Trang chủ » Tin văn và...

Dân không bầu ĐBQH vào để vỗ tay:..

Lê nhung
Thứ ba ngày 3 tháng 2 năm 2009 8:51 AM
Tác giả: Lê Nhung

Nổi tiếng với những phát biểu gai góc ở nghị trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, vì việc chung, người đại biểu không nên nghĩ đến cái ghế của mình mà rụt rè. Người xưa có thể mất đầu còn dám dâng lời nói phải, cái ghế so với cái đầu có nghĩa lý gì.

src=http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200901/original/images1701840_nguyenminhthuyet.jpg

Không nên nghĩ đến cái ghế của mình
Thưa ông, cử tri nói rằng nhờ chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết với Thủ tướng Chính phủ mà tiến độ xử lý vụ PCI  được đẩy nhanh hơn. Ông thấy sao?

- Theo quan sát của cá nhân tôi từ khi tham gia Quốc hội đến nay, sau mỗi phiên chất vấn ở Quốc hội, nói chung, công việc đều có chuyển biến nhất định. Nhưng chuyển biến sau ý kiến chất vấn Thủ tướng về vụ PCI là một trong những chuyển biến rõ rệt nhất.

Tôi vẫn tiếp tục theo dõi diễn tiến vụ việc. Đáng tiếc là tiến độ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng còn quá chậm. Bên cạnh đó, ý kiến của một số đồng chí có trách nhiệm lại trái chiều nhau, khiến dư luận không khỏi phân vân. Có đồng chí nói công việc điều tra theo yêu cầu của phía Nhật đã hoàn thành tới 90%.

Có đồng chí lại nói phía Nhật chưa đưa ra được bằng chứng gì xác thực. Có đồng chí nói phía Nhật hãy đưa ra bằng chứng, có bằng chứng, chúng ta sẽ xét xử ngay.

Tôi thấy ý kiến này không ổn. Hàng xóm mách con mình ăn cắp của người ta thì trước hết mình phải hỏi con mình và xem nó có chứa đồ ăn cắp thật không, chứ không thể ung dung bảo hàng xóm là bao giờ ông đưa ra được bằng chứng tôi sẽ xử con tôi.

Đây là một việc làm ảnh hưởng tới danh dự và cơ hội phát triển của đất nước. Bởi vậy, nếu điều tra mà thấy lời khai của các bị cáo ở Công ty PCI không chính xác thì ta phải kiên quyết yêu cầu những người nói sai sự thật cáo lỗi.

Một số nhà báo theo dõi kỳ họp thứ ba của Quốc hội (tháng 5/2008) còn nhớ tại một buổi họp tổ của đoàn Lạng Sơn - Hải Phòng, có mặt Thủ tướng Chính phủ, nhiều người đứng lên ca ngợi chủ trương mở rộng Hà Nội. Riêng ông vẫn đề nghị nên cân nhắc kỹ lợi - hại. Sau khi nghe Thủ tướng giải thích cặn kẽ chủ trương này, ông lại vẫn tiếp tục đứng lên trình bày lý lẽ của mình. Ông kỳ vọng có thể thay đổi điều gì?

- Theo tôi hiểu, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là phản ánh đầy đủ ý kiến của cử tri và của cá nhân mình để Quốc hội và Chính phủ có thêm thông tin, cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định. Vì việc chung, người đại biểu không nên nghĩ đến cái ghế của mình mà rụt rè. Người xưa có thể mất đầu còn dám dâng lời nói phải, cái ghế so với cái đầu có nghĩa lý gì. Huống chi, lúc thảo luận là lúc cần nghe ý kiến nhiều chiều kia mà.

Ý kiến trái chiều giúp ích gì cho Chính phủ, thưa ông?

- Ý kiến trái chiều thường bổ ích. Ít nhất, nó cũng giúp lãnh đạo phân tích thêm những khía cạnh khác nhau của vấn đề, củng cố thêm lập luận, bổ sung thêm giải pháp cho quyết định cuối cùng. Theo tôi hiểu, cử tri không bầu và Đảng không cử một đại biểu vào Quốc hội chỉ để vỗ tay. Cả lãnh đạo lẫn người dân đều cần tiếng nói phản biện, miễn là phản biện có tính xây dựng, không nhằm đả kích cá nhân và không vụ lợi.

Vậy thì để ý kiến của mình được tiếp thu, ông thường chọn thời điểm nào góp ý cho lãnh đạo?

- Với ĐBQH thì thời điểm chỉ có một, đó là các phiên họp tổ hoặc thảo luận trên hội trường.

Hoạt động chủ yếu không phải ở hành lang

Nhiều đại biểu QH lập luận là họ có nhiều cách để nói với người hoạch định chính sách chứ không nhất thiết đem ra hội trường?

Cả lãnh đạo lẫn người dân đều cần tiếng nói phản biện, miễn là phản biện có tính xây dựng, không nhằm đả kích cá nhân, không vụ lợi.
- Ở Quốc hội nhiều nước có chuyện lobby, vận động hậu trường. 
Ở ta, lobby chưa được thừa nhận nhưng nếu ĐBQH có thể dùng ảnh hưởng của cá nhân mình để nói lên tiếng nói của cử tri, giúp người có thẩm quyền lắng nghe và suy nghĩ kĩ càng hơn thì cũng rất tốt. Tuy vậy, theo tôi, hoạt động chủ yếu của ĐBQH là ở nghị trường chứ không phải ở hành lang. Chưa kể không phải ai cũng có điều kiện để gặp gỡ, vận động hành lang.

Nhưng có những đại biểu Quốc hội nói rằng trong nhiều trường hợp họ không có đủ thông tin để phát biểu?

- Vâng, đúng là mỗi đại biểu Quốc hội thường chỉ am hiểu một vài lĩnh vực, không thể bàn về mọi công việc của Quốc hội nếu không dựa vào trí tuệ của cử tri.

Bởi vậy, đại biểu phải thường xuyên tiếp xúc cử tri, đọc báo, đọc sách, theo dõi tin tức, gặp gỡ chuyên gia để chắt lọc từ đó những tri thức cần cho công việc của mình. Tạo được nếp làm việc như vậy, đại biểu sẽ được rèn luyện tư duy chính trị, đến lúc cần có ý kiến, sẽ có thể có ý kiến xác đáng, chứ không phải cứ đụng đến vấn đề mới chạy đi tìm chuyên gia.

Không nhiều đại biểu trẻ được như vậy

Qua 6 năm hoạt động ở nghị trường, ông đánh giá cao hoạt động của những đại biểu QH nào?

- Tôi thấy đại biểu QH mỗi người một vẻ, mỗi người đều có điểm mạnh của mình. Ví dụ, ở Quốc hội khoá XI, tôi có ấn tượng sâu sắc về ông Nguyễn Ngọc Trân, một đại biểu có tính chuyên nghiệp cao. Tôi để ý thấy trước bất kỳ một cuộc làm việc nào, kể cả ở trong nước cũng như ở nước ngoài, bao giờ ông Trân cũng đọc tài liệu rất kỹ, nắm rất chắc vấn đề và có những ý kiến sắc sảo. Ông cũng là người thẳng thắn, trình bày vấn đề có sức thuyết phục.

Ông Dương Trung Quốc cũng để lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp. Ông Quốc là một nhà hoạt động xã hội luôn có những ý kiến sâu sắc và đúng lúc. 

Bởi vậy, khóa trước mới có câu nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc. Nếu được chọn một bộ tứ cho Quốc hội khóa mới này, ông chọn ai?

- Theo tôi hiểu, nói tứ hùng hay ngũ hổ là nói cho có vần thôi. Trên thực tế, số đại biểu được dư luận quan tâm lớn hơn thế.

Ở khoá 12 này, ngoài những gương mặt quen thuộc từ khoá trước, đã xuất hiện thêm những gương mặt mới nổi bật. Trước hết, tôi muốn nói tới ông Vũ Hoàng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bình Định.

Ở cương vị đại biểu Quốc hội, ông Hà luôn có những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, chắc chắn. Tôi cũng thích ông Lê Văn Cuông, đại biểu tỉnh Thanh Hóa. Thực ra, từ cuối khoá trước, ông Cuông đã là một đại biểu nổi bật. Ông Cuông nói năng mộc mạc nhưng rất có sức thuyết phục.

Một số vị đại biểu khác cũng để lại cho tôi ấn tượng mạnh như ông Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) là người am hiểu kinh tế, hăng hái nhiệt tình, tâm huyết và dám nói thẳng. Hoặc đại biểu Danh Út (Kiên Giang).

Trong các đại biểu nữ, tôi ấn tượng với các ý kiến mạnh mẽ của chị Nguyễn Thị Bạch Mai, phó đoàn Tây Ninh. Cũng đoàn Tây Ninh, tôi đánh giá cao đại biểu Nguyễn Đình Xuân, là người công tâm, phát biểu sâu sắc, chắc chắn, chịu đọc chịu nghĩ, nói trúng và đúng vấn đề. Không nhiều đại biểu trẻ được như vậy.

Tôi tin rằng nếu tìm hiểu kỹ, chúng ta có thể nêu thêm tên tuổi và đóng góp của nhiều vị đại biểu Quốc hội nữa, và sẽ ngày càng có nhiều đại biểu được đánh giá cao

Nguồn:Vietnamnet