Lê Oa Đằng: Tiến sĩ Triết học Đại học Virginia, Hoa Kì, hiện tham gia công tác nghiên cứu ở cơ quan học thuật của Hoa Kì. Những năm gần đây chuyên nghiên cứu lịch sử biển Hoa Đông và biển Đông, luật biển quốc tế và quan hệ quốc tế ở Đông Á.
I.1 Địa lí cơ bản của biển Đông
Biển Đông có diện tích 3,5 triệu km2, tiếp giáp với vịnh Thái Lan theo đường ranh giới kéo dài từ Cà Mau miền Nam Việt Nam đến Kota Bharu của Malaysia. Xung quanh được bao bọc bởi đại lục, bán đảo và quần đảo…, có thể gọi đây là “Địa Trung Hải” của Đông Á. Phía Đông Bắc biển Đông giáp Đài Loan, phía Bắc giáp Trung Quốc đại lục, phía Tây giáp Việt Nam, phía Tây Nam giáp Malaysia (Malaya), Singapore và Indonesia, phía Nam giáp Malaysia (Sabah và Sarawak) và Brunei, phía Đông giáp Philippines. Các nước xung quanh biển Đông gồm có Trung Quốc (bao gồm chính quyền Bắc Kinh và Đài Bắc. Để tiện cho việc hành văn, chính quyền Trung Quốc ở Bắc Kinh sau năm 1949 gọi tắt là Trung Quốc, Đại lục hoặc Bắc Kinh, chính quyền Đại Bắc gọi là Đài Loan để không lẫn lộn về ý nghĩa), Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines, tổng cộng có 7 nước 8 bên. Quốc tế gọi vùng biển này là biển Nam Trung Hoa (South China Sea), Trung Quốc gọi là Nam Hải, Việt Nam gọi là biển Đông, Philippines gọi là biển Tây Philippines. Để thuận tiện, cuốn sách này dùng tên gọi Nam Hải (bản dịch chuyển thành ‘biển Đông’ trừ những chỗ thấy cần giữ nguyên) theo cách gọi của Trung Quốc. Biển Đông theo nghĩa rộng bao gồm Vịnh Thái Lan, nhưng vì các lãnh thổ và vùng biển có tranh chấp ở biển Đông đều tập trung ở phía Đông đường nối Cà Mau của Việt Nam với quần đảo Natuna của Indonesia, nên biển Đông trong cuốn sách này chỉ vùng biển phía Đông đường nối này.
Biển Đông có nhiều đảo. Cái thường được gọi là ‘các đảo ở biển Đông’ (南海諸島: Nam hải chư đảo) chỉ hàng loạt đảo / rạn đá san hô cách xa đất liền phân bố trên biển Đông. Từ góc độ địa lí, quốc tế thường chia các đảo ở biển Đông thành 5 quần đảo (Hình 1): Pratas Islands (quần đảo Đông Sa), Macclesfield Bank (quần đảo Trung Sa), Scarborough Shoal (đảo Hoàng Nham /bãi Dân Chủ / bãi cạn Scarborough-ND), Paracel Islands (quần đảo Tây Sa, quần đảo Hoàng Sa) và Spratly Islands (quần đảo Nam Sa, quần đảo Trường Sa).[1] Phía Trung Quốc gộp đảo Hoàng Nham vào trong quần đảo Trung Sa. Căn cứ danh mục tiêu chuẩn của Trung Quốc, Nam Sa (Trường Sa) có tổng cộng hơn 280 đảo, đá, bãi ngầm.[2]
Hình 1: Bản đồ các đảo ở biển Đông do Trung Quốc xuất bản
Có thể chia tranh chấp lãnh thổ các đảo ở biển Đông thành 3 nhóm: bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham) chỉ tồn tại tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines; Hoàng Sa (Tây Sa) chỉ tồn tại tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam; Trường Sa (Nam Sa) là quần đảo có tranh chấp lớn nhất, liên quan đến 5 nước là Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, nhưng tranh chấp chủ yếu tập trung vào 3 nước Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Phạm vi yêu sách chủ quyền của các nước ở quần đảo Nam Sa là khác nhau: Trung Quốc yêu sách toàn bộ quần đảo Trường Sa; quần đảo Trường Sa mà Việt Nam yêu sách chủ quyền không bao gồm mấy bãi ngầm ở phía Nam (như bãi ngầm James [Tăng Mẫu], bãi ngầm Bắc Khang [North Luconia]…); quần đảo Trường Sa mà Philippines tuyên bố chủ quyền không bao gồm các bãi ngầm ở phía Nam như trên cũng như đảo Trường Sa Lớn (đảo Nam Uy) và các đảo, đá, bãi ngầm ở phía Tây đảo này; Malaysia chỉ yêu sách các đảo, đá và bãi ngầm nằm trên phần kéo dài của thềm lục địa nước này; Brunei chỉ tuyên bố chủ quyền đối với rạn san hô Louisa (đá Nam Thông, Louisa Reef). Còn về mặt chiếm đóng trên thực tế, theo Trung Quốc, Việt Nam kiểm soát nhiều đảo, đá của quần đảo Nam Sa nhất, lên đến 29 đảo, đá;[3] Philippines thứ hai, chiếm đóng 10 đảo, đá;[4] còn Malaysia thì chiếm đóng 8 đảo, đá,[5] ngoài ra ở vùng biển phụ cận bãi ngầm Luconia, bãi ngầm Luconia Nam, bãi ngầm James (Tăng Mẫu) có số lượng lớn giàn khoan khai thác dầu, khí đốt trên biển. Chủ quyền của Brunei đối với đá Louisa (Nam Thông) gần đây được Malaysia thừa nhận, nhưng không có dấu vết của sự quản lí trên thực tế. Ngoài ra, yêu sách của Indonesia không liên quan đến chủ quyền các đảo và bãi ngầm, nhưng lại yêu sách chủ quyền đối với vùng biển phụ cận quần đảo Natuna, vốn không có tranh chấp chủ quyền, nhưng có thể chồng lấn với vùng biển trong đường 9 đoạn của Trung Quốc khoảng 50 000 km2.[6]
Trung Quốc đại lục đã chiếm đóng 10 đảo, đá gồm: đá Xu Bi (đá Chử Bích, Subi Reef), đá Én Đất (đá An Đạt, Eldad Reef), đá Gaven (đá Nam Huân, Gaven Reef), đá Gạc Ma (đá Xích Qua, Johnson South Reef); đá Ba Đầu (đá Ngưu Ách, Whitsun Reef), đá Tư Nghĩa (đá Đông Môn, Hughes Reef), đá Ken Nan (đá Tây Môn, McKennan Reef), đá Chữ Thập (đá Vĩnh Thử, Fiery Cross Reef), đá Châu Viên (đá Hoa Dương, Cuarteron Reef), đá Vành Khăn (đá Mĩ Tế, Mischief Reef). Ngoài ra gần đây Trung Quốc cũng mở rộng phạm vi tuần tra ở các vùng biển khác thuộc biển Đông, khả năng đã hình thành sự kiểm soát đối với các đảo, đá khác, khó để đánh giá mức độ của những sự kiểm soát này. 10 đảo, đá mà Trung Quốc chiếm đóng trên thực tế, có cái là bãi đá, có cái chỉ là bãi triều thấp (tức trong trạng thái tự nhiên không thể nổi lên mặt nước khi thuỷ triều lên), nhưng Trung Quốc đại lục đều đã xây dựng những kiến trúc nhân tạo lên trên những thể địa lí này, vẫn có thể nhô lên trên mặt nước khi triều cao. Bắt đầu từ năm 2014, Trung Quốc tiến hành xây dựng đảo nhân tạo với quy mô lớn, diện tích thực tế của một số đảo nhân tạo đã lớn hơn diện tích đảo Ba Bình để trở thành phần đất liền lớn nhất của Trường Sa. Đài Loan kiểm soát đảo lớn nhất là đảo Ba Bình (đảo Thái Bình, Itu Aba Island) và bãi Bàn Than (đá Trung Châu) gần đó.
Bảng 1: Các đảo, đá chủ yếu mà các nước có tuyên bố chủ quyền chiếm giữ ở quần đảo Nam Sa
Bảng 1 liệt kê các đảo chủ yếu mà các nước kiểm soát, số liệu diện tích tự nhiên của các đảo lấy từ công trình địa lí về Trường Sa của Hancox và Prescott.[7]Những ước tính về diện tích này không nhất định là đáng tin cậy, đặc biệt là khi thuỷ triều lên và xuống, sai khác về diện tích là rất lớn. Vì vậy những con số này chỉ có ý nghĩa tham khảo.
Trong số những đảo, đá này, tính theo diện tích tự nhiên, chỉ có 11 đảo là có thể thích hợp cho con người sinh sống.[8] Nhưng trong Phán quyết Trọng tài biển Đông năm 2016, những “đảo” này đều bị coi là đá. 11 đảo chủ yếu này do Đài Loan, Việt Nam và Philippines chia nhau chiếm giữ: Đài Loan kiểm soát đảo lớn nhất là đảo Ba Bình (Thái Bình), Việt Nam kiểm soát đảo Trường Sa Lớn (đảo Nam Uy) ở phía Tây và đảo Song Tử Tây (đảo Nam Tử), đảo Sinh Tồn (đảo Cảnh Hồng), đảo Nam Yết (đảo Hồng Hưu) ở phía Bắc; Philippines kiểm soát 6 đảo ở phía Bắc và phía Đông là đảo Thị Tứ (đảo Trung Nghiệp), đảo Song Tử Đông (đảo Bắc Tử), đảo Loại Ta (đảo Nam Thược), đảo Bến Lạc (đảo Tây Nguyệt), đảo Bình Nguyên (đảo Phí Tín), đảo Vĩnh Viễn (đảo Mã Hoan).
I.2. Biển Đông trước thế kỉ 20
Đại thể có thể lấy năm 1900 làm mốc để phân chia lịch sử biển Đông thành hai phần là cổ đại và hiện đại. Trước đó, hoàn toàn chưa xảy ra tranh chấp chủ quyền các đảo ở biển Đông, giai đoạn lịch sử này đã được thảo luận chi tiết trong cuốn “Lịch sử bị bóp méo của biển Đông – Nam Hải trước thế kỉ 20” của tôi. Ở đây chỉ đưa ra các giải thích có tính khái quát.
Có thể chia lịch sử biển Đông trước thế kỉ 20 thành 2 thời kì là cổ đại và cận đại, và lại có thể tiến một bước khi lấy khoảng năm 960 làm ranh giới để phân chia biển Đông cổ đại thành hai giai đoạn là viễn cổ- trung cổ và cận cổ.
Viễn cổ-Trung cổ
Giai đoạn thứ nhất của biển Đông cổ đại là từ thời viễn cổ đến khi nhà Tống ở Trung Quốc thành lập (khoảng năm 960). Có 2 lí do chính để lấy năm 960 làm ranh giới. Thứ nhất, trước và sau năm này, Việt Nam độc lập với Trung Quốc, còn trước đó trong một thời gian dài Việt Nam là một phần của Trung Quốc, hoạt động của “người Trung Quốc” ở biển Đông lúc đó rất khó phân biệt rạch ròi nên thuộc về lịch sử của “người Trung Quốc” hay là lịch sử của “người Việt Nam” sau này. Tuyệt đại bộ phận thời gian sau khi độc lập, Việt Nam là nước độc lập (ngoại trừ những gian đoạn ngắn bị Trung Quốc xâm lược). Thời kì sau đó hoạt động ở biển Đông có thể phân biệt rõ ràng là của người Trung Quốc hay của người Việt Nam. Thứ hai, trước triều Tống, vận tải đường biển của Trung Quốc ở biển Đông kém phát triển, kể từ sau triều Tống, Trung Quốc mới tham dự mạnh mẽ vào hàng hải ở biển Đông, ghi chép và hiểu biết về biển Đông mới tăng lên rõ rệt.
Từ thời cổ đại, biển Đông đã là nơi các dân tộc ven biển sinh sống và phát triển. Người châu Á xa xưa nhất thuộc ngữ hệ Nam Đảo là những người đầu tiên đến biển Đông, trong số những người châu Á kế đó thì tộc Bách Việt đến biển Đông thứ hai, còn tộc Hoa Hạ thì đến sau hơn nữa. Mãi đến sau khi Tần Thuỷ Hoàng thôn tính Nam Việt, Trung Quốc mới tiếp giáp với biển Đông trong thời gian ngắn. Năm 111 TCN, sau khi nhà Hán thôn tính nước Nam Việt, Trung Quốc mới chính thức trở thành nước ven biển Đông.
Trong giai đoạn này, việc khai thác và sử dụng biển Đông của Trung Quốc rất hạn chế, nói gì đến kiểm soát nó. Bắt đầu từ thời Tây Hán, thương mại và giao thông ở biển Đông đã hưng thịnh, nhưng trong thời gian hơn 1000 năm sau đó, Trung Quốc với vai trò là nơi sản xuất và thị trường của thương mại biển Đông lại thiếu động lực và kinh nghiệm trực tiếp tham dự vào giao thông thương mại ở biển Đông, cho nên hoàn toàn không có sự hoạt động mạnh trong giao thông ở biển Đông. Người Phù Nam, Cham, Ấn Độ, Ba Tư và Ả Rập… lần lượt trở thành nhân vật chính của giao thông biển Đông, người Trung Quốc chỉ đóng góp một phần vào giao thông đường biển gần bờ dọc theo bờ biển Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây), Giao Chỉ. Lợi ích chính trị, kinh tế của Trung Quốc chủ yếu lấy việc kiểm soát đối với đất liền, đối với Trung Quốc biển Đông không có nhiều ý nghĩa chiến lược. Tùy Dượng Đế từng có mưu đồ mở rộng sức ảnh hưởng ở biển Đông, nhưng rất nhanh chóng kết thúc vì sự diệt vong của nhà Tùy. Nhà Đường cũng không có ham muốn kiểm soát biển Đông.
Thời kì này không có bằng chứng đáng tin cậy nào có thể chứng minh rằng khi đó Trung Quốc đã biết về các đảo ở biển Đông được ghi chép lại, không có bằng chứng cho thấy rằng người Trung Quốc đã từng có hoạt động sản xuất trên các đảo ở biển Đông, càng không có bằng chứng cho thấy rằng Trung Quốc từng kiểm soát các đảo ở biển Đông. Điều này hoàn toàn không lạ bởi vì nhận thức về biển thời cổ đại bắt nguồn từ việc phát triển các tuyến đường biển. Nhận thức của Trung Quốc về biển Đông (khi đó gọi là Trướng Hải) thời nhà Đường chỉ hạn chế ở phạm vi các tuyến đường biển xung quanh mà các nước ngoài khai thác. Trước thời Tùy, tuyến đường biển ở biển Đông là tuyến đường ven biển đi qua vịnh Đông Kinh (còn gọi là vịnh Bắc Bộ), đương nhiên khó phát hiện các đảo ở biển Đông. Đến thời kì nhà Tùy và nhà Đường, tuyến đường đi tắt (tuyến đường xuyên biển ) từ Chiêm Thành đến Quảng Châu mới được mở ra, đi qua vùng biển phụ cận quần đảo Hoàng Sa, nên mới có khả năng phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa. Vào thời nhà Đường, người Ả Rập chiếm vai trò độc tôn trong giao thông ở biển Đông, có lẽ họ đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa sớm nhất, nhưng vì ghi chép không chính xác nên khó mà xác nhận được; còn về quần đảo Trường Sa, do nằm cách xa tuyến đường giao thông nên càng có ít người biết đến.
Cần phải chỉ ra là kể từ sau khi bị nhà Hán thôn tính, trong thời kì dài hơn 1000 năm Việt Nam là một bộ phận của Trung Quốc. Lịch sử Trung Quốc trong khoảng thời gian này là lịch sử chung của Trung Quốc hiện đại và Việt Nam hiện đại. Khi đó, hoạt động của “người Trung Quốc” ở biển Đông, bao gồm các hoạt động sản xuất (gần bờ) và vận tải đường biển (quãng đường ngắn), trên mức độ rất lớn là thuộc về người Việt vốn bị gọi là “bọn phiên di Cao Lương” (高涼生口: Cao Lương sinh khẩu). Vì vậy, ngay cả người Trung Quốc có “quyền lịch sử” đối với biển Đông trong thời kì này thì theo luật quốc tế cũng khó có thể độc chiếm quyền này.[9]
Biển Đông thời Cận cổ
Giai đoạn thứ hai của biển Đông cổ đại từ khi nhà Tống ở Trung Quốc thành lập đến trước thời cận đại (từ năm 961 đến khoảng năm 1840). Nhà Tống là một quốc gia coi trọng ngoại thương. Do khu vực con đường tơ lụa đi qua bị Khiết Đan (nước Liêu), nước Kim và Đại Hạ (Tây Hạ) khống chế, nên kể từ khi thành lập nhà Tống đã bắt đầu coi trọng thương mại biển. Với sự gia tăng sức mạnh trên biển, Trung Quốc bắt đầu phát triển thành một cường quốc lớn trong thương mại ở biển Đông. Nhưng cùng lúc đó, các thương nhân Ả Rập, Ba Tư và Cham… vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong vận tải đường biển ở biển Đông. Họ xây dựng các khu cư trú người nước ngoài ở các hải cảng của Trung Quốc, thế lực của họ lớn tới mức nhà Tống phải uỷ nhiệm người Cham (có giả thuyết là người Ả Rập) Bồ Thọ Canh làm quản lí tàu thuyền ở Tuyền Châu. Sau khi Mông Cổ chinh phục Trung Quốc, nhà Nguyên tiếp tục duy trì thế mạnh trên biển. Vào nửa cuối thế kỉ 13, người Mông Cổ đã tiến hành 4 cuộc hải chiến ở biển Đông: hải chiến Nhai Châu giữa Mông Cổ và Tống, hải chiến Mông Cổ và Đại Việt, hải chiến Mông Cổ với Cham và hải chiến Mông Cổ với Java. Ngoài thất bại trong cuộc chiến cuối cùng, ba cuộc chiến kia đều chiến thắng đối thủ, điều này cho thấy sức mạnh hải quân nhà Nguyên khi đó rất lớn. Thời kì nhà Nguyên, người Ả Rập cũng bị người Mông Cổ chinh phục khiến cho vận tải đường biển của người Ả Rập tương đối suy yếu. Trong thời kì này Trung Quốc mới có thể cạnh tranh được với người Ả Rập ở biển Đông.
Nhưng đến thời Minh, Trung Quốc lại sớm bắt đầu việc cấm biển. Chu Nguyên Chương quy định tư nhân không được đi biển. Trong thời kì Minh Thành Tổ Chu Đệ, có việc Trịnh Hòa, đi biển Tây (Tây dương) nhưng cũng chỉ là thời huy hoàng ngắn ngủi. Sau khi Trịnh Hòa mất Trung Quốc lại quay trở lại việc cấm biển. Triều Minh muốn xây dựng “hệ thống bá chủ” (宗藩體 制: tông phiên thể chế), tức là biến quan hệ thương mại quốc tế đơn thuần vốn có trở thành một thủ đoạn chính trị, và việc “triều cống” của các nước trở thành phương thức thương mại duy nhất với Trung Quốc. Tuy nhiên, làm như thế trái lại đã khiến thế lực của Trung Quốc ở biển Đông đã bị hạn chế rất nhiều. Ngoài buôn lậu và cướp biển bị chính quyền Trung Quốc xem là phi pháp, tuyệt đại bộ phận thương mại và giao thông ở biển Đông đều là “thuyền chở đồ triều cống” của nước ngoài, hoặc thuyền buôn của phương Tây (đến Ma Cao). Trong thời nhà Minh, trọng tâm sự chú ý của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh là phòng thủ biển chống lại “Oa Khấu” (Wakou)- những kẻ buôn lậu và cướp biển Trung Quốc cùng với một số kẻ “giang hồ” Nhật Bản. Những kí ức về Oa Khấu còn liên tục kéo dài đến năm 1840 thời Thanh. Khi đó, cuốn “Dương phòng tập yếu” do tỉnh Quảng Đông biên soạn còn đề cập rất nhiều đến Oa Khấu. Cấm biển thời Thanh thậm chí còn nghiêm ngặt hơn thời Minh. Đến thời Càn Long (giữa thế kỉ 18) quy định chỉ giữ lại một cảng để buôn bán với nước ngoài là Quảng Châu, Trung Quốc bước vào thời kì “bế quan tỏa cảng”. Chính sách cấm biển tuy có đôi lúc bị đảo ngược, nhưng về cơ bản toàn bộ thời Minh, Thanh việc cấm biển vẫn là chủ yếu.
Nhìn chung toàn bộ thời cận cổ, các triều Tống, Nguyên tương đối coi trọng lợi ích trên biển ở biển Đông, trong khi triều Minh, Thanh thì ngược lại. Sau thời Trịnh Hòa, sự kiểm soát của Trung Quốc đối với biển Đông trong phần lớn thời gian là rất yếu, giao thông ở biển Đông cũng không phát triển. Trong sách “Hải lục” của người thời Thanh có nhắc đến vào cuối thế kỉ 18 có 4 tuyến đường biển ở biển Đông, thuyền và thuỷ thủ của Trung Quốc do thiếu kĩ thuật nên chỉ có thể đi trên hai tuyến đường biển ở ven bờ, còn hai tuyến đường kia, một tuyến cần phải đi xuyên qua đường biển nằm giữa Hoàng Sa và Trung Sa, tuyến khác cần phải đi xuyên qua đường biển phụ cận Trường Sa, tất cả đều chỉ có tàu bè nước ngoài mới có thể đi qua được.
Bắt đầu từ thời Tống, những ghi chép về các đảo ở biển Đông tương đối nhiều, nhưng tình trạng của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa rất khác nhau, cần phải thảo luận riêng. Mặc dù rất có thể Hoàng Sa đã được các nhà hàng hải thời trước thế kỉ 10 biết đến, nhưng không có bằng chứng chắc chắn. Hơn nữa, trước thời Tống địa vị trong giao thông ở biển Đông của Trung Quốc không hề mạnh mẽ, nên rất ít có khả năng người Trung Quốc phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa.
Khi bàn luận về việc Trung Quốc phát hiện quần đảo Hoàng Sa trước thời Tống, học giả Trung Quốc ít ra đã phạm hai sai lầm. Thứ nhất, lấy bộ phận khái quát thành tổng thể, lấy “Trướng Hải sinh từ thạch” trong thư tịch cổ để nói thành người Trung Quốc phát hiện “các đảo san hô ở Nam Hải rộng lớn bao gồm Tây Sa và Nam Sa”, thật ra ngay cả những từ thạch này đúng là đá san hô thật thì cũng chỉ cho thấy rằng Trung Quốc biết ở biển Đông có những đá san hô này. Ở khu vực ven biển Đông cũng có đá san hô, nên phát hiện đá san hô hoàn toàn không đồng nhất với phát hiện ra Hoàng Sa và Trường Sa. Thứ hai, “cưỡng đoạt” lịch sử, coi những việc được ghi chép trong thư tịch Trung Quốc là việc do người Trung Quốc làm. Ví dụ, những ghi chép của Giả Đam thời Đường về các tuyến đường biển ở biển Đông thật ra đó chỉ là ghi chép lại những điều do người nước ngoài biết được kể lại, nhưng lại được diễn giải thành bằng chứng cho việc người Trung Quốc khai phá các tuyến đường này.
Mãi đến đầu đời nhà Tống (1018) mới xuất hiện ghi chép có thể khẳng định thật sự đó là quần đảo Hoàng Sa, trong “Tống hội yếu” khi chép việc sứ giả Cham đi sứ Trung Quốc có nêu: “Chúng tôi đến Quảng Châu, nếu thuyền bị gió thổi trôi đến Thạch Đường, thì đi mãi cũng không đến được.” Theo mô tả về tuyến đường và vị trí địa lí, Thạch Đường ở đây chắc chắn là Hoàng Sa. Vì vậy, xét đoán từ bằng chứng theo sử liệu này thì Cham là người phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa sớm nhất.
Trong thời gian dài, Hoàng Sa là cái tên mà các nhà hàng hải các nước nghe đến là sợ, nơi nguy hiểm cần phải hết sức tránh khi đi biển. Có thể từ thời Minh ở Trung Quốc, bắt đầu có ngư dân đến nơi này đánh cá. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều nói ngư dân của mình đã đến khu vực này đánh cá từ rất lâu, nhưng thời điểm bắt đầu chính xác thì không chắc chắn, vì cuộc sống của những “người dân lớp dưới” này nói chung không được ghi chép trong sử sách. Những năm gần đây, khảo cổ ở Hoàng Sa có được thành quả to lớn, nhưng thành quả chủ yếu đều là di vật tàu đắm của các thời kì, hoàn toàn không thể chứng minh về hoạt động ngư nghiệp. Một số dấu vết của cuộc sống con người cũng được tìm thấy ở Hoàng Sa, nhưng vì có sự tương đồng trong văn hóa, phong tục của Việt Nam và Trung Quốc, các đồ dùng của người Việt Nam rất giống với đồ dùng của người miền Nam Trung Quốc, đặc biệt là người Hải Nam, họ cùng viết chữ Hán, cùng thờ cúng bà Thiên Hậu (do chịu ảnh hưởng của truyền thống và văn hóa Trung Quốc), nên những vết tích về đời sống con người này khó xác định thuộc về ai.
Sau thời nhà Tống, Trung Quốc có rất nhiều ghi chép về biển Đông và Hoàng Sa, nhưng tuyệt đại bộ phận sách địa lí đều không chỉ ra chính xác sự quy thuộc của Hoàng Sa, ngược lại có một số sách viết là Hoàng Sa nằm trong biên giới Việt Nam hoặc thuộc lãnh thổ Việt Nam. Ví dụ, cuốn sách hướng dẫn hàng hải “Thuận phong tương tống” có viết rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc “biển Giao Chỉ”, khi đi sứ Nam Dương, sứ giả nhà Minh là Ngô Huệ đã miêu tả rằng đi vào biên giới Giao Chỉ trước khi đi qua quần đảo Hoàng Sa. Trong hệ thống phương chí của Trung Quốc, kể từ triều Vạn Lịch thời Minh đã có ghi “Vạn Châu có biển Trường Sa, biển Thạch Đường”, nhưng kèm theo câu nói này đều có chú giải là “sách cổ viết” và “chưa tra cứu rõ sự thực”. Nhưng truy ngược về cuốn “Quỳnh quản chí” mà họ dựa vào, trong đó chỉ đề cập đến câu “phía Đông là Thiên Lí Thạch Đường, Vạn Lí Trường Sa” của Cát Dương Quân, khi đó Thiên Lí Thạch Đường và Vạn Lí Trường Sa đều để chỉ quần đảo Hoàng Sa, nó được liệt kê cùng với tên các nước ngoài như Chân Lạp ở phía Tây và Chiêm Thành ở phía Nam, và không có ý nghĩa về sự quy thuộc lãnh thổ. Vì vậy, những bằng chứng này hoàn toàn không thể chứng minh việc Trung Quốc đặt Tây Sa dưới sự quản lí của Vạn Châu. Địa lí chí cấp quốc gia càng có tính chính thức hơn, ví dụ trong 7 bản “Nhất thống chí” từ thời Nguyên đến thời Thanh, những ghi chép “chưa tra cứu rõ sự thực” này hoàn toàn không được đưa vào. Điều này đã cho thấy chính quyền trung ương Trung Quốc không hề xem những nơi này thuộc về Trung Quốc.
Trong các bản đồ “Thiên hạ nhất thống chí” và các bản đồ Đông Nam di, Tây Nam Di từ thời Minh trở về sau, phần nhiều đều có các tên Thạch Đường và Trường Sa xuất hiện, nhưng vị trí cụ thể của chúng rất khó xác định. Bản đồ “Thiên hạ nhất thống chí” phải được xem là bản đồ thế giới, các địa điểm trên bản đồ không phải tất cả đều là địa điểm ở Trung Quốc; trên bản đồ, Trường Sa và Thạch Đường lẫn lộn trong tên các nước ngoài, khó mà xác định là một bộ phận của Trung Quốc, có bản đồ thậm chí còn dùng màu sắc và giới tuyến biểu thị nó nằm ở phía ngoài lãnh thổ quốc gia Trung Quốc. Trường Sa và Thạch Đường xuất hiện trong các bản đồ Tây Nam di, Đông Nam di càng giống như một bộ phận của nước ngoài. Lãnh thổ trong các bản đồ cấp quốc gia của Trung Quốc đều dừng lại ở đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đều không nằm trong đó. Bản đồ các tỉnh (tỉnh Quảng Đông), bản đồ các châu, phủ (Quỳnh Châu và Vạn Châu) cũng đều không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ phòng thủ biển của Trung Quốc thường có bao gồm những vùng không thuộc về Trung Quốc nhưng trọng yếu đối với việc phòng thủ biển của Trung Quốc (như Đài Loan thời Minh). Dù vậy, trên những bản đồ này cũng không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa thời cổ đại rõ ràng không thuộc khu vực hành chính của Trung Quốc.
Trong luật quốc tế, quy định phát hiện đơn thuần không thể sản sinh ra chủ quyền, hoạt động tư nhân đơn thuần cũng không thể sản sinh chủ quyền, tác dụng của bản đồ cũng không được đánh giá cao, còn bằng chứng về sự quản lí thực tế của nhà nước mới là trọng yếu. Tuy nhiên, những bằng chứng về sự quản lí đối với Hoàng Sa mà Trung Quốc đưa ra vừa mơ hồ vừa phân tán. Địa điểm trong đo đạc Tứ Hải thời Nguyên không thể kiểm chứng được, nhưng nhiều khả năng nó ở miền Trung Việt Nam (tức Lâm Ấp) hơn là ở Hoàng Sa. Ngay cả khi việc đo đạc thực hiện ngay tại Hoàng Sa, nhưng do công trình đo đạc của họ có nhiều địa điểm nằm ngoài lãnh thổ, khó có thể vì thế mà cho rằng Trung Quốc có thể thể hiện chủ quyền một cách chắc chắn. Bằng chứng việc Trung Quốc tuần tra ở Hoàng Sa rất mơ hồ: ghi chép trong “Vũ kinh tổng yếu” thời Tống trên thực tế là ghi chép một lần xuất chinh chứ không phải ghi chép về việc tuần tra; ghi chép về tuần tra của tướng Sài Công thời Minh rất khó chứng minh rằng ông ta đã tuần tra đến Hoàng Sa; các ghi chép trong “Tuần la kí lục” (Ghi chép tuần tra) của Hoàng Tả thời Minh thật ra chẳng qua là việc các nhà sử học Trung Quốc bẻ cong thông tin địa lí do người đời sau chú giải thành tuyến đường tuần tra; Thất Châu Dương mà Ngô Thăng thời Thanh khi tuần tra đảo Hải Nam đi qua phải là các đảo Thất Châu ở đông bắc Hải Nam. Có bằng chứng thuyết phục cho thấy Trung Quốc khi đưa quân ra nước ngoài đã đi qua quần đảo Hoàng Sa, cũng có bằng chứng cho thấy có thể Trịnh Hòa đã đi qua quần đảo Hoàng Sa trong chuyến đi biển Tây (Tây dương). Nhưng những sự kiện này đều là những ví dụ về cuộc viễn chinh và chuyến đi biển đặc biệt, khó được xem là thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Vì vậy, trước thời cận đại, dù Trung Quốc có rất nhiều ghi chép về quần đảo Hoàng Sa, cũng có hoạt động tư nhân ở quần đảo Hoàng Sa, nhưng Trung Quốc vừa không sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào lãnh thổ của mình vừa không có bằng chứng thuyết phục chứng tỏ đã quản lí Hoàng Sa, rất khó để cho rằng Trung Quốc đã có chủ quyền đối với Hoàng Sa từ thời cổ đại.[10]
Chủ quyền lịch sử của Việt Nam
Việt Nam hiện nay trong lịch sử là hai quốc gia. Phần phía Bắc với tộc người Việt là chủ thể, trước thế kỉ 10 bị Trung Quốc thống trị, sau khi độc lập năm 958 tiếp tục giữ địa vị độc lập trong thời gian dài, tên gọi là Đại Việt. Đây là quốc gia chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hóa Trung Quốc. Phần phía Nam là Chiêm Thành (còn gọi Champa) đã dựng nước từ thế kỉ 2 TCN với tộc người Cham là chủ thể. Nước này trong vòng văn hóa Ấn Độ. Trong lịch sử, Đại Việt và Chiêm Thành từng đánh nhau trong thời gian dài, cuối cùng vào thế kỉ 18, chính quyền chúa Nguyễn ở phía Nam (còn gọi là Đàng Trong) đã tiêu diệt hoàn toàn Chiêm Thành, mở rộng lãnh thổ đến miền Nam Việt Nam, sau đó lại chiếm được lãnh thổ ở châu thổ sông Mekong từ tay Cao Miên để hình thành nên nước Việt Nam hiện nay.
Đại Việt và Chiêm Thành hoạt động rất mạnh mẽ trong giao thông ở biển Đông thời cổ đại, nhất là Chiêm Thành. Trong các ghi chép có thể xác nhận, Chiêm Thành là nước phát hiện quần đảo Hoàng Sa sớm nhất, nhưng kiểu “quyền sơ khai” hình thành trên cơ sở phát hiện không thể chuyển hóa thành chủ quyền đích thực. Trong khoảng thời gian rất dài sau khi Việt Nam giành độc lập từ Trung Quốc, những ghi chép về Hoàng Sa của Việt Nam hầu như là con số không. Như trên đã trình bày, cùng thời kì này Trung Quốc cũng thiếu bằng chứng có sức thuyết phục để chứng minh ý đồ chủ quyền và sự quản lí hữu hiệu của mình.
Nhưng bắt đầu từ thế kỉ 17, Việt Nam bắt đầu dần dần quản lí Hoàng Sa. Giữa hoặc nửa sau thế kỉ 17, “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” do Đỗ Bá vẽ bắt đầu nói đến việc chính quyền chúa Nguyễn ở miền Nam Việt Nam (còn gọi là Đàng Trong) hàng năm đều cử người đến vớt của rơi của các tàu gặp nạn ở một nơi gọi là bãi Cát Vàng (Hoàng Sa than). Phía Việt Nam cho rằng bãi Cát Vàng ở đây chính là Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa). Việc chúa Nguyễn hàng năm cử người đến Hoàng Sa vớt của đều được nhắc đến trong 3 loại tác phẩm độc lập khác. Một là trong sách của người Pháp Pierre Poivre nhắc đến việc ông nghe nói rằng chúa Nguyễn cử người đến “Paracels” vớt của. Hai là trong “Hải ngoại kỉ sự” của nhà sư Trung Quốc Đại Sán Hán Ông cũng đã tường thuật việc chính quyền Việt Nam hàng năm cử đội Hoàng Sa đi đến “Vạn Lí Trường Sa” trục vớt của rơi. Từ mô tả phương hướng có thể thấy rằng Vạn Lí Trường Sa ở đây rất có thể chính là quần đảo Hoàng Sa, mà Vạn Lí Trường Sa cũng là tên gọi quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc khi đó. Cuối cùng và cũng là bằng chứng có sức thuyết phục nhất, chính là sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, trong đó có nói đến việc chính quyền hàng năm đều phái đội Hoàng Sa đến Đại Trường Sa (bãi Cát Vàng, Hoàng Sa chử) trục vớt của rơi. Ghi chép này rất tỉ mỉ khiến người ta tin chắc nơi được nói đến ở đây chính là Hoàng Sa hiện nay. Trong 4 tác phẩm này, đặc biệt là 2 tác phẩm sau, đều đã nói rõ chúa Nguyễn đã thật sự phái đội Hoàng Sa đến quần đảo Hoàng Sa hàng năm để trục vớt của rơi. Những hoạt động này mang ý đồ thể hiện chủ quyền mạnh mẽ: thứ nhất, nó là hành động của nhà nước; thứ hai, nó là hành động hàng năm và có quy luật; cuối cùng, nó mang hàm ý của quản lí hành chính. Có thể nói, từ cuối thế kỉ 17 đến đầu thế kỉ 19, Việt Nam đã bước đầu xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Đến đầu thế kỉ 19, sau khi nhà Nguyễn thành lập, Việt Nam càng quản lí hữu hiệu Hoàng Sa hơn. Đặc biệt là trong hai thời kì 1815-1816 và 1833-1836, hoàng đế Gia Long và hoàng đế Minh Mạng lần lượt phái thuỷ quân đến Hoàng Sa dựng cờ, đo đạc thuỷ văn, xây miếu dựng bia và trồng cây để làm cột mốc. Những sự kiện này không những được ghi chép trong sách sử chính thức của nhà nước “Đại Nam thực lục”…, còn được ghi chép trong ít nhất 4 tác phẩm của phương Tây khi đó. Từ đầu đến cuối thế kỉ 19, trong không ít tư liệu, bản đồ và sách địa lí tương tự của phương Tây đều thừa nhận Hoàng Sa (Paracel Islands) là lãnh thổ của Việt Nam. Tác phẩm “Hải lục” của Trung Quốc cũng thừa nhận Vạn Lí Trường Sa là phên dậu bên ngoài của Việt Nam. Mặc dù học giả Trung Quốc đã phủ nhận Hoàng Sa là quần đảo Tây Sa, và cũng phủ nhận Paracel là quần đảo Tây Sa, nhưng qua phân tích tỉ mỉ, đặc biệt là từ năm 1808, sau khi các nước phương Tây đã biết rõ vị trí chính xác của Hoàng Sa thì kiểu hoài nghi này của Trung Quốc không còn chỗ đứng. Những bằng chứng này cho thấy từ nửa sau thế kỉ 17 đến giữa thế kỉ 19, Việt Nam đã từng bước xác lập sự quản lí đối với Tây Sa, đến giữa thế kỉ 19, hình thức chủ quyền này đã được xác lập hoàn toàn và đã được thế giới thừa nhận.[11]
Từ một bản sử liệu mà người viết mới phát hiện có thể thấy được trong những năm 1830 Việt Nam quản trị Hoàng Sa như thế nào. Trong tờ báo của phương Tây năm 1839 khi miêu tả về Cochin China (Đàng Trong) có viết:
It is well known that the present government has a well appointed navy, the largest and best armed in Eastern Asia. This year some petty acts of piracy had been committed on the coast, which so much incensed the King, that a large part of the fleet was immediately put under sailing orders; and, cruizing about the Paracels and other places, fell in with several craft from Haenan. There being some guns on board, these fishermen and traders were declared pirates, and brought in triumph to the harbor of Phuyen. In the meanwhile, an Amoy junk coming up from Singapore, happened to fall in with one of these cruizers, and was ordered to heave to. Upon refusing to comply with this request, the suspicion that this was a regular buccaneer increased, and she was finally boarded by force. The sailors, having been transported to the next military station, were put in prison, and the property was confiscated. The commander; however, was a very spirited man and drew up a suitable petition to the local authorities, wherein he explained the legality of his pursuits and also sent in the register of the junk with a permit to trade to the Southern seas. This document contains an order of Kee-lung addressed to all the prefects of the maritime provinces, to allow Chinese junks to sail to the Indian Archipelago, and puts the lawfulness of this trade beyond doubt. After a few weeks of delay, the magistrates finally set them free, but made them pay a heavy fine for not lowering immediately the sails, when the man of war ordered them to do so. They then re-embarked their cargo, met with a very severe gale, lost their mast, and being without water, abandoned the vessel and arrived entirely destitute at Keamoon.
… The only rich man is the King, he has fine palaces, large treasures, excellent fortresses and vessels far superior to the navy of the Celestial Empire.[12]
(Ai cũng biết rằng triều đình hiện nay có thuỷ binh được trang bị tốt, một đội thuỷ binh lớn nhất và vũ trang tốt nhất ở Đông Á. Năm nay, có một số vụ cướp biển nhỏ đã được xảy ra ở bờ biển, điều này khiến Nhà vua phẫn nộ nhiều đến nỗi đã lập tức ra lệnh cho một phần lớn của hạm đội ra khơi; và trong khi chạy đến Hoàng Sa và những nơi khác, đã gặp một số tàu từ Hải Nan. Có súng trên tàu nên những ngư dân và thương nhân này bị cho là cướp biển, và mang về bến cảng Phú Yên. Trong khi đó, một chiếc tàu của Amoy (Hạ Môn) từ Singapore đi tới, đã tình cờ gặp một trong những tàu tuần dương này, được lệnh phải dừng lại. Tàu từ chối thực hiện lệnh này khiến càng bị nghi ngờ thêm rằng đây là một tàu thường xuyên của cướp biển, và cuối cùng tàu này đã bị quân lính dùng vũ lực lên tàu. Các thuỷ thủ, sau khi được chuyển đến trạm binh tiếp theo, bị bỏ tù và bị tịch thu tài sản. Tuy nhiên, chỉ huy tàu là một người rất có tinh thần và đã đưa ra một kiến nghị thích hợp với chính quyền địa phương, trong đó ông giải thích tính hợp pháp của việc ông theo đuổi và cũng nạp kèm sổ đăng kí của tàu với giấy phép buôn bán đến các vùng biển phía Nam. Tài liệu này có chứa một lệnh của Kee-lung (Cơ Long, Đài Loan -ND) gửi đến tất cả các tỉnh trưởng của các tỉnh vùng biển, cho phép các tàu thuyền của Trung Quốc chạy đến quần đảo Ấn Độ, và cho thấy chắc chắn tính hợp pháp của hoạt động buôn bán này. Sau một vài tuần trì hoãn, cuối cùng các phán quan đã trả tự do cho họ, nhưng bắt họ phải trả một khoản tiền phạt nặng vì không chịu ngừng ngay khi được chỉ huy hải quân ra lệnh. Sau đó, họ đưa hàng xuống tàu lại, gặp gió giật rất mạnh, bị mất cột buồm và không có nước ngọt, đã bỏ tàu đến Keamoon trong tình cảnh cùng khổ.
… Người giàu có duy nhất là Nhà vua, ông ta có những cung điện đẹp đẽ, kho báu lớn, pháo đài tốt và tàu chiến hơn hẳn thuỷ quân của Thiên triều.)
Sử liệu này đã cung cấp mấy thông tin quan trọng: thứ nhất, hải quân Việt Nam lớn mạnh nhất Đông Á khi đó, hơn hẳn so với Trung Quốc; thứ hai, hải quân Việt Nam thường xuyên tuần tra ở quần đảo Hoàng Sa, và bắt những thuyền cá Trung Quốc bị nghi ngờ là cướp biển đưa về Việt Nam xét xử; cuối cùng, Việt Nam áp thuế đối với các thuyền cá qua lại giữa Trung Quốc và Singapore, đã cho thấy sự quản trị hành chính đối với vùng biển này. Sử liệu này rất ăn khớp với các sử liệu khác, đã chứng minh thêm một bước chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và sự kiểm soát đối với biển Đông của Việt Nam trong những năm 1830.
Quần đảo Trường Sa với Brunei và Sulu
Quần đảo Trường Sa trong thời gian dài nằm ngoài các tuyến đường hàng hải chủ yếu của Đông Nam Á, vì vậy nó được ghi chép trong các tư liệu tương đối muộn. Việc phát hiện ra quần đảo Trường Sa sớm nhất vẫn có thể là người Cham, thời gian cũng chắc chắn là sau khi nhà Tống thành lập. Mãi đến thời Nguyên, Minh mới có các ghi chép chính xác của người Trung Quốc về Trường Sa, nhưng nó được miêu tả như là một bộ phận của “Vạn Lí Thạch Đường”, dễ thấy là sự hiểu biết về nó rất hạn chế.
Đối với quần đảo Trường Sa, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam hay các nước khác đều không có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền. Trong các sách địa lí và lịch sử của Trung Quốc, quần đảo Trường Sa cũng giống như quần đảo Hoàng Sa đều được ghi chép mơ hồ. Chỉ được gọi chung chung với những cái tên như “Trường Sa”, “Thạch Đường”, “Thiên Lí Thạch Đường”… Không có ví dụ đáng tin cậy nào về việc quản lí đối với Trường Sa. Thật ra, ngay cả Hoàng Sa tương đối ở gần mà vẫn không có bằng chứng chắc chắn về sự quản lí, nên rất khó thể tưởng tượng chuyện trái ngược là tiến hành quản lí đối với Trường Sa ở xa xôi và phân bố phân tán hơn rất nhiều.
Nhưng trong thời kì này, Việt Nam cũng không có bằng chứng rõ ràng về sự kiểm soát đối với Trường Sa. Trong sách sử của Việt Nam có ghi chép đội Bắc Hải thuộc đội Hoàng Sa từng hoạt động vào thế kỉ 19, phạm vi hoạt động của đội này bao gồm “Bắc Hải”, Bắc Hải ở đây có khả năng là vùng biển ở khu vực Trường Sa, nhưng do ghi chép quá ít nên không thể xác nhận được. Hơn nữa, khác với đội Hoàng Sa sau đó được thuỷ quân thay thế, trong lịch sử không có ghi chép gì thêm về hoạt động của đội Bắc Hải. Có thể thấy, ngay cả khi Việt Nam thật sự có hành động chính thức nhất định đối với Trường Sa, thì cũng còn cách rất xa so với việc quản trị thật sự. Còn các bằng chứng khác như bản đồ… cũng không thể chứng minh lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả Trường Sa.
Cũng trong thời gian này, các nước ven biển cổ đại ở phía nam biển Đông như Brunei và Sulu… cũng có quyền lịch sử không thể xem nhẹ đối với quần đảo Trường Sa, ví dụ có tài liệu lịch sử của Trung Quốc cho thấy vào thời Minh các nước này có thể là chủ lực trong vận tải biển ở quần đảo Trường Sa.[13]
T
hời cận đại phương Tây làm chủ biển Đông
Thế kỉ 16 phương Tây bắt đầu tiến vào biển Đông, từ đó ảnh hưởng của họ ở biển Đông ngày càng lớn. Giữa thế kỉ 19, họ bắt đầu xâm lược các nước ven biển Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Sulu…, cho đến cuối thể kỉ 19 bá quyền phương Tây ở biển Đông đạt đến điểm đỉnh. Các nước ven biển Đông, ngoài Trung Quốc, đều trở thành thuộc địa của các cường quốc phương Tây – Việt Nam thuộc Pháp, Borneo thuộc Anh và Hà Lan, Philippines ban đầu thuộc Tây Ban Nha, sau thành thuộc Mĩ. Trung Quốc mặc dù vẫn là quốc gia độc lập nhưng hải quân nhỏ yếu và tư duy quân sự chủ yếu tập trung vào phòng thủ biển ven bờ, còn đối với biển Đông thì không có ý định cố nắm lấy và nằm ngoài tầm với. Do đó, các cường quốc phương Tây với tàu to súng lớn đã làm chủ cục diện biển Đông, gây ảnh hưởng đến khu vực này trong một số mặt sau đây:
Thứ nhất, các nước phương Tây dùng kĩ thuật hiện đại của họ để tiến hành thăm dò và đo đạc biển Đông nhiều lần, vẽ ra hải đồ chính xác, đã làm thay đổi cơ bản nhận thức về biển Đông và các đảo ở biển Đông. Các nước phương Tây cũng đã bảo vệ quyền tự do và an toàn hàng hải ở biển Đông bằng cách thiết lập một hệ thống cứu hộ quốc tế và chống cướp biển.
Thứ hai, sự xâm lược thực dân của các nước phương Tây đã phá vỡ cục diện ban đầu của các nước ven biển Đông, trong đó chịu ảnh hưởng nhất là Việt Nam. Sau khi từng bước trở thành thuộc địa của Pháp, dù trong sách vở Hoàng Sa vẫn được xem là lãnh thổ của Việt Nam, nhưng sau năm 1860 Việt Nam đã mất khả năng kiểm soát nó trên thực tế. Do các hoạt động của Việt Nam ở Hoàng Sa cơ bản là do nhà nước tổ chức, nên sau khi hoạt động của nhà nước chấm dứt, không có hoạt động tư nhân của người dân kế thừa. Vì thế, trễ nhất là sau năm 1867, không còn hoạt động của người Việt Nam ở Hoàng Sa. Cuộc xâm lược của Tây Ban Nha đối với Sulu và của Anh đối với Brunei đã làm hai nước này mất đi sức ảnh hưởng đối với quần đảo Trường Sa.
Thứ ba, các nước phương Tây đều không có thái độ tích cực đối với vấn đề chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông. Ví dụ Pháp, với tư cách là nước bảo hộ của Việt Nam, không quan tâm tới Hoàng Sa hoặc Trường Sa. Dù vào năm 1899 từng lập kế hoạch xây dựng đèn biển ở Hoàng Sa, nhưng kế hoạch này cuối cùng không được thực hiện, nếu không việc này có thể được coi là một hành động tuyên bố chủ quyền. Anh cũng không tích cực với quần đảo Trường Sa, nửa cuối thế kỉ 19 nước này từng hai lần cấp giấy phép khai thác hai đảo ở Trường Sa, điều này đã được ghi chép trong hồ sơ, nhưng từ đầu đến cuối đều không có hành động khai thác trên thực tế. Nguyên nhân chủ yếu của thái độ tiêu cực này là do các đảo ở biển Đông có diện tích nhỏ bé, tài nguyên lại nghèo nàn, không thể sinh lợi; về mặt quân sự không có vị trí chiến lược lại khó duy trì việc đóng quân. Vì thế, các đảo biển Đông dễ lấy này đều bị xem là vô giá trị và không bị thôn tính. Kết quả là trong khoảng thời gian từ 1860 đến 1899, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc khu vực chân không về chủ quyền trong quản trị chính thức. Ngoại lệ duy nhất là bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham), người Tây Ban Nha đã giành được chủ quyền cho Philippines.
Thứ tư, bên được lợi nhất từ trạng thái chân không chủ quyền các đảo ở biển Đông là Trung Quốc. Thế kỉ 19 là thời kì ngư dân Trung Quốc hoạt động với quy mô lớn tại các đảo ở biển Đông. Từ sau năm 1860, hoạt động của ngư dân bắt đầu mở rộng đến Trường Sa. Trong khoảng thời gian này, ngư dân Trung Quốc trở thành người khai thác duy nhất ở Hoàng Sa và Trường Sa. Những hoạt động tư nhân này của người dân đem lại ưu thế cho Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền các đảo ở biển Đông sau này. Ngoài ra, vào cuối thế kỉ 19, ý thức lo lắng về biên giới biển của Trung Quốc bắt đầu tăng lên, các phần tử trí thức tư nhân bắt đầu coi trọng địa vị của các đảo ở biển Đông, có một số sách vở dân gian của Trung Quốc mơ hồ coi Hoàng Sa (hoặc bao gồm cả Trường Sa) là lãnh thổ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong cái nhìn của nhà nước Trung Quốc, Hoàng Sa và Trường Sa đều không phải là lãnh thổ của Trung Quốc. Phạm vi tuần tra của hải quân Trung Quốc chỉ đến cực Nam đảo Hải Nam; trong sách địa lí có thẩm quyền của nhà nước, cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Trước năm 1909, không có bất kì bằng chứng nào có thể chứng minh nhà nước có ý muốn quản lí đối với những đảo này: lời bàn của Quách Tung Đảo không có hiệu lực pháp lí; đề nghị xây dựng đèn biển ở Đông Sa của Hart không được thực hiện; cái gọi là phản đối tàu đo đạc của Đức là không có căn cứ. Ngược lại, trong vụ hai tàu bị đắm năm 1895 và 1896, chính phủ Trung Quốc biểu thị rõ ràng Hoàng Sa không thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Thứ năm, khi các nước phương Tây tiến vào biển Đông, họ cũng đồng thời đem hệ thống luật quốc tế của phương Tây đến đây. Các nước thực dân bá chủ dựa vào quan điểm của luật quốc tế để xử lí vấn đề biển Đông, còn Trung Quốc cũng đã xác nhận tính thích dụng của luật quốc tế đối với Trung Quốc thông qua các hiệp ước và thực tiễn ngoại giao. Vào giữa và nửa sau thế kỉ 19, quan niệm lãnh hải của phương Tây đã thay thế quan niệm biên giới biển truyền thống giữa các nước Đông Á. Trong quan niệm truyền thống thời kì nhà Thanh, giữa Trung Quốc và Việt Nam có biên giới biển rõ ràng, biên giới biển hai nước tiếp giáp nhau, ở giữa không có “vùng biển quốc tế”. Ví dụ ở trên mặt biển biển Đông, hai bên lấy vùng nước đối diện bãi Đồi Mồi ở cực nam đảo Hải Nam để phân chia ranh giới, vượt qua ranh giới này là tiến vào “Di Dương” (biển của bọn di) của Việt Nam. Nhưng sau khi Trung Quốc và Việt Nam (thuộc Pháp) đều ủng hộ việc lấy đường bờ biển làm cơ sở để giới hạn lãnh hải thì giữa Trung Quốc và Việt Nam đã xuất hiện “vùng biển quốc tế”. Việc các nước phương Đông thừa nhận “vùng biển quốc tế” là một thắng lợi của nguyên tắc tự do hàng hải, đồng thời cũng đặt nền móng cho luật biển quốc tế hiện nay. Từ đó về sau, khi bàn bạc đến biên giới biển mà tách rời với đất liền và chủ quyền lãnh thổ thì thiếu đi tính hợp lí.
Thứ sáu, mặc dù các hiệp ước phân giới trong thời kì này không có liên quan rõ ràng đến các đảo ở biển Đông nhưng chúng đã để lại những điểm gây tranh cãi cho các tranh chấp về đảo sau này. Trong đó, đặc biệt là “Công ước Pháp-Thanh” được kí kết giữa Trung Quốc và Pháp tại Bắc Kinh năm 1887 và “Hiệp ước Paris” giữa Mĩ và Tây Ban Nha năm 1899 là nổi bật nhất. Trong đoạn 3 của “Công ước Pháp-Thanh” quy định “các đảo trên biển” lấy đường thẳng từ Bắc đến Nam đi qua xã Trà Cổ ở vịnh Bắc Bộ làm ranh giới, ở phía Tây thuộc Việt Nam, ở phía Đông thuộc Trung Quốc. Đường ranh giới này kết thúc ở đâu không hề được quy định rõ. Vì vậy, việc nó có bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa hay không trở thành điểm tranh cãi trong tranh chấp về Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Pháp vào thập niên 1930. “Hiệp ước Paris” đã hoạch định địa giới giao nhận giữa Mĩ và Tây Ban Nha, nhưng bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham) đã bị “mất” một cách khó hiểu bởi thái độ thờ ơ của Mĩ tương tự như Anh và Pháp.
Thứ bảy, hệ thống luật quốc tế mà phương Tây đưa đến đã xác lập các nguyên tắc cho việc phán đoán sự quy thuộc các đảo ở biển Đông thời kì này. Căn cứ “Luật liên thời gian” (Intertemporal Law) trong luật quốc tế, chủ quyền các đảo biển Đông thời kì này phải tuân theo quan điểm của luật quốc tế khi đó, tức là phải có “ý thức chủ quyền” và “chiếm đóng hữu hiệu” một cách rõ ràng.[14]
Trong tuyên truyền của Trung Quốc, “Yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền quản lí của Trung Quốc ở biển Đông có lịch sử hơn 2000 năm, từ thời Hán đã phát hiện và từng bước hoàn thiện sự quản lí đối với Nam Hải, đặc biệt là các đảo, đá ở Nam Sa và các vùng biển liên quan”.[15] Câu khẳng định này đã nhập nhiều luận điểm khác nhau vào làm một nên đã nảy sinh hiểu lầm rằng Trung Quốc đã có chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông “từ xưa đến nay”. Trên thực tế, có rất nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy rằng từ xưa đến nay biển Đông là vùng biển công cộng không thuộc bất kì quốc gia nào. Mặc dù đối với các đảo biển Đông, ngoài Việt Nam đã từng có sự kiểm soát thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa trong lịch sử, trước thế kỉ 20 không có quốc gia nào muốn thôn tính chúng một cách thật sự. Tình trạng này kéo dài cho đến thế kỉ 20, sau khi một thế lực mới nổi xuất hiện mới có sự thay đổi.
[1] Xem thêm “Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”, Chương I.
[2] “Tổng hợp tư liệu địa danh các đảo ở biển Đông”, Nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Quảng Đông, 1987, tr. 235.
[3] http://www.qstheory.cn/special/5625/5675/201108/t20110802_99156.htm.
[4] http://www.qstheory.cn/special/5625/5675/201108/t20110802_99171.htm.
[5] http://www.qstheory.cn/special/5625/5675/201108/t20110804_99882.htm.
[6] http://www.qstheory.cn/special/5625/5675/201108/t20110804_99884.htm.
[7] David Hancox & Victor Prescott, A Geographical Deion of the Spratly Island and an Account of Hydrographic Surveys Amongst Those Islands, Maritime Briefing Vol.1 No.6.
[8] Lâm Nhược Vu, Ý nghĩa của việc ASEAN và Trung Quốc đạt được “Tuyên bố ứng xử biển Đông” và cách phản ứng của Đài Loan, Tân thế kỉ tri khố luận đàm, số 55, 2011.
[9] Đoạn này xem thêm “Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”, Chương II.
[10] Xem thêm “Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”, Chương IV.
[11] Trên đây xem thêm “Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”, Chương IV.
[12] The Bombay Times and Journal of Commerce (1838-1859) (Bombay, India) 02 Jan 1839:3.
[13] Trên đây xem thêm “Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”, Chương IV.
[14] Phần trên xem thêm “Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”, Chương V.
[15] Phát biểu của Phó Tham mưu trưởng Trung Quốc Vương Quán Trung tại Diễn đàn Shangri La ngày 1/6/2014. http://theory.people.com.cn/BIG5/n/2014/0603/c40531- 25096523.html.