Bế Thành Long sinh ra trong một gia đình viên chức tại thị trấn Co Xàu (tên gọi cũ của thị trấn Trùng Khánh). Thuở nhỏ, ông có tên là Vân. Tên Đào Duy là do nhóm bút “Mặt trời mọc” đặt.
|
Nhà thơ Bế Thành Long (bên phải) và nhà báo Nguyễn Như Mai. |
Năng khiếu văn chương và hội họa của Bế Thành Long được bộc lộ từ nhỏ. Trường phổ thông cấp II III Trùng Khánh và những người bạn là môi trường giúp Bế Thành Long hiện thực hóa niềm đam mê ấy. Đề xuất lập nhóm bút “Mặt trời mọc” của chàng trai Tày đã được hai người bạn cùng lớp dân tộc Kinh (Đoàn Đức Thành và Nguyễn Như Mai) ủng hộ. Không khí văn chương đã hình thành từ niềm đam mê thi ca - hội họa. Dù ở nơi biên viễn, những người bạn cùng sở thích văn học nghệ thuật đã tự lập một Văn đàn để thỏa chí sáng tạo. Ngoài giờ học, nhóm bút cũng dành thời gian giao lưu, đàm đạo văn chương như những bậc văn nhân. Như mưa dầm thấm đất, môi trường đầu tiên ấy đã dung dưỡng niềm đam mê văn chương nghệ thuật cho nhóm bút “Mặt trời mọc”.
Lớn lên trong không gian đó, cộng với tố chất bẩm sinh, sẽ không lạ từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước Bế Thành Long đã sáng tác thơ. Thơ song hành cùng sự nghiệp mà ông đã chọn. Cả cuộc đời gắn với ngành thương mại, nhưng thi ca như một người bạn đồng hành thủy chung; một nơi vịn bám, nâng đỡ tâm hồn; một nơi giúp trút bỏ mọi ưu phiền trong cuộc đời không ít nỗi cô đơn phiền muộn. Ông đến với thi ca từ độ tuổi 20. Chàng trai Tày thư sinh, nho nhã đã có những bài thơ hồn nhiên, trong trẻo về quê hương: “Đêm Trùng Khánh” (1959), “Bóng quê hương” (1960)… Làm thơ từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng năm 2007, Bế Thành Long mới trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sau khi trình làng 2 tập thơ “Cỏ may” (NXB Văn hóa dân tộc, 1996) và “Ở nguồn” (NXB Hội Nhà văn, 2005).
Cho đến nay Bế Thành Long mới xuất bản hai tập thơ “Cỏ may” và “Ở nguồn”. Có lẽ ông đã chọn phương châm “quý hồ tinh” hơn “quý hồ đa”. Điều đáng trân trọng, ông đã chọn được cách viết mới, diễn đạt độc đáo, câu từ mới lạ, quậy cựa, sinh nở. Nói như nhà thơ Y Phương, thì ông có “những câu thơ bay nhảy hồng hào khỏe mạnh. Dường như chúng được thoát ra từ tóc, từ da thịt, từ hàm râu... Nhưng lại kén người thưởng thức như nghe giao hưởng vậy"…
Một đặc điểm dễ nhận thấy trong thơ Bế Thành Long chính là vẻ đẹp của thiên nhiên, con người… thể hiện trong cách nhìn trẻ trung, hồn nhiên, trong trẻo đến kỳ lạ. Có lẽ bằng cảm nhận của một nhà thơ không tuổi, nhìn cuộc đời bằng “cặp mắt xanh” đôn hậu, trìu mến, thiết tha nên khó thấy dấu ấn tuổi tác. Thơ Bế Thành Long hấp dẫn bởi chính sự tươi tắn không gợn chút gợn mờ. Thơ ông như lúa thì con gái ngậm đòng; như vầng trăng xanh non; như dòng suối thanh tân mát lành; như cái hôn đầu tiên ngập ngừng, đắm say đến ma mị... Có lẽ chính hồn thơ trong trẻo, xanh tươi đó đã định hình một phong cách thơ Bế Thành Long.
Những bài thơ yêu quê hương giàu hình tượng, mang cảm xúc thanh xanh đến nao lòng như “Đêm Trùng Khánh”, “Bóng quê hương”... Vẻ đẹp đêm Trùng Khánh tĩnh lặng nhưng xao động tình người thấm đậm run rẩy chất men say trong từng câu chữ “Thăm lại quê xưa đông đủ cả/Mỗi bạn mừng ta một bát đầy/Hãy uống trăng ngà quê cũ/Tuy nồng nhưng chớ ngại say…Trăng nồng quê cũ uống không vơi” (Đêm Trùng Khánh).
Sau một năm bài thơ “Trùng Khánh” ra đời, Bế Thành Long viết bài thơ “Bóng quê hương” (1960). Người con Phủ Trùng nhìn quê hương vẫn bằng đôi mắt trẻ trung, trong trẻo. Nhà thơ sử dụng điệp từ nghi vấn “chắc” mở đầu trong 5 khổ thơ, một quê hương hiện ra đẹp, tinh khôi: “sáng nay quê tôi mù sương bạc/buổi trưa nay gió núi ngừng/chiều xuống hút rừng xào xạc/sương đêm nặng khô tàu chuối/không quên rau hàm ếch đắng”.
Trước cảnh vật gần gũi, thân thuộc ấy là tâm trạng thi nhân khắc khoải trước bức tranh quê: “Cỏ non cứ bời bời không ngủ/Bước trâu chờ bước nghé lang thang/Chắc sương đêm nặng khô tàu chuối/Lệch tiếng xe trâu chở gỗ ngàn/Em trai tròn giấc trong rơm ấm/Lòng gập ghềnh xa lắc gõ mênh mang”. Những câu thơ đan cài khéo léo giữa mộng và thực khiến người đọc xôn xao.
Như bất cứ thi nhân nào, Bế Thành Long yêu say cả bốn mùa trong năm. Vốn có năng khiếu hội họa, ông đã vẽ bằng thơ bức tranh “Tứ quý”.
Trước hết, là mùa xuân - mùa đẹp nhất, mùa của thiên nhiên và tình yêu. Bức tranh xuân tươi tắn màu sắc được nhà thơ thể hiện với đầy đủ cung bậc xúc cảm của giác quan thơ bén nhạy. Nhà thơ gửi vào đó tình xuân không mùa: “Em giặt áo bến dòng sông nọ/Mấy lần thơm lại nắng quê hương” (Cảm xuân), “Mà hoa đào vẫn nhớ/Mỗi lần xuân thức dậy một lần hoa” (Núi trắng)…
Tâm trạng dùng dằng từ Xuân sang Hạ được diễn đạt bằng ngôn ngữ tươi mới. Những từ láy, như: “cụng cựa, xang xác, cùng kiệt” đã diễn tả chính xác tâm trạng bồn chồn, lưu luyến khi Hạ đã ngập ngừng trước cửa nhưng chưa muốn rời Xuân: “Cụng cựa tre giằng răng rắc/Vặn mình phơi hết lá đỏ au… Theo tiếng ve ran xang xác/Cùng kiệt cho ta hết nợ nần (Tre cuối xuân)…
Một mùa thu hào phóng, đầy quyến rũ mang tâm trạng thi nhân: “Một lần Thu đến, quên hờn giận… Là Thu hào phóng sẵn sàng cho/Một lần Thu đến quên sông bến/Đợi đò lặng lẽ biết Thu đi” (Một lần thu). Lá thu xanh nỗi nhớ bạn: “Chiếc lá của mùa thu trước/Ngày vắng bạn/Nó xanh ở nơi nơi” (Chiếc lá của mùa thu trước)…
Mùa đông miền núi có đặc trưng riêng. Bế Thành Long chọn cái biểu tượng mùa đông bằng “những tháp tuyết chìm sâu” với “núi núi chồm lên/Và bờm đá ròng ròng/Bìa băng gãy những tinh thể khổng lồ/Chồng chất lên thành phố thủy tinh” (Ngân Sơn).
Cảnh sắc nào dưới bàn tay xử lý của một tâm hồn yêu cái đẹp lúc nào cũng lung linh, hấp dẫn một cách lạ kỳ. Vẻ đẹp quê hương và các miền quê khác đã được nhà thơ giới thiệu trong một cái nhìn trong trẻo, tinh tế. Nếu đã từng đọc thơ Bế Thành Long, bạn đọc đã bị chinh phục bởi vẻ đẹp nguyên sơ, quyến rũ của động Ngườm Ngao - một hang động đá vôi độc đáo bằng chính bài thơ “Lời thuyết minh hang Ngườm Ngao”, khiến ai đã một lần đặt chân đến không khỏi “Quên mất lối về cuộc sống”, “Bâng khuâng mãi chưa bay”, “Cái bồng bềnh thổn thức”…
Thơ của chàng trai Tày đã vượt khỏi Quây Sơn, Ngườm Ngao, Bản Giốc… mở lòng đến mọi miền đất nước. Vẫn góc nhìn ấy, vẫn tâm hồn xanh trong ấy, vẫn tài tình trong chọn thơ nhạc như một bản giao hưởng… cảnh sắc con người hiện lên tươi tắn trong thơ Bế Thành Long. Với nhà thơ, Hạ Long không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên dựng giữa trời mà ông còn nhận thấy một vẻ đẹp no ấm trong một phiên chợ biển “Sung túc một nửa biển cá tanh/Chợ no khói/Của nả đan nhau… Sóng đuổi sóng/Nhăn nheo đá nhám” (Chợ biển). Một Đà Lạt mộng mơ trong tâm trạng “Kẻ ngỏ tình đến muộn” ngỡ ngàng hồ Xuân Hương, với Than Thở khiến “Ngàn hoa ngơ ngẩn”: “Con thú này thơ dại/Có nỗi buồn cào nát cỏ tranh” (Đà Lạt - Không đề). Đứng trước núi Bài Thơ, cảm xúc trào dâng khắc khoải, đồng hiện giữa quá khứ “Hải âu bay chấp chới con thuyền/Chợt kêu ré sau buồm tan giá”… (núi Truyền Đăng)…
Thơ Bế Thành Long đan dày những tâm trạng, nỗi niềm. Có bài thơ giàu tính tự sự. Có bài thơ lại độc thoại nội tâm. Nhiều bài thơ ẩn trong những vần thơ tươi xanh là những thông điệp về nhân tình thế thái… Nhưng điều quan trọng, những cảm xúc, tâm trạng ấy được diễn tả hết sức trong trẻo, tươi sáng. Nỗi thắc thỏm chờ đợi cũng rất sáng mà không chút bi lụy: “Mong em nắng vợi chiều buông/Sao em không đến cho buồn chiều nay/Giá như em ở lại đây/Chiều buông thì nắng vẫn đầy chứa chan/Mong em, nắng tắt chiều tan/Sao em không đến cho tàn chiều đi” (Sao em không đến). Có bao nỗi tiếc nuối “Cuộc đời vẫn có em mà chẳng biết/Nên bạc đầu, anh cũng chẳng có em” (Ánh trăng). Nghe tiếng ngỗng trời mà tâm trạng rối bời bời “Quá khứ đêm thu về lớp lớp/Tiếng ngỗng trời co kéo không gian/Sải cánh rộng qua đêm mỏng/Kìn kìn bay vẳng trong mây”. Bài thơ “Một nửa ngụ ngôn” là chuyện của người tử tế ân hận, dày vò chuyện “đá phốc” con chó có “Cái bụng của rỗng không” lâu đến vậy: “Nó đói cơm/Nó tưởng tôi đói bạn…Chỉ riêng con chó vẫn về/Qua ký ức - như một điều ân hận”...
Bế Thành Long có cách xử lý ngôn từ rất khéo, sức gợi lớn, sáng trong, ám ảnh đến lạ giữa mộng và thực: “Vòm động thức con Dơi treo giấc ngủ/Nhũ đá gầy buông thõng tháng năm đi” (Xuân rừng); “Cho đồng nội nở hoa thơ dại… Đất nhẹ nở đầy hoa cúc dại/Tay nắm bắt vô cùng trăng sáng nhạt/Bãi bờ khô xác gió hoa lau” (Hư không); “Hạt cỏ đựng niềm vui cánh cánh… Chẳng dám khô đi dẫu nhẹ nhàng” (Hạt cỏ)…
Chạm nấc tuổi 80, nhưng thơ Bế Thành Long luôn trẻ, một giọng thơ khỏe khoắn, hồn nhiên. Tuổi tác dường như bất lực trước một hồn thơ trong trẻo và trẻ trung. Cuộc đời thơ của ông đi từng bước có vẻ chậm chạp, nhưng chắc chắn. Tôi xin mượn một câu văn trong tản văn của nhà thơ Y Phương để kết lại bài viết “Bế Thành Long: Ngôi nhà xanh núi suối trong veo” rằng với Bế Thành Long thì “Khi nào nước lắng hết bùn, người sẽ nhìn thấy cát”.