Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHẢI COI "ĐỌC" LÀ "ĐẠO"

Đắc Trung
Thứ ba ngày 16 tháng 11 năm 2021 1:41 PM





Cổ nhân dạy: "Không sợ trong đời không có ngọc minh châu, chỉ sợ trong đầu không có một cuốn sách". Cổ nhân cũng dạy: "Đọc sách phải suy nghĩ, nếu không đọc cũng vô ích và suy nghĩ phải đọc sách, nếu không suy nghĩ chỉ quẩn quanh trong bóng tối".

Cha ông ta xưa lấy văn để tải "đạo" nên "đọc" được coi là "đạo".

Sách là thầy, là bạn, là tri âm tri kỷ. Không hiểu hỏi sách, vui buồn tìm đến với sách. Sách dạy ta, khuyên ta, đồng cảm với ta, chí tình chí nghĩa với ta mà rất vô tư trong sáng. Sách nâng nhân cách ta lên, mở rộng cho ta tầm trí tuệ, giúp ta thông thái bớt sai lầm. Đọc được nhiều sách, hiểu biết suy nghĩ được nhiều điều. Không đọc sách giống như đứng dưới chân núi chỉ thấy bốn bề cây cối um tùm rậm rạp. Đọc nhiều, sách đưa ta lên cao. Từ trên cao vẫn đôi mắt ấy nhưng nhìn được rộng hơn, rõ hơn. Vẫn đôi tay ấy nhưng khi giơ lên người từ xa có thể nhìn thấy. Vẫn âm thanh ấy nhưng khi hú gọi người từ xa có thể nghe thấy. Đọc nhiều sách giúp ta cao sâu mưu trí. Công dụng của sức chỉ có một, nhưng công dụng của mưu trí gấp ngàn lần. Giỏi kiếm thuật, giỏi võ nghệ chỉ địch nổi mấy chục người, nhưng giỏi mưu lược có thể địch nổi vạn người. Hiệp sĩ Hy Lạp có câu: "Thua thường do lỗi ở kiếm. Thắng thường do công của sách". Ở đời học ít hiểu nhiều, hơn học nhiều hiểu ít. Mà muốn hiểu nhiều thì phải đọc. Trong cuộc sống những ai dù tột cùng quyền cao chức lớn, hoặc giàu có "phú gia địch quốc" nhưng ít đọc thường dễ bị người khác coi thường. Nghèo nhất trong mọi cái nghèo, khổ nhất trong mọi thứ khổ và nhục nhất trong mọi nỗi nhục là sự tăm tối. Mà muốn thoát khỏi tăm tối thì phải đọc. Hàng ngày tìm món ăn cho dạ dày thì cũng phải lo món ăn cho óc. Món ăn cho óc chính là đọc. Khi mở mắt chào đời mọi người giống nhau là đều không biết gì ngoài oe oe khóc. Sau này giàu, nghèo, sang, hèn, vinh, nhục, sướng, khổ, thông thái, đần độn, tốt, xấu, hay, dở... sự khác nhau thường do học, đặc biệt là đọc. Tomat Jépphơxon (Thomas Jefferson), Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba nước Mỹ, người khởi thảo bản "Tuyên ngôn độc lập" (1776) nổi tiếng ("Người ta sinh ra đều có quyền bình đẳng, đều có quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc..."), từng viết: "Đọc sách là sự hưởng thụ lớn nhất", vì việc đó cao đạo hơn, ý nghĩa hơn, hữu ích hơn mọi loại hưởng thụ khác. Không biết chữ là mù chữ, biết chữ nhưng không chịu đọc là mù đọc. Mù đọc khác gì mù chữ. Văn Miếu ở Quốc Tử Giám (Hà Nội) thờ Khổng Tử ông thánh của Đạo Nho. Trong đó có bức hòanh phi đề ba chữ: "Thập đại thành". Đó là câu rút ra từ sách "Luận ngữ" của ngài. Sách viết: "Tập tiên thánh chi đại thành". Nghĩa là phải học kỹ lưỡng, học tất cả các bậc hiền triết không trừ một ai. Mà muốn làm được thì phải đọc. Tuy nhiên biết đọc cũng không dễ, nhất là đọc văn. Đọc bằng mắt thì cái hay vào đầu. Đọc bằng óc thì cái hay vào máu. Đọc bằng tâm thì cái hay vào xương tuỷ và mới biến thành "đạo".

Hữu ích của việc đọc khỏi cần bàn. Biết bao nhân tài kiệt suất nhờ đọc sách. Trương Lương thời Tiền Hán xuất thân dòng dõi danh gia vọng tộc, từ nhỏ đã dùi mài bách thư, đọc nhiều hiểu rộng. Có lần gặp một cụ già râu tóc bạc phơ trên cầu. Chiếc giầy rơi xuống sông, cụ bảo Trương Lương như ra lệnh: "Hãy vớt lên cho lão". Xuất thân cao quý, bị xúc phạm thế nhưng Trương Lương không hề phật ý, vớt giầy lên giúp ông lão. Không cám ơn, ông lão vẫn ngồi giơ chân sai Trương Lương xỏ giầy cho mình. Trương Lương quỳ xuống làm theo. Ông lão nói: "Vào lúc bình minh năm ngày sau đến gặp lão tại đây", rồi bỏ đi. Năm ngày sau theo hẹn, Trương Lương đến, đã thấy ông lão. Ông lão trách sao đến muộn. Hẹn bình minh năm ngày sau lại đến. Lần thứ hai Trương Lương đến sớm hơn, tới nơi cũng đã thấy ông lão. Lần này ông bực tức quát mắng, Trương Lương nhẫn nhịn. Ông lại hẹn bình minh năm ngày sau. Lần này Trương Lương đến từ nửa đêm ngồi đợi bình minh. Khi tới đã thấy chàng trai có mặt, ông vui vẻ đưa cho cuốn sách, nói: "Đọc cuốn sách này có thể làm thầy của vua. Mười năm sau thiên hạ sẽ đại loạn. Mười ba năm sau ta và người gặp nhau ở Tế Bắc. Tảng đá vàng nằm dưới chân núi Cốc Thành chính là ta đó". Nói rồi ông lão bỏ đi. Trương Lương mở sách coi. Đó là cuốn "Thái Công binh pháp", (Thái Công là Khương Tử Nha thời nhà Chu, mưu lược gia lỗi lạc). Hơn được ngọc quý, Trương Lương ngày đêm nghiên cứu, nghiền ngẫm hiểu dần những điều kỳ diệu, uyên thâm trong sách. Nhờ thế sau này trở thành đại quân sư của Hoàng đế Lưu Bang, rất tinh thông thao lược, túc trí đa mưu "trù hoạch trong màn trướng mà quyết thắng nơi ngàn dặm". Mười ba năm sau Trương Lương đi Tế Bắc tìm đến núi Cốc Thành, quả nhiên ở chân núi có tảng đá lớn màu vàng cao sừng sững vội cúi đầu quỳ lạy.

Chuyện ông già kỳ lạ chẳng biết có không, nhưng nhờ đọc và nghiền ngẫm sách "Thái Công binh pháp" mà Trương Lương trở nên phi phàm. Mới thấy sức mạnh kỳ diệu của sách và những người có hoài bão lớn, ý chí nghị lực lớn, hiếu học và hiếu đọc tất sẽ thành công lớn.

Thời Tam Quốc, Lã Mông là danh tướng nước Ngô. Mồ côi cha từ nhỏ, hàn vi nhưng có chí. Thiên hạ đại loạn cùng mẹ chạy sang đất Ngô theo Đặng Đang là anh rể làm chức Biệt Bộ tư mã dưới trướng Tôn Quyền, rồi được thay chức ấy khi anh rể chết và được Tôn Quyền yêu mến. Có tài lại dũng cảm, đánh đâu thắng đấy được Tôn Quyền phong dần tới chức Hoàng Dã Trung Lang tướng. Biết Lã Mông có cơ trí, trọng nghĩa khí nhưng do ít học nên tính tình nóng nảy cục cằn "hữu dũng vô mưu" không có tài thao lược, muốn triển vọng phải cần tri thức. Một hôm Tôn Quyền nói với Lã Mông: "Bây giờ khanh đã nắm giữ chức vụ quan trọng của quốc gia nên phải chăm chỉ đọc sách và suy nghĩ. Có như thế mới cống hiến được nhiều cho xã tắc". Lã Mông nghe xong vẫn thản nhiên, còn nói: "Thần cả ngày bận quân vụ, rảnh rỗi lúc nào mà đọc sách". Tôn Quyền vẫn ôn tồn: "Ta chỉ khuyên khanh muốn làm nên nghiệp lớn thì phải giàu trí tuệ. Bởi thế phải chịu đọc, chịu suy nghĩ. Khanh có bận đến mấy cũng không bận bằng ta. Vậy mà ta vẫn ngày đêm tranh thủ đọc sử sách, nghiền ngẫm binh thư". Lời khuyên chân thành của bậc vua sáng khiến Lã Mông tỉnh ngộ. Từ đó ông ra công đọc sách văn, sách sử, binh thư... và nhiều loại sách khác. Càng đọc kiến thức càng mở mang, càng say mê đọc. Mấy năm sau Lỗ Túc là bậc quân sư của Tôn Quyền lâu nay vẫn xem thường Lã Mông về trí tuệ, gặp lại Lã Mông. Khi đạo đàm về chiến cuộc đương thời, luận về quá khứ, tương lai, về thế thái nhân tình Lỗ Túc hết sức kinh ngạc trước sự hiểu biết sâu sắc của Lã Mông: "Tôi không ngờ tài lược của tướng quân bây giờ đã đạt trình độ cao như thế. Thật khác hẳn với Lã Mông khi xưa chỉ biết hò hét". Lã Mông cười: "Kẻ sĩ xa nhau lâu ngày nhìn nhau mới rõ". Từ đó Lỗ Túc không dám coi thường Lã Mông, kết Lã Mông làm tâm giao tri kỷ, còn Tôn Quyền thì xem Lã Mông là "quốc sĩ".

Kiến thức mà Lã Mông có được là do đọc chứ đâu qua trường lớp. Lão Tử, Khổng Tử, Đức Phật Thích-ca Mâu Ni, ngay cả Bác Hồ có học qua nhiều trường lớp đâu, có học hàm học vị gì đâu mà đều là bậc thánh nhân minh triết. Chủ yếu là do đọc, do từng trải và tổng kết tích lũy từ trường đời.

Có hai tử tù chờ ngày hành quyết bị nhốt ở hai phòng biệt giam liền nhau. Người thứ nhất không đọc gì chỉ nghĩ lung tung. Anh ta căm thù những kẻ tham lam phản bội trong băng nhóm, căm thù những người hàng xóm tò mò nhòm ngó thóc mách những việc làm mờ ám của anh ta, căm thù công an khu vực và cảnh sát điều tra, oán hận quan toà, điên cuồng lồng lộn chửi rủa, gào thét, suốt ngày đêm chỉ tính kế vượt ngục ra ngoài để trả thù. Tâm địa đen tối, nghĩ suy mù quáng khiến anh ta như con thú cùng đường. Anh ta không hề tự hỏi vì sao mình phải vào tù? Vì sao phải lãnh án tử hình? Mình đã gieo rắc bao tai họa, gây bao tội ác cho người khác, cho xã hội? Người thứ hai được thân nhân đưa vào những cuốn sách về Phật Giáo, về tâm linh, về luân lý... Anh ta đọc và suy ngẫm. Càng đọc càng ngộ ra về tiền kiếp, về luân hồi, về nhân quả, về đạo làm người, ngộ ra rằng do kiếp trước, các kiếp trước và cả kiếp này nữa mình gây ra tội lỗi mà phải gánh chịu quả báo nên không hề oán hận ai, mà chỉ tự trách mình. Rằng sau khi chết có luân hồi chuyển kiếp. Phải tu rèn phước đức, loại trừ tội lỗi thì kiếp sau sẽ tốt đẹp hơn. Nhờ đọc sách, nhờ hiểu ra chân lý, ý nghĩa của sự sống mà anh ta sám hối và trong thâm tâm chân thành xin lỗi những người mình đã trót làm tổn thương, tổn hại đến họ, thề kiếp sau nếu được làm người sẽ không nghĩ điều ác, nói lời ác, làm việc ác...

Khi đem ra hành quyết trên giá treo cổ.

Người thứ nhất gào thét chửi rủa, giãy giụa trước khi chết nên mặt phù, mắt lồi, da tím đen, máu ựa ra, lưỡi đùn khỏi miệng hình thù biến dạng trông rất ghê rợn.

Người thứ hai thanh thản, bình tĩnh tiếp nhận cái chết, máu không trào ra miệng, mặt không biến dạng, mắt khép hờ như ngủ, có thể thấy rõ sự thành tâm hướng thiện.

Đó chính là nhờ đọc sách mà thấu hiểu ý nghĩa sự sống, chết.

Cổ nhân dạy: "Đọc để được ngộ ra chân lý buổi sáng, rồi buổi chiều có phải chết cũng đáng" quả là chí lý.

Cổ nhân cũng dạy: "Khôn chết, dại chết, chỉ biết là sống".

Mà muốn biết thì phải học, phải đọc.

Đọc là chìa khóa vạn năng giúp ta mở được tất cả các cửa cuộc đời.

Một người muốn có sự nghiệp lớn phải có học vấn cao. Muốn có học vấn cao phải đọc.

Một dân tộc muốn có sức mạnh phải có dân trí cao. Muốn dân trí cao phải xây dựng được: "Văn hóa đọc".

BỞI THẾ PHẢI COI "ĐỌC" LÀ "ĐẠO".