Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỊCH SỬ PHẢI LÀ... LỊCH SỬ

Đắc Trung
Thứ ba ngày 11 tháng 5 năm 2021 9:58 AM




Là nhà quân sự, xuất thân giáo sư sử học, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm mối quan hệ giữa lịch sử và thế hệ trẻ. Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kỳ 3, khóa 3, năm 1996, với tư cách là Chủ tịch danh dự, ông trăn trở: "Tôi rất băn khoăn và hơn thế là sự lo lắng, đó là vì sao kiến thức lịch sử lại không phổ biến sâu rộng được trong quảng đại quần chúng như giới trẻ".
Việc Đại tướng băn khoăn rất đáng để mọi người suy ngẫm.

Bởi lịch sử gắn liền với "Đạo làm người" và sự tồn vong của đất nước. Một dân tộc nếu đánh mất lịch sử, không hiểu lịch sử hoặc hiểu sai lịch sử thì sẽ chẳng khác kẻ mất trí chìm sâu trong mê muội. Tiền nhân dạy: "Dĩ sử vi giám". Hiểu lịch sử sẽ tránh được vết xe đổ. Không hiểu lịch sử, giống kẻ không biết đường lao đầu trong rừng rậm. Muốn xác định một người hãy xem "Thẻ căn cước". Ở đấy ghi những điều cần thiết, nhưng muốn biết một dân tộc phải hiểu lịch sử và nền văn hóa của họ. Dù là một bộ tộc lạc hậu cũng có lịch sử và văn hóa, không thế lực nào được quyền chà đạp, xuyên tạc và đồng hóa.

Từ năm 1942, trên Báo Độc Lập, Bác Hồ đã viết: "Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Có nghiên cứu lịch sử mới biết cội nguồn của chính mình, gia đình, dòng họ, quê hương, Tổ quốc và nòi giống dân tộc mình; mới biết giữ gìn, bảo vệ giang sơn đất nước và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông mình; mới có ý chí quyết tâm và tinh thần dũng cảm để không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ thế lực nào, kẻ thù nào, sự cám dỗ mua chuộc nào.

Trong xu thế "hòa nhập" hiện nay, nếu không có sức mạnh truyền thống lịch sử dân tộc để tự vệ, sẽ rất dễ bị "hòa tan". Quốc gia suy vong vì thế.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết: "Con người nếu không biết lịch sử thì chẳng khác con trâu, sẵn sàng kéo cày ở bất cứ ruộng nào và do ai điều khiển, miễn là được cho ăn". Triều nhà Thanh (Trung Quốc) suy đến mức hoặc phải nhượng địa (đảo Điếu Ngư cho Nhật Bản), hoặc cho nước ngoài thuê đất thời gian đền hàng trăm năm (Ma Cao cho Bồ Đào Nha, Hồng Kông cho Anh...) cam phận để đất nước bị ngoại bang xâu xé chỉ cốt sao trước mắt thu được ít tiền mà mang tội với lịch sử với tổ tiên, con cháu và để lại biết bao hậu hại cho quốc gia dân tộc.

Lịch sử quan trọng là thế . Vậy mà môn lịch sử ngày nay trong nhà trường, giáo viên không muốn dạy, học sinh, sinh viên không muốn học. Các kỳ thi tốt nghiệp bậc phổ thông trung học, số thí sinh đăng ký môn lịch sử rất ít. Năm 2014, ở Hà Nội có 12%, ở Hải Dương chỉ 1%... Chất lượng môn lịch sử thi vào đại học quá thấp, có tới 62% bị điểm 2, thật rất đáng báo động. Không chỉ lo ngại việc dạy và học môn lịch sử ở cấp phổ thông và bậc đại học, mà nguy hại còn ở chỗ, lớp trẻ, thậm chí không ít cán bộ các cấp đâu chỉ thờ ơ không quan tâm đến lịch sử mà thực tế là "mù sử".
Vậy nguyên nhân tại đâu?
Nhiều. Chẳng hạn không ý thức được tầm quan trọng của lịch sử trong cuộc sống xã hội và gắn với sự tồn vong của dân tộc; hoặc trong việc tuyển chọn cán bộ người ta không coi am hiểu lịch sử là một tiêu chí... Nhưng điều nguy hại phải kể đến là quan điểm và chất lượng biên soạn nội dung chương trình lịch sử trong hệ thống giáo dục, cùng tài liệu văn bản, sách báo, hiện vật lịch sử trưng bày, lưu hành trong xã hội không hoàn toàn đúng nghĩa của bản chất lịch sử.
Bản chất lịch sử là sự thật. Cho dù sự thật rất đau lòng vẫn phải phản ánh trung thực. Đó mới là lịch sử và tồn tại lâu dài. Vì mục đích chính trị hay bất cứ lý do nào không trung thực với sự thật thì không phải lịch sử. Những tài liệu mạo danh lịch sử không đáng tin cậy ấy sẽ rất nguy hại và nhất định sẽ bị phế bỏ. Lịch sử không có "vùng cấm". Không ai có thể bỏ qua, bóp méo, xuyên tạc, đánh bóng hay bôi bẩn lịch sử. Lịch sử chỉ là lịch sử khi đó là sự thật. Mà sự thật thì chỉ có một. Là nhân vật lịch sử, đặc biệt yếu nhân lịch sử thì dù đứng đâu, thậm chí bị xuyên tạc đến đâu cũng vẫn là nhân vật, là yếu nhân lịch sử. Không phải nhân vật hoặc yếu nhân lịch sử thì dù có tìm cách chiếm chỗ, tranh công, đổ lỗi trước sau cũng bị đào thải. Quả trứng giống hòn đá nhưng trứng không phải là đá. Quạ thì mãi mãi là quạ chứ không thể thành đại bàng được. Cũng là tướng nhưng có người là danh tướng, là hùng tướng có kẻ là hèn tướng, là mạt tướng. Quần áo không làm nên thày tu. Có thể có cái mũ giống mũ nhà thông thái nhưng không thể có cái đầu thông thái. Chân giá trị là sự thật. Giấy không gói được lửa. Một điều dối trá sẽ kéo theo nhiều điều dối trá. Triết lý rút ra từ "Kinh dịch": "Dĩ bất biến, ứng khả biến", lịch sử chính là "bất biến".
Mặt khác cũng không nên hiểu lịch sử theo nghĩa hẹp, đơn giản. Cho rằng cái gì đã qua đều thuộc quá khứ lịch sử, hoặc coi lịch sử chỉ là những sự kiện, các con số... mà căn bản là quan điểm lịch sử, tinh thần lịch sử, thái độ giải quyết những vấn đề lịch sử. Sứ mệnh thiêng liêng cao cả của lịch sử là đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực và công bằng. Bất cứ quốc gia dân tộc nào cũng đều xuất phát từ lãnh thổ hiện tại để viết sử. Tất cả những gì diễn ra trên không gian địa lý đó đều là lịch sử của quốc gia ấy, dù trong quá khứ đã từng có những dân tộc xác lập nhà nước riêng. Tất cả các cộng đồng, tộc người đã từng tồn tại trên không gian lãnh thổ đó đều thuộc về lịch sử quốc gia của nhà nước đang quản lý. Tất cả những sự kiện, nhân vật, dân cư dù đoàn kết thống nhất hay mâu thuẫn, đối lập, xung đột, thậm chí chiến tranh trong từng giai đoạn của quá khứ cũng phải được lịch sử thể hiện khách quan trung thực.

Bằng quan điểm ấy chúng ta sẽ tránh được tình trạng viết về lịch sử các vương triều, các đời vua thậm chí những người nắm rường cột xã tắc thì đầy đủ, trong khi vai trò lịch sử của nhân dân lại mờ nhạt. Bằng quan điểm ấy chúng ta sẽ tránh được 54 dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng lịch sử của người Việt thì viết kỹ còn những dân tộc khác lại sơ sài. Bằng quan điểm ấy chúng ta sẽ tránh được lịch sử miền Bắc ghi chép có ngọn nguồn từ thời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, An Dương Vương đến Bắc thuộc, phong kiến, cận đại, hiện đại trong khi lịch sử Nam Trung Bộ chỉ thể hiện từ thế kỷ XVI và Nam Bộ chỉ từ thế kỷ XVII. Vậy trước đó lịch sử Nam Trung Bộ và Nam Bộ thế nào? Câu hỏi đặt ra chưa có trả lời sẽ tạo khoảng trống nguy hiểm dẫn đến những suy diễn tùy tiện rất bất lợi cho việc khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Bằng quan điểm ấy chúng ta sẽ nhận thức đúng đắn về vai trò lịch sử, xét cả công lẫn tội của từng triều đại, từng thể chế chính trị cũng như từng nhân vật, nhất là những nhân vật nắm rường cột xã tắc. Chẳng hạn công của chúa Nguyễn và triều Nguyễn là mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước (thật ra Quang Trung Nguyễn Huệ cũng có công lớn mà Nguyễn Ánh được thừa hưởng), khai phá đồng bằng sông Cửu Long, định hình được một nhà nước thống nhất và lãnh thổ Việt Nam từ năm 1802 suốt Mục Nam Quan tới Cà Mau, Tây Nguyên ra biển bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa cơ bản là lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Thành tựu ấy lịch sử không thể phủ nhận. Tuy nhiên cũng không thể chối bỏ hai tội lớn là để quốc gia rơi vào tay người Pháp và quá bảo thủ kiên trì bám giữ chế độ phong kiến lạc hậu, chối bỏ tất cả những đề xuất cách tân đất nước của những nhân sĩ trí thức tiến bộ. Bằng quan điểm ấy chúng ta sẽ tránh được khi viết về lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) và chống Mỹ (1954 - 1975) thì thể hiện đầy đủ các sự kiện thuộc phía chính quyền cách mạng diễn ra ở vùng tự do và chiến sự, trong khi phản ánh lịch sử phía lực lượng đối lập cũng như vùng họ tạm chiếm lại rất sơ lược. Bằng quan điểm ấy chúng ta sẽ tránh được việc bỏ qua những sự kiện quan trọng (được gọi là "nhạy cảm") đã từng diễn ra mà tác động của nó chi phối rất lớn đến lịch sử.

Phản ánh khách quan và trung thực những sự kiện lịch sử trên lập trường vì lợi ích quốc gia dân tộc là quan điểm đúng đắn, khoa học. Quá khứ đã để lại nhiều dân tộc, giai cấp hoặc phe phái có những hố sâu ngăn cách, thù địch. Chúng ta cần thái độ và cách giải quyết thế nào để không phủ nhận, không quên quá khứ, nhưng cũng không để điều đó ảnh hưởng tới việc "hòa hợp" cùng chung tay góp sức xây dựng tương lai. Thái độ đối với lịch sử mỗi quốc gia, mỗi địa phương, mỗi dòng họ, mỗi gia đình, mỗi cá nhân con người cũng vậy.

Biên soạn, tổng kết bất chấp sự thật, tính trung thực lịch sử bị vi phạm và can thiệp thô bạo, tô hồng, bóp méo, cắt bỏ, phân tích, bình luận, đánh giá thiếu trung thực, không khách quan, khoa học và công bằng làm cho sự kiện và nhân vật càng "tam sao thất bản". Một nửa chiếc bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật. Lịch sử phải trung thực tuyệt đối với sự thật. Muốn thế người làm sử không chỉ giỏi về kiến thức, hơn thế phải vô cùng bản lĩnh và dũng cảm trước mọi thế lực bất chấp cả mạng sống của mình. Năm 548 tr.CN, Tướng quốc nước Tề (Trung Quốc) là Thôi Trữ. Thôi Trữ giết vua Tề là Trang Công để thâu tóm quyền lực. Ông ta gọi quan Thái sử Bá đến. Thôi Trữ nói: "Nhất định ông phải viết Tiên Vương chết vì bệnh nặng". Thái sử Bá nói: "Lịch sử không thể ghi chép hồ đồ. Viết theo sự thật là bổn phận của Thái sử". Thôi Trữ không ngờ Thái sử Bá dám chống lệnh, giận giữ hỏi: "Ông định viết thế nào?". Thái sử Bá đáp: "Tôi viết xong rồi, ông sẽ biết ngay thôi". Thôi Trữ cầm lên đọc: "Hạ ngũ nguyệt, Thôi Trữ thích quân" (vào tháng 5 mùa hạ, Thôi Trữ giết vua). Thôi Trữ nói: "Ông phải viết khác đi, nếu không ta giết ông". Thái sử Bá lắc đầu: "Giết thì giết, ta không thể viết khác". Thôi Trữ liền chém đầu Thái sử Bá. Thái sử Trọng là em trai Thái sử Bá nghe tin anh bị giết liền đến thay chức vụ của anh. Thôi Trữ kinh ngạc vì thấy Trọng vẫn viết đúng như anh mình, liền rít lên: "Ông không biết Thái sử Bá đã bị chém hay sao?". Trọng đáp: "Thái sử chỉ sợ viết không trung thực chứ không sợ chết". Thôi Trữ lại chém Thái sử Trọng. Thái sử Thúc, em trai Thái sử Bá và Thái sử Trọng được vào thay. Ông cũng chép đúng như hai anh của mình và lại bị chém. Thái sử Quý, em út của ba Thái sử trên vào thay, vẫn viết: "Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân". Viết xong, ông nói với Thôi Trữ: "Ông càng giết người thì càng chứng tỏ sự tàn bạo. Nếu tôi không viết thì người khác sẽ viết và thiên hạ cũng biết. Ông có thể giết chết Thái sử, nhưng không thể giết chết được sự thật". Thôi Trữ nghe xong không dám giết.
Bản lĩnh và nhân cách nhà sử học chân chính là không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực cường quyền. Tư tưởng ấy của sử gia vĩ đại Tư Mã Thiên triều Tây Hán (Trung Hoa) từ thế kỷ I tr.CN và được coi như kim chỉ nam cho khoa học lịch sử.

Ngày nay dân trí cao, biết thế nào là lịch sử và không phải lịch sử. Cho nên việc giáo viên không muốn dạy, học sinh, sinh viên không muốn học, thế hệ trẻ và không ít cán bộ thờ ơ thậm chí "mù sử" cũng là điều dễ hiểu. Bởi vậy, khi tìm nguyên nhân phải xem xét từ cội nguồn sâu xa và giải quyết bằng quan điểm, thái độ đúng với bản chất khoa học lịch sử thì mới khắc phục được.

Muốn thế điều tiên quyết:

LỊCH SỬ PHẢI LÀ... LỊCH SỬ.