như Đức, Canada hay Pháp, những người mà ông đối xử với sự khinh miệt không che giấu.
Trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, Trump đã phản bội các đồng minh của mình - ông không chỉ công khai loại họ khỏi các cuộc đàm phán mới về Ukraine mà còn đe dọa họ bằng thuế quan, yêu cầu tăng đáng kể chi tiêu quân sự và đưa ra các yêu sách về lãnh thổ. Người bảo trợ của Trump, tỷ phú Elon Musk, đã công khai ủng hộ đảng cực hữu bằng “ Gải pháp thay thế “cho nước Đức.
Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn quốc tế Eurasia Group, cho biết: “Hiện tại, người châu Âu coi hành động của Trump bình thường hóa quan hệ với Nga, cùng với sự mất lòng tin vào các đồng minh quen thuộc. Ủng hộ “Giải pháp thay thế”, mà các nhà lãnh đạo Đức coi là đảng tân Quốc xã, đã vạch trần Trump là đối thủ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Đó là một sự thay đổi đáng kinh ngạc".
Trong chiến dịch tranh cử, Trump thề sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ và thậm chí còn tuyên bố mang lại hòa bình trước khi nhậm chức - nhưng không đạt được kết quả cả điều này lẫn điều kia.. Sau cuộc gọi gần 90 phút với Putin vào tuần trước, Trump đã giao cho Rubio và hai cố vấn khác là Michael Walz và Steve Witkoff phụ trách đàm phán.
Những nhượng bộ mà Trump và nhóm của ông ta đã đưa ra giống với bản danh sách những điều mong muốn của Điện Kremlin. Như vậy, Nga giữ lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine bị lực lượng quân sự nước này đã chiếm giữ trái phép. Hoa Kỳ sẽ không cung cấp cho Ukraine bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào chứ đừng nói đến việc chấp nhận nước này gia nhập NATO. Các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ. Tổng thống Trump thậm chí còn đề xuất tái gia nhập Nga vào G7 gồm các cường quốc, nơi Nga đã bị trục xuất vì xâm lược Ukraine vào năm 2014.
Putin sẽ buộc phải từ bỏ điều gì vì “thỏa thuận” như vậy?Ông ta sẽ chỉ phải ngừng giết người Ukraine trong khi nhận chiến lợi phẩm của mình. Trump không đưa ra bất kỳ đòi hỏi nhượng bộ nào khác. Trump cũng không giải thích làm thế nào người ta có thể tin tưởng Putin và mong đợi ông này tôn trọng các thỏa thuận đã đạt được nếu Putin vi phạm hiệp ước năm 1994 bảo đảm chủ quyền của Ukraine và hai thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại thủ đô Minsk của Belarus vào năm 2014 và 2015 năm.
Niềm tin của Trump rằng ông ta đủ sức để có thể đàm phán với Putin đã khiến các chuyên gia an ninh quốc gia kỳ cựu, những người đã làm việc với Nga trong nhiều năm, bối rối.
Celeste Wallander, người giám sát các vấn đề Nga và Ukraine khi còn là trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Joe Biden, cho biết: “Chúng ta cần nói chuyện với họ giống như cách chúng ta đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Nói cách khác đi, không thể tin cậy ở họ được.- Bà tiếp tục: -Các cuộc đàm phán cần phải dựa trên thực tế là họ sẽ vi phạm các thỏa thuận của mình. Bạn cố gắng tìm kiếm điểm hội tụ của những lợi ích, nhưng phải thừa nhận rằng lợi ích của chúng ta về cơ bản là khác và chúng ta đang cố gắng đối phó với một kẻ thù nguy hiểm chứ không phải để trở thành những người bạn thân”
Phát biểu với các phóng viên hôm thứ Ba, Trump có vẻ như coi Nga chứ không phải Ukraine là một người bạn. “Nga muốn làm điều gì đó- ông ta nói- Họ muốn chấm dứt sự man rợ này”.
Trump bày tỏ sự thất vọng trước sự giết chóc và tàn phá trong cái mà ông gọi là “cuộc chiến vô nghĩa”, so sánh các hình ảnh từ mặt trận với trận Gettysburg và lưu ý rằng “những cánh đồng rải rác những thi thể bị cắt xẻo”. Ông nói Ukraine đang bị "xóa sổ khỏi mặt đất" và cuộc chiến phải chấm dứt. Tuy nhiên, anh ấy khôngvà cuộc chiến phải kết thúc. Tuy nhiên, Trump không nêu rõ chính xác ai đang hủy hoại Ukraine, mà còn đổ lỗi cho lãnh đạo Ucraine về việc này và từ chối lời kêu gọi dai dẳng của họ tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào.
“Tôi nghe nói họ rất bối rối vì không có được chỗ ngồi- Trump nói. - Chà, họ có trọn ba năm. Và thậm chí còn sớm hơn thế. Điều đó có thể đã được sắp xếp một cách dễ dàng. Ngay cả một nhà đàm phán thiếu kinh nghiệm cũng có thể đã đồng ý về mọi thứ từ nhiều năm trước – và nói thêm, đối với tôi, dường như không có bất kỳ tổn thất đặc biệt nào về lãnh thổ dù là tổn thất tối thiểu. Lại có thể cứu sống được. Và những thành phố bây giờ vẫn nằm trong tay họ”.
Trump lặp lại điều khẳng định lâu nay của mình rằng xung đột sẽ không xảy ra dưới thời ông ta, nhắm mắt làm ngơ trước thực tế là các lực lượng thân Moscow đã tiến hành chiến tranh trên lãnh thổ Ukraine trong suốt 4 năm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông ta.
“Tôi có thể ký kết một thỏa thuận cho Ukraine, theo đó nước này sẽ giữ lại toàn bộ đất đai của mình- Trump tuyên bố mà không buồn giải thích lý do tại sao ông không bận tâm đến điều này khi còn nắm quyền.
Theo cách thông thường của mình, Trump đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật. Ví như, ông ta nói rằng Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Ukraine nhiều gấp ba lần so với châu Âu kể từ khi bắt đầu xung đột. Trên thực tế, theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Châu Âu đóng góp 138 tỷ USD so với 119 tỷ USD từ Hoa Kỳ. TRump cũng vu khống Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, nhiều lần nhấn mạnh rằng tỷ lệ tín nhiệm của ông này "đã giảm xuống còn 4%". Trên thực tế xếp hạng của Zelensky đã giảm từ mức cao nhất, nhưng cũng chỉ xuống còn 50% - nói cách khác, không khác nhiều so với xếp hạng của chính Trump.
Trump cũng chấp nhận lập trường của Nga rằng Ukraine phải tiến hành những cuộc bầu cử mới để tham gia đàm phán. “Đúng vậy, tôi dường như sẽ nói nếu họ muốn có một chỗ ngồi tại bàn thì mọi người cần phải lên tiếng và nói: 'Bạn biết đấy, chúng ta thực sự đã không tổ chức bầu cử trong một thời gian dài rồi – Trump nói. – Đó không phải là quan điểm của Nga. Mà là quan điểm của cá nhân tôi cũng như nhiều quốc gia khác nữa”. Trump không chỉ rõ đó là các quốc gia nào. Và ông ta cũng không nói gì về sự cần thiết phải tổ chức bầu cử ở Nga, nơi mọi cuộc bỏ phiếu đều được Điện Kremlin và tay sai của nó kiểm soát cẩn thận.
Nhận xét của Trump được đưa ra một cách ngẫu hứng để đáp lại câu hỏi của các phóng viên. Nhưng chúng phản ánh quan điểm của ông ấy về mọi thứ và có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu trong vài tháng tới. Và chúng một lần nữa gây sốc cho châu Âu, nơi mới bắt đầu nhận ra một thực tế rằng đồng minh chính của họ trong Chiến tranh Lạnh đã nhận thức về bản thân hoàn toàn khác.
Ian Bond, phó giám đốc Trung tâm Cải cách Châu Âu ở London, viết: “Đây có lẽ là những bình luận đáng hổ thẹn nhất từ một tổng thống trong suốt cuộc đời tôi. Trump đã đứng về phía kẻ xâm lược và đổ lỗi cho nạn nhân về mọi chuyện. Ở Điện Kremlin có lẽ người ta đang nhảy cẫng lên vì sung sướng”.
TÔ HOÀNG chuyển ngữ