Nguyên Tống
Nếu Lý Quang Diệu sống ở Việt Nam, rất có thể ông đã phải vào tù khi nói thế này từ vài chục năm trước. Nhưng phải công nhận tư duy của ông đi trước tư duy của những người lãnh đạo CSVN thế hệ cùng thời vài chục năm. Và chính điều đó đã làm Singapore vượt lên trước Việt Nam gần 200 năm.
Dù mình có hy vọng vào thế hệ lãnh đạo kế tiếp nhưng cũng thấy thật mong manh và phải rất kiên nhẫn, bởi những tư duy giáo làng thế hệ trước đã tạo ra một thảm hoạ bodo, bê hồng rất khó tẩy rửa trong dân chúng. Và, những bodo đó rất có thể lại bắt đầu từ “cán bộ gương mẫu, trung thành với lý tưởng” ở những vị trí cấp thấp. Vài chục năm sau lại leo dần lên cao… Đất nước sẽ rất khó chuyển mình với một giàn lãnh đạo đi lên từ phong trào mà ít hàm lượng tri thức và văn hoá như thế.
Trích lời Lý Quang Diệu:
Nhiều người giành nhiều hy vọng cho Việt Nam khi họ quyết định áp dụng cải cách thị trường tự do trong những năm 1980, vài năm sau khi Trung Quốc có động thái tương tự. Đổi Mới, hay “thay đổi sang điều mới” như cách gọi cải cách trong tiếng Việt, đã bắt đầu đầy hứng khởi. Trong số những bước đi đầu tiên đất nước này thực hiện tách biệt khỏi chủ nghĩa xã hội là trả lại quyền kiểm soát những mảnh ruộng mênh mông đã bị tập thể hóa cho các nông dân. Điều này dẫn tới sự gia tăng mạnh sản lượng nông nghiệp trong vòng vài năm. Nhiều người cả trong và ngoài nước đã nghĩ rằng Việt Nam đang đi đúng hướng. Quả thực khi cả thế giới thấy rõ sự mở cửa của Trung Quốc là một thành công kinh tế không thể tin được thì những ai không quan sát kỹ Việt Nam cũng bắt đầu cho rằng chương trình cải cách của họ cũng sẽ đi theo quỹ đạo tương tự.
Hiện đang có một cách nhìn thận trọng hơn. Quan điểm của riêng tôi về cải cách của Việt Nam đã thay đổi đáng kể từ chỗ khá lạc quan khi tôi có các chuyến thăm đầu tiên vào những năm 1990. Giờ tôi tin rằng thế hệ các nhà lãnh đạo cộng sản lớn tuổi của Việt Nam không có khả năng phá vỡ tư duy xã hội chủ nghĩa một cách cơ bản. Lúc đầu họ đồng ý bắt tay vào chặng đường cải cách bởi vì họ thấy rằng đất nước đang chẳng đi đến đâu. Nhưng từ đó đến giờ họ vẫn chưa thể hiện được quyết tâm thật sự trong việc đại tu hệ thống, điều mà người ta đã chứng kiến ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo lão thành cách mạng này [Old Guard leaders] đang khiến Việt Nam trì trệ. Chỉ khi họ qua đời thì đất nước này mới có thể tạo ra đột phá trong các nỗ lực hiện đại hóa của mình.
Kinh nghiệm trực tiếp mà tôi có được trong một chuyến thăm gần đây minh họa cho kiểu trở ngại mà Việt Nam đang đối mặt. Tôi đang dự một cuộc họp với nhiều lãnh đạo dân sự và quân sự cấp cao và tôi kể lại với họ những vấn đề mà một công ty Singapore gặp phải khi đang triển khai một dự án khách sạn ở Hồ Tây, Hà Nội. Khi công ty này bắt đầu việc đóng cọc móng, hàng ngàn người dân đổ đến đòi bồi thường cho ô nhiễm tiếng ồn. Để tránh phát sinh thêm chi phí, công ty quyết định thay đổi phương pháp đổ móng sang biện pháp vít bu-lông neo, cách này đỡ ồn ào hơn nhiều so với ép cọc.
Lần này, chính quan chức đã phê duyệt dự án đến gặp công ty. Ông ta nói: “Tôi chưa bao giờ cho phép các anh làm như vậy.” Rõ ràng là vị quan chức này thông đồng với những người dân bực bội kia. Tôi giải thích với các lãnh đạo Việt Nam có trong buổi gặp với tôi rằng điều này là phản năng suất. Tôi thúc giục họ rằng, nếu các anh muốn mở cửa, hãy nghiêm túc về điều đó. Họ trả lời ậm ừ và điều đó cho thấy rõ ràng họ chỉ nửa vời với cải cách. Họ không hiểu rằng một nhà đầu tư hài lòng sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư khác. Ý tưởng của họ là khi đã phục kích được một nhà đầu tư vào một góc phòng rồi thì đó là cơ hội để vắt của anh ta càng nhiều càng tốt.
Các bậc lão thành cách mạng này đã được lên sọc [tức chức vị và quân hàm – ND] trong hệ thống thứ bậc của đảng trong suốt chiến tranh và bây giờ nắm giữ nhiều vị trí quyền lực. Rủi thay, họ tiến lên các chức vụ đó không phải bởi vì đã quản lý tốt nền kinh tế hay đã thể hiện được tài năng quản trị. Họ làm được như vậy bởi vì đã đào hầm từ miền bắc cho tới miền nam trong hơn 30 năm. Điểm chung của họ với kinh nghiệm mở cửa của Trung Quốc chính là các quan chức trở nên tham nhũng. Những cán bộ tin rằng họ sẽ được chế độ chăm sóc bỗng nhiên thấy người ngoài đảng trở nên giàu có nhanh chóng. Họ bị vỡ mộng và trở nên tham lam, ví dụ như với các quan chức hải quan cấp cao nhập khẩu xe hơi trái phép, để có thể giành phần trong sự giàu có ấy.
Điều mà họ không có điểm chung với Trung Quốc là một nhân vật kiểu Đặng Tiểu Bình vừa có vị trí không thể tranh cãi trong các cán bộ, vừa có niềm tin không lung lay rằng cải cách toàn diện là lối thoát duy nhất. Lý do họ thiếu vắng một nhân vật như vậy là do Chiến tranh Việt Nam. Khi các nhà cộng sản Trung Quốc đang tích tụ hàng thập niên kinh nghiệm quản trị ở thời bình, thu lượm những gợi ý thực tiễn xem điều gì hiệu quả và điều gì không, và cập nhật niềm tin và ý thức hệ trong quá trình đó, thì các nhà cộng sản Việt Nam bị kẹt trong một cuộc chiến tranh du kích tàn bạo với người Mỹ, chẳng học được gì về cách điều hành đất nước. Hơn nữa, hầu hết doanh nhân thành công trong số người Việt ở miền Nam – những người quen thuộc với cách làm của chủ nghĩa tư bản – đã rời bỏ Việt Nam trong những năm 1970.
Người Việt Nam là một trong những dân tộc nghị lực và có khả năng nhất Đông Nam Á. Sinh viên của họ đến Singapore theo diện học bổng ASEAN rất nghiêm túc với việc học hành và thường có điểm số cao nhất. Với những người dân thông minh như vậy, thật tiếc là họ không phát huy được tiềm năng của mình. Hy vọng rằng khi thế hệ chiến tranh nhạt đi và một nhóm trẻ hơn lên thay thế, họ sẽ xem Thái Lan phát triển tốt như thế nào và trở nên tin tưởng vào tầm quan trọng của thị trường tự do.
Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “Southeast Asia”, in L.K Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 159-203. Biên dịch và Hiệu đính: Trương Thị Thanh Hiền & Vũ Thị Hương.
***
Tiếp theo suy nghĩ của Lý Quang Diệu vừa nêu ở bài trên, mình post lại một bài viết cũ, giải thích lý do vì sao các thế hệ sau chiến tranh của Việt Nam, dù đã qua nửa thế kỷ vẫn không làm được như Trung Quốc, không đẻ ra được những nhân vật như Đặng Tiểu Bình.
Đó thực sự là do “cơ chế”, do cách chọn người theo kiểu “quy hoạch” nhưng lại không “chấm điểm” bằng kết quả của những thành tựu kinh tế xã hội họ đạt được trong quá trình “tu dưỡng”, mà chỉ bằng việc họ có trung thành hay không. Điều đó làm triệt tiêu mọi ngả đường đến với tri thức của “lãnh đạo”, chỉ còn lại đám nịnh bợ, phong trào. Mình gọi những kẻ đó là bị ‘Ngừng lớn trí tuệ cưỡng bức’ (để phân biệt với ‘Ngừng lớn trí tuệ tự nhiên’, ngu tự nhiên mà mình đã đề cập trong một số bài khác).
Bài viết cũ này mình chỉ hệ thống hoá những gì mình “tranh luận” hay chính xác hơn là chỉ ra cho một số “quan chức” mà mình thì thấy tri thức và kỹ năng rất thấp kém, không khác gì bodo, trong khi họ lại nghĩ rằng họ đang ở trên cao. Và nhiều người sau khi “tranh luận” vào những lĩnh vực cụ thể thì đã phải thừa nhận kiến thức của họ thực sự chắp vá và “chẳng đâu vào đâu” cả, kể cả trong những lĩnh vực “sở trường” của họ như Triết học Mác Lê hay Quản trị công:
Là bởi ngay từ khi đặt chân vào con đường “quan lộ” thì họ đã bị cho vào một quả cầu pha lê lý tưởng. Họ chỉ được đứng trong quả cầu đó mà nhìn ra thế giới. Mọi thước đo sẽ bị lệch lạc, trong khi họ nghĩ rằng pha lê trong vắt và “vĩ đại” thế thì không thể sai lệch được.
Họ bắt đầu dùng những “chuẩn mực” đã lỗi thời các quả cầu pha lê đó đặt ra để đo mọi vật bên ngoài, mà không biết rằng những chuẩn mực ấy rất khác, rất sai so với thực tế xã hội đang phát triển từng ngày. Thế rồi họ sẽ từ tin tưởng mà chuyển sang ngạo nghễ rằng quả cầu này là chân lý, còn họ thì đang cao hơn tất cả những người ở bên ngoài quả cầu. Những ai nói ngược lại điều này là phản động. Nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất.
Họ sẽ không cần học thêm, trau dồi thêm gì ngoài việc tuân theo chỉ đạo của “chủ cầu”, thấm nhuần định nghĩa về quả cầu pha lê đó, với một mục đích duy nhất là được cất nhắc lên một quả cầu khác to hơn, nhiều bổng lộc hơn. Và khi chui được vào quả cầu to hơn thì họ lại lầm tưởng rằng là do trí tuệ mình cao thêm, họ lại càng thấy những người bên ngoài bé hơn nữa.
Cứ thế, họ sẽ ngày càng trở nên ngạo nghễ, tỷ lệ nghịch với tri thức mà họ có. Bởi vì họ không còn được nhìn thế giới một cách khách quan nữa mà phải nhìn qua một lăng kính “lý tưởng” rồi. Mà “lý tưởng” đó thì bất biến, còn nhân loại thì vận động không ngừng để tiến lên cả về tri thức lẫn đạo đức. Họ sẽ cho rằng ai chui được vào quả cầu đó mới là trí tuệ, và ở trong quả cầu càng to thì càng trí tuệ. Và họ chỉ còn tập trung duy nhất vào một kỹ năng, tạm gọi là kỹ năng “chui cầu”, tức là làm mọi việc chỉ để chui lên quả cầu to hơn. (Tức là “lên sọc”, lên chức).
Mà kỹ năng ấy thì lại không bao gồm những kỹ năng sống thông thường, không cần sáng tạo hay tri thức khoa học, chỉ cần học thuộc lòng chỉ dẫn và thêm kỹ năng luồn lách. Sẽ có nhiều người còn học được cả những kỹ năng trái với cả luân thường đạo lý như đội trên đạp dưới, miễn là được chui lên quả cầu to hơn.
Vậy đó, tư duy của họ gần như bị đóng lại, con đường học hỏi để đến với tri thức cũng đóng lại với tất cả bọn họ ngay từ khi bắt đầu, nghĩa là từ khi họ chui vào quả cầu đầu tiên.
Công bằng mà nói thì có một số người cũng vẫn cố gắng học hỏi thêm. Nhưng dần dần họ thấy những kiến thức ấy không giúp họ “chui cầu” nhanh hơn những món thuộc lòng và luồn lách kia, lại cũng không đủ thời gian nên cũng chỉ học láng cháng rồi bỏ hẳn. Vì khi cần thì họ có thể mua bán bằng cấp được. Đối với họ, thước đo chiều cao trí tuệ của con người chính là các quả cầu mà họ đang tìm cách vươn tới. Quả cầu càng to, càng cao thì càng tập hợp những trí tuệ đỉnh cao. Nên họ chỉ cần tìm cách chui lên đó là đương nhiên thành tiến sĩ, thành giáo sư, thành nghệ sĩ nhân dân, nhà giáo ưu tú và đứng trên mọi trí thức khác.
Và thế là, điều tất yếu sẽ xảy ra: Nếu không để “chọn lọc tự nhiên” mà cứ “quy hoạch” để cho “chui cầu” mà lên thì 100% những người “chui cầu thành công” sẽ là những kẻ thiếu khả năng tư duy thực tế. Hay nói cách khác là tư duy của họ đã bị ngừng lớn ngay khi họ bước chân vào con đường đó. Mãi mãi họ chỉ còn suy nghĩ được như một người ở tuổi 20-30, hay tuổi mà họ mới bước chân vào đời… chui cầu. Đó chính là việc trí tuệ bị cưỡng bức ngừng lớn, hay nói cách khác là bị đóng khung trí tuệ như mình nói ở đầu bài.
Điều đó cũng giải thích vì sao các quan chức ngày càng kém về tri thức nhưng lại rất giỏi chạy chọt, tham nhũng (kỹ năng duy nhất giúp họ thăng tiến). Và đặc biệt là họ thấy những việc họ làm là rất bình thường, không có gì là tội lỗi, là ghê tởm với nhân dân cả. Như các quan chức vụ Việt Á, hay ‘Bay giải cứu’ hay ‘Thuốc ung thư giả’ đó. Bởi nhận thức của họ chỉ như một đứa trẻ cách đây 30-40 năm (dù hồi đó có thể họ được coi là “sáng láng”, trí tuệ hơn quan chức khác), không coi việc hút máu đồng bào trong thiên tai dịch bệnh là tội lỗi gì ghê gớm cả, cũng chỉ như những kẻ tham nhũng khác mà thôi. Làm nghề nào ăn nghề đó chứ có gì mà kinh tởm với đạo đức?! Họ không những ngừng lớn về tư duy tri thức, mà còn ngừng lớn cả về nhận thức, về chuẩn mực đạo đức xã hội.
Nhiều người cứ bảo, họ biết hết nhưng giả ngu đấy. Không phải đâu, họ thực sự như vậy đấy chứ không giả vờ đâu. Cứ nghe kỹ những điều họ nói trước toà hay rao giảng thì sẽ thấy họ thật sự nghĩ vậy chứ không phải họ giả ngu để chạy tội đâu. Giả ngu gì mà… ngu thế? Nói ra ai cũng thấy buồn cười thì giả làm cái gì? Chỉ là họ thật sự nghĩ vậy hoặc tư duy của họ chỉ ở tầm đó thật mà thôi.
Hay một số quan chức về hưu mới nói những điều chân thực và bị người ta cho là đạo đức giả. Không phải đâu, về hưu nghĩa là họ đã bước ra khỏi những quả cầu, dừng mọi mục tiêu “chui cầu” rồi. Và bỗng nhiên họ nhìn thấy thế giới thật chứ không qua lăng kính quả cầu nữa, và với những tri thức mới mà họ học được sau khi dừng chui cầu, nên họ nhận thấy những gì trước đây họ nghĩ và làm là ảo. Vậy thôi. Nói họ “tự diễn biến, tự chuyển hoá” mới là chính xác, những người này không phải đạo đức giả đâu.
Mình tiếp xúc với họ nhiều rồi nên biết. Nhiều người trong số họ cũng có xuất phát điểm là người tử tế và thậm chí là thông minh mà sau khi bỏ cả cuộc đời ra để “chui cầu” thì tư duy, trí tuệ lại trở nên thảm hại.