Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN, DỊCH GIẢ ĐOÀN TỬ HUYẾN - NGƯỜI TRUYỀN DẪN TRÍ THỨC VĂN HOÁ ĐÔNG TÂY

Lê Ngọc Tú
Thứ ba ngày 30 tháng 7 năm 2024 2:11 PM


Tưởng nhớ Nhà văn, Dịch giả Đoàn Tử Huyến


Tôi gặp anh lần đầu tiên (năm 1991) tại sảnh Khách sạn Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bữa ấy là cuối giờ chiều, tôi đến gặp người đồng nghiệp Nga , Trưởng Ban biên tập của tờ Báo ảnh Việt Nam( phiên bản tiếng Việt) vừa sang công tác, nhận thư và quà của các đồng nghiệp cũ thời tôi làm chuyên gia tiếng Việt tại Nhà xuất bản Tiến Bộ ( Liên Xô) gửi nhờ ông chuyển. Ban Biên tập Tạp chí in tiếng Việt ( kể trên) thuộc biên chế Nhà xuất bản. Lúc tôi đến, đã thấy người bạn Nga đang ngồi tiếp một chàng trai người Việt, dáng dấp nghệ sĩ, với bộ tóc dày để dài, hàng ria mép được tỉa tót gọn gàng, đặc biệt anh anh có đôi mắt sáng, nét cười tươi, có duyên… Thoạt nhìn anh bạn này đã thấy có cảm tình. Anh bạn Nga đứng lên bắt tay tôi và chỉ tay giới thiệu tôi với chàng trai cũng vừa đứng lên. Qua giới thiệu, tôi biết anh là Đoàn Tử Huyến, cán bộ biên tập Nhà xuất bản Lao Động. Nghe giới thiệu tên, dù gặp lần đầu, tôi không thấy ngạc nhiên, bởi tên anh đã không còn xa lạ với dân làm sách chúng tôi thời điểm bấy giờ! Chẳng là mới rồi ( năm 1990) anh vừa đoạt Giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm “ Nghệ nhân và Margarita” của Nhà văn Liên Xô Mikhail Bulgacov. Một bản dịch tiếng Việt, mà trong một trả lời phỏng vấn báo chí, anh quan niệm: “Là công trình dịch thuật lớn nhất, công phu và tâm đắc nhất” . Tôi được biết, anh cũng đến nhận quà của một người em họ, người của Thông Tấn xã Việt Nam, đang làm chuyên gia tiếng Việt ở cùng ban biên tập với ông khách Nga này. Trong lúc hai người nói chuyện (bằng tiếng Nga), tôi tranh thủ mở gói quà, trong gói quà, ngoài thư, kẹo socola là một cuốn sách tiếng Nga. Tôi đang mân mê các món quà, thấy anh Huyến liếc mắt qua, chăm chú nhìn bìa cuốn sách . Đoán ý anh, tôi đưa cuốn sách cho anh coi. Anh đưa tay đỡ cuốn sách, lật giở coi những trang Mục lục cuối sách, đầu gật gù…vẻ thích thú. Đó là cuốn “ Bách khoa thư dành cho phụ nữ trẻ” – công trình tập thể của các tác giả Tiệp Khắc ,Nhà xuất bản Tiến Bộ ( Matxcova. 1985) - ( bản dịch khi xuất bản tiếng Việt mang tên: Bách khoa Phụ nữ trẻ). Khi đưa trả lại tôi cuốn sách, anh hỏi: sao các bạn biết mà tìm và gửi sách này cho anh? Tôi nói với anh, tôi vẫn thường xuyên viết thư, nhờ các bạn kiếm giúp tôi những cuốn sách được bạn đọc bên ấy yêu thích, ưu tiên sách về phái đẹp…Tôi nhìn sang, thấy anh cười hiền, lộ hàm răng trắng bóc. Khi tôi cám ơn người đồng nghiệp Nga và chào hai người ra về, anh Huyến bắt tay tôi và xin tôi số điện thoại, hẹn gặp lại ở cơ quan tôi để bàn về việc dịch và giới thiệu cuốn sách tôi vừa nhận. Thật tình cờ, chính từ lần gặp ấy cùng cuốn sách tôi nhận được từ các đồng nghiệp Nga hôm đó, tôi và anh Huyến đến với nhau như một mối lương duyên vậy… Chừng gần một tuần sau lần gặp, vào một buổi sáng cuối tuần, tôi nhận được điện thoại anh Huyến gọi và hẹn gặp tôi ở cơ quan . Anh đến, suốt buổi chúng tôi bàn việc dịch và in cuốn sách , món quà tôi nhận hôm gặp anh. Anh Huyến nói, anh có biết, hai nhà xuất bản ở Việt Nam hiện đang dịch loại sách này từ nguyên tác tiếng Nga, có tên sách na ná giống với tên cuốn này, nhưng khác nhà xuất bản gốc . Kết thúc buổi gặp, chúng tôi đi đến sự thống nhất cụ thể: Bên anh lo phần dịch, tôi tìm họa sĩ thiết kế bìa cuốn sách. Tôi nhớ, lúc chia tay, anh Huyến nói bằng một giọng nghiêm túc: với dạng sách này, việc có một bìa sách đẹp, tương thích với nội dung là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định khi xuất bản và phát hành. Điều anh nói tôi thấy quá chuẩn khi tôi thực hiện công đoạn được “ phân công” ( chuyện tìm họa sĩ làm bìa tập sách này, tôi đã “ kể” khá kĩ trong bài viết” Họa sĩ Văn Sáng trong tôi” , in trong tập “ Lạc vào cõi sách”. Lê Huy Hòa. Nhà xuất bản Thế Giới.H.2024). Dự án liên kết đầu tiên giữa tôi và anh đã sớm đơm hoa , kết trái. Chỉ sau 3 tháng , nhóm dịch sách, trong đó có anh đã dịch xong. Anh Huyến trực tiếp đọc kiểm tra và ráp nối các phần dịch của các thành viên trong nhóm. Tiếp theo là công đoạn in can, lo thủ tục xin cấp phép. Vào thời điểm bấy giờ, nội dung cuốn sách có phần “ nhạy cảm” trong sinh hoạt lứa đôi, bạn hãy hình dung, vấn đề sinh hoạt “ tình dục” vẫn được xem là cấm kị, ngay đến các đoạn miêu tả trong tác phẩm văn học đã khó duyệt chứ chưa nói đến cuốn sách dành cả một chương viết về vấn đề này. Cũng thật may mắn, Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội lúc bấy giờ là nữ Nhà văn Hoàng Ngọc Hà đã đọc, kí duyệt và ra mắt lần đầu năm 1991. Theo quan niệm của bà, đây là một cuốn sách dạng khoa học thường thức, là một tham khảo có giá trị cho mọi đối tượng bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi. “ Sách dành cho lứa tuổi từ 15 – 30, lứa tuổi tìm hiểu, yêu đương và xây dựng gia đình, lứa tuổi ham khám phá nhưng cũng dễ phạm sai lầm nên rất cần trang bị những kiến thức khoa học để bảo đảm cho hạnh phúc bền vững…” (Lời Nhà xuất bản). Khi họa sĩ Văn Sáng thiết kế xong bìa, anh Huyến nhờ bạn Nguyễn Như Lương, người quen của chúng tôi, làm việc ở Xưởng in Bộ Giáo dục – Đào tạo tìm giúp cơ sở in. Anh Lương chọn Xưởng in Bộ Thương Mại, bấy giờ nằm trên đường Giải phóng, cách Trung tâm Hà Nội chừng non chục cây số về hướng Đông Nam, tiện cho việc theo dõi tiến độ in. Sở dĩ tôi viết có chút dông dài về nơi in “ Bách khoa Phụ nữ trẻ”, bởi một cuốn sách ngay sau in lần đầu đã trở thành một “ hiện tượng” về ấn phẩm bán chạy, còn có cả scandan in lậu sách! Trên thị trường sách lúc bấy giờ “Bách khoa Phụ nữ trẻ” liên tục “ nối bản”, thậm chí, cuốn sách đã được chọn làm quà cưới cho các cặp vợ chồng trẻ! Và cũng bởi thế, chính cơ sở in này, do thiếu nghiêm túc trong thực hiện Hợp đồng in giữa chúng tôi và cơ sở in: Giám đốc xưởng in này vì hám lợi đã tiếp tay cho một nhà sách tư nhân nối bản ngay tại nhà in mà không có” nhời” với chúng tôi. Anh Huyến tỏ ra rất bất bình thấy bị qua mặt một cách ngang nhiên như vậy. Anh nói với tôi, cần phải có biện pháp mạnh, mang tính răn đe! Anh đã viết đơn kiện cơ sở in này. Sau cùng, giám đốc nhà in đã bị cơ quan chủ quản cho thôi việc! Đây cũng là một bài học chung cho những người làm sách, in sách thiếu lương tri, một biện pháp tự vệ chính đang cho người làm sách lương thiện… Tưởng vậy sẽ yên tâm, không ngờ lại xảy ra sự vụ tương tự. Lần in sau đấy, chúng tôi tìm cơ sở in khác, cũng thuộc đơn vị in 100% vốn Nhà nước, cuốn sách này cũng bị “cướp” ( nối bản) ngay trên “ giàn mướp”, và lần này diễn ra ngay sau ngày chúng tôi nhận sách! Đúng lúc, cơ quan quản lí thị trường thành phố cùng bên an ninh văn hóa phối hợp kiểm tra định kì cơ sở in, nơi chúng tôi in “ Bách khoa Phụ nữ trẻ”, thấy trong kho còn một số lượng khá lớn. Đoàn kiểm tra xem Hợp đồng in, và mời đại diện bên đặt in lên tìm hiểu. Và sau khi chúng tôi trình bản thanh lí Hợp đồng in có chữ kí của 2 bên, đại diện cơ quan quản lí văn hóa mới rõ, số sách đặt in theo số lượng trong Hợp đồng in đã giao đủ cho chúng tôi( bên đặt in). Nhưng điều khó lí giải là, số sách in dôi ra ngoài Hợp đồng , không rõ vì sao sau đấy ít ngày lại được bày bán “ tự nhiên như Ruồi” ở một nhà sách tư nhân góc phố Bờ Hồ?! Chuyện vấn nạn in lậu, tôi có viết một bài báo nhận diện với cái tít “ đáng yêu”, lấy một vế tên một cuốn sách của một nhà văn Xô viết: “ In lậu mãi mãi cùng ta…”, phân tích khá kĩ các chiêu trò in lậu, in nối bản…và cũng đưa ra những biện pháp chống in lậu, làm sách giả… theo “đặt hàng” của Tạp chí Xuất bản Việt Nam. Tạp chí số in bài tôi viết được chọn làm “ quà biếu” trong một hội nghị các giám đốc in. Tôi lấy bút danh trong bài viết, vậy mà thấy nhiều giám đốc gửi tin nhắn chúc mừng… Sau này, ông bạn Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí nói lại với tôi, đại ý, họ (các giám đốc nhà in) thì thầm với nhau, thằng cha viết báo ở đâu mà như “rận trong chăn” vậy… Chẳng biết họ có thật lòng với tôi hay không, nhưng trong thâm tâm, tôi thấy “ hả” vì nói được ra những bức xúc, khó chịu của những người làm sách “ thật” thế hệ chúng tôi! Chúng tôi quen và gắn bó với nhau từ ngày ấy, ngoài chuyện hợp tác trong một số ấn phẩm khác, tôi có mời anh tham gia hiệu đính một số đầu sách dịch của nhà xuất bản, cả những công trinh do tôi biện soạn, đứng chủ biên, có sử dụng nguồn tư liệu nước ngoài. Tôi thấy ở anh có một phẩm chất của một người làm sách nổi trội: kĩ lưỡng trong biên tập, chỉ làm những gì anh tâm huyết…Điều này tôi càng bị thuyết phục ở những công việc giữa tôi và anh suốt nhiều năm. Sau này , qua lời anh kể, tôi biết anh sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Quốc gia Vôronezh (Liên Xô) về nước, được tổ chức điều động về làm cán bộ giảng dạy Văn học Nga Xô viết ở Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội chừng vài năm, sau đấy anh quyết định” nhảy việc” (như cách gọi của giới trẻ sau này). Có thể niềm đam mê sách đã thôi thúc anh tìm bến đỗ mới. Chính Nhà thơ, dịch giả Thái Bá Tân, bạn anh đã giới thiệu anh chuyển về làm biên tập sách ở Nhà xuất bản Lao Động. Kí ức về thời gian làm thầy giáo đại học thường trở về trong anh , mỗi khi chúng tôi ngồi coi tivi, nhiều MC trẻ trung, xinh đẹp của Đài Truyền hình Trung ương là học trò của anh. Họ nhớ một thầy giáo vui tính, để mớ tóc dài, say mê với những bài giảng sinh động , những câu chuyện bên lề về tác phẩm, về tác giả văn chương Xô viết, đã lôi cuốn các sinh viên, qua các giờ trên lớp, các buổi ngoại khóa, các đêm giao lưu văn nghệ của sinh viên trong khoa. Trong các giờ đứng lớp, người thầy giáo trẻ với chất giọng Nghệ Tĩnh truyền cảm đã chuyển tải nét đẹp của tâm hồn Nga từ các hình tượng nhân vật đa dạng, nhiều sắc màu… Các học trò của anh, dù biết thầy đã chuyển nghề, vẫn thường xuyên đến thăm thầy, vừa cùng thầy ôn lại những kỉ niệm ấm áp, lại được nạp thêm những kiến thức mới, khi chia tay, lại được thầy tặng sách quý … Tôi thường gặp anh ở địa chỉ mới của nhà xuất bản vừa chuyển từ Nhà hát nhân dân thành phố trên đường Trần Hưng Đạo (sau này xây Cung Văn hóa lao động Việt Xô), trong thời gian chờ đền bù giải tỏa mặt bằng, chuyển về phố Hai Bà Trưng, gần Trung tâm, đối diện với Công ty phát hành sách, báo ngoại văn (tên giao dịch là Xunhasaba). Những lần tôi xuống, không hẹn trước, tôi thường ghé vào nhà sách của Công ty tìm anh, trước khi lên phòng làm việc của anh. Anh có thói quen thường ghé nhà sách ngoại văn này. Một lần, anh nói với tôi về dự định thành lập Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, ngoài ra, sẽ tìm một tờ báo, tạp chí làm diễn đàn… với mong muốn tập hợp những nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà giáo… cùng có chung chí hướng góp phần vào việc chuyển tải tri thức văn hóa Đông Tây từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần thực hiện khát vọng “khai trí , khai phóng” mà xã hội ta đã và đang hướng tới… Nhưng trước mắt, để có chút vốn liếng, cần mở một cửa hàng sách, vừa bán và trao đổi sách tạo nguồn thu nhập để trang trải các hoạt động của Trung tâm . Anh nói mô hình Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ tương lai sẽ hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, nó na ná như hoạt động của các tổ chức phi chính phủ mà ta được biết trên báo chí, các kênh truyền thông vậy… Điều anh quan tâm bây giờ là tìm người trợ thủ tin cậy, đủ sức giúp việc sân sau của mình. Anh tâm sự với tôi, có cậu em trai vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ra quân, đang ở quê, anh muốn đưa ra Hà Nội, nhưng còn đôi chút lăn tăn, ngoài chuyện chỗ ăn, ở , quan trọng nhất là lo công ăn, việc làm cho nó… Tôi nói thẳng với anh, chuyện lo chỗ ở cho cậu em, trước mắt , anh nên bàn với bà xã, tạm thời sống chung với gia đình ở căn hộ cơ quan phân, tiến tới có thể xin cơ quan làm hợp đồng bảo vệ vào các buổi tối, như thế, cậu ấy có thể nghỉ tại cơ quan; còn việc làm, ta sẽ chung tay mở một kiot bán sách, báo cho cậu em đứng quản lí, việc lo nguồn sách , báo bày bán kèm , tôi sẽ thu xếp được. Tạm thời, vỉa hè rộng trước cửa cơ quan có thể sử dụng làm quầy bán hàng : trên bàn bày bán sách, báo, sát tường làm dãy giá bày sách, mái che bằng vải bạt tránh mưa, nắng… Nghe tôi nói, anh tỏ ra rất vui. Ngay lập tức, chúng tôi tiến hành triển khai dự án hợp tác” song phương” đầu tiên. Một tuần sau, khi cậu em của anh có mặt ở Hà Nội, mọi việc xem như đã chuẩn bị xong. Chàng trai trẻ, em trai út của anh, tên Đoàn Tử Hoan, dù đã qua môi trường quân ngũ 2 năm, lần đầu ra Thủ đô còn nhiều bỡ ngỡ, rụt rè… Tôi nói với anh Huyến, trước khi giao việc trông coi quầy sách, báo, để tôi trực tiếp “ hướng nghiệp” Hoan, qua việc giới thiệu làm quen với các đại lí sách ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, cả các cửa hàng sách quốc doanh, những nơi này sẽ là “ đầu vào, đầu ra” cho quầy sách báo của Hoan. Chúng tôi hiểu, để thích nghi, cảm nhận và làm tốt công việc trước mắt, chắc chắn sẽ là một thách thức không nhỏ đối với chàng trai này. Tôi cũng nói với anh, để Hoan tự tin trong công việc, cần có thêm kiến thức về kinh doanh, khi có cơ hội, anh cần động viên và tạo điều kiện để em theo học tại chức tại một trường kinh tế, ưu tiên ngành quản trị kinh doanh. Anh ghi nhận ý kiến của tôi … Sau một tuần, tôi thấy Hoan đã bắt đầu quen việc, chúng tôi đưa cậu về “ thực hành” tại quầy sách mới mở. Chúng tôi tận tình hướng dẫn cung cách bán hàng, nhập hàng, kiểm kê hàng tồn mỗi ngày và giao nộp tiền thu được hàng ngày để biết kết quả, vừa khích lệ, vừa tiếp sức khát vọng “ lập nghiệp” (như cách gọi bây giờ)trong cậu. Năm ấy, rất may, sạp sách, báo khai trương vào dịp cuối năm, nhờ chúng tôi khai thác thêm nguồn hàng là lịch tờ treo tường, cả lịch bloc năm mới…các sản phẩm văn phòng phẩm nhiều chủng loại đã mang lại hiệu quả kinh tế ngoài kì vọng của chúng tôi. Tôi nhận thấy cậu em anh chịu khó, cần mẫn, linh hoạt và nhập cuộc khá nhanh. Cái chính là cậu thấy tự tin hơn, mạnh dạn hơn. Những ngày đầu lập nghiệp của Hoan xem ra thuận lợi, cậu đã thấy yêu thích công việc mới này. Chúng tôi hy vọng, Hoan sẽ đứng vững trên đôi chân của mình, trước mắt là dưới “cái bóng” của người anh trai. Như thế, riêng với cậu xem ra cũng “ thuận buồm, xuôi gió” hơn so với bạn cùng quê ra quân đợt ấy! Có lẽ Hoan cũng tự cảm nhận được điều này, tôi nhìn được qua ánh mắt của cậu mỗi khi gặp… Nhưng sau đấy, có một việc lại không diễn ra như chúng tôi muốn. Chẳng là ra Tết, một bữa tôi đi làm về thì thấy Hoan vai khoác balo , đầu để trần đứng chờ trước cửa nhà. Nhìn ánh mắt đượm buồn, vẻ mặt thẫn thờ… Tôi đoán cu cậu gặp chuyện không vui? Rõ là cậu đã đến từ trước mà chưa dám bấm chuông, phần vì cậu đến nhà tôi lần đầu, hơn thế lại chưa biết mặt người nào trong gia đình tôi. Tôi không hỏi han gì, dựng xe rồi dẫn em vào trong nhà. Lúc này bà xã tôi chưa về vì còn qua trường học đón con. Tôi chưa kịp hỏi Hoan đã xảy ra chuyện gì, cậu buột miệng: “Dạ, em vừa …cự với bà chị dâu…”. Nghe vậy, tôi không tỏ thái độ gì, cũng muốn cậu tự nhiên. Lúc ấy, trong tôi thấy có sự cảm thông, vì dù sao, với tôi , cũng đã trải qua cảnh ngộ như cậu trong mối quan hệ nhạy cảm này. Tôi cũng chợt nhớ tới chuyện anh Huyến kể qua với tôi mấy ngày trước, gia đình anh đã xuất hiện những vết nứt nhỏ trong quan hệ chị dâu, em chồng, và có thể điều không mong muốn ấy đã đến? Hoan bỏ nhà đi đột ngột như vậy, chắc anh Huyến cũng chưa biết?! Nghĩ vậy, tôi không hỏi Hoan thêm một lời nào, trong đầu chỉ tập trung nghĩ cách nói chuyện với “ quân ta” như thế nào sao cho dễ hiểu và tìm được sự chia sẻ, thông cảm…Khi bà xã tôi đưa con về, tôi nói qua việc Hoan đến, bà hiểu và tỏ ra thông cảm, chuẩn bị chỗ nghỉ cho cậu xong và vào bếp chuẩn bị cơm tối. Ngày hôm sau, tôi đến cơ quan gặp anh và cho anh biết việc Hoan đến ở nhà tôi và nói ý định của tôi, muốn trước mắt , hãy để Hoan ở chỗ tôi ít ngày…Anh rất cảm kích và nói với tôi: Cám ơn anh, anh tốt với tôi quá. Từ ngày Hoan về ở với gia đình nhỏ của tôi, vì hàng ngày, cậu vẫn phải dậy sớm để tới quầy sách, báo bán hàng, tối muộn mới về nhà, cũng chẳng có thời gian cho riêng mình, nên bà xã tôi lo việc giặt giũ quần áo luôn cho cậu, coi như người em ruột trong nhà vậy! Trụ sở của Nhà xuất bản, nơi anh Huyến làm việc chỉ là tạm thời trong khi chờ Thành phố đền bù, nên anh quyết định chọn tìm một địa điểm mới để mở cửa hàng sách với quy mô lớn hơn. Khoảng hai tuần sau, anh tìm và thuê được mặt bằng làm nhà sách của riêng anh tại một ngôi nhà mặt đường trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Anh đến thông báo với tôi và xin đón Hoan về. Những ngày chuyển sang cửa hàng mới, anh Huyến bận đầu tắt, mắt tối. Lo thủ tục xin giấy phép kinh doanh cho cửa hàng sách , tuyển thêm nhân viên bán hàng, thiết kế kho sách, hàng hóa…Mọi việc dần ổn định và đi vào nề nếp. Ngày khai trương cửa hàng mới thật đáng nhớ. Bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng…đến rất đông cùng những lẵng hoa chúc mừng, phải trưng ra cả ngoài hè đường… Những ngày mở cửa hàng mới, anh Huyến thường đến sớm và về nhà khá muộn. Có đêm anh ngủ lại cửa hàng. Thời gian này, tôi biết Đề án xuất bản tờ Tạp chí Văn học nước ngoài đã được Ban Chấp hành Hội Nhà văn ủng hộ và triển khai nhanh. Nhà văn Ma Văn Kháng, bấy giờ là Trưởng Ban sáng tác của Hội cũng vừa thôi làm quản lí ở Nhà xuất bản Lao Động, chuyển qua làm Tổng Biên tập Tạp chí mới. Nhân sự Tạp chí Văn học nước ngoài ban đầu khá tinh gọn: Nhà văn Ma Văn Kháng - Tổng Biên tập , anh Huyến được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập. Bộ phận biên tập, anh mời dịch giả Nguyễn Văn Thảo, đang là biên tập viên Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội về làm Thư kí tòa soạn Tạp chí và nữ trợ lí Nhà sách làm thư kí Ban biên tập nhận lo việc phân loại bài, gửi báo biếu ; nhân viên kế toán nhà sách gia đình cũng kiêm luôn công việc trị sự của tạp chí. Hội Nhà văn phân cho tạp chí một phòng làm việc tại Văn phòng Hội, trang thiết bị hầu như anh Huyến tự trang bị. Từ đây, phòng làm việc của Phó Tổng Biên tập đã trở thành nơi giao dịch chủ yếu của anh. Qua anh, tôi được biết, các cộng tác viên Tạp chí đều là những dịch giả - nhà văn tên tuổi, thông thạo các ngoại ngữ, có thể kể tên như: Nguyễn Thanh Châu( Tiếng Anh), Nguyễn Văn Dân( Tiếng Pháp), Trần Đức Mậu (Tiếng Đức), Nguyễn Trung Đức( Tiếng Tây Ban Nha), Trần Đình Hiến( Tiếng Trung), Tạ Minh Châu( Tiếng Ba Lan),..và Dịch giả - Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên( Ngân Xuyên), một người thông thạo 3 ngoại ngữ qua con đường tự học (sau này khi Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đi vào hoạt động, ngoài việc đóng góp vào các hoạt động chuyên môn, anh còn là một MC, một Giám đốc truyền thông” bất đắc dĩ”, nhưng vô cùng hiệu quả trong việc giới thiệu tác giả, tác phẩm mới tại Thư viện - café sách Đông Tây)… đủ thấy người phó Tổng Biên tập Tạp chí – Đoàn Tử Huyến có “ tầm” bao quát các nền văn học lớn thế giới như thế nào! Chính từ những tác phẩm, tác giả được giới thiệu trên tạp chí, sau này, anh tập hợp, tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn đoạt giải Nobel văn chương in thành sách, giới thiệu tới đông đảo bạn đọc. Đáng chú ý là cuốn : “ Các Nhà văn đoạt giải thưởng Nobel” (Nhà xuất bản Văn học), cùng hàng loạt các tác phẩm lớn của văn học thế giới đã lần lượt ra mắt … Từ khi anh chuyển qua làm tạp chí, tôi ít gặp anh. Tôi nhớ, số đầu tiên của tạp chí do chính Họa sĩ Văn Sáng thiết kế manchette và trình bày, ra mắt đã gây tiếng vang khi giới thiệu Tiểu thuyết “ Sự Bất tử” (1989) của Milan Kundera, Nhà văn Pháp gốc Cộng hòa Czech ( Ngân Xuyên dịch). Một cuốn tiểu thuyết mới được viết bởi một bút pháp độc đáo,” chưa tồn tại bao giờ trước đó” cùng “tư tưởng và quan niệm” sáng tác của nhà văn tên tuổi. Có thể nói, vào thời gian này, ngoài Tạp chí “ Người đưa tin Unesco( bản tiếng Việt của Thông tấn xã phát hành), sự xuất hiện tờ tạp chí Văn học nước ngoài đã nhanh chóng trở thành người bạn đường thân thiết của giới trí thức, các nhà văn có ý thức về nghề nước ta. Ngoài những thông tin kiến thức cập nhật về văn chương thế giới, các chuyên mục sáng tác, lí luận , phê bình của Tạp chí đã là những tài liệu tham khảo vô giá đối với những người cầm bút. Nhớ về Tạp chí Văn học nước ngoài thời kì này, tôi lại liên tưởng tới khoảng thời gian báo Văn nghệ dưới thời Tổng Biên tập, Nhà văn Nguyên Ngọc. Sức hấp dẫn đối với bạn đọc từ 2 tờ báo văn này khó có thể lặp lại! Nhà văn Đoàn Tử Huyến hầu như đã dành hết thời gian, tâm sức cho công việc này. Anh hầu như không còn thời gian cho những việc riêng nữa. Tôi thấy ái ngại, phần lo cho sức khỏe của anh, cho khát vọng đổi mới nội dung, hình thức của tờ tạp chí….và cũng mơ hồ nhận ra rằng, những bước đi ban đầu vẫn phải tính cuộc đua đường dài nữa!? Liệu tư duy đổi mới trong “kiến tạo” nội dung mỗi số tạp chí có luôn được sự ủng hộ của lãnh đạo Hội, của những người có trách nhiệm hiểu và cả sự săm soi , xét nét của đồng nghiệp…? Nghĩ vậy mà tôi cũng chưa tìm được cơ hội nói về những linh cảm của tôi với anh. Và, tôi cũng hiểu, với một cá tính mạnh như anh, thuyết phục được anh là điều không dễ… Và điều gì đến ắt sẽ đến: sau gần 2 năm làm tạp chí, có lẽ những va chạm về chuyên môn, định hướng nội dung giữa anh và lãnh đạo Hội đã xảy ra những “ xung đột”( tên một truyện ngắn của Nhà văn Nguyễn Khải). Cũng lúc Nhà văn Ma Văn Kháng, Tổng Biên tập xin từ nhiệm để chuyên tâm sáng tác, Tạp chí cần tìm người thay. Đã xuất hiện nhân sự có nguyện vọng vào vị trí này. Trớ trêu thay, những người này đều là nhà văn” quốc nội”, hiểu theo đúng nghĩa của từ này: không ngoại ngữ, không tương tác với văn chương nước ngoài! Cái họ màng tới chắc chỉ là cái “ghế”, cái danh!? Và Nhà văn, Dịch giả Đoàn Tử Huyến quyết định chia tay tờ tạp chí dù anh vẫn còn nhiều dự định, nhiều mong muốn…Về chuyện anh rời tờ tạp chí này, cho đến ngày anh rời cõi tạm, tôi cũng chưa một lần hỏi trực tiếp, vì nghĩ cho cùng, hỏi cũng chẳng để làm gì! Trong thâm tâm, tôi thấy mừng cho anh… Và công việc trước mắt sẽ là sự lựa chọn của cả hai: Thành lập Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây , nơi anh thỏa mãn được khát vọng cống hiến của riêng mình cùng những cộng sự giàu năng lượng của anh… Sau khi nghỉ làm việc ở Tạp chí Văn học nước ngoài, anh dành toàn bộ thời gian cho Nhà sách. Vào thời gian này, để đáp ứng được với đòi hỏi của cơ chế thị trường, đội ngũ những người làm sách tư nhân trong Nam, ngoài Bắc đã có những bước phát triển mới về chất, bài bản trong đầu tư làm sách thị trường. Họ thực sự là những người tâm huyết, năng động trong khai thác đề tài, làm kinh tế hiệu quả. Những đầu sách có giá trị, đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc xuất hiện ngày một nhiều, không chỉ hay về nội dung, mà còn đẹp về hình thức! Đã xuất hiện những “ đại gia” tư nhân làm sách có “ số má” trong giới làm sách Thủ đô, những người được tôn vinh “tứ đại gia” thứ tự xếp hạng như sau: nhất Quỳ, nhì Bách, tam Miên, tứ Huyến. Tôi có đọc một bài viết về 4 nhân vật này trên một tờ báo( lâu rồi tôi không nhớ tên tờ báo) nhưng tôi thực sự có chút băn khoăn, bởi người viết chưa chỉ ra sự khác biệt trong quan niệm hành nghề nơi họ, hiểu nôm na là “ động lực” nào đã khiến họ thành công, bài học học được từ họ là gì !? Trong bốn đại gia, người thứ tư, là Đoàn Tử Huyến, người tôi biết, động cơ làm sách, làm văn hóa đọc khác với 3 người kia: anh không đặt nặng mục đích kiếm tiền, chạy theo lợi nhuận có được từ kinh doanh sách, mà vì cái lớn hơn, đáng quý hơn…Để không phải lí giải quanh co, tôi muốn trích 2 câu thơ của Nhà thơ Hữu Thỉnh, trong số những câu thơ hay nhất của nhà thơ này, để bạn đọc có thêm cảm nhận về “ hiện tượng” đại gia sách họ Đoàn vừa kể trên: “ Không có sách, chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ, ghi lấy cuộc đời mình” ( Hữu Thỉnh)… Trong một lần trò chuyện, chúng tôi trao đổi với nhau về những cuốn sách bán chạy… Trong câu chuyện, tôi có nhắc đến tên cuốn sách “ Lược sử thời gian” của Nhà bác học Stephen Hawking, do Nhà vật lí lí thuyết Phạm Văn Thiều và Giáo sư Cao Chi dịch; cả anh và tôi đều biết cuốn này in lần đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhiều người nghĩ, dòng sách này kén bạn đọc. Vậy mà , cuốn sách, không kể hơn mười lần in đầu, gần 10 năm sau, Nhà xuất bản Trẻ đưa vào Tủ sách” Khoa học và Khám phá”, tới đầu năm 2024, và ở đây Lược sử thời gian” đã in tới lần thứ 33! Một kỉ lục về một cuốn sách không dễ có cuốn sách nào chạm tới! Lần đó, tôi đã nói với anh Huyến ,với người làm sách, dù bất cứ sách nào cũng cần nắm bắt được nhu cầu thời đại mình, phải biết người đọc cần gì, muốn gì, thích gì, thiếu gì và thừa gì…Và đó cũng là đích đến của người làm sách!? Anh thanh lí hợp đồng thuê mặt bằng ở Nguyễn Bỉnh Khiêm trước thời hạn, chuyển về thuê lại cửa hàng sách trước trụ sở Nhà xuất bản Văn học, 49 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, gần trung tâm thủ đô. Vị trí này vừa tiện lợi trong giao dịch với cộng tác viên đầu vào (đội ngũ tác giả, các nhà xuất bản liên kết…) cũng là vị trí “đắc địa” cho việc kinh doanh sách bán buôn , bán lẻ… Và việc trước tiên, anh kiện toàn bộ máy nhân sự của Nhà sách, mời về một số biên tập viên có năng lực; cho thôi việc cô trợ lí kế toán ( người mà tôi “ phát hiện” và trao đổi với anh, có những “dấu hiệu “ qua mặt” anh, kiểu đá bóng gôn” tôm”). Sau khi nghỉ làm ở chỗ anh, ngay lập tức cô này đã mở được một cửa hàng sách riêng), bắt tay vào làm những bộ sách “ bom tấn”, tích lũy vốn liếng cho việc ra đời của Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Trong thời gian này, anh bắt tay đầu tư, xây dựng chuỗi nhà sách trong các quận, trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Trong số các nhà sách vệ tinh ,có 2 nhà sách: Nhà sách 32 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Cửa hàng sách 466 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa… hoạt động theo phương thức “nhà sách tự chọn”. Lần đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội có nhà sách mà người mua có thể tự do lựa, chọn sách đã làm nên sự độc đáo của riêng mình.…Chính nhờ các cửa hàng vệ tinh này, việc phát hành sách tự in, trao đổi với các đối tác bạn hàng đã cho kết quả ngoài dự kiến. Số lượng sách phát hành tăng, tiền lãi thu được hàng ngày cũng tăng dần, vừa đáp ứng cho việc thanh toán các chi phí đầu vào, trả lương cho nhân viên, số còn lại đầu tư vào bản thảo mới… Tiếp theo, anh tìm người và tổ chức một nhà sách mang tên “ Sách Hà Nội” tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà sách này vừa là nơi phát hành sách Hà Nội gửi vào, cũng là nơi luân chuyển sách “ trao đổi”, bản thảo kêu gọi liên kết với các công ty, nhà sách trong Nam. Cảm thấy thời cơ ra đời Trung tâm Văn hóa Ngô ngữ Đông Tây đã chín muồi, anh tập trung làm các thủ tục xin cấp phép từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á, trực thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nơi Giáo sư Phạm Đức Dương làm Viện trưởng. Giáo sư là người ủng hộ nhiệt tình dự án. Mặt khác, anh trực tiếp tham khảo các mô hình trong và ngoài nước về cơ cấu, nội dung hoạt động của trung tâm thuộc dạng thức này. Anh dành nhiều thời gian cho việc xây dựng Quy chế hoạt động của Trung tâm, đặc biệt là soạn Điều lệ đối với các thành viên tham gia. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tháng 11/ 1999, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây chính thức làm lễ ra mắt tại địa điểm mới là nửa sàn tầng trệt thuê của công ty nhà đất tại một chung cư trên đường Trần Quý Kiên, quận Cầu Giấy, Hà Nội, với triết lí hoạt động rất rành rõ “ luôn cố gắng gìn giữ văn hóa đọc, đem tri thức đến mọi thế hệ người Việt, để tri thức len lỏi trong từng xóm , làng Việt Nam”. Cùng thời gian này, anh đăng kí mở Công ty Sách Đông Tây và giao cho cậu em – Đoàn Tử Hoan - phụ trách, như thế, việc kinh doanh có lợi nhuận đặt lên vai người em, và xem như công ty sách sẽ là nguồn dinh dưỡng chính, hỗ trợ cho các hoạt động của Trung tâm. Hoan là người năng động trong kinh doanh, làm việc gì cũng chắc chắn. Sau khi học xong lớp quản trị kinh doanh,hệ đào tạo tại chức Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Sách Đông Tây, trực thuộc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Sau ngày anh Huyến đột ngột rời cõi tạm (22/11/2020) vì một cơn tai biến, Hoan thay anh trai gánh vác mọi công việc ở Trung tâm và Công ty sách Đông Tây. Khi Trung tâm tổ chức lại hoạt động, Hoan được giới thiệu vào vị trí Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây… Năm 2023, Hoan về quê xây dựng một thư viện trên phần đất của bố mẹ để lại , đặt tên “ Ngôi nhà trí tuệ”. Rất tiếc là ông cụ thân sinh và người anh trai đã ra đi mãi mãi. Dầu sao, anh cũng thấy mãn nguyện khi thực hiện được ước mơ của anh mình lúc sinh thời… Thành viên sáng lập và tham gia Trung tâm là các trí thức tâm huyết với văn hóa. Họ là những người đi đầu, đau đáu với sự tiến bộ, vì văn minh, họ thiết tha, biết nắm bắt cái mới tiềm ẩn giá trị khai mở, khai minh…Từ thực tiễn hoạt động, đóng góp bền bỉ của Trung tâm, ta nhận thấy được ở đây “nỗi niềm của những trí thức chân chính, dám hi sinh, dám chịu hệ lụy trước mắt vì họ cảm thấy được cái tốt, cái hay sẽ đến, vì họ có mơ ước lớn, có dự cảm về sự tươi sáng dài lâu…” ( Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài). Anh Huyến và cộng sự tập trung khai thác, đầu tư làm các bộ sách về các chí sĩ , các nhà văn hóa lớn của đất nước. Sản phẩm đầu tiên của Trung tâm ngay khi ra mắt đã để lại một dấu ấn đặc biệt trong lòng bạn đọc: Phan Bội Châu toàn tập( 10 tập) do Giáo sư Chương Thâu khảo cứu, biên soạn, Giáo sư Trần Văn Giàu viết Lời Giới thiệu.( Một bộ sách mà theo lời Giáo sư họ Chương, đã từng gửi đến nhiều nhà xuất bản mà không nơi nào dám in ?!).Tiếp theo, các bộ sách có giá trị của các học giả tên tuổi lần lượt ra đời, được bạn đọc nhiều thế hệ tìm đọc: Nguyễn Công Trứ, Phan Chu Trinh, Đoàn Tử Quang, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Nguyễn Lương Ngọc, Trương Tửu, Phan Ngọc…cùng các tác gia lớn của các nền văn học thế giới liên tiếp được dịch và xuất bản như: R. Tagore tuyển tập tác phẩm( 2 tập), Tuyển tập thơ A. Puskin, F. Kafka - Tuyển tập tác phẩm , Lỗ Tấn tuyển tập, Thơ chọn lọc W.Szymborska ( Ba Lan), 108 Nhà văn Thế kỉ XX - XXI…Ngoài ra, không thể không nhắc tới: tác phẩm “ Mỹ học Hegel “ cùng các tác phẩm Triết học, Mĩ học, Văn học của các triết gia thế giới, các nhà văn đoạt giải Nobel lần lượt được dịch và xuất bản riêng, chung. Từ những xeri sách mà Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây cùng các đơn vị kiến thức do các nhà làm sách tư nhân khai thác, tổ chức và xuất bản những năm qua, đã đến lúc người ta nghĩ về nguồn ngân sách, thuộc diện “ Nhà nước đặt hàng” hàng năm cho các xuất bản phẩm của các nhà xuất bản, cần có tư duy tiếp cận mới: Nên đưa danh mục sách, đề tài “đặt hàng” ra đấu thầu chung cho các nhà xuất bản, các công ty sách, các nhà làm sách độc lập?! Và điều quan trọng, đã đến lúc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tổ chức lại, thành lập Hội đồng ( các cấp) tuyển chọn sách sử dụng nguồn ngân sách bổ sung sách mới cho hệ thống thư viện từ trung ương đến các địa phương. Như thế, vừa tiết kiệm được nguồn ngân sách nhà nước đầu tư đối với sách nhà nước “ đặt hàng” và bổ sung được sách có chất lượng , cấp phát cho hệ thống thư viện, (ở đây bạn cũng cần biết, sách chất lượng thường có tỉ lệ chiết khấu % phát hành phí thấp, nên khó qua “ cửa” nhập sách vào thư viện và ngược lại…), để câu nói hay “ Sách hay, đến tay bạn đọc” vẫn nghe thấy trên đầu lưỡi từ các Tư lệnh ngành nhiều đời sớm thành hiện thực, từng bước khắc phục được sự thờ ơ của bạn đọc như thường thấy đối với hai dòng sách này kéo dài nhiều năm! Viết tới đây, tôi bỗng nhớ tới lời ta thán của một đồng chí lãnh đạo cao cấp: ở ta, cán bộ ăn không chừa một thứ gì… Ở đây, trong việc duyệt nhập sách kém chất lượng vào thư viện, có thể coi không ít cán bộ trong số đó là kẻ “ ăn sách” vậy ! Nhiều lúc, tôi thấy anh có những ưu tư, tôi hiểu, một người làm sách có tâm, có tầm như anh, sao thấy sách chất lượng tìm đến bạn đọc lại lắm gian nan, nhiều thử thách đến như vậy! Thực trạng này có thể khắc phục được khi chỉ ra được nguyên nhân: Các thư viện nhà nước vắng dần bạn đọc chắc có nguyên nhân chính là chất lượng các đầu sách nhập vào!? Với mong muốn phục vụ tốt nhất cho bạn đọc, Trung tâm đã tổ chức thư viện đọc miễn phí . Anh chỉ đạo, sách trưng bày, giới thiệu bạn đọc ở đây phải ưu tiên đảm bảo sách chất lượng. Mô hình Thư viện - Café sách Đông Tây được xem là mô hình đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội. Các độc giả đến với Trung tâm, có thể ngồi uống café, đọc sách, lướt web, truy cập internet tìm kiếm thông tin mình cần…Thư viện Đông Tây vừa phục vụ khách đọc sách tại chỗ, mượn về nhà, có thể đăng kí mua sách, mượn sách online, đáp ứng theo sự phát triển của khoa học công nghệ… Khách đến với Thư viện - Café sách Đông Tây nhiều nhất là các bạn trẻ, sinh viên các trường gần Trung tâm. Có thể nói, Thư viện - café sách Đông Tây đã là địa chỉ văn hóa đáng tin cậy của nhiều thế hệ bạn đọc ham đọc sách suốt những năm qua, giúp họ có điều kiện tốt trên con đường chiếm lĩnh tri thức, để lại nhiều kỉ niệm khó quên với họ… Một hoạt động thường xuyên, được xem như “đặc sản” của Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây không thể không kể ra, là các buổi Ra mắt sách của các tác giả. Đây cũng là nét văn hóa đẹp, độc đáo của Trung tâm. Trước mỗi lần chuẩn bị cho những buổi Ra mắt sách, tôi thấy anh bỏ ra nhiều công sức nhất, tôi ngầm hiểu, chi phí cho các buổi ra mắt sách theo quy chế đã được “ hiến định”: phía Trung tâm tự lo… Xây dựng nội dung, tìm người giới thiệu, gửi Giấy mời khách tham gia, chuẩn bị hậu cần cho buổi gặp mặt… Tôi thấy anh thường chuẩn bị khá chi tiết, cụ thể. Vì anh coi những lần như thế này là một dịp để tôn vinh những đóng góp của nhân vật được giới thiệu, làm sao cho “ xứng đáng”. Tôi nhớ, một lần ghé chơi với anh, đúng lúc gặp người nhà của một tác giả sẽ giới thiệu trong buổi Ra mắt sách sắp tổ chức, khi người đại diện gia đình có nhã ý “ đóng góp” tài chính, anh Huyến đã tìm mọi cách “ khước từ” thiện chí chân thành của họ. Chứng kiến chủ nhà lúng túng ,có chút ngượng ngùng, tôi thấy có gì đấy “ đáng thương” nơi anh: một người hoạt bát, tinh tế, quyết đoán thường ngày biến đâu mất…Thấy vậy, tôi chen ngang, giải thích rõ để người khách hiểu và vui vẻ chấp nhận thiện chí của chủ nhà. Sau cùng, tôi thay mặt chủ nhà, nhận một gói chè đặc sản Thái Nguyên từ phía đại diện gia đình để đãi khách ngày tổ chức sự kiện. Cả hai bên đều cảm thấy thoải mái. Anh Huyến im lặng, cười bẽn lẽn! Cả một thời gian dài quen biết, tôi ít thấy anh nói chuyện về người và việc của nhà xuất bản. Tôi tìm hiểu, sau khi xin nghỉ làm trưởng ban sách dịch, anh về làm “ thường dân”. Vì một bên chân anh yếu sau thời gian điều trị dài ngày trong bệnh viện, khi anh dịch xong “ Nghệ nhân và Margarita” (đã dẫn ở phần trên bài viết), nên nhà xuất bản tạo điều kiện, anh ở chế độ làm việc tự do, hàng ngày không cần đến cơ quan. Đến khi tôi được tổ chức giao làm Giám đốc Nhà xuất Lao Động, đồng nghĩa việc tôi đã trở thành “sếp “ trực tiếp của anh. Ngay sau ngày nhận quyết định bổ nhiệm, tôi xuống Trung tâm gặp anh. Giữa chúng tôi xem ra không có điều gì khó nói. Anh chân thành chúc mừng tôi nhưng nhìn trong mắt anh thấy có sự chia sẻ. Anh nói: Nhận trọng trách lúc này sẽ vất vả đấy! Tôi hiểu ý anh. Một phần cũng vì tôi không phải người “ gốc” nhà xuất bản ( tôi từ quân đội chuyển ngành), lại vào làm việc trong Chi nhánh phía Nam ngay từ ngày ra quân. Như vậy, anh hiểu, bước đầu, tôi sẽ gặp những khó khăn nhất định, chưa kể “sức khỏe” cơ quan có vấn đề. Lớp cán bộ biên tập có nghề đã lần lượt về hưu, số còn lại đa phần là trẻ… Tôi với anh là hàng người cao tuổi của cơ quan. Thấy anh như có điều gì muốn nói thêm, tôi cười , nói: Lẽ ra việc này phải là của anh đấy! Thấy anh cười trong im lặng. Cuối cùng, anh nói nhỏ, đủ cho hai người nghe: việc cơ quan, anh làm lúc này là thích hợp, anh có chuyên môn, lại có kĩ năng “ mềm” trong đối nhân , xử thế, không như tôi là người trực tính, nhiều phần cứng nhắc sẽ khó làm! Theo tôi, anh nên dành thời gian coi hồ sơ cán bộ, nhân viên cơ quan rồi sẽ thu xếp được mọi việc! Điều anh nói, tôi ngầm hiểu ý anh là công tác tổ chức nhân sự phải là ưu tiên trước mắt! Trong thời gian còn lại trước khi anh về nghỉ chế độ, có những việc “ nhạy cảm” cần xử lí, tôi luôn tham vấn anh trước. Tôi nhớ một lần, anh nói muốn xin nghỉ hưu sớm để toàn tâm cho việc của Trung tâm, (tôi nghĩ, ở đây có cả sự “ tế nhị” – muốn để cho tôi bớt khó xử vì anh thuộc trường hợp “ đặc biệt”, - không đến cơ quan làm việc từ thời các lãnh đạo tiền nhiệm?). Tôi thuyết phục anh, việc như vậy là không cần thiết, xin nghỉ lúc này, anh sẽ nhận được một khoản tiền “một cục”- (như cách nói dân dã bấy giờ) nhưng sẽ không được hưởng lương hưu. Sau cùng, anh cũng nghe theo tư vấn của tôi. Chơi với anh, tôi có nghe nhiều “ giai thọai” kì thú về thú chơi ( sở thích riêng) của anh: một người uống rượu kĩ tính, nhiều em trẻ say nắng, thích đi hát karaoke có “ tay vịn”…Nhưng đấy cũng chỉ là bạn bè dệt, thêu về anh những lúc ngồi nhậu, “ tám” chuyện. Anh không thuộc người thích rượu, nếu có uống cũng chọn rượu để uống. Có điều đặc biệt, những khi nhậu, anh ăn rất ít. Nhiều lúc tôi nghĩ, người ăn ít như anh mà sao dai sức như vậy, nghĩ vậy nhưng cũng chẳng hỏi làm gì, âu cũng là cái tạng của mỗi người sinh ra trên đời này vậy. Thú chơi thứ hai, anh ham mê , đó là chơi cờ tướng… Mỗi khi tiếp cộng tác viên xong, thấy khách không vội, anh thường mời chơi cờ. Tôi có hỏi ông bạn gần nhà anh, dân chuyên Toán, dạy Đại học Bách khoa Hà Nội, một người chơi cờ giỏi, muốn biết “trình” chơi cờ của anh, ông này nói, anh Huyến cũng chỉ là người biết chơi cờ, không xuất sắc. Có điều , người ta thích chơi cờ với nhà văn này, vì mỗi ván cờ, anh thường có những nước cờ hay,có tính “ đột biến” như cầu thủ hàng công của môn túc cầu “ quần đùi, áo số” vậy! Sở thích chụp ảnh, cũng được xem là thú chơi anh yêu thích, theo đuổi đến khi anh rời cõi tạm trong một chuyến đi xa nhà mãi mãi… Nói theo ngôn ngữ của làng túc cầu, những sở thích kể trên của nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến chỉ là thú chơi ngoài “ đường biên”, còn trong sân cỏ, thú chơi chính, có thể là của cả cuộc đời anh là thú chơi…sách! Trong những bạn làm sách của tôi, có hai người gần và thân thiết nhất, đó là anh và họa sĩ Văn Sáng. Văn Sáng được coi là chú em út. Chơi với hai ông anh, với 2 cá tính khác biệt, xem ra Sáng quý và nể hai ông anh, nhưng nể thì nhiều hơn, điều này chúng tôi cảm nhận được. Tôi là người gây phiền nhiều nhất cho chàng họa sĩ tài hoa, bởi thường đeo bám, cả những cuộc đi câu cá, nhưng chủ yếu là đặt và đôn đốc việc thiết kế bìa sách. Bởi thể, bìa những cuốn sách anh Huyến làm, anh thường gửi Danh mục cho tôi chuyển “ đặt hàng” họa sĩ, một công, đôi việc, vì anh đâu có thời gian cho việc này? Chuyện này, cả ba chúng tôi tự cảm nhận, nhưng không ai nói ra! Điều sau này như được kiểm chứng, khi anh Huyến về cõi Phật sớm…Chẳng là vào năm 2023, sau gần chục năm đi xa , khi tôi từ nước ngoài về định cư ở một thành phố khác, cũng được tin anh Huyến đã mất trước đó ba năm, tôi tình cờ đọc trên fb của anh bạn ở Quảng Ninh, biết tin, họa sĩ vừa in xong tập sách có tên” Mùa Xuân Tấn Mài”. Người cựu chiến binh - họa sĩ Văn Sáng giờ đã là người của U60, bỏ tiền riêng, tự thiết kế và in cuốn sách. Toàn bộ số sách này, họa sĩ mang về tặng bà con vùng biên ải, ra Nghĩa trang thị trấn thắp nhang, hóa vàng số sách còn lại, gửi tặng đồng đội ở lại vùng biên giới Đông Bắc… nơi thời trẻ anh và những người bạn cùng phố đã tham chiến trong Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ( 1979 – 1989). Khi tôi kết nối được với họa sĩ, anh nói, giọng nghèn nghẹn: sách em không tặng ai khác, chỉ giữ lại 2 cuốn dành tặng anh Huyến và anh. Vậy mà khi sách em in xong , chưa kịp tặng anh ấy đã đi xa rồi… Nghe họa sĩ nói xong, tôi bỗng lầm bầm cầu nguyện muốn nói với người đồng nghiệp đáng kính ở nơi “miền cực lạc linh thiêng”( tên một cuốn sách sinh thời anh Huyến làm), rằng: giá anh còn sống, anh sẽ thấy tự hào về Họa sĩ, cựu chiến binh Văn Sáng, chú em út của chúng ta, lại có thêm tài viết văn nữa, có thể gọi là “ một nhà văn mạng thời công nghệ 4.0” bởi óc quan sát tinh tế, bởi thông điệp giữa những con chữ trong tập sách mỏng, đã nói lên rất nhiều điều về suy tư, khát vọng sống, về sự trân quý những khoảnh khắc giữa sống và chết của những người lính trẻ cùng phố ra trận của họa sĩ những ngày căng thẳng trên chốt dưới những trận pháo kích của kẻ thù Phương Bắc… Cuốn sách của họa sĩ Văn Sáng sau đó tôi nhận được qua con đường Chuyển phát nhanh( CPN) và luôn giữ bên người. Nhiều bạn bè trong giới văn chương, suốt một thời thời gian dài, khi thấy anh Huyến ít dành thời gian dành cho công việc dịch sách, nên hiểu thế nào, chưa cắt nghĩa được!? Là một dịch giả tên tuổi, nhưng tôi thấy anh ít nói, bàn về công việc này. Càng thấy anh không ồn ào, khoa trương diễn ngôn về nghề. Thực tế, tôi không thấy anh hoa mĩ về công việc này, nhưng khi dịch sách, anh cực kì nghiêm túc và kĩ lưỡng. Với lao động dịch thuật, chỉ cần kể ra 7 cuốn sách anh để lại cho đời như: Tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” ( Mikhail Bulgacov), Tập tản văn “ Giọt rừng” ( Mikhail Prisvin), Tiểu thuyết “ Trái tim chó” ( Mikhail Bulgacov), Truyện dài “ Đêm sau lễ ra trường” (Vladimir Tendricov), Tiểu thuyết “ Đấng cứu thế” ( Miguel Otero Silva), Tập truyện “ Những ô cửa màu xanh (Nhiều tác giả), Tập truyện ngắn “ Khóm hoa tử đinh hương ( Nhiều tác gia), cũng đáng để người đời yêu quý và ngưỡng mộ! Tôi nhớ, một lần, khi tôi còn làm biên tập ở Nhà xuất bản Quân đội, có nhận được từ người bạn cuốn tạp chí tiếng Nga có in cuốn tiểu thuyết “ Trước 100 ngày ra quân” của Yuri Poliacov, một nhà văn quân đội Liên Xô (năm 1987), cuốn sách đang gây “ sốt” bên nước bạn. Tôi đặt vấn đề đặt anh dịch cuốn này. Anh nhận lời mang cuốn tạp chí về đọc. Chừng mươi ngày sau, anh đến gặp và gửi lại tờ tạp chí có in tác phẩm trên, anh nói với tôi: Đây là một cuốn sách thú vị, nếu dịch sẽ tạo được hiệu ứng tốt. Rất tiếc, đề tài cuốn tiểu thuyết viết về đời sống sinh hoạt và huấn luyện của bộ đội Xô viết, tôi chưa từng làm lính, chưa rành về điều lệnh, thuật ngữ quân sự, đặc biệt là những tiếng lóng, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được… nên nếu cố dịch, sẽ không lột tả được những nét tính cách của nhân vật…Anh dừng lời, nhìn tôi và nói: anh là lính cựu, có kiến thức về quân sự, lại từng sống lâu ở Nga…nên dịch cuốn này. Suy nghĩ một lát, tôi nói, sẽ theo lời khuyên của anh, nhưng anh sẽ giúp tôi hiệu đính bản dịch. Anh cười và siết chặt tay tôi, như một sự khích lệ! (Tiểu thuyết này sau đấy tôi đứng tên người dịch, in ở Nhà xuất bản Văn học. H. 2002). Với tôi, gần anh, tôi có cách hiểu riêng. Điều này, tôi cũng có chung cách hiểu như một đồng nghiệp, nhà văn, người làm sách Đà Linh – Nguyễn Đức Hùng, khi về đầu quân ở Nhà xuất bản Lao Động. Nguyễn Đức Hùng đã tạm gác công việc viết sách, dành thời gian chăm sóc bản thảo của các bạn văn, các tác giả, như anh hằng tâm niệm: “ Biên tập một cuốn sách hay, có giá trị của bất kì ai và lo cho nó được chào đời, thì hạnh phúc cũng lớn không thua gì cuốn sách đó là của chính mình!”. Với anh Huyến, cũng như mỗi chúng ta, niềm đam mê nào cũng có giá của nó, và theo thời gian, chúng ta cũng biết gác lại cái đam mê ít để dành cho cái mang nhiều ý nghĩa hơn. Công việc của một người “cầm trịch” Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, vừa tạo cảm hứng mà cũng lấy đi nhiều niềm ham mê khác nơi anh. Nhân có lần ngồi uống bia với anh, lan man nhiều chuyện, chúng tôi quay qua bàn về lao động dịch sách và đội ngũ các dịch giả trong nước. Tôi nói, những dịch giả nước ta, luôn có sự tiếp nối đáng tự hào, kể như, thế hệ tiền bối có Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Tửu, Trương Chính, Nhóm dịch Lê Quý Đôn ( gồm các Giáo sư( GS) Đại học Sư phạm Hà Nội: GS Lê Trí Viễn, GS Lê Thước, GS Huỳnh Lý, GS Đỗ Đức Hiểu, Nhà thơ Vũ Đình Liên, Nhà văn Hoàng Ngọc Phách), các dịch giả đương thời: GS Phan Ngọc, GS Cao Xuân Hạo, GS Phùng Văn Tửu, Nguyễn Thụy Ứng, Phạm Mạnh Hùng, Hoàng Thiếu Sơn, Vũ Thư Hiên, Phan Hồng Giang, Thúy Toàn, Vũ Thế Khôi, Nguyễn Đức Thuần, Nguyễn Trung Đức, Đoàn Tử Huyến, Nguyễn Văn Dân, Trần Đình Hiến, Ngân Xuyên, Cao Việt Dũng, Nguyễn Quang Chiến, Lê Bá Thự….(dịch văn học); Bùi Văn Nam Sơn ( triết học), và Phạm Văn Thiều (sách khoa học và khám phá)…nhưng các dịch giả thế hệ kế cận chưa thấy xuất hiện gương mặt nào để lại dấu ấn?! Nghe tôi kể tên các dịch giả, anh Huyến im lặng chốc lát, chậm rãi : Theo anh, người dịch sách quan tâm điều gì trước nhất? Tôi có chút bất ngờ trước câu hỏi của anh, nhưng liên tưởng về những cuốn sách nổi tiếng gắn với tên các dịch giả …, tôi đáp: Có lẽ, việc trước tiên là tìm được sách hay! Anh Huyến xem ra cũng bất ngờ về câu trả lời của tôi, anh không nói , chỉ gật đầu, mỉm cười và cầm li bia vừa rót đầy đưa về tôi, như chúc mừng câu trả lời mà anh cho là tâm đắc! Với người làm sách tâm huyết với nghề, người ta vui vì sản phẩm của mình làm ra được bạn đọc đón nhận, nhưng bằng trực cảm nhạy bén, Nhà văn, Dịch giả Đoàn Tử Huyến cũng đã sớm nhận ra rằng: văn hóa đọc hôm nay bắt đầu bị thu hẹp bởi các phương tiện truyền thông đa phương tiện, chưa nói là bị đẩy lùi xuống thang bậc khác. Hiện tượng này đòi hỏi người làm sách phải có cách tiếp cận mới. Trước mắt, phải ươm trồng một thế hệ yêu và thích đọc sách ngay từ trong trường học phổ thông các cấp, sinh viên trong các trường đại học. Khi biết tin nhà giáo dục trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh sáng lập Câu Lạc bộ “ Đọc sách cùng con”, anh đã chủ động liên hệ và cùng chung tay trong các hoạt động của Câu Lạc bộ. Được sự hỗ trợ và tư vấn chuyên môn của người anh, người thầy có nhiều kinh nhiệm làm sách, cô giáo trẻ Nguyễn Thụy Anh như có thêm động lực để thiết kế các chương trình, nội dung hoạt động của Câu lạc bộ mỗi ngày thêm sinh động, mang đến những cảm hứng bất tận , giúp trẻ hào hứng đọc sách, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, giàu tính nhân văn từ những trang sách… Đã có nhiều mô hình đọc sách, xây dựng tủ sách được nhân rộng từ thành công của Câu lạc bộ” Đọc sách cùng con”. Người sáng lập và đồng hành cùng các con từ Câu Lạc bộ này, giờ đã trở thành ủy viên Hội đồng khoa học Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây sau ngày Người anh, người thầy Đoàn Tử Huyến đột ngột ra đi. Sẽ có sự thắc mắc nơi bạn đọc khi muốn tìm hiểu về Nhà văn, dịch giả, người “ chơi sách” Đoàn Tử Huyến, nếu chưa biết về người phụ nữ đứng sau một Leo Messi( cầu thủ siêu sao khoác áo số 10 của làng túc cầu, đội trưởng Đội tuyển bóng đá Achentina) của Làng sách Việt ( đây là biệt danh tôi đặt khi anh còn sống). Khi biết tôi có ý định viết chân dung người đồng nghiệp mà nhiều người yêu quí và ngưỡng mộ, một người đàn anh, một dịch giả có tiếng, nhắn tin: mình nghĩ cuộc đời riêng tư của chàng “chơi sách” lãng tử này hẳn là thú vị lắm? Vâng, rõ ra là rất thú vị, hiểu theo cách nào cũng vậy. Ở trên đầu bài viết, nếu bạn đọc tinh ý, người viết bài này đã” gài” chi tiết (không chủ ý): cậu em bỏ nhà đi vì…” cự” lại chị dâu! Tôi có lẽ là người gần anh, và cũng là người thân thiết với gia đình anh, tôi may mắn về “số giờ” (trong không quân, số giờ là lính bay liên tưởng tới giờ bay trên trời) được tiếp xúc, tâm sự với chị An (bà xã anh Huyến) nhiều nhất. Chị là người phụ nữ gốc Huế, dịu dàng cả trong lời nói, ánh mắt với khách, bạn chồng. Tôi để ý thấy chị ít khi biểu lộ thái độ khó chịu với người ngoài, dù chị không có thiện cảm. Một lần, nhân lúc vui, tôi hỏi chị, chị có bị áp lực nhiều khi sống với một người nổi tiếng như anh? Chị cười, chị không thấy áp lực vì đã chịu được cá tính khác thường nơi anh. Xưa, khi mới hẹn hò, cái tính khác thường bấy giờ mới ở dạng cá tính mạnh nên chị có phần rung động. Khi về sống với nhau, cá tính nơi anh, mỗi ngày thêm” dị”, nên phải biết “sống chung với lũ” để giữ yên nếp nhà. Người đời nói: nhân vô thập toàn, sống với nhau cũng cần biết chịu đựng nhau nữa! Công bằng mà nói, đến với anh, nên duyên vợ chồng, chị là là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Một đức lang quân với niềm đam mê” chơi sách” chẳng giống ai như thế, thời gian ở nhà ít ỏi, mọi điều nơi anh luôn là sự bất thường, khó đoán trước! Việc chăm sóc chồng, với chị là bài toán không dễ giải! Nghe chị nói, tôi thấy vô cùng cảm phục. Vậy trong hai người, ai”vĩ đại “ hơn? Nếu bỏ phiếu kín, tôi sẽ bỏ phiếu chọn nhân vật nữ trong thiên diễm tình của cặp vợ chồng quốc dân này! Cũng lần đó, tôi hỏi thật lòng, chị có ngại “ mất anh”? Chị cười, ở đời , người có tài như anh, không có phụ nữ thích, là chuyện khó tin, nhưng là người mà chị đã chọn, chị tin anh, chẳng em gái “ mưa” nào kham nổi đâu! Anh đâu có thời gian , ngay cả cho riêng mình?! Lại nhớ những lần ngồi nói chuyện phiếm, anh luôn tự hào là người sống có trách nhiệm (chuyện tình cảm vợ chồng), vì vẫn trả bài đủ, chất lượng nữa! Những lúc ấy, tôi thấy anh cười, nét cười hồn nhiên chỉ thấy ở người đàn ông của “bổn phận”… Tôi còn nhớ, lần biết anh cho thôi việc cô kế toán nhà sách, chị An( vợ anh) đã ra trông coi , quản lí nhà sách giúp anh. Nhưng tôi là người hiểu anh, việc chị xuất hiện ở nhà sách, hẳn nhiên là điều anh không muốn. Nhưng có cách nào khác, anh đâu nghĩ ra ngay được! Đọc được tâm trạng này của anh, tôi mạnh dạn “ hiến kế”: anh, chị đều bận rộn công việc của nhà sách; việc nhà, hàng ngày, không thể không có người lo các cháu ăn uống, học hành… ? Theo tôi, anh nên “ đầu tư” cho chị ấy một khoản vốn, để chị mua diện tích “ mặt nước” góc hồ, liền kề phần đất nhà anh vừa cất, thuê thợ san lấp mặt bằng, xây dựng chuỗi nhà cấp 4 cho sinh viên thuê. Một công, đôi việc. Xem ra, lời tư vấn của tôi hợp lí. Và anh quyết định cho “ thôi việc “ nội tướng của mình , nhanh chỉ trong một nốt nhạc. Chị An, là cán bộ nghiên cứu tại một học viện lớn, chắc cũng có những dự tính riêng trong việc chung cũng như việc nhà, xem ra cũng cảm thấy lời “ tư vấn” của tôi là hợp lí. Chị vui vẻ tôn trọng “ quyết định” miễn nhiệm của chồng. Dự án nhà cho sinh viên thuê, dưới bàn tay của chị mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội đã tồn tại và tiếp tục phát huy hiệu quả cho tời bây giờ! Sau “sự kiện” ấy, mỗi lần gặp, khi tôi nhắc đến bà xã, tôi thấy anh Huyến cười, có ý lảng tránh ánh mắt tò mò của tôi. Tôi biết …tỏng! Hai cháu của anh, chị (1 trai, 1 gái) đều đã trưởng thành. Cháu trai, sau khi học xong đại học, về phụ trách Thư viện – café sách Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, cùng với vợ cháu. Cháu gái đi du học, ở lại định cư ở nước sở tại… Năm 2015, khi đang ở xa, tôi có nhận được Thư mời đến dự Lễ khai trương Thư viện gia đình, anh Huyến gửi qua email. Tôi có chút ngạc nhiên, vì nghĩ, anh đã có một rừng sách ở Thư viện sách Đông Tây, vậy còn lập thêm Thư viện gia đình làm gì? Nhưng tôi nghĩ, cách “ chơi sách” của anh mấy ai mà sánh được! Anh là người nghĩ và làm gì cũng “ khác “ người!? Điều tôi nghĩ khi nhận được Giấy mời kể trên cũng giống như cảm nhận của người bạn thời trẻ trâu của anh, Tiến sĩ Trần Thất, làm ở Bộ Tư pháp, người cùng học thời phổ thông với anh trong bài viết chia sẻ sự kiện này trên VietNamNet (18/4/2023), nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam: “ Nghĩ cho cùng, cuộc đời Huyến từ bé đến giờ có thể gói gọn trong một từ là : “ SÁCH”. Huyến đọc sách, dịch sách, làm sách, chơi sách, kết bạn sách, kiếm tiền bằng sách, đến cả uống rượu cũng với sách…Nói dại mồm, Huyến còn sống sờ sờ ra đó nên mới phải dài dòng một chút chứ nếu không chỉ cần một câu gói lại cho vuông là “Huyến sống trong sách, chết vùi trong sách”. Sách như một định mệnh của cuộc đời Huyến”. … Trong cuộc đời làm sách, tôi luôn nghĩ mình được trời ban, vì đã cho tôi gặp 3 người thầy, những người luôn mãnh liệt truyền cảm hứng cho tôi. Người đầu tiên, tôi luôn coi là cha” đỡ đầu”- đưa tôi vào nghề - “ người rước chữ” - là Đại tá, Nhà văn Đỗ Gia Hựu. Người thứ hai, Nhà vật lí lí thuyết, Dịch giả Phạm Văn Thiều, người đặt nền móng cho dòng sách “ Khoa học và khám phá” và người thứ ba, Nhà văn, Dịch giả Đoàn Tử Huyến, một người “ chơi sách”. Họ là những trí thức dấn thân, tận hiến cho công việc mình yêu thích, luôn tìm kiếm những tác phẩm đích thực mang đến cho bạn đọc những giá trị khai minh, khai sáng. Tôi muốn bằng những cảm xúc của mình, lần trở về miền kí ức chưa xa, thử phác thảo chân dung họ, như một sự tri ân về những đóng góp mang nhiều ý nghĩa từ chính các nhân vật của tôi. Hy vọng, bạn đọc cũng có chung cảm nhận như tôi… Nha Trang, ngày 22 tháng 7 năm 2024