Kính gửi: - Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam
- Đồng kính gửi: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Tôi là Luật sư Lê Văn Hòa, sinh năm 1956 (nguyên hàm Vụ trưởng Vụ 4-Ban Nội chính Trung ương); địa chỉ: Đội 3, Minh Tân, Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội; điện thoại: ....
Tôi là người tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh, sinh năm 1950 (địa chỉ: Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương) trong việc kêu oan cho con là tử tù Nguyễn Văn Chưởng, bị kết án tử hình với cáo buộc là chủ mưu trong vụ án giết người tại Hải Phòng ngày 14/7/2007, mà nạn nhân là Nguyễn Văn Sinh, cán bộ Công an phường Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng.
Năm 2013-2014, với tư cách là Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương, tôi đã góp phần minh oan thành công cho một số công dân bị hàm oan. Trong đó có 2 vụ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài nhất trong lĩnh vực nội chính của tỉnh Quảng Nam trong vòng 15 năm qua (các cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Nam đã hình sự hóa 2 vụ vi phạm hành chính, khởi tố, bắt giam, truy tố oan 2 công dân là ông Lương Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Cổ phần Quảng Cường, Quảng Nam và ông Nguyễn Mười, người từng được mệnh danh là “Trùm cổ vật” miền Trung – Căn cứ vào báo cáo, đề xuất của Tổ công tác chúng tôi, Lãnh đạo Ban Nội chính TW và Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo việc khắc phục hậu quả, minh oan, trả lại danh dự, uy tín và số tài sản đã thu giữ, phong tỏa trái pháp luật cho ông Lương Hạnh và ông Nguyễn Mười).
Về vụ án Nguyễn Văn Chưởng:
Đầu năm 2014, Tổ công tác chúng tôi báo cáo Lãnh đạo Ban Nội chính TW: “Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình oan, do có nhiều sai sót nghiêm trọng trong thu thập, đánh giá chứng cứ. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng nhận thấy điều đó nên đã Kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án này. Vì thế, Ban Nội chính TW cần tham mưu cho cấp có thẩm quyền thành lập Đoàn Kiểm tra để làm rõ”. Nhưng thật khó hiểu: Ngay sau cuộc làm việc với Tổ Công tác chúng tôi, với sự có mặt của ông Nguyễn Sơn (Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao), Lê Quý Vương (Thứ trưởng Bộ Công an), Trưởng ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh đã quyết định “Ban Nội chính Trung ương không nghiên cứu, đề xuất về vụ án Nguyễn Văn Chưởng nữa!”.
Từ 2014 đến nay, cá nhân tôi đã gửi nhiều bản Kiến nghị kiểm tra vụ án này đến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các cơ quan chức năng, nhưng thật khó hiểu, không một cơ quan, cá nhân nào xem xét, giải quyết!
Hôm nay, một lần nữa, tôi Kiến nghị Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thành lập một Đoàn Kiểm tra liên ngành có đủ thẩm quyền và uy tín để kiểm tra làm rõ vụ án này, tránh hàm oan cho người dân.
Trân trọng!
Người kiến nghị
Luật sư Lê Văn Hòa
Tôi xin chỉ rõ những vi phạm nghiêm trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng vụ án Nguyễn Văn Chưởng:
1. Vi phạm thủ tục tố tụng trong bảo vệ, khám nghiệm hiện trường; thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án:
- CQĐT không tổ chức bảo vệ giữ nguyên hiện trường vụ án; việc thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án rất tùy tiện: Cảnh sát Phạm Hồng Quang đem áo mưa, áo cảnh sát, dép…của nạn nhân Sinh gửi ở phòng bảo vệ Công ty Neu Hope; còn điện thoại di động và khẩu súng K59 + 1 băng đạn còn 1 viên của anh Sinh thì anh Quang cầm và mang đi đâu không rõ, đến hơn 1h ngày 15/7/2007 mới được lập biên bản thu giữ và đến 17h cùng ngày mới làm thủ tục niêm phong (BL: 517; 535).
- Vụ giết người xảy ra hồi 21h30’ ngày 14/7/2007, nhưng đến 15h30’ ngày hôm sau mới tổ chức khám nghiệm hiện trường.
- Việc anh Sinh đi dép hay đi giầy khi bị chém cũng chưa được làm rõ.
Nhân chứng Phạm Hồng Quang khai anh Sinh đi dép (BL: 517); nhân chứng Nguyễn Văn Phước cũng khai anh Sinh đi dép (BL: 535); nhưng nhân chứng Đặng Thái Sơn khai anh Sinh đi giầy đen có dây (BL 523: khai 2 lần; BL: 524).
2. Đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, thiếu khách quan:
- Dấu vết để lại trên áo và thi thể nạn nhân khẳng định nạn nhân không chỉ bị tấn công, tác động tại hiện trường, mà có thể đã bị tấn công, tác động trước đó ở một địa điểm khác:
+ Bản Giám định pháp y của Viện khoa học hình sự kết luận: Trên cơ thể nạn nhân, ngoài các dấu vết do các loại hung khí có cạnh sắc nhọn gây nên còn có các vết hằn xây xát da mềm đỏ nâu ở vùng lưng do vật cứng có cạnh dài tiếp xúc hẹp gây ra; ngoài ra còn có các tổn thương bầm tụ máu vùng thắt lưng hai bên do vật tày gây nên. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết luận hung khí của nhóm Chưởng là dao, kiếm chứ không có hung khí nào là vật tày (vậy có chăng, trước khi bị chém bằng dao, kiếm là vật sắc, nhọn ở cổng Nhà máy thép Đình Vũ thì anh Sinh đã bị tác động, tấn công bằng vật tày ở địa điểm khác?).
+ Tại Biên bản giao nhận vật chứng thu được tại hiện trường vụ án, ngoài xe máy, dao, kiếm…còn thống kê, bàn giao 1 khẩu trang trắng kẻ xanh (BL:698), nhưng không được làm rõ chiếc khẩu trang đó là của ai và có liên quan đến vụ án hay không?
+ Biên bản giám định không kết luận vân tay ở cò khẩu súng K59 thu tại hiện trường là của ai (vậy lấy cơ sở nào kết luận anh Sinh đã bắn? và cần phải làm rõ khẩu súng đó anh Sinh có được cấp phép sử dụng không? Đơn vị nào cấp? cấp từ khi nào?...).
+ Thời gian sinh hoạt của nạn nhân Sinh trước khi bị chém ở cổng Nhà máy thép Đình Vũ cũng chưa được chứng minh một cách khách quan là ở đâu, làm gì, tiếp xúc với ai để tạo nên thương tích trên thân thể như Bản Giám định pháp y của Viện khoa học hình sự đã kết luận: “Các vết hằn xây xát da mềm đỏ nâu ở vùng lưng do vật cứng có cạnh dài tiếp xúc hẹp gây ra; ngoài ra còn có các tổn thương bầm tụ máu vùng thắt lưng hai bên do vật tày gây nên”, để làm căn cứ xác định nguyên nhân cái chết của nạn nhân.
+ Nhân chứng Phạm Hồng Quang (chiến sỹ CAP Đông Hải 2) khai (BL:515): Ngay sau khi anh Sinh bị bắn, anh Quang nhìn thấy có một người lạ đi cùng Đặng Thái Sơn (chiến sỹ CAP Đông Hải 2) tới chỗ anh Sinh đang nằm hôn mê tại hiện trường, nhưng không làm rõ người lạ đó là ai và đến với mục đích gì?
- Việc quy kết Hoàng, Trung, Chưởng chém nạn nhân Sinh nhằm cướp tài sản là chưa thuyết phục. Cả 2 cấp xét xử (ST, PT) cũng như Giám đốc thẩm đều đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, suy đoán ép tội (quy kết Chưởng là chủ mưu và bọn Chưởng chém anh Sinh vì mục đích cướp tài sản).
Căn cứ vào diễn biến vụ án do chính các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận, thì trong suốt quá trình chuẩn bị phạm tội cũng như quá trình phạm tội của bọn Chưởng không có sự bàn bạc, phân công vai trò của từng người; không có sự phân công việc chuẩn bị hung khí; không có sự bàn bạc về cách thức sẽ đi cướp; đặc biệt không bàn đến việc sẽ giết người để cướp tài sản (như vậy, không loại trừ nguyên nhân anh Sinh có thể bị chém vì ghen tuông tình ái hoặc mâu thuẫn xã hội?...).
- Việc xác định Chưởng là chủ mưu và tham gia chém nạn nhân là chưa thực sự khách quan:
+ Lời khai của các bị cáo và một số nhân chứng cho thấy có nhiều mâu thuẫn, không đủ cơ sở kết luận Chưởng là chủ mưu, nhưng không được làm rõ. Các cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu dựa vào lời khai còn nhiều mâu thuẫn của Trung và Phương (người yêu Trung) để buộc tội Chưởng.
+ KLĐT, Quyết định truy tố và các bản án đều khẳng định: Khi phát hiện có người đi xe máy ngược chiều, Chưởng điều khiển xe máy quay lại và chỉ nói một câu “Đây rồi” chứ không có câu nào mang ý nghĩa chỉ huy hay ra lệnh cho cả bọn nhảy xuống chém nạn nhân.
+ Khi Chưởng dừng xe chỉ có Hoàng và Trung tự nhảy xuống chém anh Sinh và một trong những nhát chém của Hoàng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân (Bản giám định pháp y số 33-374/2007 ngày 19-7-2007 của Tổ chức giám định pháp y Hải Phòng kết luận: “Nạn nhân bị một số vết thương tích trên cơ thể, trong đó có 1 vết thương sọ não hở vùng thái dương phải gây choáng chấn thương sọ não nặng không hồi phục quyết định sự chết của nạn nhân).
Khi anh Sinh nổ súng thì Trung và Hoàng chạy lại chỗ Chưởng vẫn đang ngồi đợi trên xe máy và được Chưởng lái xe bỏ chạy.
Các bản khai của nhân chứng Nguyễn Văn Phước (bảo vệ Công ty Hoàng Gia) chứng kiến quá trình anh Sinh bị chém đều khẳng định: Có 3 người đèo nhau trên một xe máy, khi gặp anh Sinh chỉ có 2 người ngồi sau nhảy xuống chém, khi anh Sinh nổ súng thì 2 người đó chạy lại chỗ người cầm lái vẫn đang nổ máy đứng đợi, sau đó cả 3 bỏ chạy/ lời khai của nhân chứng Phước phù hợp với lời khai của Chưởng và Trung là Chưởng chính là người điều khiển xe máy chở Hoàng và Trung (BL: 110; 123; 243; 359…).
+ Có nhiều nhân chứng xác định thời điểm xảy ra vụ án, Chưởng có mặt ở quê Hải Dương nhưng không được điều tra, đối chất một cách khách quan.
+ Chưởng khai đã cung cấp bản kê các cuộc gọi đi, gọi đến điện thoại của Chưởng (0974.863.087) trong thời điểm xảy ra vụ án, nhưng không được xem xét.
+ Tại các phiên tòa ST, PT, Chưởng và Hoàng đều phản cung, họ khai rằng việc họ nhận tội ở CQĐT là do bị ép cung, bị đánh đập (vậy phải chăng đó chính là nguyên nhân làm cho các lời khai của Hoàng, Chưởng, Trung có nhiều mâu thuẫn?), nhưng không được điều tra làm rõ.
+ Các lời khai mâu thuẫn, hành vi, hung khí và dấu vết trên cơ thể nạn nhân không phù hợp cũng không được thực nghiệm điều tra làm rõ…
(Kiến nghị ngày 28/6/2021)
* Ghi chú: Kiến nghị này không được hồi âm. Không được xem xét.
Ảnh: Ông bà Nguyễn Trường Chinh (bố mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng) đi kêu oan cho con trai suốt nhiều năm nay, ở nhiều cơ quan và trên nhiều đường phố Hà Nội.