Như chúng ta biết, giữa hai kỳ đại hội chính thức, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ để điểm danh, khuyến khích, cổ vũ những cây bút trẻ tiêu biểu nhưng chưa phải là hội viên; thảo luận, định hướng và cùng họ giải quyết những vấn đề của văn học trẻ đương đại. Đây là hội nghị rất được dư luận quan tâm, ủng hộ vì hướng tới sự bổ sung lực lượng cho nền văn học trong tương lai.
Thế nhưng từ trước đến nay lại chưa có hội nghị nào dành riêng cho các nhà văn lão thành tiêu biểu. Quan tâm đến “tương lai” là cần thiết, nhưng chăm lo cho “quá khứ” cũng quan trọng không kém. Hầu hết các nhà văn cao tuổi hiện nay đều trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Họ vừa là nhà văn, vừa là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nói chung và văn học nói riêng; không ít nhà văn đã trực tiếp cầm súng đánh giặc. Có thể nói, đội ngũ các nhà văn lão thành đã có những đóng góp hết sức to lớn để làm nên một nền văn học kháng chiến, yêu nước, nhân văn đầy tự hào của chúng ta.
Theo số liệu của Hội Nhà văn Việt Nam, những nhà văn lão thành hiện nay (những người hơn 70 tuổi) được nhận giải thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước là Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật có 57 người; các nhà văn từng được tặng một hoặc nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam là 123 người. Bên cạnh đó, còn có nhiều nhà văn, nhà thơ được nhận các giải thưởng văn học uy tín khác ở trong nước và quốc tế. Họ chính là những đại diện tiêu biểu làm nên diện mạo của nền văn học Việt Nam hôm nay.
Hiện số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tuổi đời hơn 55 chiếm khoảng 70%, trong đó, những nhà văn hơn 70 tuổi chiếm tới hơn 30%; cao tuổi nhất là các nhà văn Trần Đình Vân (Thái Duy), Xuân Thiêm và Nông Viết Toại năm nay đều đã 97 tuổi (sinh năm 1926). Tuy tuổi đã cao, nhưng một số không ít các nhà văn lão thành vẫn tiếp tục cống hiến trong lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy.
Tuy nhiên, phải thừa nhận thực tế là thời gian đặt ra những giới hạn cho tuổi sinh học, khiến sức khỏe và sức sáng tạo của phần lớn nhà văn lão thành suy giảm đáng kể.
Nhiều nhà văn phải đối mặt với các vấn đề về bệnh tật, khó khăn về cuộc sống, cho dù tình yêu với văn chương, mối quan tâm tha thiết đến văn học nước nhà, đến tiếng Việt và văn hóa Việt Nam vẫn chưa lúc nào nguôi trong những trái tim có phần mệt mỏi vì năm tháng tuổi tác. Những nhà văn chúng tôi từng tiếp xúc thời gian gần đây đều bày tỏ nỗi vui mừng khôn xiết khi biết tin Hội nghị các nhà văn lão thành tiêu biểu sắp được tổ chức.
Với họ, đây không phải là cuộc gặp “dối già” mà là dịp được sống lại một thời văn chương tuổi trẻ, sôi nổi, dấn thân với những đóng góp rất đáng tự hào. Tại hội nghị lần này, những vấn đề cơ bản của các nhà văn lão thành sẽ được đặt ra như: Điều kiện sống, sáng tác, sự quan tâm, chăm sóc của các cơ quan, ban, ngành và toàn xã hội tương xứng với cống hiến và đóng góp của nhà văn cao tuổi vào sự nghiệp văn học nước nhà.
Uống nước nhớ nguồn, ghi nhận và tri ân công lao của những bậc tiền bối vốn là truyền thống, là đạo lý trong văn hóa của người Việt. Lần này, truyền thống và đạo lý ấy được dành cho những người làm công tác văn học sẽ mang một ý nghĩa thật là sâu sắc.
Già nhưng không lão, các nhà văn lão thành vẫn có thể đóng góp nhiều kinh nghiệm sống và nghề nghiệp, truyền lửa cho lớp trẻ và truyền nghề cho những tài năng văn chương tương lai. Mong rằng, từ sáng kiến của Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có thêm nhiều những cuộc gặp gỡ mang tinh thần nhân văn rất cao này với các nghệ sĩ ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật khác, trở thành thông lệ thể hiện sự ưu việt, tốt đẹp của xã hội chúng ta. Chăm lo cho quá khứ cũng chính là gây dựng cho tương lai.
LA PHÙ
Báo Nhân Dân