Trang chủ » Tin văn và...

Xem hoa Tết Sài Gòn, nhớ Hà Nội

Nguyễn Vĩnh
Chủ nhật ngày 25 tháng 1 năm 2009 7:53 PM
 
Trần Nhuơng dặn tôi, ông vô Nam ăn Tết thì viết cho cái gì đó về Sài Gòn. Y hẹn. Cho dù lúc này trong nhà đang tíu tít tất niên (tất niên “xịn” – vì 30 lịch ta rồi), tôi cũng đành dứt ra, ngồi vào máy. Thì hí hoáy chút vậy, kẻo phụ lời với bác Trần Nhương - một nhà văn tuổi lão mà đàng hoàng làm chủ một  cái mạng văn chương (Website) thuộc loại ‘đệ nhất tử tế” về nội dung mà vẫn hấp dẫn người đọc. Lý do viết bài ở cái thời gian củ mật này chính vì thế chứ đâu nhằm nhò gì ở nhuận bút. Bởi viết cho con “Oéc” này luôn luôn có nhuận bút bằng 0 kia mà.
Xin bắt đầu. Năm nay tôi vào ra Sài Gòn mấy lần. Đi tiền túi vì đã nghì hưu. Nhưng vui và thích hơn, vì đi là được làm việc mình thích mình vui, trong đó có chuỵên vui vầy với gia đình con cháu, nguời thân. Chứ chẳng lệ thuộc gì.
Lần đi nào vào Sài Gòn cũng vẫn ấn tượng đó, về một đầu tầu kinh tế tài chính lớn nhất đất nước, mặc dù lâu nay có khủng hoảng. Cuối năm “món của nợ” này còn nặng nề hơn lên, là chuyện cả nước cả hoàn cầu mất rồi. Nhưng Sài Gòn có nơi có lúc như phớt lờ. Nghĩa là vẫn ào ào sôi động thế, vẫn bán buôn tấp nập thế. Giảm sút bao nhiêu, để các nhà kinh tế gọi đếm, còn tôi không phải nhà điều tra. Chỉ thấy bên ngoài thì vẫn rầm rầm rộ rộ, nhất là các ngón thu hút người mua, các chiêu thức tiếp thị khụyến mãi, thì Hà Nội mình cứ là “học nữa học mãi”. Cái sự tiêu xài, nhất là các khoản ăn nhậu, vẫn ở “mức đỉnh”, khó đô thị nào qua mặt. 
Có một chuyện nhỏ - mà to đùng. Gọi là phép lạ thì cũng được. Là độ tháng rưỡi trước đây, tức ngay chuyến đi trước của tôi vào đây. Ai cũng rất nặng nề với chuyện đi lại khi đó. Thì vài hôm vừa rồi, cảm giác - ít nhất là ở tôi - thấy nhẹ cả người cho cái khoản “dịch chuyển” trong thành phố. Vào Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh này mà không tận dụng chạy đây chạy đó thì chỉ có thiệt. Bởi lười nhác ngại mệt thì sẽ chẳng biết gì thêm, hoặc hiểu gì thêm về một đô thị cỡ khổng lồ cứ luôn chuyển động, đổi mới như Sài Gòn.
Đi lại, tôi chỉ kể mấy tuyến đường thường phải chạy con xe máy hằng ngày. Rõ ràng đỡ hẳn sức ép tắc đường. Từ Gò Vấp trở vào trung tâm chỗ quận 1 quận 3, qua ngả Nguyễn Kiệm, Hai Bà Trưng; hoặc cũng từ hai quận này theo các tuyến Nguyễn Văn Trỗi, ra ngả Hoàng Văn Thụ tới sân bay Tân Sơn Nhất để bay đi đâu đó, kẹt xe như “thường ngày ở huyện”. Khi ấy động cơ ô tô, xe máy nổ đinh tai trong cái nóng nôi phương Nam, thì sự bực dọc và khó chịu là đương nhiên. Bỗng dưng nay đỡ hẳn. Anh bạn tôi giài thích, do môt phần nhờ người đến thành phố làm ăn kiếm sống đã về quê ăn Tết. Đúng, nhưng còn một nguyên nhân nữa. Đấy là hàng loạt lô-cốt đã được chính quyền yêu cầu tháo dỡ. Xong đường, tháo dỡ nhanh. Mà không xong, cũng “khẩn trương” giải tán cho dân nhờ! Đơn vị thi công và nhà thầu cứ là bàn với nhau mà tạm lấp đất đá để bà con có đường rộng đi chào hỏi và sắm sanh Tết nhất này đã. Thế là đường thông lề thoáng, chứ đâu đã dựng xây tốn kém gì...
Chuyện đường hoa ở hai đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi cũng là chuyện đáng kề ra. Tuy nó quá quen với người Sài thành vì đã diễn ra dăm năm nay. Theo chính quyền thành phố cho biết, ý tuởng “làm phố hoa” này bắt nguồn từ một đợt tham quan Singapore, thấy họ làm việc đó rất đẹp, thành công và rất thu hút du khách tới quốc đảo này.
Vài năm nay phố hoa - đường hoa Tết ờ Thành phố Hồ Chí Minh to và đẹp hơn lên. So với Hà Nội mình mới làm năm nay thì trong này có nhiều cái thuận hơn (trừ tiết trời lạnh ở Hà Nội), đó là Sài Gòn có mấy đường phố bày hoa rất rộng rãi, người dân trong này thích đi tới các nơi công cộng xem nghe, chưa kể tiềm năng tài chính của thành phố, của doanh nghiệp dành cho những điều như thế này ở Sài Gòn thường đạt mức cao hơn Hà Nội.
Năm Đinh Sửu 2009 này đường hoa Sài Gòn thật rực rỡ, nhất là khâu trang trí đèn thật lung linh rõ ràng về ban đêm. Con trâu năm Sửu nổi bật trong một màu vàng rực của mai và cúc phương Nam. Hàng cây số với trăm loại hoa như thế, được bày biện cắt tỉa công phu và hoà trộn với nếp sống, sinh hoạt đồng quê, nông thôn Nam Bộ cũng như nông thôn cội nguồn chung của Bắc Bộ mình đã làm cho người xem lần đầu “thấy rất thú vị trong một tình cảm yêu thêm quê hương đến ngỡ ngàng”. Đấy là điều tôi nghe từ chính cặp vợ chồng cô Trần Băng Hoa, cô cậu vừa cưới nhau ở bên Tiệp (cũ), nay về quê mẹ ăn Tết đi chợ hoa.
Xem hoa, câu chuyện thậm buồn và day dứt trong tôi và chúng ta về hội hoa Tết đầu tiên bày trên đường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội vừa rồi lại vận vào câu chuyện mấy anh em tôi gặp nhau hôm tất niên ở Sài Gòn. Trong Nam này người ta làm hội đường phố hoa cả mấy lần rồi, đâu có lần nào bị phá đám như Hà Nội. Trình độ tổ chức là một chuyện, nhưng ở đây có chuyện về con người, ý thức của con người.
Đúng là những cái gì trưng ra công cộng, thì việc giữ gìn nó, bảo vệ nó, phải là ờ ý thức con người - đây là người đi xem, đi chiêm nguỡng, người hưởng hoặc sử dụng nó. Chứ nhân viên công lực có tài thánh cũng chẳng kiểm soát xuể, ngay cả kè kè cầm súng đứng canh.
Câu chuyện phố hoa  dịp Tết Nguyên Đán ở Hà Nôi và trước đó là hội hoa anh đào Nhật Bản bị dứt - phá, là hai nỗi đau khía vào lòng người dân thù đô và cả nước.
Đừng đùa và bỏ qua dễ dàng về những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, “tiểu sự” như thế. Cái  hỏng, “cái chết” của thời chúng ta đang sống là đã “cho qua”, lướt qua những biểu hiện đạo đức tư cách hư hỏng như thế. Lâu lâu nhiều điều tích tụ lại, rồi nó sẽ vô hiệu hoá mọi cố gắng nỗ lực giáo dục kiểu giáo huấn giáo lý khô khan. Cái thứ cố nói cố nhồi và bất chấp tốn kém cao đến đâu cả tiền bạc và thời gian ấy đã đến lúc cần xem lại, tìm đến một phương cách khác có lợi cho dân cho nước hay chăng?.
Chuyện hội hoa Tết Hà Nội khi xem nó ở Sài Gòn cũng gợi lên trong tôi sự không ổn về đạo lý hạnh kiểm nơi con người trên đất kinh kỳ. Trong lúc hai tai chúng ta nghe hoài về niềm kiêu hãnh (hình như không có thực nữa) về “sự thanh lịch - văn minh” đất Thăng Long thì sự việc lại xảy ra “chềnh ềnh” ra vậy, mà bác Trần Nhương đã dành “khối đất” trên trang mạng của mình cho đề tài này.
Những người viết, những người ưu thời mẫn thế nói rộng hơn, mọi nguời nên dành thêm thời gian và sức lực cho sự sáng tạo và cho các kiến giải nhân “mấy thất bại to lớn” của đạo đức đạo lý cũng như nhân cách vừa rồi xảy ra ở thủ đô ngàn năm văn vật, trước khi muộn quá.  
NV