Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÍNH GIÀ MAU NHỚ HAY QUÊN

Tô Hoàng
Thứ sáu ngày 19 tháng 7 năm 2024 8:45 AM


1- TỤT QUẦN

1- Văn công cho ăn no để múa hát

Đặc công cho ăn no để chết!

2- Đồng bào dân tộc Tây nguyên nói:

- Bộ đội đông người, chết thằng này còn có thằng khác bổ xung,

đồng bào mình vắng người mà, chết đứa nào là hết đứa ấy!

3-Lính than:

- Hành quân qua làng. Được tranh thủ ghé về nhà 30 phút . Vận đen đúng vào ngày CON RỆP của vợ ĂN TRẦU!

- Lính tráng gì mà nhát gan thế? Con rệp ăn trầu thì mình cũng ăn trầu. Sắp vào nơi " ôi xương tan máu rơi.." mà còn khiếp hãi những thứ vặt vãnh vậy sao?

4- Rừng về khuya trở lạnh. Đêm tĩnh mịch có thể nghe rõ những giọt sương rơi trên lá. Vài ngàn chú lính như bỗng ngồi xích lại bên nhau. Càng tĩnh mịch, thoáng buồn hơn vì đêm biểu diễn đã đi vào những tiết mục cuối .. Sắp phải chia tay với các em gái xinh đẹp rồi. Tối mai bọn anh bước vào trận đánh lên tuyến phòng thủ vỏ cứng. Sẽ quyết liệt, thắng bại đây. Biết bao giờ được gặp lại các em ? Tiết mục giã biệt vẫn là bài ca quen thuộc của nhạc sỹ Xuân Hồng. Các em gái văn công xiết hai bài tay nhỏ vào nhau, mắt long lanh ngân ngấn lệ, những bờ môi xinh xắn mím chặt:

..Em chẳng có chi làm quà

có chi hơn là hát một bài ca

Không có tiếng vỗ tay. Không có tiếng cười đùa, hét lác tếu táo. Hàng ngàn giọng lính trầm đục, run rẩy hát theo:

..Em chẳng có chi làm quà

có chi hơn là....EM TỤT QUẦN RA

Hôm sau, lệnh từ Cục Chính trị Mặt trận ban ra: Kiểm điểm nghiêm túc !

Mọi người đều hát. Quan lính đều hát ! Biết kiểm điểm ai ? Huề !

2- HỌP CHỢ

Không còn nhớ nữa, “cái chợ” này thường nhóm họp ở phía Bắc hay phía Nam sông Bạc (Lào). Nhưng nhớ rõ rằng “chợ ” nằm trên đường Trường Sơn, chỗ ngã ba, ngã tư, đi thẳng thì vào mặt trận B2 (Nam Bộ), rẽ ngang thì xuống mặt trận B5 ( Quảng Đà), đi lui xuống và cũng rẽ ngang thì vào mặt trận B3 (Tây Nguyên). Dĩ nhiên là “chợ” khá tấp nập, đông vui, hội tụ nhiều “ khách hàng”: thương bệnh binh, dũng sỹ, anh hùng từ các chiến trường B2,B3,B5 ra miền Bắc chữa bệnh hoặc dự các hội hè, các lớp tập huấn. “ Khách” đông nhất là lính tuồn tuồn đi vào, bổ xung cho các mặt trận. Người có hàng bán gồm cả lính đi vào, lính đi ra. Nhưng mặt hàng lèo tèo, nghèo nàn lắm, vì cùng trong “đội quân cách mạng”. Cũng xẩy ra lắm chuyện đổi chác khá vui. Nhưng thôi, để dịp khác kể.

Xin kể chuyện giữa hai đối tác này: Lính vào, ra qua đường Trường Sơn và các “ông chủ hàng” người Lào..

Đi ra, đi vào trên đường Trường Sơn khi đến ngã ba, ngã tư “ họp chợ” này đều đã ngán đến tận cổ thứ cơm vắt với chút thịt hộp Tàu trạm giao liên phát cho. Đã quá thèm rau xanh, chút chất tươi thịt, cá. Đã nhớ đến cồn cào bát canh riêu, đĩa rau muống sào tỏi,niêu cá kho giềng mẹ nấu . Và nguồn cung cấp hàng tươi sống ấy chủ yếu vẫn là đồng bào Lào Thưng ( Lào dân tộc ít người), sống lẩn quất trong các hang động, vì bản làng đã bị bom, rocket Mỹ thiêu trụi. Tới “chợ” các bạn Lào ôm theo mớ rau cải, bó mía, nắm ớt, nắm chanh, con gà, con vịt..dấu trong bụi ven rừng, bán dần cho những đám lính đi ra, đi vào.

Không quy định giá cả, nhưng cả người bán lẫn người mua đều chấp nhành một điều: ĐỔI VẬT LẤY VẬT. Không cần để tâm tới giá trị tiền bạc, tốt xấu của hàng đổi chác. Giá trị được xác định bởi MÌNH CÓ ƯNG HAY KHÔNG?

Anh bạn Lào ôm một buồng chuối chín tới vàng nượm, quả nào quả nấy mũm mĩm như những chú lợn con. Lính lục ba lô lấy ra bồ kết nấu nước gội đầu. Lắc, thứ này mình kiếm được trong rừng dễ thôi! Lược bí, bắt hết con chấy to, chấy nhỏ? Lắc! Lính đặt giữa lòng tay thỏi pin “ Con ó”, chai dầu gió Sài gòn. Lắc! Lính moi dưới đáy ba lô lên tấm áo len mẹ mới đan cho. Cầm lên tay, có vẻ ưng ưng. Bụng lính đã tưng tửng mừng. Người có hàng bỗng giơ cái áo lên cao, soi soi và kêu toáng: Áo nhiều lỗ thủng quá, nhìn thấu trời, mình không ưng đâu!

Lần ấy tới “ chợ” là một tốp các em y sỹ, hộ lý, dược tá từ các tỉnh ngoài Bắc. 19, đôi mươi, còn giữa tuổi xinh tươi, láng mịn. Nhưng vào tới đây nước da “ đã ngả màu suy nghĩ”, mái tóc đã bớt màu óng ả, nhanh nhánh. Nhìn thấy sâu cá tươi cùng với chùm quả me rừng lúc lắc trên tay anh bạn Lào, đã nghĩ ngay tới nồi canh riêu, chã cá kho riềng để ừng ực nuốt nước miếng. Áo sơ mi vải popolin? Lắc đầu, không ưng vì vợ mặc mau bẩn. Khăn tay thêu bông hoa, khăn choàng đầu thêu hình con cò, con vạc? Lắc đầu! Tức khí, nổi máu điên rồi, nháy nhau lôi từ đáy ba lô lên một chùm 5, 6 chiếc Cooc-văng-xê (áo trong) đủ màu xanh đỏ, tím vàng khuơ khuơ trước mặt. Anh Lào cười tít mắt, chọn từng chiếc chụp úp lên bàn tay nắm lại. Lắc đầu: Bé quá! Bé quá! Của vợ mình to to hung cơ! Mấy em gái ngành y hùa nhau bắt một cô cao to lừng lững , “hiên ngang Cu Ba” nhất bọn moi trong ba lô “ cái của nợ” ấy ra. Anh Lào cười tít mắt, gật đầu. Dĩ nhiên, chiều hôm ấy ở bãi khách bỗng thơm lừng mùi riêu cá, mùi cá kho riềng nhiều gợi nhớ..

Kể thêm một chuyện nữa thôi. Bạn F của tôi thường nhiều tuổi, mắt mũi đã cập kèm, đầu óc đã lãng đãng, không ai còn muốn đọc lâu, nghe dài..

Một anh bạn Lào lủi vào bụi cây,ôm ra một chú vịt béo múp, còn sống nguây nguẩy. Lính ồ à, mắt tròn mắt dẹt. Thầm tính đầu cổ cánh làm gì, thăn lườn nấu món gì, rau thơm, mùi tầu có thể kiếm trong các bản Lào bỏ hoang, măng rừng đận này còn bói được. Nộm ghém à? Chỉ có nhất. Thịt vịt xáo măng à? Bố tướng ! ⁷Moi từ mấy chiếc balo lính ra, thứ nào cũng lắc. Một bó giây cao su làm quai dép dự phòng? Lắc! Nửa bánh thuốc lào vĩnh Bảo thứ thiệt? Lắc! Cả một bộ đồ bằng vải Tô Châu Trung Quốc láng bóng. Lắc! Một chú lính láu lỉnh, gạt tay bạn bè cứng cỏi : Các ông để tôi trị ! Chú chàng móc từ túi áo ngực ra cuốn lịch bỏ túi, khuơ khuơ trước mặt anh bạn Lào miệng liến láu: Trong này ghi rõ tháng nào có mưa, tháng nào khô hạn nhé! Trong này còn ghi rõ cả ngày nào tốt để đi xa, ngày nào xấu phải ở nhà nhé ! Thần Phật dậy đấy, không phải chuyện đùa đâu. Lại ghi cả cách diệt bọ xít, sâu rày này…Lắc ! Nhưng bỗng nhiên anh bạn Lào đổi ý, giật phắt cuốn lịch, chỉ vào tờ bìa, reo to: Mình ưng gái Việt này, má hồng, môi đỏ, đẹp như Tiên. Mình ưng đổi đấy! Ba bốn thanh niên Lào chạy tới, giằng nhau xem tấm ảnh cô gái trên bìa cuốn lịch. “ Phiên chợ ” bỗng nhao nhao:

-Còn gái Việt đẹp không , mình ưng đổi đấy!

- Mình cũng ưng đổi nữa!

- Mà phải đổi lấy vịt cơ! Không đổi thứ khác đâu nhé !

Mấy anh bạn Lào lủi rất nhanh vào bụi. Ba, bốn chú vịt, cất tiếng kêu đủ giọng lá, giọng sol được xách ra.

Một thằng bạn cùng tiểu đội, Hà Nội gốc, dân ngõ Chợ Khâm Thiên chính hiệu con nai vàng, khuỳnh tay, trợn mắt, giở giọng bố tướng:

-Chả lẽ chịu thua chúng nó à?Tao sẽ khoản đãi lũ chúng mày thịt vịt trộn rau rừng, thịt vịt sáo măng chiều nay! Chờ đấy!

Chưa đoán nó giở quyền võ gì, chớp mắt, đã thấy nó lấy từ cuốn sổ nhỏ trong túi áo ngực ra tấm ảnh Diệu Huyền- nàng Đuy-xi-nê của nó, chìa ra trước mặt mặt mấy anh bạn Lào đang ôm vịt. Chúng tôi chỉ biết trợn mắt, tròn mồm. Các chàng trai Lào xúm lại nhìn ngắm tấm ảnh xuýt xoa.

Nhưng bỗng một anh bạn Lào xua xua tay:

-Gái Việt trong ảnh này đẹp hơn gái Việt trong cuốn lịch kia. Nhưng môi nó không đỏ, má nó không hồng, nó không đẹp nữa rồi. Mình không đổi vịt đâu!

Tôi nghe rõ thằng Ngõ chợ Khâm Thiên văng tục, nhưng may sao câu nó nói rành rõ, vẫn văn hóa, lịch sự:

-Muốn má hồng ,môi đỏ à? Chờ một lúc nhé !

Và nó sồng sộc kéo tôi đi tìm thằng y tá xin một ít thuốc đỏ sát trùng, một nhúm bông.

Mắt nhớn nhác nhìn trước ngó sau, Ngõ Chợ kéo tiếp tay tôi tới nấp sau một tảng đá..

Như một nghệ sỹ tuyệt vời, Ngõ Chợ xoe xoe chút bông vào đầu một que tre, nhúng vào lọ thuốc đỏ, lướt phớt nhẹ lên gương mặt Đuy-xi-nê Diệu Huyền của nó, tiếp tới làm đậm ở hai gò má nàng. Sau đó Ngõ Chợ nhẹ nhàng, khéo léo tô màu đỏ lên 2 làn môi nàng.

Tôi cứ ngỡ Ngõ Chợ đã làm xong mọi việc. Nên tôi hết sức bất ngờ, khi thấy Ngõ Chợ đặt tấm ảnh Diệu Huyền lên một tảng đá, vội quỳ thụp xuống trước tấm ảnh, giọng thều thào, đứt nối, nghe buồn như thày mo khấn ma:

-…Cũng vì công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cả! Lính có no có khỏe mới đánh giặc được. Anh vái em mấy vái, xin em tha tội vì anh đã bán em đi để có được con vịt. Nếu trời đất cho anh còn sống, nhất định trở về anh sẽ làm chồng của em. Nếu anh không qua khỏi hòn tên mũi đạn, vong linh anh sẽ mãi mãi mang lại phước lành cho em, cho chồng và các con em...

Dĩ nhiên là mấy anh bạn Lào vui mừng ríu rít, đổi ngay con vịt béo lấy tấm ảnh Diệu Huyền Đuyxine.

Và cũng dĩ nhiên chiều hôm ấy, bên bờ một con suối đá nước róc rách chảy gần bãi khách, chúng tôi được thỏa thuê hưởng mấy món thịt vịt rất ngon do chính tay Ngõ Chợ Khâm Thiên thao tác.

Ngõ Chợ đã hy sinh ngay đầu mùa mưa năm ấy, khi vào chiến trường chưa bao lâu, trong trận đánh lên Tuyến phòng thủ vỏ cứng của Liên đoàn 22 Biệt động quân Sài Gòn trên đỉnh ngọn Ngọc Rinh Rua, vùng Tân Cảnh, Dakto....

Diệu Huyền đã lập gia đình. Con trai, con gái đều tốt nghiệp đại học, ra trường tìm ngay được việc làm. Người chồng của Diệu Huyền cũng là một cựu chiến binh, rất mở lòng, rất cảm thông. Thành thử, không có gì lạ, hàng năm, cứ đến ngày giỗ Ngõ Chợ, Diệu Huyền làm cơm cúng đàng hoàng, vui vẻ, để anh em chúng tôi tụ họp.

Riêng việc Ngõ Chợ sụp lạy ảnh Diệu Huyền ở cánh rừng “ Họp chợ” ấy chỉ mình tôi biết.

Nhưng suốt mấy chục năm nay, tôi giữ trong câm lặng, không bao giờ kể cho Diệu Huyền nghe. Mà kể để làm gì?