Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN HÓA BẢO TỒN BẢN SẮC VĂN HÓA (Kỳ .2)

Đắc Trung
Thứ tư ngày 1 tháng 12 năm 2021 10:12 AM


(Nhân Hội nghị Văn hóa toàn quốc)


Tôn giáo - tín ngưỡng.

Tôn giáo: tồn tại ở nước ta có bốn tôn giáo chính: Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo (được gọi là" tam giáo", cả ba đều vừa mang tính triết giáo vừa mang tính tôn giáo) và Thiên Chúa giáo.

Phật Giáo: do Thái tử Tất-đạt-đa Cồ Đàm sáng lập. Ngài sinh khoảng năm 566 tr.CN, cha là Tịnh Phạn đứng đầu bộ tộc Thích Ca. Từ khi còn trẻ ngài đã luôn trăn trở tìm giải đáp về kiếp phận con người: trước khi hiện diện trên cõi đời này ta là gì? Khi sống trên thế gian ta bị chi phối bởi quy luật nào? Sau khi chết ta ở đâu?.. Cùng hai đại sư tu theo phái ép xác khổ hành không đạt chính quả, ngài vào rừng ngồi tọa thiền dưới gốc cây bồ đề và "ngộ" được rằng: con người có tiền kiếp; vạn vật trên thế gian này đều tồn tại hữu hạn theo quy luật Thành - Trụ - Hoại - Diệt, với con người là Sinh - Lão - Bệnh - Tử; rồi sau khi chết sẽ chuyển kiếp luân hồi và tất cả đều theo sự chi phối của "Luật nhân quả". Phật giáo khởi nguồn từ Ấn Độ (nay thuộc Nê Pan) phát triển rất nhanh đến nhiều quốc gia. Đạo Phật vào Việt Nam từ bao giờ? Hiện chưa có trả lời chính xác, nhưng nhiều học giả thống nhất nước ta tiếp nhận Phật giáo khoảng thế kỷ thứ nhất sau công nguyên bằng hai đường: từ Trung Quốc xuống và từ Ấn Độ sang. Đạo Phật có hai phái chính: Đại thừa và Tiểu thừa, giống nhau là cùng Phật tổ Thích Ca Mâu-ni, cùng mục đích là cõi Niết Bàn; khác nhau là Đại thừa lo giải thoát cho tất cả chúng sinh, còn Tiểu thừa chỉ mong giải thoát bản thân. Phật giáo Việt Nam chủ yếu ảnh hưởng Đại thừa. Lịch sử Phật giáo gắn liền lịch sử dân tộc Việt Nam và ảnh hưởng sâu sắc cuộc sống văn hóa tinh thần mọi thế hệ người Việt. Tuy nhiên Phật giáo Việt Nam mang bản sắc riêng thể hiện qua 4 dòng thiền: một là "Dòng thiền Pháp Vân" do thiền sư Tỳ-ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ tới nước ta vào năm 580 đã cùng đại sư Pháp Hiền sáng lập tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu (thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay). Nội dung cơ bản triết lý Phật pháp dòng thiền này là "Phật chính tâm" (khác Phật giáo quyền năng). Nghĩa là Phật ở trong tâm ta và quỷ cũng thế. Khi ta nghĩ điều thiện, nói lời thiện, làm việc thiện thì Phật ứng. Nếu nghĩ điều ác, nói lời ác, làm việc ác thì quỷ ứng. Hai là "Dòng thiền Kiến Sơ" : năm 820 thiền sư Vô Ngôn Thông, người Trung Quốc sang nước ta tìm đến chùa Kiến Sơ (thuộc làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay) ở đấy đại sư Cẩm Thành đang trụ trì. Hai người ý hợp tâm đồng sáng lập ra dòng thiền này. Một mặt khẳng định sự đúng đắn của "Dòng thiền Pháp Vân", mặt khác phát triển thêm nội dung mới là: muốn có nền Phật giáo độc lập và hưng thịnh thì phải gắn với nền độc lập và hưng thịnh của quốc gia. "Dòng thiền Kiến Sơ" đã nêu vấn đề rất đúng đắn về mối quan hệ giữa Phật giáo và dân tộc. Điều ấy vô cùng quan trọng, nó làm nền tảng cho khối đoàn kết toàn dân tộc tạo sức mạnh vô địch trong dựng nước và giữ nước. Nó cũng lý giải vì sao hai triều Lý, Trần coi Phật giáo là quốc giáo rất nhiều tướng lĩnh và các nhân vật nắm rường cột xã tắc đều là những Phật tử chân nguyện có công lớn với đất nước. Phải đặt sự ra đời của "Dòng thiền Kiến Sơ" trong bối cảnh lịch sử đầy thăng trầm ở thời kỳ này mới thấy được giá trị thực tiễn tích cực của Phật giáo Việt Nam. Ba là "Dòng thiền Thảo Đường": thiền sư Thảo Đường người Chiêm Thành, là tù binh của Đại Việt trong cuộc chiến năm 1096, nhờ am hiểu sâu rộng giáo lý Phật pháp mà được vua Lý Thánh Tông, bậc minh quân giầu lòng từ bi thương dân như ruột thịt, sùng tín Phật giáo rất mến mộ phong làm đại sư. Hai người lấy chùa Trấn Quốc làm nơi đàm đạo và lập ra "Dòng thiền Thảo Đường". Tiếp thu triết lý hai dòng thiền Pháp Vân và Kiến Sơ dòng thiền này mở rộng thêm một khái niệm khác là mối quan hệ giữa Đạo Phật với đời thường. Trong đời có tính Phật và tính Phật ở ngay trong mỗi cuộc đời. Lo đẹp đời sẽ tốt đạo và lo tốt đạo sẽ đẹp đời. Đạo và đời luôn gắn với nhau, chân tu đắc pháp đồng thời hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm với đời, với cộng đồng, xã hội và Tổ quốc. Triết lý ấy đã trở thành phương châm tu dưỡng của Phật tử. Bốn là "Dòng thiền Trúc Lâm" do đức vua Trần Nhân Tông cùng hai môn đệ của mình là cao tăng Pháp Loa và Huyền Quang lập ra lấy chùa Phổ Minh (Nam Định) và chùa Yên Tử (Quảng Ninh) làm cơ sở. Ngoài giáo lý Phật pháp được kế thừa từ ba dòng thiền trước "Dòng thiền Trúc Lâm" đặc biệt phổ giáo phương pháp tu tập, lấy "tu tại tâm - tu tại gia" làm nguyên tắc góp phần đưa Phật giáo hòa nhập với cuộc sống đời thường. Nghĩa là bằng cách ấy từng cá nhân đều có thể làm tăng tính Phật trong mình và hiển nhiên cả thế gian sẽ bao trùm tính Phật. Bốn dòng thiền trên khẳng định tính độc lập tự chủ của Phật giáo Việt Nam, không giống Phật giáo các nước khác kể cả Trung Quốc và Ấn Độ góp phần tạo bản sắc riêng của văn hóa Việt.

Lão giáo: Lão giáo xuất hiện ở Trung Quốc từ rất lâu đời do Lão Tử, nhà triết học lớn (sống khoảng thế kỷ 6 tr.CN) lập ra. Học thuyết cơ bản của Lão Tử được ông tổng kết qua trước tác "Đạo đức kinh", ở Việt Nam đã có các bản dịch của Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, Nghiêm Toản, Nguyễn Tôn Nhan... Lão Tử ngày càng được coi là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà triết học trên thế giới. Theo Lão Tử vũ trụ, trời, đất, muôn loài được sinh ra từ Đạo. Dưới sự chuyển hoá qua lại của Đạo (Đạo hiểu theo nghĩa triết học) khiến vạn vật luôn biến động và tồn tại các mặt đối lập, mâu thuẫn nhưng thống nhất phát triển. Lão Tử nhấn mạnh tính thống nhất ấy, ông chủ trương cứ để vạn vật vận hành theo lẽ tự nhiên không lấy dục vọng ham muốn của ta tác động vào, như thế thì vũ trụ sẽ bình yên, thiên hạ không đại loạn. Đó cũng chính là nền tảng "Vô vi" trong học thuyết của ông. Cơ sở để đạt được "Vô vi" là: Vô dục - giảm thiểu đến tận diệt mọi dục vọng, tham lam; Vô tranh - không tranh giành với ai thì cũng không ai tranh giành với mình; Thủ thế - biết lùi để tiến Tri túc tri chỉ - biết đủ biết dừng. Nền tảng triết học của Lão Tử ngày càng được phát triển trên nhiều lĩnh vực, đến thời Trang Tử (369 tr.CN - 286 tr.CN), đạo Lão được ông mở rộng thêm một hướng khác. Trang Tử cũng là bậc hiền triết khả kính. Ông người nước Tống thời Chiến Quốc (Trung Quốc), hàn vi nghèo đói nhưng có chí lớn, học rộng, hiểu sâu, không làm quan, khinh ghét những kẻ tiểu nhân dựa vào giàu sang quyền thế kiếm lời. Ông sống ẩn dật, thường ngồi câu bên Bộc Thủy. Biết danh tiếng ông, có lần Sở Uy vương cử sứ giả mời ông đến nước Sở làm Tướng quốc. Trang Tử từ chối. Ông nói: "Thắt dây lưng ngọc giống như sợi dây thừng trói ngang người, mặc áo quần Tể tướng không khác quần áo tù, hàng ngày luôn phải làm việc theo sắc mặt của vua. Thứ đó ta không muốn. Con trâu được nuôi để làm vật hiến tế, thân khoác áo thêu sặc sỡ, miệng nhai cỏ thơm, thấy con trâu khác cày ruộng vất vả liền khoe khoang về sự vinh hoa phú quý của mình, đến khi bị kéo vào nhà Thái Miếu, dao thớt trước mặt thì dù có muốn làm trâu bình thường cũng không được nữa. Làm quan khổ hơn con vật. Con vật thích kêu, muốn sủa lúc nào là quyền nó, làm quan đâu được tự do muốn nói gì thì nói". Ông cung kính từ chối, rồi dốc sức nghiền ngẫm Lão Tử và cho rằng ai biết được đầy đủ triết lý Đạo của Lão Tử người đó sẽ nắm được thiên cơ trở thành chân nhân. Chân nhân là người xuất thế, thoát tục chu du đây đó, sống cùng với trăng sao, mây trời, sông núi, cỏ cây, hoa lá... có thể bất tử hiển linh để vào cõi trường sinh. Đó là những người có trí tuệ siêu phàm sức mạnh vô biên và nhiều công lao mưu hạnh phúc cho đồng loại, cho quốc gia xã tắc, chứ không chỉ lo giải thoát cứu độ cho mình. Những bậc Thánh nhân ấy cần được thờ phụng nơi đình đền tôn miếu.