Như một ngoại lệ, ở tuổi ngoài bát thập mà Trần Lão vẫn giàu nội lực, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng thi triển nội công với đám thi bá, thi vương giang hồ bằng những đường quyền hào sảng thấm đẫm tinh thần humour.
Sự nghiệp văn nghệ của lão rất đáng nể, 9 tập rưỡi thơ, 4 tập truyện ngắn, 4 tiểu thuyết, trong đó có tiểu thuyết hài hước "Kim kổ kỳ kuặc ký" về cuộc phiêu lưu của chàng văn nhân cơ hàn Mao Tôn Úc, hậu duệ chân truyền của Mao Tôn Cương tiên sinh, nhà bình luận "Tam quốc diễn nghĩa" độc nhất vô nhị xứ Tàu. Đó là chưa tính đến tạp văn "Tản mạn Mongo" với lối hết sức phóng túng về chuyến viếng thăm đất nước Thành Cát Tư Hãn của "Ngũ quái" mà người cầm đầu là dịch giả Thúy Toàn hay các tập chân dung "Khúc khích văn nhân" và "Khoảnh khắc văn nhân" ký họa và thơ vui văn nghệ sĩ Việt Nam. Chưa hết, lão còn là nhà ký họa chân dung rất có thần tại Văn miếu Quốc tử giám nhân dịp các nhà thơ tứ xứ về dự lễ hội "Ngày thơ Việt Nam", trong đó có tiết mục đặc sắc là thả thơ lên chín tầng vân hán kính thỉnh các bậc thần linh thưởng lãm.
Lần này, Trần Lão xuất bản "Gió thu vừa chạm ngõ", Nxb Hộ Nhà văn cấp giấy phép, khổ 13,5x 20,5 cm, 186 trang với cái bìa rất trang nhã do chính Trần Nhương vẽ. "Gió thu vừa chạm ngõ" gồm 2 phần, phần 1 gồm 83 bài thơ tương ứng với 83 tuổi (dương lịch) của Trần lão, phần 2 (Bầu bạn góp cổ phần) là 3 bài bình và một bài thơ vui tặng tác giả.
Cũng như những tập xuất bản gần đây, thơ Trần Nhương luôn giữ được phong cách nhất quán về vẻ đẹp vĩnh cửu của người phụ nữ trong những khoảnh khắc bất chợt nhìn thấy người đẹp. Ông như một nghệ sĩ đa tài nhưng cũng đa đoan, đa cảm và cả đa tình, chí ít là trong những diễn ngôn như kiểu khiêu khích thiên hạ. Đương nhiên, thơ ông không chỉ sử dụng một loại đề tài nhưng tôi có cảm giác, thi hứng về phía giai nhân luôn là số một. Có khá nhiều bằng chứng cụ thể để người ngoài cuộc nhận ra, nhân vật EM là trung tâm của mọi diễn ngôn thẩm mỹ. "Em" luôn luôn là số một, không còn là thi liệu gián cách như kiểu cấu trúc lưỡng phân trong thi pháp Thơ Đường mà nó trở thành yếu tố cốt lõi tạo nên hồn vía bài thơ. Chẳng hạn, trong tình huống thật trớ trêu, khi người cha của em đã mất dăm năm mà chủ thể trữ tình của chúng ta vẫn thả được một câu rất chi là ong bướm :
"Lạ nhỉ sao anh cũng tuổi ấy
Hao hao năm tháng tuổi thơ đầy
Hay em giới thiệu anh… cho mẹ
Như nối dây diều thêm cánh bay".
Còn đây là lại là cái nhìn thoáng chút phồn thực của chủ thể trữ tình được tác giả gọi là "thi sỹ":
"Em váy ngắn nước thoa lên khúc nõn
Đường chiều ai thắt nẻo lưng ong
Có một lão già ngồi thổn thức
Nhìn như Chú Tễu sắp lên đồng".
Với Trần Lão, "Em" và "Anh" luôn là cặp đôi song hành trong sự tương tác khá là "đong đưa" ở thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ AI:
"Váy đã chùng heo may
Em dìu dịu thời trang thu đông diễn phố
Thả một link để bao mắt enter".
Để rồi, cuối cùng, em bất chợt được nâng bổng lên tầm vũ trụ bằng phép thậm xưng:
"Em bí ẩn như hố đen vũ trụ
Chuông chùa buông giọt thu không".
Có điều, cho dù nhân vật hư cấu trữ tình qua lăng kính cảm xúc của lão tiền bối U90 ấy du hành khắp thế gian bằng thiết bị thảm bay hay công nghệ siêu thanh, thì cuối cùng hình hài nàng vẫn hiển hiện ở đầu đó gần khu nhà sáng tác Đại Lải:
"Em tất bật chưa thể về Đại Lải
Để mình anh như có như không
Đò chờ gác mái bên sông
Chiều chưa tắt nắng mà lòng đã đêm
Chắc vài hôm nữa cùng nên
Và anh run rẩy và em dại khờ
Cỏ thu một nẻo non tơ
Chỉ còn sóng sánh đôi bờ sông xuân".
Thơ Trần Lão có khá nhiều bài hay khiến không ít chúng sinh lầm tưởng lão vẫn còn ở tuổi tràn đầy xuân sắc. Bài "Tuy Hòa" tiên sinh viết năm 2022, vào lúc Lão đã 81 tuổi mà đọc lên cứ như khí văn của một chàng trai trẻ đa tình:
"Tháp Nhạn
Hôm nào Apsara khỏa thân
Bầu vú nuôi đàn con bú mớm
Yoni thơm giọt nước sinh thành
Linga lên đỉnh cuộc tình
Champa bao thế kỷ tân hôn hạnh phúc
Paranung nhịp trống tình yêu".